“Giọng Quan họ” là một khái niệm được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Hiểu phổ biến nhất, “một giọng” là một âm điệu của những cặp bài hát cụ thể. Khi ca đối đáp giữa Quan họ nam và Quan họ nữ, mỗi giọng thường có bài ra (câu ra) và bài đối lại (câu đối), thường đối xứng cả về ý nghĩa, cá biệt một số câu chỉ dành cho bên nam hát, và một số giọng chỉ có 1 bài duy nhất (giọng độc).
Giọng "La rằng" trong Quan họ là một âm điệu có nhiều câu ca nhất thuộc hệ giọng “sổng” có từ lâu đời, là giọng bắt buộc phải ca lên trong chặng đầu tiên của lối hát Quan họ truyền thống. Mang âm điệu chậm rãi, nhiều tiếng đệm lót, có sự đặc trưng của ca hát Quan họ truyền thống, khi ca giọng này thì người ca phải phải có sức khỏe, nội lực, giọng phải “vang”. Hầu hết người Quan họ đều cho rằng, không ca được một câu "La rằng" cho chuẩn thì đừng nói chuyện ca Quan họ; chỉ các liền anh, liền chị có thâm niên mới ca vững vàng được giọng Quan họ này.
Về số lượng câu ca theo giọng "La rằng", đến nay có thể có trên 150 bài ca khác nhau ở tất cả sinh hoạt Quan họ như ca thờ, hay ca hát chúc, hát mừng. Lời ca theo giọng này mang nhiều sắc thái, biểu cảm phong phú nhất của hơn 300 giọng Quan họ. Với tính chất quy củ, khuôn phép chặt chẽ của lề lối ca hát Quan họ, "La rằng" là một giọng nổi bật vì khó hát, lại luôn luôn xuất hiện ở chặng đầu mỗi canh hát cầu may, cầu phúc khi có lễ hội đình, chùa; khi nhà có việc vui hoặc chỉ là để vui bầu, vui bạn, vui xóm, vui làng…
Vui thay dân mở tiệc mừng,
Lễ bày tiên thánh lễ nghinh xướng tùy,
Đôi tôi là đấng nam nhi,
Bây giờ tôi chúc một khi thọ trường,
Mừng người thọ khảo vô cương,
Bình an dân sự bình an cửa nhà.
Trong ca thờ tại đình, đền các bọn Quan họ thường sắm sửa trầu cau, hương nến, hoa quả vào đình làm lễ thánh và cũng là lễ trình dân. Ở trong đình, Quan họ ngồi riêng ở một bên, khi được cho phép, Quan họ ca giọng "La rằng" với những bài như lời thỉnh cầu của người dân lên các bậc đức thần, đức thánh linh thiêng:
Chúc thờ thượng đẳng tối linh,
Mừng cho dân xã hiển vinh đời đời.
Chúc thờ thượng đế lưu ân,
Mừng cho an nước an dân tốt lành.
Hát thờ thượng đẳng anh linh,
Phù trì dân xã hiển vinh muôn đời.
Chúc thờ thánh đế lên ngôi,
Trên thuận lòng trời, dưới thuận lòng dân.
Người Quan họ tin rằng, tiếng hát Quan họ có thể thấu đến trời cao và thế giới thần linh, nếu trời hạn hán kéo dài thì ở một số đền miếu trong vùng Quan họ thường có hát cầu đảo (cầu mưa) mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Ở làng Diềm, hát cầu đảo thường chỉ có Quan họ nữ. Dân làng gọi hết Quan họ nữ trong làng, giữ gìn chay tịnh, đến ăn ngủ tại cửa đền Vua Bà hát liền 2, 3 ngày đêm. Không hát những bài tình tứ giao duyên như Quan họ thường hát mà chỉ hát những bài có nội dung cầu nguyện mưa thuận gió hoà và chỉ hát một giọng "La rằng":
Em ngồi em bấm lá sen,
Cơn mưa kéo đến đã đen cả giời.
Tự nhiên sấm động ầm ầm mưa rơi.
Cầu giời mưa thuận gió hoà,
Cầu cho dân xã được mùa ấm no.
Dân làng lễ tạ Vua Bà,
Tạ ơn trời đất được mùa bội thu.
Làng em vào đám tháng Giêng,
Bên trong trống gióng, bên ngoài cờ tiên,
Sân vật treo giải đôi bên,
Gái trai tấp nập áo xiêm dập dìu,
Đi chơi khắp hội vui mừng,
Võ Giàng nổi tiếng mỹ miều ăn chơi.
