Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

ĐẠO THẦY TRÒ XUA VÀ NAY
14:40 | 17/11/2022

 KỶ NIỆM 40 NĂM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM (20/11/1982 - 20/11/2022)

Người Việt Nam xưa nay vốn có truyền thống hiếu học, đạo thầy trò luôn luôn được tôn vinh “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy).

Đạo làm thầy không chỉ có dạy chữ, dạy kiến thức cho học trò mà trước hết phải dạy đạo làm người “Tiên học lễ, hậu học văn”.

Đối với học trò - công lao dạy dỗ của thầy sánh cùng công sinh thành của cha mẹ “Ơn cha, nghĩa mẹ, công thầy”. Đó là nền tảng đạo đức, giúp cho học trò có những ứng xử theo tinh thần tôn sư trọng đạo.

Đạo thầy trò là quan hệ đạo đức - nhân văn trong truyền thống văn hóa vẻ vang của nhân dân ta từ xưa tới nay.

Trong số những người Bắc Ninh xưa viết về đạo thầy, trò sâu sắc nhất là Trạng nguyên Vũ Kiệt. Ông quê ở xã Yên Việt, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc xưa, nay thuộc thôn Cửu Yên, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Vũ Kiệt đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ cập đệ, đệ nhất danh (tức Trạng nguyên) khoa thi năm Nhâm Thìn niên hiệu Hồng Đức thứ 3 đời vua Lê Thánh Tông (năm 1472). Trong “Văn sách thi Đình” năm ấy của Trạng nguyên Vũ Kiệt còn ghi lại nội dung lời đối thoại của ông với nhà Vua. Sau khi đề cập đến những vấn đề chung, ông nói về vấn đề cốt lõi của việc thịnh trị đất nước, trong đó nhấn mạnh việc học và đạo thầy trò.

Nhà vua hỏi: “Trẫm lo cho Nho thuật chưa thịnh đạt nên chú trọng việc tuyển chọn học trò vào Quốc Tử Giám, để nêu khuôn phép, kính trọng học quan, để dựng khuôn mẫu. Sách xưa có câu: “Thầy nghiêm thì việc học đạo mới được tôn kính”, nhưng hiện tại nho sinh lại cảm thấy xấu hổ khi đến học thầy, cốt làm những chuyện họa may, hoặc qua tuần, qua tháng lại đổi thầy. Một nho sinh mà chưa bao giờ biết gò mình trong việc tu chỉnh, khi đạt được danh vọng ở triều đình thì ít tuân theo lễ nghĩa. Đạo làm thầy bị bỏ rơi sao mà lâu thế, làm thế nào để cứu vãn được...”

Vũ Kiệt trả lời: “Thần nghe cái học của người xưa nhất thiết phải có thầy, người thầy làm nhiệm vụ truyền đạo, thụ nghiệp, nêu lên những chỗ nhầm lẫn, giải thích những điều tồn nghi trong sách vở. Các ngành, các nghề, ngay cả những nghề vụn vặt cũng không thể không có thầy được, huống hồ người theo học đạo Nho? Bệ hạ thường lo nghĩ người theo học Nho thuật không được xem trọng, thì giáo hóa không được sáng sủa, nhân tài không phát triển, không lấy gì là chỗ dựa cho cương thường, dẫn dắt theo nguyên khí của quốc gia. Ngoài ra còn kính trọng học quan và việc nêu khuôn mẫu của người thầy lại càng quan trọng hơn.

Là kẻ sĩ phải thấy rằng mình được vinh hạnh, càng chăm lo việc thực học. Trong lúc chưa thành đạt thì sống theo đạo lý thông thường để chờ thời gặp mệnh, không để mất phẩm chất riêng của mình. Lúc đã được tin dùng thì phải giữ đúng danh vị và làm việc thực sự, không thể để mất đi cái điều mà mình hằng mong muốn, như thế mới có thể được.

... Không thể không có những con người ngồi đúng chỗ, dung mạo đoan trang, sáng rõ nghĩa lý sách vở, tu chỉnh nết na...

... Tất cả đều bởi cái đạo làm thầy được đứng vững nên người tốt được nhìn ra.

Vũ tiên sinh cũng nêu ra những tồn tại của giáo dục đương thời ở cả phía thầy và trò.

“... Nhưng cũng khá nhiều người làm thầy, tư chất kém cỏi, văn vẻ vụng về. Cái mà học trò cần có là sự uyên bác, nhưng người thầy lại có kẻ mông xoàng, tài cán thô thiển. Đạo làm thầy không vững, thế thì còn là gì khi thấy những trò xấu hổ trong việc đi học?

... Hiện tại, việc học vủa Nho sinh hẳn đều như việc học cổ nhân chứ? Sự trình bày của họ chẳng qua là sự rườm rà theo cách cắt gọt vẽ vời, sách vở chứa đầy trên án nhưng phần nhiều là hình trạng của gió mây”.

Vũ Kiệt cũng vạch ra phương hướng để khắc phục những tồn tại ấy:

“Thần mong bệ hạ: Đạo làm thầy phải được tuyển chọn kỹ càng. Việc nuôi dạy sỹ tử phải được nghiêm nghị đúng hướng...”

... Tìm nhân tài trước hết phải chú ý đến mặt đức hạnh, phế truất kẻ phù hoa...

... Nếu như dùng lời gian dối để chau chuốt thì dứt khoát không dùng. Người dám nói thẳng thì có thể thu nhận.

