Trang chủ VĂN HIẾN BẮC NINH - KINH BẮC

DANH THẦN MẪN ĐỨC HỢP ĐƯỢC THỜ LÀM HẬU THẦN, HẬU PHẬT
16:45 | 26/09/2023

Thôn Trác Bút, Thị trấn Chờ có tên nôm là làng Bốt (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) là làng có nhiều di tích cổ tích như đình, chùa am… cùng nhiều danh thần nổi tiếng.

Đình làng thờ 3 vị Thành hoàng là Hộ quốc đại vương Đống Báng, Hiển ứng đại vương Quang Minh và Quốc vương, Quận công Thiếu bảo Mẫn Bá Liên. Đình làng còn phối thờ 8 vị hậu thần từ xa xưa. Một trong những vị hậu thần ấy là Thuận triều hầu Mẫn Đức Hợp của dòng họ Mẫn Đức và là danh thần thời Lê Trung Hưng.

*       *

*

Làng Trác Bút là đất địa linh nhân kiệt. Ngày xưa có người con gái xinh đep là Mẫn Thị Ngọc Hoa được nhà Vua yêu quý và sủng ái. Khi bà mất được xây lăng gọi là lăng Hầu Bà. Ở Trác Bút có giống bầu trồng ngoài ruộng, quả tròn. Quả non để ăn rất mát và bổ. Quả bầu già, vỏ rất cứng và nhẹ, người địa phương dùng làm gáo để tưới thuốc lào. Không biết từ khi nào ở đây vẫn lưu truyền câu ca:

Xinh xinh cô gái tưới bầu,

Mày ngài, mắt phượng, têm trầu dâng Vua.

Nơi đây sản sinh nhiều võ quan phục vụ thời Vua Lê Chúa Trịnh như Quận công  Mẫn Bá Liên, Quận công Mẫn Quốc Tuệ, Quận công của dòng họ Nguyễn Đình… và Thuận triều hầu Mẫn Đức Hợp.

Cụ Mẫn Đức Ân 75 tuổi trưởng họ Mẫn Đức cho biết: Hiện nay dòng họ vẫn giữ di văn Hán Nôm gồm 2 Sắc phong, 2 sách khoán bầu Hậu Thần và bầu Hậu Phật, 1 bản văn bia bầu Hậu Phật của Thuận Triều Hầu Mẫn Đức Hợp. Các di văn Hán Nôm này đã được Thạc sĩ Dương Văn Hoàn cán bộ của Viện Nghiên cứu Hán Nôm dịch và in thành tài liệu để lưu truyền, phổ biến trong  dòng họ vào ngày 20 tháng 12 năm 2021.

*       *

*

Thuận Triều Hầu Mẫn Đức Hợp, tài liệu không ghi cụ sinh năm nào mất năm nào, chỉ biết rằng cụ làm quan cho 3 đời Chúa: Chúa Trịnh Cương (1709 - 1729), Chúa Trịnh Giang (1729 - 1740), Chúa Trịnh Doanh (1740 - 1767). Dò theo các di văn Hán - Nôm có ghi chép về cụ, phỏng đoán cụ sống và làm việc trong khoảng thời gian từ 1700 đến 1775. Cụ là võ quan được tuyển vào phủ Chúa làm việc từ khi còn trẻ, ở kinh kỳ cụ lấy vợ cả là Nguyễn Thị Điền quê ở xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) giữ chức Tĩnh Nhân. Cụ được thăng tiến liên tục qua cả 3 đời Chúa. Dưới thời Chúa Trịnh Doanh cụ đã được phong “Đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu, Phó tri Thị nội, Thư tả công phiên, Thị nội giám. Tư lễ giám, Tổng thái giám, tước Thuận Triều Hầu, trụ quốc, thượng giai’’.       

