Những ngày mùa Thu cách mạng đầu tiên, đứng giữa kinh thành Huế, Tố Hữu thấy xung quanh là cả một biển cờ màu đỏ sao vàng năm cánh - sự hân hoan của nhân dân chào đón chế độ mới sau gần một thế kỷ nén đau thương dưới gót giày đế quốc, vỡ oà cảm xúc, đã viết bài thơ “Huế tháng Tám”. Trong bài có những câu: “Gió gió ơi, hãy làm giông làm tố/ Vàng vàng bay, đẹp quá, sao sao ơi!”. Đó cũng là những câu thơ hay nhất về lá cờ Tổ quốc của chúng ta.
Kế thừa nhiều yếu tố trong lịch sử dân tộc và thế giới, một lá cờ đỏ sao vàng giản dị, giàu biểu cảm, xuất hiện lần đầu tiên trong Khởi nghĩa Nam Kỳ (1940), sau đó trở thành lá cờ của Việt Minh. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, lá cờ đỏ sao vàng ấy xuất hiện trong lễ Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà tại Quảng trường Ba Đình. Ngày 5/9/1945, trong sắc lệnh số 5, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp ký thay Chủ tịch Chính phủ lâm thời, quy định: Bãi bỏ cờ quẻ ly. Cờ của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà có hình chữ nhật, màu đỏ và ngôi sao 5 cánh vàng tươi, bề ngang bằng 2/3 chiều dài. Ngôi sao ở trung tâm nền cờ, có 5 góc lồi và 5 góc lõm. Quy định này được Quốc hội khoá 1 năm 1946 khẳng định lại. Trong cuộc họp Quốc hội ngày 2 tháng 3 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Lá cờ này đã cùng phái đoàn Chính phủ đi từ Châu Á sang Châu Âu, từ Châu Âu về Châu Á; cờ đã có mặt trên khắp đất nước Việt Nam. Vậy thì trừ 25 triệu đồng bào, còn không ai có quyền thay đổi Quốc kỳ và Quốc ca cả”.
Cờ Tổ quốc được xuất hiện từ Khởi nghĩa Nam Kỳ, nhưng ai là người đã thiết kế cờ Tổ quốc, đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức. Nhiều người vẫn cho rằng, nhà cách mạng Nguyễn Hữu Tiến (quê Hà Nam), Xứ uỷ viên, phụ trách ấn loát của Xứ uỷ Nam Kỳ là người thiết kế lá cờ làm hiệu chuẩn trong Khởi nghĩa Nam Kỳ, được các đồng chí Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Văn Cừ… chuẩn y. Trước khi bị bắt và bị giết hại ngày 28/8/1941, đồng chí Nguyễn Hữu Tiến đã có một bài thơ về lá cờ như sau: “Hỡi những ai máu đỏ da vàng/ Hãy chiến đấu với cờ thiêng Tổ quốc/ Nền cờ thắm máu đào vì đất nước/ Sao vàng tươi da của giống nòi/ Đứng lên mau hồn nước gọi ta rồi/ Hỡi sĩ - công - nông - thương - binh/ Đoàn kết lại như sao vàng năm cánh”. Trước lúc hy sinh, Nguyễn Hữu Tiến vẫn dặn lại: “Anh em đi trọn con đường nhé/ Cờ đỏ sao vàng sáng tương lai”.
Là người có ý tưởng, nhưng, chuyện đồng chí Nguyễn Hữu Tiến là người thiết kế lá cờ, chưa được công nhận chính thức. Theo Công văn 1393/VHTT-BTCM do Thứ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin Lưu Trần Tiêu ký ngày 18/4/2001 thì, trong các thông tin lưu trữ của Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, Bảo tàng Cách mạng, Bảo tàng Hồ Chí Minh… đều không có tài liệu nào chứng minh đồng chí Nguyễn Hữu Tiến là người thiết kế cờ Tổ quốc.
Năm 1942, gần một năm trở về Tổ quốc, sau hơn 30 năm bôn ba đi tìm đường cứu nước, một hôm, Bác Hồ đứng trên dãy núi Lũng Dẻ - Cao Bằng. Thiên cảnh ban mai ở đây đập vào mắt Người và Người đã viết bài thơ “Thượng Sơn” bằng chữ Hán như sau:
Lục nguyệt nhị thập tư
Thượng đáo thử sơn lai
Cử đầu hồng nhật cận
Đối ngạn nhất chi mai.
Nhà thơ Tố Hữu đã dịch bài thơ ấy như sau: “Hai mươi tư tháng sáu/ Lên ngọn núi này chơi/ Ngẩng đầu: mặt trời đỏ/ Bên suối một nhành mai”.
Có người đã nhận xét rằng, đây là hình ảnh lá cờ Tổ quốc Việt Nam mà Người đã chấp nhận để rồi sẽ thông qua Chính phủ, công bố trước quốc dân và trước tiên là sẽ thắng bay trên lễ đài ngày Tuyên ngôn độc lập. Sở dĩ có lập luận này, vì lẽ, trong hai câu cuối của bài thơ trên, hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng được Bác tô đậm: “Cử đầu hồng nhật cận” (dịch nghĩa là: ngẩng đầu lên, thấy cả một vừng trời đỏ) và “Đối ngạn nhất chi mai” (dịch nghĩa là bên suối một nhành mai). Ở Cao Bằng mùa này làm gì có hoa mai? Hoa mai chỉ ưa khí hậu ấm áp. Hoa mai thường có màu vàng và khi nở thì xoè 5 cánh. Vậy nên: “Nhất chi mai”, “Hồng nhật cận” rất có thể là hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng năm cánh mà Bác Hồ muốn đề cao.
