Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

Hành trình đi tới đại thắng mùa Xuân 1975
09:03 | 22/04/2024

 KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024)

Ngay sau khi Hiệp định Geneva được ký kết (7-1954), đế quốc Mỹ nhảy vào thay chân Pháp, thực hiện ý đồ áp đặt ách thống trị của chủ nghĩa thực dân mới tại miền Nam Việt Nam nhằm chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam Việt Nam thành căn cứ quân sự và tiền đồn chống Cộng ở khu vực.

 

Mỹ thẳng tay gạt bỏ các thế lực thân Pháp, dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, nhanh chóng xây dựng bộ máy chính quyền cơ sở, bộ máy an ninh mật vụ và ngụy quân làm công cụ để triển khai các chính sách thực dân kiểu mới. Trong giai đoạn 1954-1958, do sự khủng bố tàn bạo của ngụy quân và bộ máy chính quyền Ngô Đình Diệm, cách mạng miền Nam phải chịu đựng những thử thách và tổn thất hết sức nặng nề.

Đầu năm 1959, Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra đời, mở ra một phương thức đấu tranh mới. Cách mạng miền Nam từ chỗ chỉ tiến hành đấu tranh chính trị, giữ gìn bảo toàn lực lượng là chính tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị song song với đấu tranh vũ trang. Năm 1961, đế quốc Mỹ tiến hành “Chiến tranh đặc biệt” nhằm đè bẹp và tiêu diệt Quân giải phóng, cách mạng miền Nam Việt Nam từ khởi nghĩa từng phần phát triển thành một cuộc chiến tranh cách mạng, đánh địch bằng 3 mũi giáp công trên cả 3 vùng chiến lược. Giai đoạn 1961-1972, dưới ánh sáng của đường lối chiến tranh nhân dân, quân và dân ta đã đánh bại các chiến lược của đế quốc Mỹ. Đặc biệt, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã tạo ra bước ngoặt quan trọng cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam. 

Nhạy bén nắm bắt tình thế thuận lợi mới khi ngụy quân Sài Gòn suy yếu, Mỹ bế tắc về chiến lược, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên các chiến trường miền Nam, cùng với việc đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng B-52 của Mỹ ở miền Bắc cuối tháng 12-1972, Việt Nam đã đạt được mục tiêu giành thắng lợi quyết định, buộc đế quốc Mỹ phải xuống thang, chấp nhận ký kết Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (1-1973).

Hành trình đi tới đại thắng mùa Xuân 1975
Nhân dân Sài Gòn đón chào Quân giải phóng chiếm phủ tổng thống ngụy, trưa 30-4-1975. Ảnh tư liệu 

Mặc dù Hiệp định Paris được ký kết, quân Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ buộc phải rút khỏi miền Nam Việt Nam, nhưng đế quốc Mỹ vẫn tiếp tục theo đuổi chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, hậu thuẫn cho ngụy quân, ngụy quyền tiến hành “cuộc chiến tranh lấn chiếm và bình định”. Tháng 7-1973, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam lần thứ 21 khẳng định con đường của cách mạng miền Nam vẫn là con đường bạo lực. Cuối năm 1974, đầu 1975, Bộ Chính trị thống nhất quyết tâm chiến lược và thông qua kế hoạch giải phóng miền Nam, trong đó xác định Nam Tây Nguyên là hướng tiến công chiến lược chủ yếu. Kế hoạch này sẽ được tiến hành trong hai năm (1975-1976), nếu thời cơ đến thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975.

Với tinh thần “một ngày bằng 20 năm”, chúng ta đã tổng động viên sức mạnh của cả nước cho đòn tiến công chiến lược mang tính quyết định. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 được tạo bởi 3 đòn tiến công chiến lược, đến đầu tháng 4-1975, ta giành chiến thắng ở các chiến dịch Tây Nguyên, Trị-Thiên, Đà Nẵng. Trước tốc độ phát triển tiến công diễn ra nhanh hơn dự kiến, Bộ Chính trị và Thường trực Quân ủy Trung ương tiếp tục điều chỉnh kế hoạch chiến lược và hạ quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam trong thời gian sớm nhất.

Từ chỗ hạ quyết tâm hoàn thành giải phóng miền Nam trong hai năm, rồi rút ngắn giải phóng trong năm 1975 và cuối cùng là ngay trong tháng 4-1975. Cuộc tổng tiến công đạt đến độ “thần tốc”. Sau chiến thắng Đà Nẵng, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định thành lập cánh quân Duyên hải; đồng thời với “tầm nhìn chiến lược biển, đảo”, Quân ủy Trung ương chỉ thị cho Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân và Quân khu 5 nhanh chóng tổ chức lực lượng giải phóng quần đảo Trường Sa và các đảo ở vùng biển phía Nam thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Ngày 9-4-1975, trên các chiến trường Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long, Quân giải phóng cùng lực lượng vũ trang và nhân dân các địa phương đồng loạt mở các cuộc tiến công giải phóng địa bàn, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực đối phương, tạo thế cho đòn tiến công chiến lược cuối cùng nhằm vào Sài Gòn-Gia Định. Ngày 16-4, cánh quân Duyên hải cùng với lực lượng vũ trang tỉnh Ninh Thuận đập tan “lá chắn thép” Phan Rang-một trong những tuyến phòng thủ bảo vệ Sài Gòn từ xa. Ngày 21-4, chủ lực Quân giải phóng miền Đông Nam Bộ phối hợp với quân dân Xuân Lộc-Long Khánh chọc thủng “cánh cửa thép Xuân Lộc”, tạo điều kiện cho cánh quân hướng Đông thần tốc tiến về Sài Gòn.

Tính đến ngày 25-4-1975, ta đã tập trung cho chiến dịch lực lượng và binh khí kỹ thuật rất lớn. Ngày 26-4, đòn tiến công chiến lược cuối cùng mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu diễn ra. Đây là một chiến dịch tiến công có quy mô lớn nhất trong lịch sử chiến tranh Cách mạng Việt Nam. Các cánh quân từ 5 hướng: Quân đoàn 3 trên hướng tiến công chủ yếu (Tây Bắc); Quân đoàn 1 trên hướng Bắc; Quân đoàn 2 trên hướng Đông Nam; Quân đoàn 4 trên hướng Đông và Đoàn 232 trên hướng Nam đồng loạt nổ súng tiến công các mục tiêu đã được xác định, mở màn cho trận quyết chiến, chiến lược cuối cùng giải phóng Sài Gòn - Gia Định.

Vòng vây sào huyệt cuối cùng của ngụy quân, ngụy quyền ngày càng bị ta khép chặt. Nhiều phe, nhóm hiếu chiến mặc dù trong cơn hấp hối vẫn tìm mọi cách chống trả quyết liệt. Ngày 28-4, Trần Văn Hương từ chức Tổng thống ngụy, bàn giao lại cho Dương Văn Minh. Tuy nhiên, mọi sự chống trả của ngụy quân, ngụy quyền đều trở nên vô vọng. 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, lá cờ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kéo dài 21 năm của dân tộc Việt Nam.

Trong cuộc đụng đầu lịch sử này, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh, quân và dân Việt Nam đã đánh thắng từng bước leo thang chiến tranh của đế quốc Mỹ, từ “Chiến tranh một phía”, “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ” đến “Việt Nam hóa chiến tranh”; thực hiện sách lược giành thắng lợi từng bước làm thay đổi cục diện chiến trường, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn, thu giang sơn về một mối./.

                                                                                                                                                                                         Nguồn: Báo Quân đội nhân dân