Trang chủ VĂN HIẾN BẮC NINH - KINH BẮC

CÁC DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA LÀNG DIỀM
15:35 | 15/03/2022

 Làng Diềm tên chữ là Viêm Xá, trước kia thuộc tổng Châm Khê, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, ngày nay thuộc phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh. Xưa làng có tên là Viêm Ấp, hay là Ấp Viêm Trang. Các di vật khảo cổ (đồ đồng, đồ gốm…) tìm thấy trong một số ngôi mộ cổ trên núi Kim Sơn (núi Quả Cảm) cho thấy làng Diềm và một số làng lân cận vùng này là nơi tụ cư của người Việt cổ từ trước thời thuộc Hán. 

Các di tích lịch sử văn hóa làng Diềm địa thế rất hài hòa phía đằng trước làng gồm: Đền đức Vua Bà, đình làng, chùa Hưng Sơn và đền Cùng hay còn gọi là đền Giếng. Phía trước đình có một bãi đất trống dùng làm sân vận động và nơi dựng sân khấu biểu diễn mỗi khi làng mở hội. Đằng trước sân có một hồ nước lớn. Phía sau làng là con sông Cầu, dòng sông gắn với những trang sử hào hùng của dân tộc. Phía trên đền Giếng có núi Kim Sơn, tạo cho làng Diềm một bức tranh sơn thủy 

hữu tình. 

1.Đình làng Diềm 

Đình làng Diềm là một công trình kiến trúc cổ, niên đại 1692, có qui mô kiến trúc khá bề thế. Đình Diềm là một trong ba ngôi đình nổi tiếng ở xứ Bắc, được dân gian lưu truyền ca ngợi: 

Thứ nhất là đình Đông Khang

Thứ hai đình Bảng, vẻ vang đình Diềm

Đình Diềm trước kia được xây dựng có 5 gian, 2 chái trong cuộc kháng chiến chống Pháp đình bị “tiêu thổ”, ngày nay chỉ còn lại 5 gian. Kết cấu kiến trúc bằng gỗ lim, các cấu kiện gỗ đều có kích thước to lớn, chủ yếu bào trơn đóng bén. Căn cứ vào các lỗ mộng cho thấy đình trước đây có sàn gỗ, tại gian giữa cao 0,7m, các gian bên cạnh cao 0,9m.  

Trang trí điêu khắc chủ yếu tập trung vào bức cửa võng. Đây là bức cửa võng độc nhất vô nhị ở xứ Bắc. Cửa võng có chiều cao từ thượng lương xuống sát nền đình là 7m, tạo tác thành nhiều lớp lang. Tầng trên cùng chạm thủng hình bốn con rồng bò vào phía trung tâm chầu mặt trời, bốn cô Tiên cưỡi trên lưng rồng, hai tay dang ra trong động tác múa. Tầng thứ hai có độ cao 5,7m đến 6,5m tính từ mặt nền, phía trên có ba lớp diềm sòi chạm thủng, phần giữa chia làm ba khoang lớn, xen vào giữa bốn khoang nhỏ, có sáu cột khoang chạm lộng hình rồng. Giữa mỗi cửa khám từ trong nền nhô ra đầu một đầu tiên nữ mắt phượng mày ngài, mũi dọc dừa, miệng mỉm cười tươi, tóc vương trước trán, tai to, dài như tai Phật. Lớp dưới tầng thứ 2 chạm một dải cánh sen chồng xếp lên nhau tinh tế. Tầng thứ ba của cửa võng có độ cao từ 5m đến 5,7 m gồm ba phần. Phần trên chia ra ba lớp diềm thấp dần và lui dần vào. Lớp thứ hai chạm thủng hình mắt võng có gờ diềm hình cách sen. Phần giữa chia thành bốn khoảng ngăn cách nhau bởi ba khoảng nhỏ. Ba khoảng nhỏ chạm hoa cách điệu. Phần đáy của tầng thứ ba nhô ra ba tượng đầu chim phượng, mỗi con ngậm một chiếc đèn lồng. Tầng thứ tư là tầng chính của bức cửa võng, gồm nhiều phần phân bổ từ độ cao 2,8m đến 5m. Phía dưới thụt vào là một dải trang trí chia làm ba đoạn ngắn bởi bốn lớp. Dưới cằm của bốn đầu rồng chạm hình cánh sen. Phần dưới chia ra làm 7 khoảng tạo thành 3 khám. Trụ các khoang đồng thời là thành của cửa khám. Hai trụ khoang ở hai đầu sát liền với hai cột cái trong, chạm lộng các khóm trong đó chạm một hình cô gái ngồi, tay phải vuốt túm tóc dài rủ xuống ngực, tay trái vin cành tre, tai dài đeo hoa, tạo nên vẻ e thẹn, kín đáo, duyên dáng. Và một hình tượng cụ già ở trên cành tre có bộ râu dài, tay phải tì lên gối, tay trái đặt lên bàn cờ. Trụ bên trái chạm khóm trúc, dưới cùng chạm người cưỡi voi, con voi đang ngửa mặt, vươn vòi quấn lá tre. Hình người tay trái đặt lên đầu voi, tay phải ôm lấy cây măng mọc thẳng. Lẩn vào các khóm trúc có chim và thú. Hai trụ khoang này là những tác phẩm chạm khắc có bố cục rất sinh động, rất gần gũi với cảnh vật ở thôn quê.

