Trang chủ VĂN HIẾN BẮC NINH - KINH BẮC

CHUYỆN TÁI SINH Ở MỘT ĐÀI VĂN BIA
15:39 | 15/03/2022

 Vùng quê ấy có nhịp sống tao nhã, sách và sách, hàng ngàn quyển đầy trên giá, vua Tự Đức ngợi khen, cử thám hoa Phan Sư Mạnh đến thi hành công vụ. Để rồi ngay trong chuyến công cán đó một bài thơ 40 chữ mang chiều dài thời gian, mang màu xanh của đất trời được ra đời. Vậy mà sau đấy… trước dâu bể cuộc sống bài thơ không tránh khỏi số phận nổi chìm; đã có một thời gian do vô tình, vô cảm, bài thơ bị vùi lấp, thậm chí phũ phàng hơn. Song, kết cục vẫn có một hậu vận tốt lành dành cho nó… “trường lưu thư đái (đới) hương” như câu kết của bài thơ.

Ngày 12 tháng giêng năm Ất Mùi (tức ngày 2/3/2015), sau gần tuần lễ gấp rút khởi công, tại từ đường chi họ Đỗ Trọng, làng Ngang Kiều, xã Hiên Vân, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, một Đài văn bia nhỏ mới được tạo dựng hoàn tất. Đài văn bia mang ý tưởng tôn vinh một tấm bia cổ từ thế kỷ 19, nói đúng hơn là tôn vinh một hồn thơ 40 chữ (thể ngũ ngôn bát cú) ngợi ca phong cảnh và con người xứ Hiên Vân. Đài ngoảnh nhìn trời Tây, được thiết kế hài hòa với không gian thờ phụng. Phần chính của đài là tấm bia cổ chữ Hán và tấm bia quốc ngữ Việt Nam (phiên âm và dịch thoát ý sang thể thơ lục bát truyền thống của dân tộc). 

Lạc khoản trên tấm bia cổ này ghi: Mùa hạ năm 1852, Thám hoa Phan Sư Mạnh (còn gọi là Phan Thúc Trực - Đông các đại học sĩ - Tập hiền viện) công cán tới xã Hiên Vân; tại đây ông viết bài “Quá Hiên trang”:

“Ngã lai cầu cố điển

Nhất nhật quá Hiên trang

Thảo thụ đương song thúy

Thiên chương mãn giá tàng.


Nhân nhàn sơn cảnh tĩnh

Địa tích địa hoàn lương 

Bốc trúc hà niên thị

Trường lưu thư đái hương ”

(Lược dịch: Một ngày tới Hiên trang đi tầm sách cổ, thấy các loài cây cùng xanh tốt, gặp nghìn quyển đầy trên giá sách, gặp người thanh ở nơi núi tĩnh, nơi đất tụ khí ôn hòa. Hỏi tự bao giờ có vùng đất lưu truyền thơm tho lâu dài vậy).

Bia văn Đài, làng Ngang Kiều (bên trái)

Nội dung tấm bia cổ (bên phải)

Nơi bài “Quá Hiên trang” được viết ra là làng Ngang Kiều thuộc xã Hiên Vân, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, một thuở ai đã đến đều không dễ quên. Xứ núi nhưng không cao chót vót trơ trọi mà thoai thoải rợp bóng cây trái; thời tiết giữa mùa hè vẫn dịu mát như mùa thu. Đây từng là đất các thầy đồ dạy học. Môn sinh bốn phương kéo về một phần cũng vì phong cảnh rất Kiều ít nơi sánh kịp. Hơn nữa, chất văn hóa, tao nhân mặc khách như lưu giữ bước chân con người. Bài “Quá Hiên Trang” đã được người đương thời bản địa khắc vào bia đá. Vị trưởng chi tộc họ Đỗ (đời thứ 12) ở làng Ngang Kiều - cụ Đỗ Trọng Đản, ngẫm như thế chưa thỏa, còn sao chép đem treo thờ trong nhà. Theo ông, chỉ với bốn mươi chữ, bài thơ đã tạo ra bức tranh có chiều dài của thời gian, có màu xanh đất trời lan tỏa, nơi đã gắn bó bao cuộc đời bình dị. Điều ông tâm đắc là bài thơ phản ánh phong cách sống gắn kết hài hòa, tao nhã giữa thiên nhiên và người dân quê hương. Vùng đất luôn tĩnh mịch, nước mạch núi ngọt lành trong mát, mái nhà núp dưới các tán cây cổ thụ. Đất không bị đào khoét nham nhở, đời không bị vẻ xô bồ phàm tục lấn át. Sách và sách, hàng ngàn quyển đầy trong các nhà thầy đồ, vua Tự Đức có chiếu chỉ khen ngợi và cử thám hoa Phan Sư Mạnh thêm lần tới thực thi công vụ.

