Châu thổ đồng bằng Bắc Bộ là một vùng đất cổ sớm có nền kinh tế và văn hóa phát triển. Đặc biệt văn học nghệ thuật dân gian hình thành và lưu truyền sâu rộng trong cuộc sống rất đa dạng, phong phú. Nhiều loại hình có những thành tựu rực rỡ lưu truyền đến ngày nay. Trong đó thể loại mỹ thuật đã hình thành ba dòng tranh dân gian là: Dòng tranh Hàng Trống - Hà Nội; Dòng tranh Kim Hoàng - Hà Tây và dòng tranh Đông Hồ - Bắc Ninh.
Dòng tranh Hàng Trống đã từng nổi tiếng ở đất kinh kỳ. Một thời ăn khách được bày bán ở phố Hàng Trống, Hàng Nón, Ngã Tư Vọng, Yên Phụ, Chợ Đuổi...
Dòng tranh Kim Hoàng thuộc xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây nay thuộc về Hà Nội. Làng Kim Hoàng có nghề làm tranh từ khá lâu. Năm Ất Mão (1915) đê Liên Mạc vỡ nước đã cuốn đi hàng trăm ván in tranh. Từ đó nghề tranh bị thất truyền và đến những năm 1940 thì thôi hẳn.
Làng Đông Hồ có tên là làng Đông Mại, gọi nôm là làng Mái sau đổi thành Đông Hồ gọi tắt là làng Hồ, thuộc xã Đông Hồ, thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Trước cách mạng tháng Tám năm 1945 là một làng nhỏ có 300 suất đinh, hơn 600 khẩu, cả làng không quá 4 nóc nhà ngói. Đường làng lầy lội nên người quanh vùng có câu “Một trăm cái tội không bằng phải lội Đông Hồ”.

Nghề làm tranh Đông Hồ có từ rất lâu đời. Căn cứ vào kỹ thuật in tranh theo phương pháp khắc ván, in ấn mà có ý kiến cho rằng kỹ thuật in tranh Đông Hồ gần với kỹ thuật in kinh Phật. Đông Hồ nằm ở phía Đông trung tâm Phật giáo Luy Lâu. Nơi các nhà nghiên cứu cho rằng là điểm cư trú của người Hồ vùng Trung Á ở Giao Châu từ thời Thái Thú Sĩ Nhiếp đóng trị sở tại Luy Lâu. Rất có thể việc in kinh Phật từ việc khắc ván, kỹ thuật in có mối quan hệ tới việc ra đời của nghề làm tranh dân gian làng Đông Hồ.
Tranh dân gian Đông Hồ ra đời và sống trong lòng dân tộc. Cuộc sống nông thôn và quan niệm nhân sinh của cư dân vùng lúa nước được gửi gắm trong từng nét khắc, từng sắc màu. Đến thời Lý - Trần nhà nghiên cứu mỹ thuật Chu Quang Chứ đã có nhận xét: “Đồ gốm thời Lý - Trần là những văn vật ngày nay chúng ta còn khá nhiều. Nếu ở gốm men ngọc và gốm men da lươn hình trang trí được vẽ bằng tay rất gần với phong cách tranh làng Hồ”.
Việc đầu tiên của nghề làm tranh dân gian Đông Hồ là “ra tranh”. Ngày nay ta gọi là sáng tác tranh. Thường là người chủ trong gia đình hay người con trai lớn sáng tác tranh. Tranh vẽ trên giấy rồi dán trên bản gỗ để khắc. Người thợ khắc theo đường nét trên tranh mà khắc, nét khắc phải thẳng đứng, bản khắc phải có “tay co” để cầm được úp xuống bìa lấy mực rồi úp lên trên giấy in. Xong lật ngửa bản in lên, tờ giấy đã dính vào bản in. Sau đó bóc dần tờ giấy là đã xong một lần in. Tranh bao nhiêu màu sẽ phải làm bấy nhiêu bản in.
Ván dùng khắc tranh là gỗ mít, gỗ dổi hay gỗ thị xẻ thành ván để vài năm cho gỗ khô không còn bị cong, vênh. Dụng cụ để khắc là các loại đục. Có nhiều loại đục: Đục lòng máng, đục phẳng, đục gụm, có vài chục cái đục từ to đến nhỏ.
Tranh Đông Hồ được in trên nền giấy điệp nên còn gọi là “Tranh Điệp”. Phải mua con điệp, con ngao, con hến từ Hải Phòng, Quảng Ninh. Điệp mua về phải ngâm, rửa sạch, phơi khô rồi giã nhỏ thành bột điệp. Bột điệp trộn với bột gạo nếp, bột sắn hoặc bột mỳ quấy đều lên thành một thứ hồ sền sệt. Chờ dịp nắng hanh, thời tiết khô đem hồ điệp ra bồi mỏng trên giấy dó. Chổi đề bồi tranh điệp gọi là “Thét thông” vì bện bằng lá thông già, đập dập đầu (do dân làng Đạo Tú sản xuất). Nếu tranh in ngang thì quét dọc, nếu tranh in dọc thì quét ngang. Khi được phơi khô điệp hiện lên từng vệt ngang hoặc dọc long lanh, lấp lánh. Nắng gọi điệp - điệp giữ nắng trong tranh để những ngay đông tháng giá tranh lung linh tỏa sáng.
