Trang chủ VĂN HIẾN BẮC NINH - KINH BẮC

ĐÌNH LÃNG LIỄU KHÊ - ĐỊA ĐIỂM CÁCH MẠNG TIÊU BIỂU TỈNH BẮC NINH
14:55 | 23/09/2022

Trong không khí của những ngày thu tháng Tám lịch sử, người dân thôn Liễu Khê, xã Song Liễu lại bồi hồi nhớ về chặng đường đấu tranh sôi nổi, hào hùng trên mảnh đất quê hương mà ngôi đình làng là chứng tích tiêu biểu, gắn liền với những thắng lợi vẻ vang của nhân dân Liễu Khê - Song Liễu, góp phần làm nên thắng lợi chung của nhân dân cả nước.

Liễu Khê (tên là Liễu Chử) là một làng cổ có bề dày truyền thống lịch sử văn hiến và cách mạng. Trước năm 1945, Liễu Khê thuộc tổng Liễu Lâm, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An. Nay thuộc xã Song Liễu, huyện Thuận Thành. Từ xa xưa cư dân Việt cổ đã về đây khai khẩn đất đai, tạo nên những làng xóm đông đúc, dấu ấn đậm nét còn để lại ở tên đất, tên làng, ngõ xóm cổ như: ngõ Đình, ngõ Mái, ngõ Chùa, ngõ Âu… Theo sử cũ ghi lại, Liễu Khê kề sát thành Luy Lâu - Long Biên nên từ thời phong kiến, nhiều trai tráng của Liễu Khê đã tham gia chống quân xâm lược phương Bắc. Trong phong trào chống Pháp của các văn thân và các thủ lĩnh nông dân sau này như cuộc khởi nghĩa của Cai Vàng (1862 - 1864), khởi nghĩa Quận Tường (1866 - 1874), khởi nghĩa Bãi Sậy của Nguyễn Thiện Thuật (1884), khởi nghĩa Yên Thế của Hoàng Hoa Thám (1884)… nhiều con em Liễu Khê cũng đã tích cực tham gia ứng nghĩa.

Thực hiện chủ trương Vô sản hóa của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, năm 1929, đồng chí Trần Xuân Doanh đã về Liễu Khê gây dựng cơ sở cách mạng và tuyên truyền giác ngộ quần chúng. Đầu năm 1930, một số chi bộ Đảng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh được thành lập. Năm 1938, phong trào cách mạng phát triển tương đối rộng ở khu vực Nam phần Bắc Ninh, trong đó có Liễu Khê. Năm 1939, không khí khủng bố và nguy cơ chiến tranh đã chỉ ra hoạt động công khai, hợp pháp, nửa hợp pháp không còn nữa. Đảng chủ trương xây dựng cơ sở bí mật ở nông thôn để khi cần có thể nhanh chóng chuyển vào hoạt động bí mật. Liễu Khê, Liễu Ngạn và một số xã ở Văn Lâm, Gia Lâm, Từ Sơn được chọn xây dựng căn cứ bí mật (an toàn khu) để bảo vệ Đảng.

Tọa lạc trên một khu đất đẹp phía đầu làng, trước mặt là sông Bắc - Hưng - Hải, các mặt còn lại giáp khu dân cư, không gian thoáng đãng, giao thông thuận lợi nên đình Liễu Khê đã trở thành một địa điểm quan trọng của cách mạng thời kỳ tiển khởi nghĩa. Đặc biệt, từ năm 1937 đến năm 1940, đình Liễu Khê là cơ sở hoạt động cách mạng bí mật của Đảng ta. Các đồng chí lãnh đạo tiền bối của trung ương  Đảng như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo, Văn Tiến Dũng và cán bộ lão thành cách mạng trong Ban xứ ủy Bắc Kỳ như: Trần Xuân Doanh, Nguyễn Văn Chất, Mai Vy, Nguyễn Thị Khôi, Phan Trọng Tuệ, Nguyễn Thành Do… đã lấy Liễu Khê làm cơ sở hoạt động để chỉ đạo phong trào cách mạng toàn xứ, được nhân dân Liễu Khê nuôi dưỡng, che chở và bảo vệ an toàn. 