Với chức quan trên cụ đảm nhiệm các hoạt động của Tư lễ giám ở trong cung mà việc quan trọng là “giữ việc đóng ấn nhà Chúa, ban ra các công vụ’’, đồng thời cụ Mẫn Đức Hợp là người cai quản điều  hành một số cơ, đội (cả bộ binh và đội thuyền) của Chúa Trịnh, tham gia trực tiếp vào các chuyến kinh lý, vi hành hay đi công cán của Chúa Trịnh về các địa phương.

Tư liệu cho biết: Vào ngày lành, tháng đầu thu (tháng 7) năm Giáp Thìn 1724 Chúa Trịnh Cương “ngự giá kinh lý đường thủy, đến xã Trác Bút, vâng lệnh làm nhà hành tạm thời ở cửa chùa’’.

Điều này, vừa là trách nhiệm của cụ Mẫn Đức Hợp đồng thời cũng là vinh dự cho cá nhân cụ nói riêng, cho cả làng Trác Bút cùng nhân dân tổng Nội Trà khi đó nói chung, vì đã có một vị Chúa đầy quyền uy về kinh lý địa phương nhà.

Ta thử hình dung chuyến đi “tiền hô hậu ủng” của vị Chúa mà mọi quyền hành trong nước đều thuộc về phủ Chúa Trịnh, Vua Lê chỉ còn là hư vị mà thôi. Để phô trương thanh thế, đoàn thuyền “vi hành” cũng phải vài ba chục chiếc, hai bên bờ lại có kỵ binh đi kèm dọn đường. Số người phục vụ cũng phải vài ba trăm. Hai bên bờ sông, khi đoàn thuyền qua, nhân dân đặt bàn thờ bái vọng.

Theo nhà nghiên cứu dân gian  Nguyễn Đức Kiệm ở xã Đông Tiến cho biết: Thời ấy đi thuyền về Yên Phong, đường thủy ngắn nhất là từ Thăng Long vượt qua sông Hồng, tiến vào sông Cà Lồ, đầu nguồn ở huyện Mê Linh - Hà Nội (ngày nay đã bị vùi lấp). Đoàn thuyền vượt qua huyện Đông Anh, Sóc Sơn, đến địa phận Yên Phong rẽ vào một nhánh của dòng sông chảy qua đình Mừng. Tại đây huyện lệnh Yên Phong tập trung quan chức để nghênh đón. Đoàn thuyền đi tiếp đến bến đò Trầm Lá là đến làng Trác Bút. Đoạn đường nhà Chúa đi kinh lý từ Thăng Long đến Trác Bút này dài khoảng 85 km. 

Tại làng Trác Bút Cụ Mẫn Đức Hợp cho lập hành cung trang trí lộng lẫy, lại tuyển con gái đẹp trong vùng để phục vụ Chúa. Từ đó nhà Chúa lại càng tin dùng Thuận Triều Hầu hơn.

*          *

 *

Thuận Triều Hầu Mẫn Đức Hợp được bầu hậu thần ở đình làng Trác Bút và hai vợ chồng cụ đều được bầu hậu phật ở chùa Diên Ứng (chùa Dâu). Đây là tục lệ rất phổ biến trong các làng xã Việt Nam thời quân chủ phong kiến. Hậu thần thờ ở đình, miếu. Hậu Phật thờ ở chùa. Đó là những người có công có đức với dân với làng, được nhân dân tôn trọng, kính ngưỡng và được toàn thể cộng đồng hoặc đại diện cho cộng đồng làng xã ngày xưa như Hội đồng tộc biểu, Hội đồng kỳ mục… thương lượng biểu quyết và thông qua. Tất cả những thủ tục bầu Hậu đều được ghi vào hương ước, sách khoán hoặc tạc vào bia đá để lưu truyền mãi về sau.

Cụ Mẫn Đức Hợp có công gây dựng phong tục thuần hậu cho làng Trác Bút như: làm 4 điếm lợp ngói cho 4 xóm. Cụ mở trường, mời thầy là Sinh đồ, Huấn đạo về chuyên tâm dạy dỗ cho con em địa phương. Tháng 7 năm Giáp Thìn 1724 Chúa Trịnh Cương đã ngự giá kinh lý đến Trác Bút, là ân điển không phải nơi nào cũng có được.  

