Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

Đôi điều về kịch bản chèo: NGUYỄN VĂN CỪ - TUỔI TRẺ CHÍ LỚN
16:10 | 21/07/2022

 KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN VĂN CỪ (09/7/1912 - 09/7/2022)

          Nhà hát Chèo quân đội ra mắt công chúng vở diễn: Nguyễn Văn Cừ - Tuổi trẻ chí lớn. Tác giả Lê Thế Song - Tự Long; Đạo diễn NSND Tự Long. Truyện kịch là lát cắt về quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, kể từ khi tham gia đấu tranh chống thực dân, phong kiến bị đuổi học khỏi trường Bưởi, Hà Nội, về quê hương ở Từ Sơn, Bắc Ninh dạy học, tuyên truyền vận động quần chúng các làng Quan họ đấu tranh chống thực dân phong kiến và tham gia phong trào “Thanh niên cách mạng đồng chí hội”. Sau bị địch truy lùng dáo diết, đồng chí xuống vùng mỏ Quảng Ninh, vận động công nhân tham gia phong trào “Thanh niên cách mạng đồng chí hội”, đấu tranh đòi giảm giờ làm tăng tiền lương người lao động, ra tờ báo Than, thành lập Chi bộ Cộng sản vùng mỏ. Trong khuôn khổ bài viết nhỏ, chúng tôi đề cập đôi điều về kịch bản này.

Xuân sắc:

       Kịch bản sân khấu truyền thống viết về đề tài chiến tranh cách mạng đã khó, viết về lãnh tụ cách mạng càng khó hơn. Bởi rất dễ bị căng cứng, hô khẩu hiệu. Song các tác giả kịch bản này đã có nhiều cố gắng từ việc xây dựng nhân vật. Chẳng hạn, trong chèo truyền thống các nhân vật quan lớn, cậu ấm con quan... thường có anh hề theo hầu, thì kịch bản này các tác giả cũng xây dựng nhân vật theo hầu cậu Cừ học trường Bưởi, sau về quê, rồi theo ra vùng mỏ, không khiên cưỡng, hợp lý mà rất Chèo. Thực tế, ngày 15/2/1931, trên đường công tác từ Cẩm Phả về Hòn Gai, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị bắt. Mật thám Pháp giam giữ đồng chí qua các nhà lao Hòn Gai, Hải Phòng rồi cuối cùng về Hỏa Lò - Hà Nội. Sau bị lưu đày Côn Đảo. Người viết báo, viết sử sẽ phản ảnh chân thực chi tiết nêu trên. Với nghệ thuật sân khấu, các tác giả đã hư cấu tình huống Nguyễn Văn Cừ sa vào tay giặc trong hoàn cảnh chúng truy lùng hết sức khắc nghiệt, nếu công nhân không chịu khai nộp đồng chí, thì chúng sẽ bắn giết thủ tiêu toàn bộ công nhân khu mỏ. Trước tình thế đó, Nguyễn Văn Cừ tự dấn thân cho giặc để bảo toàn tính mạng công nhân. Tình huống này không mới, bởi Nguyễn Cao - thủ lĩnh của nghĩa quân, khi về hoạt động ở chùa làng Kim Giang (gần chùa Hương Tích) bị giặc Pháp bao vây, truy bắt. Nếu người dân không khai nộp Nguyễn Cao, chúng sẽ giết sạch dân chúng, triệt phá xóm làng. Thấy vậy, Nguyễn Cao nói với mọi người: “Tôi vì nước, vì dân mà dấy binh khởi nghĩa, nay trốn đi lo thân mình, bỏ dân Kim Giang chết oan là bất nghĩa. Tôi phải cứu dân Kim Giang. Chết một người, để cứu muôn người” (Tập truyện ngắn “Sao khuê xứ Bắc”, tác giả Huy Cờ, Nhà xuất bản Dân trí - 2019, trang 153). Tuy tình huống sáng tạo không mới, các tác giả xử lý thích hợp hoàn cảnh cụ thể của tình huống kịch, đã khắc họa hình tượng Nguyễn Văn Cừ - người chiến sỹ Cộng sản dũng cảm, kiên cường, vì bình yên cuộc sống của nhân dân. Toát nên tính Đảng, tính nhân dân sâu sắc, mang lại niềm tin yêu của dân với Đảng. Đặc biệt kịch bản còn đáp ứng một trong những đặc trưng cơ bản của nghệ thuật sân khấu Chèo về thể hiện các cung bậc tình cảm “Thất tình” (Hỷ, lạc, ai, nộ, ái, ố, dục). Nghĩa là hàm chứa đủ các yếu tố yêu thương, chết chóc, phẫn nộ, oán hờn, khát vọng, mừng vui. Ngoài ra, kịch bản còn được các tác giả không ngừng sáng tạo, kết hợp nhuần nhuyễn giữa Chèo với dân ca Quan họ, làm cho kịch bản đượm chất trữ tình. Bởi trong làn điệu Chèo đôi chỗ có ca từ dân ca Quan họ, trong câu Quan họ cũng có ca từ của làn điệu Chèo, sự giao thoa văn hóa ấy làm cho Chèo và Quan họ phong phú thêm. Hơn nữa, việc kết hợp dân ca Quan họ trong kịch bản này còn mang hàm ý giới thiệu một không gian văn hóa mà ở đó chính là quê hương đồng chí Nguyễn Văn Cừ. Những sáng tạo không ngừng, các tác giả đã tạo nên xuân sắc kịch bản. 