Sáu trụ khoang phía bên trong chạm rồng cuốn cột, đầu quay lên chầu nhau qua cửa khám. Bốn khoang nhỏ đều chạm thủng từng cặp rồng, kết hợp vài bông hoa nhỏ. Ba khoang lớn tạo thành các khám ăn sâu vào chín lớp, các diềm đứng của ba lớp ngoài chạm thủng hình mây, các diềm ngang ở trên của chín lớp chạm mây cách điệu. Lớp diềm nào ở hai đầu cũng có hình tượng đầu rồng nhô ra. Mỗi khám có 18 đầu rồng, 3 khám tổng cộng có 54 đầu rồng, tất cả đều thống nhất một phong cách, nhưng không lặp đi lặp lại, mỗi con một dáng vẻ riêng. Phần đế có ba dải băng, băng trên chạm dải lá sòi ngửa, băng dưới chạm thủng hình cánh sen. Phía dưới chạm một cái sập chân quì, trên sập có con voi, dưới bụng voi có một người cởi trần đóng khố, tay phải vin vành nhạc voi, mặt ngoảnh ra phía trước, chân dung người được tả khá kỹ. Chếch về phía sau vòi voi còn hình một người khác mình trần đóng khố, đang đứng lấp ló. Phía sau con voi, một thân cây cổ thụ có hình một con rồng quấn chặt, một chân nắm râu, ba chân khác nắm ba con thú, dáng vẻ tinh nghịch. Quanh mình rồng những cụm mây lửa bốc lên mền mại, khỏe khoắn. Các cột rồng được sử dụng kỹ thuật chạm lộng hết sức tinh xảo, các lớp cột rồng xoắn xít vào sâu tạo lớp lang tầng tầng lớp lớp, hình rồng luồn lách lúc ẩn lúc hiện tới chín tầng ăn sâu vào trong. Phía ngoài trang trí chạm thủng tạo thành những đường diềm chạy dài được ngăn bởi mảng chạm dọc theo thân cột cái. Hai bên ngai thờ có đôi phỗng chầu. Đây là hai tác phẩm tượng dân gian có giá trị nghệ thuật đặc sắc. Phỗng ngồi dáng quì, hai tay chắp kính cẩn đưa lên phía trước. Những chi tiết trên thân thể phỗng phong cách tạo tác trông vui nhộn, đầu búi tóc xoắn thành hai hai cái sừng ở phía trên tai trông rất ngộ nghĩnh. Dân làng vẫn gọi tượng phỗng này là phỗng Chàm (có lẽ tượng mang phong cách điêu khắc của người Chàm). Nếu đối chiếu với “Việt sử thông giám cương mục” vào những năm 1069, 1074, 1075 Lý Thái Tổ và Lý Thường Kiệt có đưa về nhiều nghệ nhân và tướng sỹ người Chàm về để xây dựng nhiều công trình văn hóa, thì đôi phỗng này được dân làng Diềm gọi là phỗng Chàm là có lý. 