... Khoa mục tuy có thể trọng dụng, nhưng dựa vào các danh tiến sỹ mà phụ họa theo kẻ xấu, nhiều mánh lới như bè lũ Tô Nguyên thì bỏ hẳn”.

“Nho thuật tuy có dùng, nhưng tự phụ cho rằng mình đã đọc hết sách vở, dùng văn học để đưa đất nước đến chỗ sai lầm như bọn Vương An Thạch thì trừ đuổi không thể gần gũi họ được”.

Sau Trạng nguyên Vũ Kiệt, phải kể đến Tiến sỹ Đàm Thận Huy – một danh nhân khoa bảng tiêu biểu, một người thầy đã có công đào tạo được nhiều học trò giỏi, trưởng thành giúp ích cho dân. Đàm Thận Huy quê ở xã Hương Mạc, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, đỗ tiến sỹ năm 1490. Khi dạy học ở quê, ông dạy các trò của mình là môn sinh trong làng ngoài xã gần xa đều tìm đến theo học. Học trò của thầy trong hai khoa thi đã đỗ hết - đủ hàng tam khôi: đó là Trạng nguyên Nguyễn Hữu Nghiêm. Sau khi nhà Mạc tiếm ngôi nhà Lê, thầy trò Đàm Thận Huy và Nguyễn Hữu Nghiêm đều mang hết lòng trung quân ái quốc phò Lê - diệt Mạc rồi đều hy sinh oanh liệt, được vua Lê phong là “Tiết nghĩa đại vương”.

Đàm Công Hiệu là cháu đời thứ 6 của Tiến sỹ Đàm Thận Huy đã nối nghiệp cha ông làm rạng rỡ thêm đạo thầy trò. Ông có công lao đức độ lớn trong việc dạy chúa Trịnh Cương ở trong vương phủ từ thời thơ ấu đến khi trưởng thành - một vị chúa minh sáng của nhà Trịnh. Vì kính trọng tài đức của thầy, khi Đàm Công Hiệu về trí sỹ - lúc bị ốm nặng - chúa Trịnh Cương cứ 3 ngày một lần từ vương phủ Thăng Long về làng Hương Mạc, Từ Sơn để thăm sức khỏe của thầy. Chúa cho dỡ cả giảng đường trong phủ - xưa thầy Đàm Công Hiệu dạy chúa, mang về quê dựng lại, cùng mấy quang sách chữ Hán về để thầy nhìn thấy trước khi mất. Sau đó giảng đường này trở thành đền thờ Đàm Công Hiệu. Lễ tang thầy được chúa Trịnh Cương cử hành theo nghi thức quốc tang “Bãi triều ba ngày”, rồi sau đó phong tặng Đàm tướng công là “Quốc sư đại vương”.

Kế tục truyền thống “Tôn sư trọng đạo - nghĩa thầy trò” trên đây, Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo là danh nhân khoa bảng nổi tiếng của quê hương và đất nước ta - người có quan điểm rất sâu sắc về vai trò quan trọng của “hiền tài” đối với quốc gia dân tộc.

Nguyễn Đăng Cảo là người thông minh, học giỏi nổi tiếng, từ thi Hương, thi Hội, thi Đình và thi Đông các đều đỗ đầu. Năm 1646, ông thi đậu Thám hoa cùng với em ruột là Nguyễn Đăng Minh, sau được bổ làm quan trong viện Hàn Lâm. Khi về nghỉ tại quê nhà, Nguyễn Đăng Cảo mở trường dạy học, học trò của ông rất đông và nhiều người thành đạt.

“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” là quan điểm đúng đắn và khoa học, được nhiều nhà khoa bảng nổi tiếng từ xưa đến nay đề cập tới. Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo đã đề cập tới quan điểm “Hiền tài” đối với quốc gia, trong nội dung văn bia do ông soạn về khoa thi (1577) dựng tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), cụ thể như sau:

“Khí vận của quốc gia quan hệ nhân tài, phải bồi dưỡng nhân tài, nhân tài nhiều thì sẽ đem lại thái bình thịnh trị”.

Trong xã hội hiện nay, nền kinh tế phát triển theo cơ chế thị trường, nên đôi khi đồng tiền đã len lỏi vào cả quan hệ đạo thầy trò. Đại đa số các thầy cô vẫn giữ tốt được nhân cách nghề cao quý của mình, phấn đấu dạy tốt, giữ gìn kỷ cương, tình thương và trách nhiệm. Nhưng đây đó vẫn còn hiện tượng “bán chữ” một cách tế nhị. Các trò nhìn chung đều thông minh, hiếu học, xác định sâu sắc vấn đề “Tiên học lễ, hậu học văn”. Song không phải không còn những học trò đạo đức bị xói mòn - học tập sa sút, thậm chí lao vào tệ nạn nghiện hút, đối xử với cha mẹ và thầy cô không đúng mực.

Nhân ngày “Nhà giáo Việt Nam” 20 tháng 11, bài viết này đặng góp phần vào công tác giáo dục hôm nay - tạo lập mối quan hệ tốt đẹp “Thầy - trò” để đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục đào tạo, phát huy truyền thống vẻ vang của cha ông và đạo đức thầy trò cho cuộc sống xã hội hôm nay và mai sau./.

                                                                                                                                                                                                                  LÊ VIẾT NGA