Sỏi sạn:

       Nghệ thuật là con dao hai lưỡi, đòi hỏi người cầm bút phải cẩn trọng, nếu chủ quan, dễ dãi, rất có thể tác phẩm gây hậu quả khôn lường. Không rõ các tác giả hạn hẹp tri thức về thân thế sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, hay do cảm tính, ngẫu hứng, mà trong một lớp kịch ở cảnh I, có lời thoại của Nguyễn Văn Cừ: “Tôi sẽ về quê để dạy học. Sẽ tiếp tục truyền bá tư tưởng Thanh niên cách mạng đồng chí hội đến tầng lớp thanh niên ở nông thôn. Tôi sẽ không bỏ cuộc đâu, sẽ tiếp tục cùng các bạn xây dựng phong trào đấu tranh. Các bạn ở lại đây thay tôi đấu tranh nhé!” Qua lời thoại cho thấy Nguyễn Văn Cừ là trí thức, bởi làm giáo viên dạy học. Nhưng trong cảnh này, các tác giả lại để Nguyễn Văn Cừ tay không, dùng võ thuật đánh bại hai tên sỹ quan Pháp có súng ngắn. Như vậy trở thành hình tượng nhân vật “Võ lâm, hảo hán”, xa lạ với hình tượng Nguyễn Văn Cừ trí thức, sai tính cách vốn có của nhân vật lịch sử, dẫn tới người xem sẽ nhận thức sai lệch. Ở cảnh VII, một lớp kịch, tên sỹ quan Pháp có lời thoại: “Lính đâu! Hãy nghe cho rõ đây. Hai ngày nữa tất cả tù chính trị ở Côn Đảo này sẽ được trả tự do. Nhưng Nguyễn Văn Cừ, nước mẹ đại Pháp kết án tử hình bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, rõ chưa?”. Sau lời tuyên bố của tên sỹ quan Pháp, bốn người trong khám tù chui ra, mỗi người đọc một câu trong tác phẩm “Tự chỉ trích” như hô khẩu hiệu, tiếp đến Nguyễn Văn Cừ thoại: “Tôi, Chí Cường: Những điều này được viết từ thực tiễn tư tưởng, từ sự kiện trung, mong muốn Đảng được mạnh mẽ, Đảng là của nhân dân, vì nhân dân”. Ở đây cho thấy lời thoại của tên sỹ quan Pháp là vô lý nhưng không đáng bàn, điều đáng nói là Nguyễn Văn Cừ vừa chui ra khỏi khám tù, đã vỗ ngực tự xưng “Chí Cường...” thì ra Nguyễn Văn Cừ viết tác phẩm “Tự chỉ trích” trong nhà tù, không hợp lý, thiếu tính thuyết phục. Bởi lẽ, năm 1936 sự thắng lợi của Mặt trận Bình dân Pháp, chính phủ của Mặt trận Bình dân Pháp ra lệnh tổng ân xá tù chính trị ở Đông Dương. Sau hơn 5 năm bị lưu đày ở địa ngục trần gian Côn Đảo, tháng 11 năm 1936, đồng chí Nguyễn Văn Cừ và nhiều đồng chí được trở về đất liền và thả tự do. Đồng chí không về nhà, ra ngay Hà Nội bí mật hoạt động ở nhiều nơi để chỉ đạo phong trào cách mạng ở Hà Nội và thường xuyên liên lạc với Trung ương ở Sài Gòn. Thời gian này, đồng chí viết hàng trăm bài báo giàu tính chiến đấu, đặc biệt là bài “Các quyền tự do dân chủ của nhân dân Đông Dương” và hoàn thành tác phẩm rất nổi tiếng Tự chỉ trích theo tinh thần Bonsevik vào khoảng tháng 6/1939 và cử người đưa vào Sài Gòn xuất bản vào tháng 7/1939 