Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

ĐỒNG CHÍ NGÔ GIA TỰ QUA CÁC THỜI KỲ HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG TẠI BẮC NINH
10:23 | 30/12/2022

 KỶ  NIỆM 114 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ NGÔ GIA TỰ (03/12/1908 - 03/12/2022)

Đồng chí Ngô Gia Tự sinh ngày 3/12/1908 tại làng Tam Sơn, tổng Tam Sơn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là thôn Tam Sơn, xã Tam Sơn, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) trong một gia đình nông dân lao động. Thân phụ đồng chí Ngô Gia Tự là ông Ngô Gia Du (nhân dân thường gọi là cụ đồ Du) sau khi thi hỏng tam trường, cụ mở lớp dạy học tại quê và tích cực hoạt động trong phong trào Đông kinh nghĩa thục. Mẹ của đồng chí là bà Nguyễn Thị Bảy, tính tình hiền dịu, nhân hậu, cần mẫn, siêng năng. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí là tấm gương trung thành với Đảng, tận tụy với dân, suốt đời phấn đấu hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong cuộc đời hoạt động của mình, đồng chí đã được phân công về nhiều địa phương cả nước để xây dựng và phát triển phong trào cách mạng, trong đó có quê hương Bắc Ninh. 

Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống yêu nước và hiếu học tại làng Tam Sơn, tổng Tam Sơn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là phường Tam Sơn, thành phố Từ Sơn), năm 1922, sau khi tốt nghiệp tiểu học, Ngô Gia Tự theo học tại trường Bưởi, Hà Nội. Tại đây đồng chí đã kết bạn với nhiều học sinh cùng chí hướng, tìm đọc những tác phẩm của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc như báo “Người cùng khổ”; “Bản án chế độ thực dân Pháp”… và tiếp cận Chủ nghĩa Mác - Lê Nin, để rồi từ đó quyết chí đi theo con đường cách mạng. Năm 1926, Ngô Gia Tự bị đuổi học vì tổ chức nhiều học sinh bãi khóa đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu. Trở về quê hương, đồng chí vừa dạy học vừa tham gia hoạt động cách mạng. Vượt qua nhiều khó khăn gian khổ, đồng chí đã đi nhiều nơi trong tỉnh, tuyên truyền đường lối và tư tưởng cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tới những người nông dân yêu nước, bồi dưỡng nhiều cán bộ có năng lực làm nòng cốt xây dựng tổ chức, trở thành những đảng viên ưu tú, phục vụ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. 

Cuối năm 1926, đồng chí gia nhập tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội (VNTNCMĐCH), một năm sau, kết thúc lớp huấn luyện tại Quảng Châu (Trung Quốc), đồng chí được cử về hoạt động, trực tiếp lãnh đạo và xây dựng phong trào cách mạng ở hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, tham gia Ủy viên Tỉnh bộ và Kỳ bộ VNTNCMĐCH. Bằng những nỗ lực của đồng chí, tháng 7 năm 1927, chi hội VNTNCMĐCH đầu tiên đã ra đời ở Tam Sơn. Trong buổi lễ thành lập chi hội tại gia đình đồng chí Ngô Gia Tự ở xóm Xanh, đã kết nạp được 5 thành viên gồm các đồng chí: Ngô Gia Tự, Ngô Gia Chi, Ngô Gia Hương, Nguyễn Tự Lan và Ngô Sách Ngọ. Từ chi hội điểm ở Tam Sơn, nhiều chi hội trong toàn tỉnh đã được thành lập. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh đảng bộ và đồng chí Ngô Gia Tự, chỉ sau 2 năm tích cực tuyên truyền vận động, 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh đã thành lập được 10 chi hội. Để nâng cao trình độ chính trị cho hội viên, đồng chí Ngô Gia Tự đã mở nhiều lớp bồi dưỡng tại Đáp Cầu, Tiền An, Niềm Xá (Bắc Ninh), Bựu, Hoài Thượng (Tiên Du)… Từ đó đã củng cố lập trường cách mạng của hội viên, vận động được nhiều người tham gia tổ chức. 