Một điểm đặc biệt là màu in tranh Đông Hồ là màu lấy từ sản phẩm thiên nhiên. Màu vàng lấy từ hoa hòe, màu nâu lấy từ sỏi son, màu đen lấy từ nhọ nồi hoặc đốt từ lá tre, màu xanh lấy từ gỉ đồng, lá cây, màu đỏ chiết xuất từ gỗ cây vang. Sắc màu lấy từ thiên nhiên nên tươi tắn, bền màu. Giấy để in tranh là loại giấy dó được sản xuất tại làng Đống Cao (huyện Yên Phong cũ, nay là thành phố Bắc Ninh). Giấy làm bằng thân cây dó nên có độ xốp rất ăn màu.
Tranh Đông Hồ nội dung rất phong phú, sinh động thường tập trung vào các đề tài: Tranh thờ, tranh sinh hoạt, tranh chúc tụng, tranh lịch sử, các loại tranh truyện, tranh phê phán các thói hư, tật xấu...
Qua nhiều thế kỷ cả làng Đông Hồ có 17 dòng họ đều đã làm tranh và vào những ngày Tết đến nhiều gia đình trong vùng cũng có vài tờ tranh treo đón xuân. Thật ấm cúng, rực rỡ như câu thơ của thi sĩ Hoàng Cầm “Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”.
Nhiều nghệ nhân sống chết với nghề đã để lại nhiều mẫu tranh được truyền tụng như Nguyễn Thế Thứ, Vương Trí Long, Vương Trí Lương, Nguyễn Thế Lãm, Phùng Đình Năng, Nguyễn Đăng Sần, Trần Nhật Tấn...
Đến thời kháng chiến chống Pháp việc làm tranh chững lại. Một số nghệ nhân tâm huyết chuyển sang làm tranh với đề tài có tính thời sự, phục vụ kịp thời nhiệm vụ kháng chiến chống Pháp. Sau hòa bình năm 1954 một vài nghệ nhân được mời về các cơ quan Mỹ thuật ở Trung ương để phụ trách phần tranh dân gian. Ở Đông Hồ hợp tác xã nông nghiệp thành lập một tổ sản xuất tranh ăn công điểm. Sản phẩm làm ra được thu mua để xuất sang các nước xã hội chủ nghĩa đếm số lượng không cần biết chất lượng, khi chuyển sang cơ chế thị trường thì tự giải thể.
Tranh dân gian Đông Hồ đã đi dự nhiều cuộc triển lãm quốc tế. Năm 1970 tại thành phố Lai - Xích (Cộng hòa dân chủ Đức) đã tổ chức nghệ thuật in sách Quốc tế lần thứ nhất có 76 nước tham dự. Trong cuộc triển lãm này tranh Đông Hồ đã vinh dự nhận Huy Chương vàng cho loại in cổ truyền.
Tại lâu đài Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia Pháp “Le Louvrie” - Pari có hẳn một phòng giới thiệu về tranh Đông Hồ, cả phiên bản và bản khắc cổ nhất của dòng tranh dân gian này.
Vào mùa tranh những tháng gần Tết nhà nhà làm tranh, người người làm tranh. Đình làng thành nơi bày bán tranh. Bên lề đường, ven đê, nóc nhà, bãi cỏ, sân nhà thành nơi phơi tranh. Thuyền bè xuôi ngược vào bến ăn tranh.

Công nghệ ấn loát ngày phát triển, các loại tranh tường, các sản phẩm mỹ thuật, lịch cuốn treo tết in ốp - xét đã chiếm lĩnh thị trường. Các loại tranh Tàu, tranh Thái bày bán tràn lan trên các vỉa hè, hàng quán. Trong làng Đông Hồ nhiều gia đình chuyển sang làm hàng vàng mã. Nghề làm hàng mã phát triển, nhu cầu tâm linh ngày càng cao, đồ hàng mã ngày càng tinh xảo. Đời sống các gia đình làm hàng mã có thu nhập cao, nhiều nhà đã xây hai, ba tầng.
Trong thời gian này báo chí đã có bài viết với tiếng kêu “Hãy cứu lấy dòng tranh dân gian Đông Hồ” có nhà nghiên cứu đã than thở: “Đông Hồ ngắn ngủi một dòng tranh”.
Trong tình hình ấy đã may mắn còn hai nghệ nhân làm tranh, khôi phục và phát triển dòng tranh Đông Hồ là Nguyễn Hữu Sam và Nguyễn Đăng Chế.
Cố nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam khi đã ngoài 80 tuổi song vẫn khỏe mạnh, tinh tường, đôi bàn tay vẫn mềm mại. Nhà của lão nghệ nhân nằm sâu trong xóm nhưng vẫn là một địa chỉ quen thuộc của các đoàn du lịch và khách mua tranh.