Sau nghi lễ hát lễ thờ, các bọn Quan họ dù hát vui ở hội, dù hát canh trong nhà, đều được dân làng quý trọng và bảo trợ. Tại những canh hát đúng lề lối, sau những nghi thức giao tiếp giữa Quan họ khách và Quan họ chủ (một bên là Quan họ liền anh, một bên là Quan họ liền chị), canh hát đi vào chặng hát đầu tiên. Ở chặng hát này, người ta thường hát theo thứ tự: “Hừ la”, "La rằng", “Đường bạn kim lan”, “Tình tang”, “Cây gạo”, “Cái ả"... sau “Tứ quý” rồi mới chuyển sang chặng thứ hai và chặng cuối giã bạn. Vì giọng “Hừ la” rất khó, nên nhiều khi giọng "La rằng" được ca lên đầu tiên với những lời ca mang sắc thái tình yêu đôi lứa giao duyên. Trong đó, vai trò của giọng "La rằng" là đặc biệt quan trọng, chi phối nghệ thuật ca hát để trong canh hát ấy, cả hai bên Quan họ chủ và khách sớm đi vào sự ăn nhập về cao độ, trường độ, về sự vang, rền, nền, nảy... của nghệ thuật ca hát:
Lâm tri chút nghĩa đèo bòng,
Hỏi lòng còn nhớ hay lòng đã quên,
Chữ tình gánh nặng đôi bên,
Dưới dòng nước chảy bên trên có cầu,
Có lòng hạ cố đến nhau,
Thầm yêu trộm nhớ bao lâu mà già.
Những là đắp nhớ đổi sầu,
Tuyết sương đã nhuộm mái đầu huê râm,
Nhớ đến người trong dạ âm thầm,
Một đêm nằm chín mười lần chiêm bao,
Nghĩ đến người lòng dạ khát khao.
Nay mừng tổ ấm gia tiên,
Nay mừng hai họ kết duyên Châu - Trần,
Nay mừng nam nữ xướng ca,
Nay mừng các cụ trong nhà ngoài sân,
Nay mừng phụ mẫu tứ thân,
Anh đi làm rể, em về làm dâu.
Trong các hội thi hát Quan họ xưa, thể lệ không thể không có giọng "La rằng". Trước các bô lão có đủ trình độ và uy tín, am hiểu sâu sắc về lề luật Quan họ, mỗi bên phải hát một bài chúc theo giọng "La rằng" để chúc dân làng trước dân và đông đảo Quan họ trong vùng mới có đủ điều kiện ban đầu để vào dự thi.
Ngang Nội - Đặng Xá đâu xa,
Cách một làng Ném đi qua núi Mồ.
(Kết chạ Ngang Nội, Đặng Xá)
Thoạt chân em bước vào đình,
Chúc mừng các cụ đôi bên thọ trường.
Theo các cụ nghệ nhân ở Bồ Sơn thì ngày xưa hàng năm cứ đến ngày hội, những cuộc hát thi trước cửa đình, vẫn thường phải có những câu ca ngợi công đức nhà vua:
“Chúc vua quả phúc đưa dâng,
Chúc vua muôn tuổi tháng hằng muôn năm.
Trăm năm rực rỡ đinh trần,
Lộc triều thêm mãi, chăm chăm lệ thường”.
Đôi khi, hội làng mở nhiều ngày, cũng có những canh hát kéo dài 2, 3 ngày đêm, khi canh hát đã có phần lệch lề lối, các liền anh liền chị lại “đổi giọng”: Hây hẩy từ sớm đến giờ, em xin đổi à đổi giọng… Sau đó, Quan họ lại tiếp tục ca một số giọng lề lối, rồi chuyển sang giọng vặt và cuối là các giọng giã bạn với các âm điệu lưu luyến trước lúc chia tay./.
Tài liệu tham khảo:
- Trần Linh Quý, Trên đường tìm về Quan họ, NXB VHTT, H. 2012.
- Lê Thị Chung, Hát Quan họ thờ
- Hình thức diễn xướng đặc sắc, TTVH BN.2016.
- Nguyễn Văn Phú - Lưu Hữu Phước
- Nguyễn Viêm - Tú Ngọc, Dân ca Quan họ Bắc Ninh, NXB Văn hóa, H.1962.
- Tài liệu của NNND Nguyễn Văn Cầu, làng Quan họ Thị Cầu.
- Tài liệu của liền anh Dương Đức Thắng, làng Quan họ Hoài Trung.
NGUYỄN THỊ THANH HẢI