Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

GÁNH HÀNG CỦA MẸ
10:04 | 28/10/2022

 KỶ NIỆM 92 NĂM NGÀY THÀNH LẬP HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM (20/10/1930 - 20/10/2022)

U tôi biết đi chợ từ thời con gái.  U đi chợ quanh năm ngày tháng, như thể sinh ra là để đi chợ. Gánh hàng đè nặng lên cuộc đời đi chợ của u, đè nặng lên cả kí ức của tôi, mỗi lần nghĩ đến là một lần lòng tôi se sắt.

Hồi nhỏ, nhiều đêm tôi chợt tỉnh giấc thấy cảnh u đi chợ từ gà gánh canh hai, canh ba. Mỗi lần ấy, thầy cũng dậy sắp hàng cho u, bao giờ cũng vơ ngay cái bị cói chỉ sợ quên. Trong bị quan trọng nhất là nắm cơm với ít muối vừng và cơi trầu. Mặc dù trầu được têm sẵn giắt theo bên mình nhưng u vẫn muốn mang cơi trầu, u bảo “lắm hôm đông khách hàng, mình mời họ nên cứ mang sẵn cơi trầu kẻo thiếu”. U nghiện trầu từ thời con gái nên nắm cơm có thể quên chứ trầu thì không thể. Thầy tôi biết nên bao giờ cũng chăm chút cho u cơi trầu. Nhiều hôm tôi cũng dậy xem thầy u sắp hàng, ngồi bậu cửa, hai tay chống cằm, thi thoảng dụi mắt và ngáp vặt.

Gánh hàng của u thường là đòn gánh, cót, nia, giần, sàng. Đòn gánh và cót chủ yếu do nhà làm ra, khi gặp khách mua buôn thì gom của mấy nhà trong làng. Nia, giần, sàng là sản phẩm của làng Đông Xuyên. Tùy theo từng chợ, nếu là phiên chợ Giầu, chợ Núi thì gánh hàng của u thường là đủ cả mấy thứ. Khi đó, phải huy động các chị và thuê thêm người gánh, hoặc là gánh cùng với u, hoặc là gánh từ hôm trước gửi nhà quen gần chợ. Tôi còn nhớ như in thân hình cao lớn vạm vỡ của ông Bao làng bên cạnh. Ông thường gánh tới 70 - 80 cân mà đi như chạy, chợ xa hàng chục cây số. Còn gánh hàng của u tôi và bà Sứng cũng tới 50 - 60 cân, bền bỉ năm này qua năm khác.

U đi chợ từ tờ mờ sáng đến quá trưa, chợ xa thì từ gà gáy đến ngang chiều mới về đến nhà. Chiều lại đi gom hàng trong làng, vậy mà tối nào cũng lột nan, đan cót. Những đêm mùa hè cái quạt nan u quạt cho tôi chẳng mấy lúc rời tay. Lớn lên tôi cũng không thể hiểu được sức bền của con người có thể ví bằng gì mới xứng. Tôi càng thương u những hôm mưa phùn gió bấc, thầy bảo u nghỉ u cũng hông nghỉ. Hồi đó, nhà tôi thuộc diện khá giả trong làng, nghỉ vài buổi chợ cũng không thành vấn đề. Vậy mà u vẫn quả quyết không nghỉ, cứ như người “nghiện chợ” vậy. Những bận ấy, sau khi u gánh hàng ra khỏi nhà, hai bố con nằm không ngủ được ngay. Tôi lơ mơ trong tiếng thở dài của thầy. Sáng ra đã thấy thầy nhâm nhi ấm trà. Hóa ra thầy không ngủ.