Tại chi hội xã Tam Sơn, bằng công tác vận động và tập hợp quần chúng, đồng chi Ngô Gia Tự và chi hội đã thành lập được các tổ chức như: Hội công ích, Hội hiếu hỷ, Hội những người có ngôi thứ ở địa phương (còn gọi là phe Tư văn lớn, Tư văn bé). Các phe, hội này bề ngoài là tổ chức từ thiện, giúp đỡ lẫn nhau, thực chất chỉ là hình thức nhằm hợp pháp hóa để tuyên truyền quần chúng, đấu tranh chống lạm công quỹ, chống đàn áp, bóc lột của thế lực phong kiến ở địa phương, làm cho nhân dân hiểu rõ nguồn gốc của đói nghèo, mất quyền tự do, dân chủ. Điển hình nhất phải kể đến vụ nhân dân kiện Tổng Bính tội tham ô công quỹ, ức hiếp dân nghèo. Trước sự căm phẫn và lên án của nhân dân, Tổng Bính đã phải uống thuốc độc tự tử để tránh sự trừng phạt.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhiều cơ sở cách mạng từng bước được kiện toàn, được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ. Khí thế cách mạng và các cuộc đấu tranh của nhân dân  ngày càng sục sôi, lôi cuốn đủ mọi tầng lớp tham gia. Tại thị xã Bắc Ninh, chi hội binh lính đã tổ chức phá nhà mộ phu, giải thoát cho nhiều người đang bị giam giữ, chờ ngày đi phu tại các đồn điền ở miền Nam. Ở Tam Sơn, đồng chí Ngô Gia Tự đã tuyển chọn và kết nạp được 30 quần chúng tích cực vào Chi bộ ấp Tam Sơn.

Tháng 9/1928, Kỳ bộ VNTNCMĐCH mở hội nghị tại nhà đồng chí Ngô Gia Tự, tại hội nghị này, đồng chí Ngô Gia Tự được bầu là Ủy viên kỳ bộ VNTNCMĐCH tại Bắc kỳ. Đồng chí đã nêu rõ chủ trương “Vô sản hóa” trong đường lối hoạt động và được giao trách nhiệm cùng đồng chí Nguyễn Đức Cảnh phụ trách vận động công nhân. Đồng chí đã phân công đồng chí Nguyễn Văn Cừ về xây dựng phong trào “Vô sản hóa” tại mỏ than Vàng Danh, đồng chí Nguyễn Văn Mẫn về mỏ than Mạo Khê, đồng chí Nguyễn Thị Lựu (tức Cả Khương) về mỏ than Uông Bí, đồng chí Ngô Gia Chi (tức Sơn) về Gia Lâm, Yên Viên… Từ đây, những cán bộ nòng cốt của tổ chức đã đẩy mạnh phong trào trong công nhân, giác ngộ được nhiều quần chúng đi theo cách mạng, có sức tập hợp và cạnh tranh mạnh mẽ đối với thực dân Pháp bằng những cuộc đình công, đòi tăng lương, giảm giờ làm…

Tháng 7 năm 1929, đồng chí Ngô Gia Tự thành lập ở Bắc Ninh một chi bộ tại núi Hồng Vân (núi Lim), đồng thời tích cực chuẩn bị thành lập Đảng bộ Đông Dương cộng sản Đảng Bắc Giang và Bắc Ninh. Cũng trong năm 1929, do bị địch truy bắt gắt gao, đồng chí Ngô Gia Tự được Trung ương điều động vào các tỉnh miền Nam hoạt động. Năm 1931, đồng chí bị địch bắt và đưa về xử tại Bắc Ninh. Trước mặt kẻ thù, đồng chí luôn nêu cao khí tiết của người cộng sản, kiên quyết bảo vệ tổ chức, bảo vệ Đảng. Không khuất phục được, chúng kết án tù chung thân và lưu đầy đồng chí tại Côn Đảo. Cuối năm 1934, đồng chí đã anh dũng hy sinh trên đường vượt ngục trở về với cách mạng, năm đó đồng chí Ngô Gia Tự mới vừa tròn 26 tuổi./.

HOÀNG NGỌC BÍNH