gây ra tiếng vang lớn. Ngoài ra, các tác giả cũng hạn hẹp tri thức về văn hóa Quan họ. Cảnh II, có đoạn lời thoại của ông Thầy đồ, giải thích về dân ca Quan họ: “Các con có biết không. Người Quan họ thường không lấy nhau... Vì hát Quan họ cốt là ở cái duyên, mà khi người Quan họ lấy nhau rồi, chuyện sẽ không còn, tiếng hát không còn đằm thắm, không còn trữ tình nữa. Các con, các con đã hiểu chưa?” Sự giải thích cảm tính sai với sinh hoạt văn hóa Quan họ. Bởi xưa điều này chỉ được quy định với liền anh, liền chị ở hai làng Quan họ kết chạ: “Những nhóm Quan họ này thường có tục không lấy nhau thành vợ chồng” (Tìm hiểu dân ca Quan họ Bắc Ninh, NXB Văn hóa dân tộc Hà Nội - Sở Văn hóa Thông tin Hà Bắc - 1997, trang 38). Có ý kiến gọi việc kết bạn hai làng Quan họ là “kết chạ”. Đã là chạ anh, chạ em thì không lấy nhau, chứ không phải liền anh, liền chị ở tất cả các làng Quan họ không được lấy nhau. Cũng trong cảnh này, một lớp kịch khác, Nguyễn Văn Cừ có lời thoại: “Thầy ơi! Miền quê ta có tới 49 làng Quan họ, con đã đi làm phong trào bằng cách dạy hát để che mắt... góp gió thành bão, trồng cây gây rừng. Có tin Thanh niên cách mạng đồng chí hội đã ngày thêm lớn mạnh, đủ sức để chống lại áp bức cường quyền”. Những năm 70 của thế kỷ XX, Ty Văn hóa Hà Bắc nhiều lần tổ chức Hội thảo về dân ca Quan họ, mới xác định “Tiêu chí” làng Quan họ. Nhờ có “Tiêu chí” làm căn cứ để điều tra, xác định được 49 làng Quan họ, chứ thuật ngữ “Làng Quan họ” chưa có ở thời điểm 1931. Chưa hết, một lớp kịch ở cảnh VII, lời thoại của tên sỹ quan Pháp: “Tôi còn biết cả hát Quan họ nữa đấy”. Nói rồi y hát bài “Bèo dạt mây trôi”. Nghe xong, Nguyễn Văn Cừ cũng hát ca khúc Pháp, khiến tên sỹ quan Pháp thốt lên lời khâm phục: “Tuyệt vời, tuyệt vời! Vậy là ông Cừ cũng biết cả âm nhạc Pháp. Nghe vậy, Nguyễn Văn Cừ đáp lại: “Cũng như ông. Ông biết cả hát Quan họ”. Về bài hát này, NSƯT Quý Tráng, nguyên Giám đốc Nhà hát dân ca Quan họ Bắc Ninh, một trong những diễn viên đầu tiên được tuyển vào Đội hát Quan họ 1969 (tiền thân Nhà hát dân ca Quan họ Bắc Ninh ngày nay) cho biết ngày đầu, nhiều năm liền về các làng Quan họ sưu tầm, học các nghệ nhân truyền dạy bài hát Quan họ truyền thống, không có bài “Bèo dạt mây trôi”. Có thể, thời thuộc Pháp có nhạc sỹ nào đó sáng tác bài này. NSƯT Vũ Tự Lẫm - diễn viên Quan họ gạo cội, cùng thời với NSƯT Quý Tráng cho biết: “Không nghệ nhân nào của các làng Quan họ nói bài “Bèo dạt mây trôi” là bài hát Quan họ. Có điều trong chương trình đàn và hát dân ca của Đài Tiếng nói Việt Nam, lại giới thiệu Bèo dạt mây trôi - dân ca Quan họ Bắc Ninh. Nghe