Cứ hôm nào u đi chợ là chiều đó tôi và chị gái trên tôi cứ thấp tha thấp thỏm, thi thoảng lại ra cổng ngóng. Có hôm chơi quanh quẩn ở dốc Đá chờ u về, hôm thì rủ mấy đứa cùng xóm ra tận cống Thượng Thôn. Người ta nói “Mong như mong mẹ về chợ” là thế. Nhìn thấy u từ đằng xa chúng tôi đã chạy bán sống bán chết, mẹ con ôm chầm lấy nhau như thể xa nhau lâu lắm. Rồi hai chị em tranh nhau lục bị quà. Bị quà của u bao giờ cũng có vài thứ, khi thì mấy cái bánh đa, khi thì túi bỏng, khi thì bánh gai, bánh rán… Món nào cũng ngon, món nào cũng thích. U thường chia quà cho cả trẻ con hàng xóm cùng chơi với tôi. Quà ngon chúng tôi nhìn nhau ăn từng tý một, chỉ sợ nhanh hết. U cũng không quên mua quà cho thầy tôi và các chị lớn. Thầy thường thích đậu cháy và bánh đa vừng để uống rượu. Đậu cháy làng Me, bánh đa vừng chợ Núi có tiếng cả vùng. Bữa tối, tôi lại được thầy cho “ăn ké”, có khi ăn nhiều hơn cả thầy. Đến giờ, chồng chất bao nhiêu năm tháng mà mỗi lần nhớ đến tôi vẫn có cảm giác xốn xang với hồi ức “ngóng mẹ về chợ’’, khác hẳn lũ cháu bây giờ, mẹ đi chợ hay đi làm về thì cũng như nhau, chào xong một câu là chúng lại dán mắt vào cái ti vi hay điện thoại. Ngày ấy, ngóng mẹ và ăn quà chợ không chỉ là được đáp ứng sự thèm khát về vật chất mà là cả một bầu trời ngan ngát hương thơm, yêu thương và hạnh phúc!

Phiên chợ nào u cũng mua quà về nhưng chẳng mấy khi mua quà cho mình. Bữa trưa của u thường là cơm nắm muối vừng, đôi khi là ít tôm rang, hoặc quả cà nén mang từ  nhà đi. Lâu lâu có người tốt rủ thì u mới ăn bát bánh đúc riêu hoặc bún riêu gì đó. U bảo “Ăn cơm chắc dạ, no lâu chứ ăn quà đánh vèo cái đã sạch ruột’’. Mọi người hiểu là tính u tằn tiện, lo xa chứ ai mà không thích ăn quà, nhất là trong thời buổi thiếu thốn ngày ấy thì hương vị quà quê ai bước đến cổng chợ chẳng muốn sà ngay vào hàng quà. Toàn những thứ nhà có thể làm ra mà sao nó lại ngon đến thế. Tôi đã từng được u cho ăn quà ở chợ làng, chỉ là bát bánh đúc nóng hay vài lượt bánh cuốn nguội với giò chả mà đến giờ tôi vẫn không khỏi ước ao được ăn lại. Những ước ao mơ màng không thể hiện thực hóa trong nhịp sống xô bồ, hối hả của thời nay.

Trong làng, ngoài chợ nhiều người quý u lắm, đi đâu u cũng có người quen. Tôi nghe được cả người mua lẫn người bán nói rằng, u là người xởi lởi, rốc rác. Trong làng và làng Đông Xuyên ai cũng muốn gọi u lấy hàng. Ở chợ nhiều người mua lẻ thành quen mà mua đi mua lại. Mấy nhà buôn lớn ở chợ Nhớn (Bắc Ninh) và chợ Giầu (Từ Sơn) trở thành thân thiết như anh em họ hàng. Người ta bảo như thế là có “duyên bán hàng’’. Mấy ông bà đẽo đòn gánh và gánh hàng thuê cho u cũng quí u và đi lại nhà tôi một cách suồng sã. Nhà nào có công kia việc nọ hoặc những lúc ốm đau đều có nhau, chia ngọt, sẻ bùi. Còn những người bạn đi chợ cũng rong ruổi hết chợ lớn, chợ bé, chợ xa, chợ gần, hễ gặp nhau là lại vui như tết. Câu nói “buôn có bạn, bán có phường’’ thật là đúng. Vậy mà bây giờ trong cơ chế thị trường, tôi thấy tình cảm khác trước nhiều lắm!

U xởi lởi, rốc rác nhưng không hề hớ hênh. Trái lại, u là người sành mua, khéo bán. U mua vo cả bè tre mà không hớ, khi vớt lên lựa cây nào vào việc nấy, dân làng nghề phục u là người tinh mắt. Người ta muốn bán hàng cho u vì u là người “biết người, biết của”, lại biết điều. Những bà bạn bán hàng lắm khi tỵ yêu là u “mát tay”. Nhưng thực ra người mua bỏ đồng tiền họ cũng so đo tính toán kỹ rồi mới mua. Họ thích mua hàng của u không chỉ vì thích tính xởi lởi mà còn vì hàng đã qua tay người chọn lựa kỹ càng. Những chiếc đòn gánh đốt tím, cật đanh, lòng vàng là tre già; thẳng, thon đều, mặt nhẵn, không mấu mắt là đẹp. Những chiếc nia, dần, sàng tròn vành vạnh, cạp cứng, nan trắng, mắt đan dầy dặn, lỗ đều tăm tắp ai nhìn chẳng muốn mua. Mua rồi giới thiệu cho người quen, “hữu xạ tự nhiên hương” là vậy.