Lá Quốc kỳ từ khi ra đời cũng đã có sự thay đổi về hình múi ngôi sao. Theo nhiều nguồn tài liệu, lá cờ năm 1940 trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ có cánh sao thon, sắc cạnh như hiện nay. Nhưng trong thời kỳ Mặt trận Việt Minh, lá cờ có múi sao rộng (mập) hơn. Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá 1, tháng 11/1946 đã biểu quyết thông qua mẫu này. Đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá 1, tháng 9 năm 1955, Bộ Tuyên truyền thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa chi tiết Quốc kỳ: múi sao phình ra, nay sửa cho thon lại. Năm góc thẳng đều nhau, như vậy sẽ dễ hơn, đơn giản hơn… Quốc hội đã giao cho một tiểu ban nghiên cứu và nhất trí đề nghị của Chính phủ sửa cánh sao cho thon lại, các nét thẳng đều nhau.
Lịch sử của lá cờ đỏ sao vàng đã gắn bó với lịch sử đất nước, với nhân dân. Ngày nay, người Việt Nam nào cũng có quyền tự hào về lá cờ chứa chất tâm hồn, chí khí mình trong đó. Lá cờ đỏ sao vàng từ Khởi nghĩa Nam Kỳ đã tung bay trên Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945, cùng với “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao vang lên hùng tráng, lá cờ ấy cũng phần phật bay cùng gió ngàn Việt Bắc. Lá cờ ấy, sau 14 năm ra đời, đã được tung bay ở Lòng chảo Mường Thanh (Điện Biên Phủ), báo hiệu sự thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp ở Đông Dương, cũng là sự cáo chung của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ trên phạm vi toàn thế giới. Do đặc điểm lịch sử, năm 1960, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, do đồng chí Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch, đã đoàn kết các lực lượng yêu nước ở miền Nam, đấu tranh chính trị kèm vũ trang rồi vũ trang kết hợp chính trị để đánh đuổi Mỹ Nguỵ, giải phóng miền Nam. Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam đã lấy lá cờ đỏ, nửa xanh, có nền là sao vàng năm cánh làm cờ chính thống của mình. Đó là lá cờ sách lược của cách mạng Việt Nam. Trong trường ca “Nước non ngàn dặm”, nhà thơ Tố Hữu đã từng ngợi ca về lá cờ này:
Lá cờ nửa đỏ, nửa xanh
Màu đỏ của đất, màu xanh của trời
Ngôi sao chân lý của đời
Việt Nam, vàng của lòng người hôm nay.
Đến trưa ngày 30/4/1975, lá cờ nửa đỏ nửa xanh có sao vàng ở giữa đó đã tung bay trên nóc Dinh Độc lập, thu giang sơn về một mối. Đồng thời nó cũng chấm dứt vai trò lịch sử sau 15 năm tồn tại của mình.
Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết trong bài “Việt Nam máu và hoa”:
Lá cờ này là máu là hoa
Của ta, của loài người, vô giá.
Dưới lá cờ thiêng liêng, bao năm qua dân tộc ta đã tiến những bước dài trong lịch sử. Lá cờ đỏ sao vàng đã và đang tung bay ở hầu khắp các quốc gia, châu lục, các tổ chức quốc tế lớn. Cờ thiêng làm hiệu lệnh cho cả dân tộc ta tiến lên cùng nhân loại.
Tình yêu Tổ quốc của mỗi con người, trong đó có sự khởi nguồn từ tình yêu lá cờ nước. Đó là một tình yêu thiêng liêng và nghiêm cẩn. Bởi vậy, sáng nào, trên sóng truyền hình quốc gia cũng truyền đi hình ảnh lễ chào cờ đầu ngày của toàn dân, được tiến hành tại Ba Đình, trước lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tiếng nhạc Quốc ca hùng tráng. Và mở đầu một Đại hội, Hội nghị, buổi lễ lớn nhỏ nào, chào cờ và hát Quốc ca bao giờ cũng là một thể thức được tiến hành uy nghi, trang trọng. Mọi người phải chỉnh đốn tư trang, cất mũ nón trước khi chào cờ. Khi Quốc ca cử lên, mọi người phải nghiêm trang, mắt hướng lên lá Quốc kỳ. Riêng các chiến sĩ, tướng lĩnh trong các lực lượng vũ trang phải đồng loạt, cùng lúc, đưa tay ngang tai để chào. Làm điều đó là biểu thị lòng yêu Tổ quốc. Vừa qua, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã quy định tất cả các trường học trong buổi chào cờ đầu tuần, mọi người đều phải hát quốc ca bằng lời, thay cho nhạc cử như trước đây. Hàng năm, nhà nước ta bỏ ra hàng chục tỷ đồng để may Quốc kỳ trang bị cho các gia đình, cơ sở, tổ chức ở các tỉnh biên giới, nhất là các tàu thuyền ngư dân đánh cá khắp trên biển Đông của Tổ quốc để giương cao cờ ở dọc biên giới đất liền và trên biển khi họ đang ngược xuôi đánh bắt hải sản trong vùng biển của mình. Quốc kỳ, hồn thiêng dân tộc. Chào cờ, hát Quốc ca là biểu thị lòng yêu nước của mọi người.
“Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước”, một đoạn lời trong “Tiến quân ca”, quốc ca nước Việt, tác giả Văn Cao đã nói rõ sự thiêng liêng của lá cờ Tổ quốc Việt Nam thân yêu như thế./.
HỒ NGỌC DIỆP