Khoảng tháng 5 năm 1940, tại đình làng Liễu Khê, nhân dân đã ra đình làng đấu tranh trực diện với Lý trưởng đòi bỏ thuế “Phù thu lạm bổ”. Cuối năm 1940 đầu năm 1941, tại sân đình Liễu Khê, đội tuần đinh (gồm 10 người) thành lập ở có nhiệm vụ bảo vệ các đồng chí trong Ban thường vụ Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ về Liễu Khê theo dõi chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa. Từ năm 1941 đến năm 1944, đình làng Liễu Khê là nơi cất dấu vũ khí luyện tập quân sự của đội tự vệ Liễu Khê (đội tự vệ thành lập đầu tiên ở Bắc Ninh). Đội tự vệ đã bảo vệ an toàn 3 cuộc họp quan trọng của xứ ủy Bắc Kỳ ở nhà ông Quát. Đồng thời đình làng là nơi tuyên truyền các phong trào cách mạng và giác ngộ quần chúng yêu nước.

Tháng 10 năm 1943, để phục vụ chính sách thuế thóc, thuế liên đoàn của Nhật, Tri phủ Thuận Thành lệnh cho lính về làng cùng với tuần đinh đi thu thóc của nhân dân khi mùa màng đang gặt. Trước tình hình đó, chi bộ Đảng lãnh đạo lực lượng tự vệ và quần chúng đấu tranh quyết liệt hơn 2 tháng, không cho thu thóc và đòi miễn giảm thuế cho nhân dân. Trong thời gian này, hai lần quan phủ về Liễu Khê thương lượng dọa dẫm nhưng nhân dân vẫn kiên quyết không nộp, chúng bắt 20 người đưa lên phủ. Ngay đêm hôm đó, đồng chí Vinh, cán bộ được trên điều về hoạt động ở Liễu Khê đã viết cho nhân dân một lá đơn bằng tiếng Pháp. Sáng hôm sau, nhân dân cử 20 người đem cơm cho người bị bắt và đưa đơn lên phủ đấu tranh, buộc chúng phải thả 20 người về. Sau đó, Tổng đốc Bắc Ninh là Phan Kế Toại cùng Công sứ người Pháp Vintơbe và bọn nha phủ phải về đình Liễu Khê thương lượng. Trước tinh thần đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân buộc chúng phải giảm mức đóng góp từ 45 kg thóc xuống còn 23 kg thóc/mẫu. Cuộc đấu tranh giành thắng lợi, dân chúng vui mừng, uy tín của chi bộ và Mặt trận Việt Minh được nâng cao. 

Đêm 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp thì ngay ngày hôm sau (10/3) tự vệ Liễu Khê do đồng chí Kiêm Tiền chỉ huy phối hợp với tự vệ Bãi Sậy (Hưng Yên) dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Nguyễn Khang và Lê Liêm đột nhập vào đồn Bần Yên Nhân thu 21 súng và đạn dược đưa về đình Liễu Khê cất dấu trong Đại đình một thời gian sau mới chuyển đi nơi khác. 8 giờ sáng ngày 21/6/1945 (tức 12/5 âm lịch) đội tự vệ Liễu Khê gồm 30 đội viên có một súng lục còn lại toàn dao găm, mã tấu dưới sự chỉ huy của đồng chí Trân, đồng chí Xuyên đã đột nhập vào đồn Văn Lâm thu 31 súng và đạn dược tuyệt đối an toàn đem về đình Liễu Khê công khai huấn luyện cho tự vệ. Cuối tháng 6 năm 1945, trước tình hình phong trào cách mạng các xã phát triển mạnh mẽ, chính quyền tay sai của địch đã tự nguyện mang nộp chiện bạ và sổ sách cho cách mạng. Trước tình hình đó, tại đình làng Liễu Khê, huyện đã chỉ đạo thành lập Ủy ban cách mạng lâm thời ở Liễu Khê do ông Cao Đình Liên làm Chủ tịch. 

