Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

ĐỀ CƯƠNG VĂN HÓA VIỆT NAM - NGỌN ĐÈN SOI RỌI ĐƯỜNG ĐI CHO VĂN HÓA VIỆT NAM
16:09 | 24/06/2023

TUYÊN TRUYỀN 80 NĂM ĐỀ CƯƠNG VĂN HÓA VIỆT NAM

Nguyên văn câu ấy là: “Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện độc lập, tự cường, tự chủ…Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” là phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Đại hội Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất ngày 24/11/1946 ở Thủ đô Hà Nội

Câu nói đó đã cụ thể hóa vị trí vô cùng quan trọng của văn hóa và khẳng định "Đề cương về văn hóa Việt Nam" mà Ban Thường vụ Trung ương Đảng thông qua tháng 2/1943 chính là cương lĩnh tuyệt đối đúng đắn, tạo tiền đề cho những chính sách đúng đắn, là ngọn cờ tập hợp trí thức từ mọi phương trời đang mò mẫm trong sương mù thời cuộc. Đề cương thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng, tư duy chiến lược của Đảng, là ngọn đèn soi rọi cho nền văn hóa không chỉ ngày ấy, hôm nay mà có sức sống mãnh liệt mãi mãi trường tồn, vạch ra con đường sáng cho nền văn hóa hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc.

Chính vì vậy, ngay từ khi mới giành được độc lập, Đảng, Bác Hồ đã lo cho nền dân trí. Bên cạnh nhiệm vụ “diệt giặc đói” là nhiệm vụ “diệt giặc dốt”. Bên cạnh việc khẩn trương xây dựng nền kinh tế độc lập, tự lực, tự cường, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân là những nỗ lực tập hợp và thu hút nhân tài. Chưa bao giờ câu nói của Tiến sỹ - Phó đô Nguyên súy Tao đàn Nhị thập bát tú Thân Nhân Trung “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” lại được Đảng, Bác Hồ coi trọng như ngày ấy. Vì thế, bao nhiêu nhà khoa học, những kỹ sư tài ba, những thầy thuốc ưu tú và cả những nhà triết học, những văn sỹ tiến bộ, những nhạc sỹ, vũ công… thức thời ở khắp mọi nơi, kể cả những người đang cư trú nơi hải ngoại được đãi ngộ rất cao cũng sẵn sàng trở về đất nước, tập hợp dưới ngọn cò độc lập dân tộc, dân chủ, dân sinh. Những nhà văn, nhà thơ từ bỏ “mộng mơ” chốn siêu hình, từ bỏ những trường phái xa rời thực tế… để đi vào cuộc kháng chiến thần thánh, cùng dân tộc mở ra mặt trận văn hóa, đánh giặc bằng những tác phẩm (văn, thơ, nhạc, họa…) mà sức mạnh của nó không hề thua kém những binh đoàn.

Tiêu biểu là những nhà thơ, nhà văn cách mạng như Tố Hữu với hai tập thơ "Từ Ấy" và "Việt Bắc"; Nguyễn Đình Thi với bài thơ "Đất Nước" và tiểu thuyết "Xung Kích"; Hữu Loan với bài thơ "Đèo Cả"; Quang Dũng với bài thơ "Tây Tiến", "Đôi mắt người Sơn Tây"; Ngô Tất Tố với "Ký sự Phiên chợ trung du"; Nam Cao với "Nhật ký ở rừng", "Mỏ Sâm banh" và nhất là "Đôi mắt"; Nguyên Hồng với truyện ký "Đất nước yêu dấu" và truyện vừa "Đêm giải phóng"; Nguyễn Huy Tưởng với các vở kịch "Bắc Sơn", "Những người ở lại" và "Ký sự Cao Lạng", "Nhật ký chiến tranh"…Và đặc biệt là Hoàng Cầm - chàng trai miền Quan họ, trưởng thành bên dòng sông Đuống dữ dội, đau thương. Những bài thơ như "Đêm liên hoan", "Bên kia sông Đuống"… Những vở kịch như "Kiều Loan", "Cô gái nước Tần", "Ông cụ Liêu", "Lên đường", "Đêm Lào Cai"… như những bản án lên án cuộc chiến tranh xâm lược, như tiếng kèn thúc giục người người xung trận…

Rồi cuộc trường chinh đánh Mỹ. Lớp lớp văn nghệ sỹ lại lên đường. Họ vừa là nghệ sỹ, vừa là chiến sỹ. Khi họ ngã xuống, ngoài tấm bia mộ “Tổ quốc ghi công” họ còn để lại cho đất nước, cho dân tộc, cho thế hệ mai sau những vần thơ có lửa, những áng thiên cổ hùng văn, chân thực kể lại, vẽ lại, chụp lại một thời oanh liệt.