Đình Diềm thờ các vị: Đô Thống, Giáp Ngọ, Nhữ Nương Nam Hải và Đức Thánh Tam Giang (Trương Hống, Trương Hát), tất cả là ngũ vị thành hoàng (1). Theo truyền thuyết dân gian các vị là tướng lĩnh có công theo Triệu Việt Vương đánh giặc Lương xâm lược nước ta vào thế kỷ thứ XI. Về sau khi Lý Phật Tử bội ước, Triệu Việt Vương chống cự lại nhưng đã thất bại. Hai ông Trương Hống, Trương Hát quyết không theo Lý Phật Tử, đánh đắm thuyền của mình trên sông Cầu để tự vẫn vào năm 571. Để nhớ công lao của các ông, nhân dân tại các làng xã trên các triền sông Cầu, sông Thương, sông Cà Lồ phong các ông là Thánh Tam Giang và thờ các ông làm thành hoàng làng. 

Thánh Tam Giang thực chất là thần thoại về những vị thần sông nước, sinh ra từ tín ngưỡng thờ thần núi, thần sông của người Việt cổ. Trong quá trình lưu truyền, thần thoại này đã được lịch sử hóa, khiến cho các nhân vật trở nên hấp dẫn gần gũi với đời sống hơn. Đình Diềm đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận và cấp bằng Di tích kiến trúc nghệ thuật, tại Quyết định số 29 - VH/QĐ ngày 13/01/1964. 

2. Đền thờ đức Vua Bà 

Đền thờ Vua Bà dựng tại xóm Đền, ngoảnh hướng Tây, nhìn ra sông Cầu (2), gồm tòa tiền tế và hậu cung. Tiền tế ba gian xây gạch. Bên trong không có đồ thờ tự, chỉ có bức hoành phi bốn chữ Hán “Vương mẫu giới phúc” trên hai cột cạnh ban thờ có đôi câu đối:

Trung liệt hiển hồi hương, vạn cổ cương thường hoành vũ trụ

Thần linh hưng Viêm ấp, lũy triều phong tặng đối càn khôn. 

Tạm dịch: 

Trung liệt tỏ rõ trở về làng quê, vạn năm đạo cương thường còn rộng khắp vũ trụ

Thần linh giúp hưng thịnh làng Viêm (Viêm Xá) trải các triều đại phong tặng sánh nganh cùng trời đất.

Trên tấm gỗ ván nóc đền khắc dòng chữ Hán: “Hoàng triều Khải Định cửu niên thế thứ Giáp Tý trọng thu nguyệt cốc nhật thượng trụ” (Niên đại dựng lại đình niên hiệu Khải Định thứ IX năm 1924, tháng 8 ngày tốt). Tòa hậu cung một gian chạy ngang, kiến trúc đơn giản, chính giữa hậu cung là bệ thờ xây bằng gạch, trên đặt ngai thờ và bài vị đức Vua Bà với hàng chữ Hán “Đương cảnh thành hoàng thiên tử Nhữ Nương nam hải đại vương”. Đặc biệt có ba quả cầu bằng gỗ sơn đỏ đặt cạnh ngai, tương truyền đó là những quả cầu giáng hạ cùng đức Vua Bà xuống trang Viêm Xá trong lúc du xuân, từ đó mỗi khi trời hạn hán dân làng lại tổ chức trò cướp cầu. Trước cửa đền có đôi sấu đá trong tư thế chầu phục, phong tác tạo tác thời Lê.  

