Trang chủ VĂN HIẾN BẮC NINH - KINH BẮC

CỔNG LÀNG - NƠI LƯU GIỮ HỒN QUÊ
15:42 | 23/09/2021

 Làng quê tre cũng nở hoa

Cổng làng có cánh, cây đa có thần…

Cổng làng trong đời sống văn hóa và tinh thần người Việt

Cùng với những hình ảnh quen thuộc như cây đa, bến nước, sân đình… cổng làng ở nhiều vùng quê đã ăn sâu vào tiềm thức của thế hệ người dân Việt và trở thành biểu tượng có tính truyền thống của văn hóa làng xã. Trong tâm thức của mỗi người Việt, cổng làng có một ý nghĩa hết sức quan trọng bởi sau đó là cộng động, gia tộc, là tình làng nghĩa xóm bền chặt.

Cổng làng ra đời từ rất sớm, gắn liền với sự hình thành phát triển của làng. Có thể ban đầu cổng làng chỉ là những cái cổng sơ khai làm bằng tre, cửa chắn bằng phên, dong nhiều gai nhọn để ngăn cản thú dữ vào làng phá phách. Về sau, cổng làng mới được xây dựng ngày càng bền vững bề thế hơn, mang những giá trị nghệ thuật kiến trúc từ các loại vật liệu xây dựng phổ biến ở nông thôn ta như đá ong, gạch ngói, vôi vữa…

Theo quan niệm truyền thống, cổng làng được xem là bộ mặt, là hồn cốt, biểu tượng cho nếp sống, cốt cách của người dân sống trong làng. Cổng làng xuất hiện gắn liền với sự hình thành và phát triển của làng. Trong tâm thức của người xưa, cổng làng luôn có một “chỗ đứng” quan trọng. Nhà cửa trong làng có thể tuềnh toàng, cuộc sống có thể còn lam lũ, khó khăn, nhưng cổng làng thì phải được dựng ngay ngắn, đàng hoàng.

Cổng làng là một một dấu hiệu đánh mốc trong với ngoài không gian làng và là một nghi thức trong cấu trúc không thể thiếu của một ngôi làng. Đây là nơi phân cách cánh đồng làng với khu vực người dân đang sinh sống. Người đương thời sống sau cổng làng và người quá cố được an nghỉ bên ngoài cổng làng. Là nơi phân cách với cánh đồng quê, chiếc cổng làng hàng ngày “thường trực”, chờ đón người đi làm đồng về. Đây cũng là nơi đầu tiên mà những người khách lạ, quan kinh lý, người đăng khoa đỗ đạt, những con dân của làng làm ăn xa quê trở về trong dịp Tết đoàn viên được đón tiếp khi về làng. Có thể thấy, cổng làng có vị trí rất quan trọng trong đời sống thực cũng như đời sống tâm linh của người dân.

Cùng với lũy tre, cổng làng tạo nên một tường thành vững chắc bao bọc lấy làng, là phương tiện phòng chống trộm cướp, địch họa. Người đi vào làng nhất thiết phải qua những cổng làng. Xưa mỗi cổng có các Tuần đinh trông coi an ninh trật tự trong làng, ngoài đồng. Cứ thế cổng làng bình dị ôm lấy, bao bọc lấy, che chở cuộc sống bình yên của dân làng.

Theo năm tháng, nhiều cổng làng được xem là di sản văn hóa, nghệ thuật, là đỉnh cao trong kiến trúc của ngôi làng Việt, phản ánh lý tưởng và chiều sâu của văn hóa cộng đồng, từ mỗi chiếc cổng làng, ta hình dung ra bộ mặt của làng xã, phía sau đó là một xã hội thu nhỏ. Những nét kiến trúc, những đại tự, câu đối trên cổng làng đều có ý nghĩa dạy bảo con cháu mỗi lần đi về đọc để hiểu, để làm người. Những chữ nghĩa trên cổng làng còn để cho những người khách của làng hiểu phong tục, tập quán của làng. Cổng làng Phù Lưu có đôi câu đối ghi dòng chữ: “Nhập hương vấn tục”  và “Xuất môn kiến tân” nghĩa là dù có làm đến chức nào đi nữa, nhưng khi về làng vẫn phải giữ được phong tục tập quán của làng. Còn khi ra khỏi làng bao giờ cũng phải đĩnh đạc trong giao tiếp với bạn bè, đón khách như đón người thân. Những lời răn dạy của các bậc tiền nhân vẫn được các thế hệ con cháu làng Phù Lưu lưu truyền và giữ gìn đến ngày nay. Ở cổng Tây làng Trang Liệt, phía trên có ba chữ Nho “Xử chư dự”, nghĩa là “lấy mọi tiếng khen”. Ba chữ ấy đã đủ nói vẻ đẹp mỹ miều của cổng làng phía Tây làng Trang Liệt…

Hình tượng cổng làng là hình tượng của quê hương, xứ sở. Đây là điểm để phân biệt các ngôi làng. Mỗi cổng làng đều có một nét văn hóa riêng tuỳ theo đặc điểm của làng đó, biểu trưng cho sự uy nghi, nề nếp của mỗi làng quê. Cổng làng không chỉ tồn tại gắn bó với nhiều thế hệ dân làng mà còn mang ý nghĩa trong sự tiếp nối truyền thống tốt đẹp của con người sinh sống nơi đây. Việc bảo tồn không gian làng, trong đó có bảo tồn các cổng làng truyền thống là việc cấp thiết ở Bắc Ninh trong tiến trình đô thị hoá, rất cần được các cấp, các ngành và mọi người dân quan tâm gìn giữ.