vậy, một số thính giả lầm tưởng mà thôi.” Ông Nguyễn Trọng Hải - người nghiên cứu về dân ca Quan họ cho biết, bài “Bèo dạt mây trôi” thuộc loại hát “Diễu”, xuất xứ vùng Văn Giang, Hưng Yên. Thời thuộc Pháp được Nhạc sỹ Minh Châu (Yên Phong, Bắc Ninh) phổ nhạc. Như vậy, tên sỹ Quan Pháp gọi bài “Bèo dạt mây trôi” là dân ca Quan họ thì không sao, bởi y là người ngoại quốc không hiểu văn hóa Việt. Còn Nguyễn Văn Cừ nghe hát “Bèo dạt mây trôi” lại ghi nhận tên sỹ quan Pháp biết cả hát Quan họ thì không hiểu văn hóa Quan họ của chính quê hương mình, sao có thể làm nên nghiệp lớn. Các tác giả cũng thiếu cẩn trọng thời gian lịch sử, viết lời thoại tùy tiện. Chẳng hạn một lớp kịch ở cảnh IV, tuyên truyền trong phong trào công nhân, Nguyễn Văn Cừ có lời thoại: “Chúng ta cũng cần phải đổi mới tư duy, phải nâng cao nhận thức, tiếp cận hình thức đấu tranh của các nước tiên tiến trên thế giới”. Nghe Nguyễn Văn Cừ tuyên truyền, công nhân áo xanh cổ vũ: “Phải nói rằng Bác nói hay như đài”. Lời thoại nêu trên không thể có ở thời điểm 1931, mà là ngôn từ hiện tại, phần nào làm giảm tính chân thực lịch sử. Đáng tiếc, các tác giả đã không sử dụng triệt để tính cách điệu, ước lệ của nghệ thuật sân khấu Chèo, thì đạo diễn cũng chẳng giúp được gì, đã để tả thực lớp kịch Nguyễn Văn Cừ đánh hai sỹ quan Pháp và bọn cai ngục tra tấn dã man Nguyễn Văn Cừ... gây tâm lý căng thẳng cho người xem. Các tác giả chủ yếu sử dụng văn xuôi, không dùng văn vần chất thơ, biền ngẫu... như kịch bản Chèo truyền thống, có thể xem đó là kịch hát mới, kịch pha ca, hoặc kịch nói cắm hát Chèo, hát Quan họ. Những hạn chế nêu trên như những hạt sạn trong kịch bản, mà nhiều hạt sạn kết tủa thành viên sỏi - sỏi sạn thì kịch bản không thể thuyết phục.                                                                                                    

* Thay lời kết:                               

        Quá trình phân tích trên, cho thấy các tác giả có nhiều cố gắng, tạo ra xuân sắc cho kịch bản. Song những sai sót không nhỏ, làm cho kịch bản không xứng tầm vóc đồng chí Nguyễn Văn Cừ. Thiết nghĩ Hội đồng Nghệ thuật Nhà hát Chèo quân đội, cần tranh thủ sự chỉ đạo của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, giúp các tác giả sửa chữa, nâng cao kịch bản, đúng với tầm vóc “Tuổi trẻ chí lớn” của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, rực rỡ như ánh sao khuê tỏa sáng giữa trời Nam! 

 
                                                                                                                                                                                    THƯỢNG LUYẾN