Cuối xuân 1470 trong làng có “người bất trung”, triều đình có lệnh “làm cỏ Trác Bút”. Thuận Triều Hầu xin tha tội, giữ gìn an ninh trật tự cho dân Trác Bút, đồng thời cho làng 12 mẫu ruộng để thờ phụng và dùng vào các việc công của làng… Từ đó dân yên ổn làm ăn.

Do vậy ngày 27 tháng 7 năm Cảnh Hưng (đầu) 1740 dân làm sách khoán bầu hậu thần cho cụ ở đình làng.

Chùa Diên Ứng (Chùa Dâu) là ngôi chùa ở phường Thanh Khương, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, tương truyền là nơi Phật mẹ Phật con xuất thế, cầu đảo rất linh thiêng ứng nghiệm. Về sau qua kỳ binh lửa, chùa bị cháy. May có cụ Tổng Thái Giám Mẫn Đức Hợp người xã Trác Bút, huyện Yên Phong có vợ là Nguyễn Thị Điền người bản xã, đã thay dân làm tờ khải dâng lên, nhờ đó được lệnh của triều đình “cho phép dân xã được tạo lệ như trước và hàng năm được miễn 50 xuất phu dịch”. Dân làng biết ơn tôn bầu vợ chồng cụ làm hậu Phật, tạc tượng gỗ đặt trong chùa để thờ phụng, quy định lệ cúng giỗ hàng năm. Tại chùa Dâu có bia đá ghi việc bầu Hậu Phật này vào ngày 10 tháng 3 năm Cảnh Hưng thứ 36 (1775).

Các sự kiện trên, cách đây ngót ba thế kỷ. Đầu thế kỷ XX, nhà thờ cụ Mẫn Đức Hợp vẫn còn khá to. Sau do kinh tế sa sút, không đủ tiền tôn tạo đã phải bán cho làng khác về làm tiền tế của đình. Phần nhà thờ còn lại trong kháng chiến chống Pháp bị giặc tàn phá. Mũ áo, đồ thờ gìn giữ mấy trăm năm cũng bị đốt cháy, chỉ còn lại một ít di văn Hán - Nôm như đã nói ở trên.

Cụ Mẫn Đức Ân trưởng dòng họ Mẫn Đức cho biết thêm: Ở làng Trác Bút, từ đó về sau, dòng họ này nhiều người làm thầy dạy học và thầy thuốc rất nổi tiếng, có nhiều học trò thi đỗ Cử nhân như cụ Ngô Quý Phấn ở Vọng Giang (Bắc Giang), cụ Nguyễn Diễn làm việc ở Hàn Lâm viện triều Nguyễn. Câu đối gia đình đang thờ chính do các môn sinh soạn tặng: 

TRÁC kiến ngưỡng bằng tiên ấm dụ

BÚT phong trường hệ hậu nhân từ.

Tạm dịch: 

Ngước nhìn tiên tổ thấy bóng rợp đến mai sau 

Trau dồi ngọn bút để ân đức cho con cháu.

Danh thần Thuận triều Hầu Mẫn Đức Hợp là nhân vật lịch sử, đã từng giữ nhiều chức vụ quan trọng của Tư Lễ Giám, một cơ quan trọng yếu của triều đình Vua Lê  - Chúa Trịnh thế kỷ XVIII.

Tiến sĩ Lê Quang Chắn - Phó Viện trưởng Viện Sử học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đã có nhận xét và nhắc nhở: "Cùng với công lao, sự trạng ở triều đình, ông là người có nhiều đóng góp với quê hương (trấn Kinh Bắc) nói chung, với bản quán (xã Trác Bút) nói riêng. Con cháu dòng họ và nhân dân địa phương đã kính ngưỡng, hương khói thờ tự từ xưa, hiện nay rất cần duy trì, phát huy và có hình thức bảo tồn, tôn vinh xứng đáng"./.

 
                                                                                                                                                                                                                             NGHIÊM ĐÌNH THƯỜNG