Cuối tháng 7 năm 1945, tại Tiền tế đình làng Liễu Khê đã diễn ra một cuộc họp quan trọng của Hội nghị liên huyện Văn Gia Thuận (Văn Lâm, Gia Lâm, Thuận Thành) do đồng chí Nguyễn Thành Do chủ trì, bàn kế hoạch giành chính quyền ở 3 huyện. Từ đó, Liễu Khê được coi là mặt trận Việt Minh thượng cấp, lấy đình làng Liễu Khê làm trụ sở để đón tiếp nhân dân trong vùng đến hoạt động. Từ đây, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban cách mạng lâm thời, nhân dân Liễu Khê đã thực hiện lệnh Tổng khởi nghĩa do chi bộ đảng phát động, chia làm hai bộ phận, phân công nhiệm vụ sẵn sàng tham gia khởi nghĩa giành chính quyền. Sáng 19/8/1945, một bộ phận gồm 10 tự vệ (trong đó có 5 đảng viên) được trang bị đầy đủ súng đạn, do đồng chí Nguyễn Thành Do chỉ huy tập trung tại đình Long Khám (Từ Sơn) hành quân đánh thành Bắc Ninh. Bộ phận ở nhà do ông Nguyễn Văn Trân và ông Nguyễn Văn Nghiệp chỉ huy lực lượng tự vệ và hàng ngàn quần chúng ở các xã lân cận với vũ khí thô sơ: giáo, mác, cuốc, thuổng, gậy gộc và số ít có súng đạn cùng cờ đỏ, biểu ngữ tiến về đánh chiếm phủ Thuận Thành và hô vang khẩu hiệu “Việt Minh muôn năm”. Trước sức mạnh như vũ bão của quần chúng, tri phủ Ngọc cùng quan nha và lính vệ phải xin đầu hàng, giao nộp lại toàn bộ vũ khí, chiện bạ và giấy tờ sổ sách cho chính quyền cách mạng. Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi hoàn toàn ở Thuận Thành. 

Ngày 25/8/1945, tại 3 gian nhà ngoài đình làng Liễu Khê, dưới sự chủ tọa của ông Nguyễn Văn Trân, hội nghị đại biểu các thôn thuộc Liễu Khê được triệu tập đã triển khai chủ trương của huyện về việc bầu ủy ban hành chính lâm thời của thôn và đi vào bàn bạc các nội dung chủ yếu là bầu đại biểu hành chính lâm thời của các thôn, thống nhất thời gian và địa điểm cho chính quyền cách mạng lâm thời ra mắt quần chúng nhân dân. Ngày 26/8/194, tại đình làng Liễu Khê, một cuộc họp nhân dân dưới sự điều hành của chi bộ đảng, chính quyền cách mạng và cán bộ việt minh đã bầu được ủy ban lâm thời thôn Liễu Khê do ông Cao Đình Liên làm chủ tịch.

Đình làng Liễu Khê được xây dựng từ thời Lê, trùng tu sửa chữa lớn vào thời Nguyễn gồm nhiều hạng mục công trình cổ như: Nghi môn, Tiền tế, Đại đình, Hậu cung, 2 dãy Giải vũ. Ngôi đình đã bị thực dân Pháp tàn phá khi chúng chiếm đóng chỉ còn tòa Tiền tế gồm 5 gian 2 dĩ mang đậm nghệ thuật kiến trúc thời Lê - Nguyễn với bộ khung bằng gỗ lim, bộ vì liên kết theo kiểu chồng rường, kẻ bảy. Nghệ thuật chạm khắc trang trí tinh xảo tập trung chủ yếu trên các bẩy, đầu dư, cốn và con chồng theo đề tài “tứ linh”, “tứ quý” kỹ thuật chạm thủng, chạm lộng, chạm kênh bong với những hình rồng, chim phượng, long ly tinh xảo. Năm 1996 dân làng tôn tạo lại tòa Hậu cung kết cấu kiến trúc đơn giản dùng làm nơi tôn nghiêm thờ đức thành hoàng. Theo truyền tích của nhân dân địa phương, Đình Liễu Khê tôn thờ thành hoàng làng là đức “Phao Nổi”, có công âm phù giúp dân diệt trừ tai hoạ. Trải các triều vua được ban tặng sắc phong và chuẩn cho nhân dân nơi nơi đây hương hỏa phụng thờ. Tại đình còn lưu giữ được 01 bản sắc phong niên đại thời Nguyễn và nhiều hiện vật có giá trị. Đình Liễu Khê được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật - Quyết định số 24/2001/QĐ-BVHTT, ngày 20/4/2001.   

Như vậy có thể nói, đình làng Liễu Khê đã trở thành một địa điểm quan trọng của cách mạng với những mốc lịch sử trọng đại trong những ngày tiền khởi nghĩa (trước cách mạng tháng Tám năm 1945), đã góp phần cùng nhân dân cả nước tiến lên đập tan xiềng xích nô lệ thực dân phong kiến, giải phóng quê hương giành độc lập, tự do cho dân tộc. Đình Liễu Khê xứng đáng trở thành “địa chỉ đỏ” về giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ./.

                                                                                                                                                                                                         PHAN THỊ AN NGỌC