Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

GHI NHỚ CÔNG ƠN CÁC ANH HÙNG LIỆT SỸ
10:09 | 25/07/2023

KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SỸ (27/7/1947 - 27/7/2023)

Chiến tranh đã qua đi, đất nước được hòa bình nhưng những đau thương mất mát mà chiến tranh để lại thì không gì có thể bù đắp được, sẽ ghi dấu mãi trong tâm trí mỗi thế hệ người dân Việt Nam chúng ta. 

Ngày 27/7 hàng năm đã đi vào lịch sử như một dấu ấn nhắc nhở mỗi chúng ta về truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây" của dân tộc Việt Nam, đó là ngày mà nhân dân cả nước đã dành riêng để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống hy sinh vì đất nước, vì độc lập tự do của dân tộc. 

Đây không chỉ là ngày chúng ta ghi nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ, những người thương binh, mà đây còn là dịp để chúng ta giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống uống nước nhớ nguồn và cần phải làm cho thế hệ trẻ hiểu được công lao to lớn của những anh hùng liệt sĩ, những người thương binh đã không tiếc máu xương của mình để giành lại tự do cho dân tộc.

Các anh ra đi vì những mục tiêu cao đẹp và ngã xuống hào hùng, bàn tay của giặc đã tàn phá, giày xéo đất nước nhưng không bao giờ làm thay đổi được bản chất con người Việt Nam. 

Nhân dịp này, chúng tôi có đến thăm gia đình liệt sĩ Nguyễn Gia Ngột tại khu Trần, phường Hạp Lĩnh, thành phố Bắc Ninh. Trong căn nhà ấm cúng, chúng tôi được gặp gỡ và trò chuyện với cụ Trần Thị Nhị, năm nay đã 101 tuổi (là vợ của liệt sĩ Nguyễn Gia Ngột) nhưng nom cụ vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn. Cụ kể rằng: “Ông nhà đi bộ đội và tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp từ những năm 1948. Trong một lần mang tài liệu bí mật đi công tác, ông bị địch phục kích và nã súng liên tiếp khiến ông hy sinh vào tháng 6 năm 1954, khi đó ông mới 28 tuổi. Kể từ đó, tôi một mình ở vậy nuôi 2 người con khôn lớn, trưởng thành”. 

Giờ đây, người con gái cả của cụ năm nay cũng đã ở tuổi 75 và lên chức cụ vài năm nay rồi. Đôi bàn tay nhăn nheo ở cái tuổi xưa nay hiếm, đôi mắt đượm buồn, cụ lật từng bức ảnh của gia đình các con, các cháu rồi khoe với mọi người. Chúng tôi thầm cảm phục người cụ, người bà, người mẹ hiền hậu với đức hy sinh cao cả để cho chúng ta có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc ngày hôm nay.

Cũng trong cái nắng của chiều hè oi ả, chúng tôi tiếp tục đến thăm gia đình liệt sĩ Nguyễn Công Học, cũng ở tại khu Trần, phường Hạp Lĩnh. Tại đây, chúng tôi được gặp gỡ và trò chuyện cùng với bà Quản Thị Trịnh, là vợ của liệt sĩ Nguyễn Công Học. Ở tuổi 84, với dáng người cao gầy nhưng bà vẫn nhanh nhẹn và khỏe mạnh. Bà kể rằng, hàng ngày bà vẫn thường trồng rau, nuôi gà, đỡ đần việc nhà giúp con cháu. 

Nói về những năm tháng hào hùng của cả dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bao ký ức ùa về như mới ngày nào, mắt bà rưng rưng, giọng nghèn nghẹn, bà kể, từ năm 1960 ông nhà công tác tại Công ty vật liệu Kiến thiết Bắc Ninh. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1965 ông lên đường đi bộ đội, thuộc Quân đoàn 3, tham gia tại chiến trường B3 ở Tây Nguyên. 

Nhắc tới chiến trường B3, anh Nguyễn Công Hiểu (là con trai cả của ông bà) tiếp lời: Thời điểm đấy, Mỹ và chính quyền tay sai Ngụy đang ráo riết thực hiện chiến lược Chiến tranh đặc biệt. Địch thường xuyên tổ chức các trận càn quét bằng các Sư đoàn không vận số 1, Sư đoàn không vận số 4, Sư đoàn 25 “tia chớp nhiệt đới”… Giai đoạn cao điểm, máy bay địch liên tục ngày đêm rải chất độc hóa học nhằm phát hiện và ngăn chặn các cánh quân ém dưới rừng già.  Mặc dù đói ăn, thiếu ngủ nhưng dưới những tán rừng các đơn vị chiến lược của mặt trận B3 - Tây Nguyên vẫn đứng vững.