U còn là người biết tính toán thời vụ, biết xét đoán khi đắt, khi ế. Lúc ngày ba tháng tám vắng chợ thì tích hàng để đến ngày mùa tháng năm tháng mười thì sẵn hàng bán. Có dạo không hiểu sao hàng nan ế ẩm, u tranh thủ chuyển sang chợ mạn ngược, lên tận Đại Từ, Thái Nguyên đổi men rượu lấy chè và măng về chợ làng. Lại có dạo u rủ mấy bà hàng xóm lên chợ Ba Hàng, chợ Chã thuộc huyện Phổ Yên, Thái Nguyên xa ba, bốn chục cây số buôn đường phên, mật mía về bán, nghe các bà kháo nhau lãi hơn buôn hàng nan. Bọn trẻ con chúng tôi không quan tâm lãi lờ gì cả, chỉ biết những lần ấy hay được vét mật dính thùng, ngọt khé cổ mà vẫn ngon, và thế nào cả nhà cũng được mấy bữa chè đỗ đen ăn thỏa thích. Sau này lớn lên, nghĩ quãng đường xa như thế mà gánh hàng thì nặng, mới thấy xót xa.

Tôi có vài lần được theo u đi chợ, khi đó khoảng trên 10 tuổi. Nhưng ấn tượng nhất là đi chợ Đình Vân. Đó là chợ làng Vân Hà, thuộc huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, nằm bên bờ sông Cầu, cách làng tôi chừng 15 cây số về phía hạ lưu. Chợ họp tại sân đình, mỗi năm một phiên vào ngày 25 tháng Chạp. Là chợ của cả vùng sông lại hàng năm chỉ có một lần nên chợ to lắm, tôi chưa từng thấy bao giờ.  Người làng tôi đi chợ Đình Vân khá đông. Họ chung nhau thuê đò dọc chất đầy các sản phẩm tre đan của làng, riêng u tôi còn mang rất nhiều nia, giần, sàng của làng Đông Xuyên nữa. Chợ Đình Vân có ý nghĩa rất quan trọng đối với làng tôi. Tết năm đó to hay nhỏ phụ thuộc đáng kể vào cuối buổi chợ, nhìn mặt mọi người tươi hay ỉu. Với tôi, được đi chợ Đình Vân như được đi đâu rất xa, háo hức từ mấy ngày hôm trước. Ngồi trên đò dọc ngắm nhìn hai bên bờ sông với làng mạc, bến bãi khác lạ với khúc sông làng mình. Rồi lại đến chợ từ chiều hôm trước, dựng lều ở sân chợ là cảnh tượng khác hẳn với các chợ mà tôi được biết. Đình làng thì to mà các lều chợ thì bé tí, chỉ trong chốc lát mọc lên bao nhiêu là lều, tràn cả ra bãi và mé đê. Cảm giác vừa vui, vừa sợ, vừa hi vọng, hồi hộp và lo âu lẫn lộn. Đầu óc tôi lúc thì hiện lên viễn cảnh sáng mai người người tranh nhau mua hàng vèo cái các chồng hàng trong lều nhà tôi đã hết bay hết biến, hai u con tung tẩy đi hết hàng nọ đến hàng kia sắm Tết. Lúc thì lại tưởng tượng cảnh đến ngang chiều mà các chồng hàng vẫn chưa vơi là bao, hai u con không biết xoay sở cách nào, u nhăn, con mếu. Tôi đâm lo nhiều hơn mà trằn trọc trong đêm, hầu như các lều người ta đều không ngủ.