Những nhà thơ, nhà văn thời kỳ này đã đóng góp một kho tàng đồ sộ, chưa từng có cho nền văn học nước nhà. Về thơ, có Phạm Tiến Duật với bài thơ tiêu biểu “Tiểu đội xe không kính”. Huy Cận với “Đoàn tàu đánh cá”. Bằng Việt với “Bếp lửa”. Nguyễn Duy với “Ánh trăng”. Thanh Hải với “Mùa xuân nho nhỏ”. Hữu Thỉnh với “Sang thu” và trường ca “Đường tới thành phố”. Y Phương với “Nói với con”. Thu Bồn với trường ca “Bài ca chim Chơ Rao” mang đậm tính sử thi…Về văn xuôi, có Nguyễn Minh Châu với “Dấu chân người lính” Nguyễn Thi có truyện ký “Người mẹ cầm súng”. Nguyễn Trung Thành có tiểu thuyết “Rừng Xà Nu”. Anh Đức có tiểu thuyết “Hòn đất”. Lê Văn Thảo có “Con đường xuyên rừng”. Và đặc biệt Đặng Đình Loan có tiểu thuyết “Đường thời đại” dài tới 20 tập, ngót ngét gần vạn trang sách, có thể coi là cuốn sử thi của thời chống Mỹ… Ngoài ra còn rất rất nhiều những cây bút chuyên, không chuyên với hàng ngàn bài thơ, hàng trăm truyện ngắn và cả những tiểu thuyết được bạn đọc đón nhận với tất cả sự đam mê và lòng biết ơn chân thành. Những sáng tác trong thời kỳ này vừa hay, vừa đậm đà tính dân tôc, đại chúng và cũng vô cùng khoa học, vừa khái quát, vừa tỷ mỷ, vừa kế thừa, vừa dự báo, nhất là dự báo về sự tất thắng, về tương lai đất nước…

Và hôm nay…

Sau bao nhiêu khổ đau, mất mát, cả dân tộc bừng bừng đứng dậy, không chỉ tìm cho mình sự sống, tạo cho toàn dân một cuộc đời đáng sống mà còn tìm cho mình một vị thế ngang tầm thế giới - vị thế của người chiến thắng, vị thế của của một dân tộc anh hùng vừa thông minh, vừa cần cù, nhân hậu.

Các Văn nghệ sỹ lại hăm hở lao vào cuộc chiến tưởng dễ hơn rất nhiều so với cuộc chiến tranh cứu nước. Nhưng không. “Mọi sự so sánh đều là khập khiễng”. Một đằng là kẻ thù trước mắt bằng thịt, bằng xương, bằng đồng, bằng sắt… Một đằng là kẻ thù vô hình, là đồng bào, đồng chí, là những người thân yêu và là cả chính bản thân mình. Những viên đạn ngọt lịm đường phèn, những cám dỗ mê ly từ những nhu cầu vật chất chính đáng… Ai dám khẳng định cuộc chiến nào cam go, quyết liệt hơn cuộc chiến nào? Nếu như Văn nghệ sỹ không giữ vững lập trường, quên đi những điều mà Đề cương văn hóa Việt Nam từ năm 1943 Đảng đã từng cảnh báo, quên đi sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, quên đi ba cốt lõi: Dân tộc, đại chúng, khoa học… thì sẽ ngả nghiêng khi tả, khi hữu, khi nhuộm hồng, khi bội đen, sẽ xa rời thực tế, văn nghệ sẽ chỉ là đơn thuần văn nghệ… Và theo tôi những VNS ấy nên xếp bút, xếp cây cọ xinh xinh… để nhìn lại mình, ngẫm lại cuộc đời…

Tám mươi năm đã trôi qua. Sau "Đề cương văn hóa Việt Nam 1943" là Đại hội Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24/11/1946), lần thứ hai (15/7/1948)… rồi Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII “Xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc” (1998). Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ chính trị “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng với yêu cầu hội nhập và phát triển của đất nước” (2008) và Đại hội Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021… đều nhấn mạnh điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, có nghĩa là Văn hóa là ngọn đèn, ngọn đuốc, là ánh sáng, là lương tri.

Văn hóa soi đường… đã trở thành chân lý của mọi thời đại và của mỗi con người./.

                                                                                                                                                                                                         HOÀNG GIÁ