Mùa khô 1965 - 1966 và 1966 - 1967 quân và dân Kon Tum đã phối hợp với lực lượng chủ lực của Mặt trận Tây Nguyên bẻ gãy nhiều cuộc hành quân càn quét của địch, giành thắng lợi lớn trong chiến dịch Sa Thầy mùa khô 1966, loại khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn tên địch.

Tiếp đó là chiến thắng Đăk Tô mùa đông 1967, một chiến công vang dội, đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhất vì đã: "Ghi thêm vào trang sử quyết thắng của dân tộc ta những nét vàng son chói lọi... là một trong những chiến thắng lớn nhất mở đầu Đông - Xuân quyết thắng 1967-1968 của miền Nam anh hùng”.

Trong cuộc tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968, đêm 29 rạng sáng ngày 30/1/1968 (mùng 1 Tết) cùng toàn miền, quân và dân tỉnh Kon Tum đã nổ súng, đồng loạt tấn công các mục tiêu quan trọng của địch tại 2 vùng trọng điểm là thị xã Kon Tum và Đăk Tô - Tân Cảnh. Sau 3 đợt tổng công kích, ta tiêu diệt hàng ngàn tên địch, phá hỏng hàng trăm xe quân sự, hàng chục máy bay và nhiều phương tiện chiến tranh khác…

Mặt trận Tây Nguyên là một trong những chiến trường ác liệt, Quân đoàn 3 của ông đã sát cánh cùng quân và dân Tây Nguyên làm nên nhiều chiến thắng vang dội. Để có được những chiến thắng vang dội đó thì quân và dân ta đã phải đánh đổi cả máu xương, tính mạng của mình, hàng nghìn liệt sĩ đã phải nằm xuống vì nền độc lập của dân tộc, liệt sĩ Nguyễn Công Học là một trong số đó, ông đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời mới tròn 30. 

Ngày nhận giấy báo tử của ông, bà đau buồn đến tận cùng nhưng đã cố nén đau thương để chăm sóc, nuôi dưỡng các con khôn lớn, con đầu lòng của bà là anh Nguyễn Công Hiểu lúc ấy mới tròn 7 tuổi.

Trong những năm tháng hòa bình sau đó, niềm mong mỏi lớn nhất của bà và gia đình là tìm được hài cốt của ông, đưa ông về với quê hương để tiện hương khói, cũng như nguôi ngoai đi nỗi đau và yên lòng những người còn sống. Mấy chục năm trời trôi qua, niềm hy vọng tưởng chừng đã tắt thì đến cuối năm 2008, niềm vui vỡ òa khi gia đình bà nhận được tin hài cốt của ông đã được quy tập tại nghĩa trang Đăk Tô, tỉnh Kon Tum. Không chờ đợi thêm được nữa, anh Nguyễn Công Hiểu cùng vài thành viên trong gia đình đã lên đường vào tận nghĩa trang Đăk Tô để đón ông về với quê cha đất tổ. Sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết, hài cốt của ông đã được đưa về an táng tại nghĩa trang quê nhà trong niềm tiếc thương vô hạn và biết ơn của đồng đội, cũng như cán bộ và nhân dân địa phương.

Thế là tâm nguyện của bà và gia đình giờ đây đã được hoàn thành. Suốt những năm tháng còn lại của cuộc đời, bà sống một cuộc sống bình yên, vui vẻ bên con cháu, là tấm gương sáng để con cháu học tập và noi theo. 

Được nghe những câu chuyện từ thực tế, chúng tôi càng trân trọng, biết ơn những cống hiến, sự hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước đã anh dũng chiến đấu vì nền hòa bình độc lập hôm nay. 

Đ/c Tạ Đăng Đoan, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư thành ủy TP Bắc Ninh

thăm và tặng quà cụ Trần Thị Nhị nhân dịp cụ tròn 100 tuổi năm 2022

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hình ảnh các anh vẫn sống mãi trong lòng đất mẹ, sống mãi trong các thế hệ chúng tôi, hôm nay và mai sau. Để bày tỏ lòng biết ơn và thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây", "Tri ân với những người đã khuất" - Đảng và Nhà nước ta vẫn luôn quan tâm đến công tác chăm sóc các đồng chí thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân, gia đình liệt sỹ là những người có công với Tổ quốc với nhân dân, cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu giúp đỡ họ".

Là thế hệ đang sống hôm nay, chúng ta đời đời ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sỹ, các thương binh, bệnh binh và gia đình có công với nước, những người đã hy sinh hoặc để lại một phần xương máu của mình, những người đã chịu nhiều gian khổ để cho chúng ta có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Một lần nữa, mong các anh hùng liệt sĩ hãy an nghỉ nơi chín suối, Tổ quốc sẽ mãi ghi nhớ công ơn của các anh./.

                                                                                                                                                                                                                    DƯƠNG ĐỨC NGHIÊM