Đền thờ Vua Bà kèm theo truyền thuyết Vua Bà là thủy tổ của dân ca Quan họ. Truyền thuyết này mang màu sắc huyền thoại: Bà là công chúa con gái của Vua Hùng thứ XVI, một hôm bà xin phép vua cha đi du xuân cùng đoàn tùy tùng, trên đường đi gặp một cơn phong vũ, bà và các thị nữ bị cuốn lên trời, rồi giáng hạ xuống trang Viêm Ấp. Từ đó Bà và đoàn tùy tùng ở lại đây, rồi dạy dân trồng lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải… Bà còn dạy dân ca hát, lối ca hát đó về sau gọi là Quan họ, lan tỏa ra 49 làng trong vùng. Sau khi Bà qua đời, dân làng nhớ ơn thờ Bà làm Thành hoàng của làng. Truyền thuyết khác kể rằng: Ngày xưa dân làng Diềm thờ bà Chu Mẫu, sinh ra năm người con, hằng năm khi vào đám có tổ chức rước sách và ca hát. Cũng có người cho rằng đức Thánh Bà là một ca công, trước kia ở làng Hồi Quan (Từ Sơn), vì người đẹp nên được tuyển làm vợ vua,  đến khi già cả, xin ra khỏi hoàng cung và đi tu ở Diềm. Những truyền thuyết này đã trở thành ký ức dân gian, cho thấy làng Diềm có lịch sử từ rất lâu đời.

Ngôi đền thờ đức Vua Bà có giá trị về lịch sử văn hóa, được Bộ VHTT công nhận và cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa, tại Quyết định số 3211 - QĐ/BT ngày 12/12/1994.

3. Chùa Hưng Sơn 

Chùa Hưng Sơn là một trong những danh lam cổ tự nổi tiếng của xứ Kinh Bắc. Xưa kia tọa lạc ở khu Mả Bến, đến năm Canh Dần (1710) được dời về địa điểm hiện nay, nằm ngay cạnh đền Vua Bà, đây là địa thế đẹp nhất làng. Chùa có quy mô kiến trúc khá bề thế, gồm 9 tòa nhà (55 gian). Cổng tam quan, gác chuông uy nghiêm, nhà tam bảo 7 gian nối với nhà ống muống, phía sau là nhà trai, nhà tổ. Kiến trúc hoàn toàn bằng gỗ lim, chạm khắc trang trí khá tinh xảo. Hiện vật tượng trong chùa khá phong phú tập trung ở các di vật cổ. Hệ thống tượng Phật chất liệu gỗ là những tác phẩm điêu khắc Phật Giáo tiêu biểu các thế  kỷ XVII, XVIII. Bức cửa võng và năm bức y môn của chùa, là những bức chạm khắc tinh tế, với hình thức chạm lộng thời Nguyễn. Chuông đồng, bia đá phần lớn bị thất lạc, hiện còn hai tấm bia đá “Hưng Sơn thiền tự bi” dựng năm 1683 và 1777 ghi việc tu sửa chuà Hưng Sơn. Đáng chú ý nhà chùa còn lưu giữ được một số ván khắc kinh Phật. Hương án gỗ và một số đồ thờ tự khác nữa. những năm gần đây được sự đầu tư của Nhà nước, cùng sự hảo tâm công đức của nhân dân, dân làng Diềm đã tiến hành tu bổ và nâng cấp cho ngôi chùa khang trang tố hảo hơn trước.