Chuyện của ngày xưa đã ngót một trăm bảy mươi năm. Bài thơ từng là niềm tự hào của làng Ngang Kiều. Về sau, không rõ từ khi nào, tấm bia bị lãng quên, không ai nhắc tới. Vào thời kỳ đất nước đổi mới, đời sống vật chất dư giả, san đồi đặt móng nhà, người ta moi được tấm bia từ đáy một cái giếng (bị lấp) lên, khênh đi đổ trỏng trơ ven đường. Nắng mưa, gió bụi theo nhau làm mai một. Phần trên đỉnh bia bị một lực tác động làm mẻ đi một miếng. Rêu phủ lên nét chữ, phủ lên thơ. Hậu sinh hôm nay một số có suy nghĩ hiện đại, ào ạt, không mấy ai dừng lâu trước vẻ thâm thúy uyên bác, sâu sắc của thi tứ cha ông. Những nơi thờ phượng giờ đã to rộng hơn, nhưng việc có treo bài thơ người quê từng tâm đắc hay không lại là vấn đề khác. Chưa hiểu thấu thì người ta chưa thể tâm huyết thờ phượng. Đất quê đang loang lổ, màu xanh đang thấp xuống và co lại.

Có một người biết thưởng lãm bài thơ trên đã phát hiện ra tấm bia ven đường. Lặng lẽ ông rinh tấm bia về nhà. Nơi công cộng xưa, bia không còn được coi trọng (lý do nào đó đã khiến nó nằm dưới đáy giếng) thì ông sẽ theo ý của cha anh tiếp tục trân trọng nó. Ông nuôi ý định dựng lại bia, lợp tấm che bảo vệ. Ông muốn tái tôn vinh bài thơ như nó đã từng được tôn vinh. Bản phiên âm và phần lưu bản gốc của bài thơ đã được ông khắc đá đặt trong nhà thờ. Tấm bia cổ nhiều năm sau đó được giữ gìn, tạm úp mặt có chữ của bia vào trong bức tường, tránh mưa gió bào mòn. Tuổi cao, sức yếu, đồng lương hưu thời bao cấp ít ỏi... làm được đến vậy đã là đáng quý. Ông là Đỗ Trọng Tác, sinh năm 1924, trưởng tộc chi họ Đỗ (đời thứ 13) làng Ngang Kiều.

Đón xuân Ất Mùi 2015, thế hệ huynh đệ tử tôn xa gần nội ngoại bàn bạc cùng ông Tác, người góp công, người góp của, nhiều ít một lòng tập trung đưa tấm bia ở khu vườn lên dựng đài tôn vinh tại khuôn viên nhà thờ chi tộc. Ngày khánh thành Bia văn đài cũng là ngày giỗ chi tộc Đỗ Trọng ở Ngang Kiều như một món quà riêng tặng ông trưởng chi tộc bước sang tuổi 91, như một lời hứa trước truyền thống hiếu học của tổ tiên: Trạng nguyên Nguyễn Quang Bật!

Xuân 2022, ông Tác bước sang tuổi 98, sức khỏe suy giảm nhiều nhưng tình yêu ông dành cho quê hương thì như càng lúc càng mang nỗi da diết khôn nguôi. Ông mừng vì Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ 2 đã được khai mạc sáng 24/11/2021. Ông tự hào và tin tưởng Văn hóa chính là biểu trưng của loài người, của mỗi quê hương xứ sở./.

                                                                                                                                                                                        NGUYỄN XUÂN TƯỜNG