Vài suy nghĩ về việc xây mới cổng làng 

Cổng làng xưa là một công trình kiến trúc cổ, mang trên mình giá trị văn hóa, lịch sử, vừa thực, vừa tâm linh của người Việt Nam. Sau này, do chiến tranh tàn phá hoặc do nhu cầu giao thông nên nhiều cổng làng không còn phù hợp, phải phá bỏ để lưu thông. Những năm gần đây, nhiều nơi quan tâm xây dựng lại cổng làng, góp phần khôi phục và gìn giữ nét văn hóa truyền thống của người Việt. 

Không ít xã có tất cả các thôn đã xây lại cổng làng. Đây là việc làm với ý định tốt là góp phần tô điểm cho làng quê thêm khang trang; đồng thời khôi phục, phát triển nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt xưa. Nhiều cổng làng được xây lại hoặc mở rộng, tuy không giữ được nguyên lối kiến trúc truyền thống song vẫn được dân làng trân trọng và khắc lên đó nhiều cái tên với mong muốn những điều tốt đẹp. Cùng với việc láng bê tông những khoảng đất trống còn lại phía trước và sau cổng, kết hợp trồng hoa mười giờ dọc hai bên đường dẫn vào làng. Với cây đa, bến nước và những ngôi nhà mới, diện mạo làng quê khang trang hẳn lên tạo nên khung cảnh vừa hiện đại, vừa mang nét văn hóa truyền thống đặc trưng của làng quê xưa.

Tuy vậy, việc xây dựng cổng làng đang diễn ra khá tự phát, tùy tiện, quy mô, kiểu dáng mỗi nơi mỗi khác. Cái được khen thì ít, cái bị chê thì nhiều. Đa số xây dựng cổng làng theo kiểu truyền thống (tam quan) nhưng cũng có không ít nơi xây sơ sài, thậm chí làm cổng làng bằng khung sắt. Cổng làng là biểu tượng văn hóa truyền thống của làng quê Việt, nếu xây dựng quá đơn điệu sẽ làm mất đi những nét đẹp văn hóa truyền thống. 

 Thực tại, nhiều cổng làng hiện nay xây dựng quá tốn kém nhưng lại chưa thực sự tương đồng với đường sá, nhà cửa, điều kiện kinh tế của người dân địa phương. Cổng làng to nhưng nhà dân thì bé, đường giao thông chật chội, xuống cấp. Thực ra nếu xây cổng làng chỉ cần xây dựng đủ rộng để ô tô, xe máy và người dân qua lại thôi. Các trụ cột không cần quá to cao vì gây tốn kém, có khi còn làm cản trở giao thông nữa. 

Hiện nay đang có hiện tượng lẫn lộn giữa việc xây cổng làng với việc làm cổng chào, việc xây dựng cổng chào để kịp đón mừng đại lễ, cũng chỉ nên xây dựng một số cổng chào mang tính chất chào mừng, với kiến trúc đơn giản, dễ làm, có quy mô vừa phải, ít tốn kém tại khu vực trung tâm và các điểm hoạt động của cộng đồng trong các ngày lễ hội…

Cổng chào chỉ ra đời vào khoảnh khắc nhất định và khi nó qua đi thì không tồn tại nữa. Do vậy, cổng chào phải đơn giản, lắp dựng nhanh và tháo dỡ kịp thời sau ngày lễ.

Vì thế khi xây dựng cổng làng, nếu không xem xét kỹ sẽ cực kỳ lãng phí. Nó sẽ đi ngược với tinh thần của Nông thôn mới, đòi hỏi sự đồng thuận rất lớn giữa người dân và chính quyền.

Theo suy nghĩ cá nhân, tôi thấy cần đặt ra hai vấn đề cần giải quyết:

Một là: Với những làng quê còn giữ lại được những cổng làng cổ, có nhiều giá trị văn hóa, lịch sử thì một trong những phương pháp tiếp cận để bảo tồn và phát huy giá trị di sản làng xã truyền thống trong đô thị Bắc Ninh hiện nay là “Bảo tồn thích ứng”. Như thế, để thích ứng với công năng của cổng làng trong đời sống hiện đại, một số cổng được xây mới rộng hơn trước đây để ô tô đi qua. Cổng cũ còn đẹp người dân làm đường đi hai bên, một số nơi đã bố trí chỗ dừng đỗ ô tô trước cổng. 

Hai là: Nếu địa phương nào không còn những cổng làng cũ nữa, thì trước mắt chưa nên đặt vấn đề làm cổng mới trong điều kiện đời sống của đại đa số nông dân ở làng quê còn khó khăn.

Các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương nên quan tâm tuyên truyền, định hướng các tiêu chí trong xây dựng cổng làng mới cũng là việc cần thiết nên làm (Về vị trí đặt cổng phải dựa theo quy hoạch của làng xã, đảm bảo giao thông trước mắt và lâu dài, theo nhu cầu dãn dân làng sẽ được mở rộng ra đến đâu là vừa để làm cổng cho phù hợp; về nguồn kinh phí và bản vẽ thiết kế…) 

Sau bao thăng trầm của lịch sử, cổng làng vẫn được xem là bộ mặt, là hồn cốt, biểu tượng cho nếp sống, cốt cách của người dân sống trong làng. Vì thế mọi cách giải quyết liên quan đến việc xây dựng mới hoặc tôn tạo chiếc cổng làng cũ rất cần được mọi người dân và các nhà quản lý quan tâm thấu đáo cho phù hợp với chủ trương Nông thôn mới hiện nay của Chính phủ./.

                                                                                                                                                                                                            NGUYỄN HUY PHÁCH