Người làng Diềm cho biết, trước kia đức Vua Bà còn được thờ làm tổ của chùa Hưng Sơn. Khi Trương Hống, Trương Hát, đóng quân tại làng Diềm trong cuộc kháng chiến chống giặc Lương, các ông có ngủ lại chùa Hưng Sơn, một đêm các ông mơ thấy có người phụ nữ hiện về và báo mộng: Muốn đánh thắng được giặc Lương thì nên kéo quân về đầm Dạ Trạch mà mai phục, ắt sẽ đánh thắng. Dân làng đồn rằng người phụ nữ báo mộng đó chính là đức Vua Bà hiện về phù hộ cho các ông. Khi Thánh Tam Giang hiển Thánh, nhị vị đức Thánh được dân làng thờ ở đình, đức Vua bà được chuyển sang thờ ở đền. 

4. Đền Cùng, Giếng Ngọc

Đền Cùng (còn gọi là đền Giếng Tiên) lưng tựa vào sườn núi, cửa đền quay ra hướng Nam, trước đền có giếng Ngọc. Thuở sơ khai, ngôi đền dựng lên là để thờ nữ thần bảo vệ nguồn nước ăn và sinh hoạt cho cả làng. Đây là công trình kiến trúc tín ngưỡng có từ buổi đầu mới lập làng, được dân làng thờ cúng tôn nghiêm và luôn tin vào sự thờ cúng hiển ứng, linh nghiệm. Ngôi đền được to đẹp như ngày nay là trải qua nhiều lần tu sửa và mở rộng.

Đền Cùng kiến trúc đơn giản ba gian bình đầu, mái lớp ngói mũi, tường xây gạch đất nung. Hiện trong đền có hai bức tượng công chúa Phương Dung và Thủy Tiên. Xế ra phía ngoài có một cái quán với những cột đá cổ. Các cụ già trong làng cho biết, ngôi quán này là nơi để quan tài người chết đường, chết chợ hay khi đi đưa đám tang người chết, đoàn người đưa tang dừng chân nghỉ ở đây. 

Giếng làng được che mát bởi những tán cây cổ thụ bao trùm lên, đặc biệt có cây duối cổ thụ xanh tốt quanh năm. Dưới giếng có đôi cá chép vàng, dân làng thường gọi là cá thần. Hằng năm đúng vào ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch, dân làng làm lễ tát giếng (thau giếng). Khi nước giếng được tát kiệt nước, thau dọn sạch sẽ thì mạch nước ngầm từ lòng núi Kim Sơn lại chảy ra dâng đầy, trong biếc. Vào ngày hội tát giếng, khách thập phương về dâng hương bái lễ tại đền Cùng rất đông:  

Dù ai đi lễ chín phương

Không bằng linh hiển thắp hương đền Cùng.

Trong ngày hội tát giếng, các bọn Quan họ làng Diềm cũng tổ chức ca hát đối đáp tưng bừng. 

Hầu hết các di tích linh thiêng của làng Diềm như đình, đền, chùa đều có phối thờ nữ thần. Chùa Hưng Sơn là nơi thờ Phật, nhưng thoạt kỳ thủy cũng thờ Vua Bà, đình Diềm xưa kia cũng thờ Vua Bà làm thành hoàng, đền Cùng thờ Ngọc Dung và Thủy tiên công chúa, đền thờ Vua Bà thủy tổ Quan họ. Từ rất xa xưa vị thành hoàng làng được thờ ở đình làng đầu tiên chính là Đô thống, Giáp Ngọ và đức Vua Bà, về sau mới phối thờ cùng các vị nam thần khác. Hiện tượng độc đáo này cho thấy đây là tàn dư của chế độ Mẫu hệ có từ rất xa xưa của người Việt cổ, vai trò người phụ nữ Việt hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân./.

 

Ghi chú:

(1) Đình Diềm vốn chỉ thờ Đô thống, Giáp Ngọ Các vị khác thờ ở nghè và chùa, khi công trình tàn phá mới đưa sắc vào thờ ở đình làng.

(2) Hướng đền hiện nay thay đổi 180 độ so với hướng ban đầu.

                                                                                                                                                                                        ĐỖ HỮU BẢNG