May mà chợ năm ấy đắt hàng nan lắm. Sáng sớm chị tôi đến hỗ trợ, chưa kịp ăn gì đã phải lao vào bán hàng. Chẳng mấy chốc người đông như kiến, thứ âm thanh hỗn loạn cứ tăng dần, đúng là “ầm như chợ”. Người mua hàng nhà tôi cứ nhao nhao, gần trưa các chồng hàng đã vơi hẳn. Ngắm nhìn u bán hàng thích lắm. Miệng u liên tục nhai trầu, tươi tắn. U luôn chân luôn tay, chưa phục vụ xong người này đã phải trả lời người kia mà chẳng hề cáu gắt. Chị  tôi cũng tất bật chuyển hàng, sắp hàng cho khách. Còn tôi cứ nhấp nha nhấp nhổm bởi sự thôi thúc của tiếng loa từ mấy đám trò chơi, tiếng pháo nổ đì đùng. Thi thoảng có lũ trẻ con đi ngang qua với mấy con tò he, mấy câu đối đỏ, hoặc mấy tràng pháo tép. U bảo “Phải trông hàng giúp u, chợ họp cả ngày lo gì!” Thế rồi gần trưa u cũng cho tôi tự do đi chơi. Chợ vẫn đông lắm. Tôi tung tăng đi khắp các dãy hàng. Chợ ngày tết đủ các loại hàng hóa, vừa là hàng dùng cho ngày thường, vừa là dùng cho Tết. Dãy hàng xén có nhiều sạp hàng lớn, vải vóc đủ màu sặc sỡ. Dãy hàng khô với măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương nhiều hơn ở chợ Bến làng tôi. Liền đấy là dãy hàng lá dong với những cuộn chất cao đến ngang ngực người bán. Mùi lá dong làm người ta có thể chạm tay vào tết thật rồi… Còn bao nhiêu thứ làm tôi hoa mắt, cảm giác chợ Tết cứ xao xuyến, lâng lâng ở trong lòng. Tôi ngây ngất với hàng tranh Đông Hồ sặc sỡ sắc màu, lật đi lật lại rồi cũng mua một bộ tranh gà, lợn và mấy quả pháo đùng với tràng pháo tép. Tiền u cho chẳng đủ để ăn quà, miệng thì thèm bao nhiêu là thứ mùi thú vị. Cuối cùng tôi mê mẩn ở đám chọi gà, đến lúc chị phải chạy đi tìm. Quá trưa sang chiều thì nhà tôi bán hết hàng, mấy u con đi ăn bánh cuốn Thổ Hà, xong lại ăn cả bánh khúc nữa. U bảo “Bánh cuốn Thổ Hà là có tiếng nhất”, và năm nào u cũng ăn của hàng bà ấy. Tôi thì chỉ thích bánh khúc làng Diềm, thích cái hương vị thơm thơm bùi bùi, nhớ mãi. No nê, mấy u con đi sắm tết, nào là quần áo cho mấy bố con, nào là mỳ, miến, bánh đa nem, rượu. U bảo “Quên gì thì quên chớ quên bánh đa nem Thổ Hà và rượu làng Vân, còn những thứ khác thì về chợ nhà mua vào phiên 27”. Bánh đa nem và rượu u để sau cùng vào trong làng mua của người quen. Rượu Vân là món sở trường của thầy, còn bánh đa nem thì chiều 30 Tết năm nào u cũng trực tiếp làm mâm cơm tất niên với món bún nem Sài Gòn. Đến bây giờ tôi vẫn thèm cái hương vị ấy.

Sau này lớn lên, thương u, mấy dịp nghỉ hè tôi theo người anh rể mua gạo miền Nam từ sân bay Gia Lâm chở bằng xe đạp về cho u bán. Nếm cảnh xe thồ tôi càng thấm thía nỗi vất vả, gian truân của u với gánh hàng hết ngày này qua ngày khác, đến già vẫn chưa hết gánh. Có lúc tôi tự hỏi: “Không biết bao nhiêu gánh hàng, bao nhiêu tấn hàng đã đè nặng lên đôi vai của u nhỉ? Liệu bao nhiêu toa tàu hay bao nhiêu chiếc xe ô tô 10 tấn thì chở hết số hàng đã qua đôi vai ấy? Với gánh hàng kĩu kịt trên vai, u đã đi bộ bao nhiêu cây số? Một vạn, một triệu hay mấy vòng trái đất? Tôi không bao giờ trả lời được những câu hỏi ấy. Và tôi đã viết:

“Đôi vai dẻo dai kĩu kịt đường dài

Toán học của con làm sao tính được

Bao nhiêu tấn hàng, chồng cao bao thước

Lên vai gầy để vai hóa thành chai!”

Ôi, tôi cứ ám ảnh mãi về đôi vai thành chai của u, tôi đã nhìn thấy, sờ thấy bao lần từ thuở nhỏ. Đôi vai nhô lên, vết chai cứng to bằng cái bánh dầy. Đôi vai mảnh mai, gầy guộc mà dẻo dai, cứng rắn hơn cả sắt thép. Đôi vai đã gánh bao nhiêu gánh hàng, gánh cả cơ nghiệp, gánh cả cuộc đời tôi. Nếu có kiếp sau, tôi chỉ ước ao được cả đời gánh mẹ./.

                                                                                                                                                                                                                                 CAO VĂN HÀ