Đến nay có thể nói gia đình nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam là ba đời làm tranh. Lên ba tuổi ông đã được cha hướng dẫn cho làm quen với nghề làm tranh. Lên năm tuổi ông đã biết giúp cha sơn hồ, quét hồ lên giấy dó và bắt đầu học cách in tranh cho đúng màu. Lên bảy tuổi ông đã vẽ được tranh và làm được những mẫu tranh truyền thống của làng tranh.
Năm tháng qua đi cái hồn tranh dân gian Đông Hồ như néo giữ ông trọn đời với nghề làm tranh cho đến tận bây giờ.
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam luôn căn dặn con cháu nghề làng cũng là nghề nhà, từ nghề làng dựng lên nghiệp nhà. Con cháu trong nhà phải giữ nghề, góp phần bảo tồn một dòng tranh quý của quê hương, đất nước.
Ông Nguyễn Đăng Chế thuộc thế hệ thứ hai mươi của dòng họ Nguyễn Đăng, một dòng họ lớn trong làng. Ông đang công tác tại nhà xuất bản Mỹ thuật - Hà Nội đã xin nghỉ hưu trở về quê hương để sống và khôi phục dòng tranh dân gian Đông Hồ.
Trở về quê hương ông đã cất công sưu tầm, lưu giữ các bản khắc cổ. Nhiều khi ông phải mua lại với giá cao. Nhiều bức tranh cổ, nhiều bản khắc cổ còn lưu lạc ông cũng gia công tìm kiếm. Nhiều tranh, nhiều bản khắc gỗ cũ nát ông đã cẩn thận phục chế lại. Sau gần hai mươi năm lưu giữ, phục chế đến nay ông đã có hơn 200 bản khắc gỗ cổ và hàng nghìn bản khắc các loại.
Để phục vụ cho việc sản xuất tranh ông đã tập trung hai con trai, hai con dâu, con gái, con rể và thuê thêm lao động hàng ngày từ 6 đến 10 người. Ngoài việc in tranh theo phương pháp kích cỡ cổ truyền 30 x 40cm; 40 x 60cm; Ông còn làm tranh khổ lớn. Tranh in ngang cỡ 80 x 120cm. Tranh in dọc cỡ 50 x 120cm được lồng trong khung tre, lắp kính sang trọng. Nhiều bản khắc gỗ được in mầu, trình bày thành những bức tranh gỗ được nhiều khách hàng ưa chuộng. Mỗi dịp Tết đến ông sản xuất hàng nghìn tấm lịch cuốn in trên nền tranh Đông Hồ, gắn trên mành trúc. Kể cả cửa hàng giới thiệu sản phẩm ở phố Chân Cầm - Hà Nội hàng năm ông bán được hàng triệu bản.
Bước vào thời kỳ đổi mới theo quyết định của UBND tỉnh và Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Bắc Ninh ông được thành lập “Trung tâm giao lưu văn hóa tranh dân gian Đông Hồ”.
Tranh dân gian Đông Hồ ngày càng phát triển và đi vào cuộc sống. Giáo sư, tiến sĩ Bùi Công Hiển giám đốc Trung tâm nghiên cứu côn trùng học Trường Đại học Quốc gia Hà Nội đã dùng cánh bướm, chân bướm tạo thành những bức tranh Đông Hồ rất đẹp như: “Đánh ghen”, “Vinh hoa”, Lý ngư vọng nguyệt”... Các nghệ nhân đúc đồng làng Đại Bái đã đưa Tranh Đông Hồ lên chất liệu đồng. Các nghệ nhân làng gốm Bát Tràng đã sản xuất các đĩa sứ thể hiện các bức tranh Đông Hồ. Hầu hết các tranh Đông Hồ được thể hiện sinh động trên đĩa sứ, tranh sứ.
Đến nay nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đã được Chính phủ quyết định cấp bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, đồng thời cho phép lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa nhân loại.
UBND tỉnh Bắc Ninh đang phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ trình Chính phủ đề nghị UNESCO công nhận tranh dân gian Đông Hồ là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Từ một làng nhỏ ven bờ sông Đuống tranh dân gian Đông Hồ đã phản ánh cuộc sống, tâm hồn, tâm tư, tình cảm của những người dân chân lấm, tay bùn; đã tạo nên một dòng tranh sống cùng dân tộc. Trải qua thời gian, qua biến động của lịch sử, thời cuộc vẫn tồn tại và phát triển. Tranh Đông Hồ đã góp phần làm phong phú, đa dạng kho tàng văn hiến vùng Kinh Bắc, góp một chương rực rỡ trong lịch sử Mỹ thuật Việt Nam. Được nhân dân trong nước và bạn bè ngoài nước yêu mến, trân trọng. Được sự quan tâm của chính quyền và địa phương dòng tranh dân gian Đông Hồ đã tồn tại ngày càng phát triển./.
TRẦN ANH TRANG