Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

BỮA CƠM CHIỀU 30 THÁNG TƯ TRONG DINH ĐỘC LẬP
16:15 | 28/04/2023

 KỶ NIỆM 48 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG HOÀN TOÀN MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC 

(30/4/1975 - 30/4/2023)

Vừa mới chợp mắt được một lát thì anh Trịnh Hữu Duyến - Phó Phòng Tác chiến Binh đoàn Hương Giang đã đánh thức tôi dậy:

- Cậu lên gặp Tư lệnh Nguyễn Hữu An ngay bây giờ.

Tôi đưa  tay nhìn đồng hồ, lúc đó mới có 3 giờ sáng, vậy là đã bước sang ngày 30 tháng 4 được mấy giờ rồi. Tôi thầm nghĩ, chắc có chuyện hệ trọng gì đây! Vội đeo khẩu súng ngắn, khoác chiếc sắc cốt cầm tấm bản đồ tác chiến, xuyên màn đêm, tôi lao nhanh về hướng Sở Chỉ huy Binh đoàn.

Phòng làm việc của Tư lệnh ở trong căn nhà của Trạm Khí tượng Thủy văn nằm giữa cánh đồng, cách cầu sông Buông chừng 3 cây số. Tư lệnh Nguyễn Hữu An dáng vẻ đăm chiêu, tay cầm cây chì đỏ di di trên tấm bản đồ Sài Gòn trải ngay trước mặt: 

- Báo cáo Tư lệnh, tôi Phạm Ngọc Sơn, Trợ lý tác chiến Binh đoàn có mặt theo lệnh của đồng chí.

Tư lệnh Binh đoàn nhìn tôi vẻ hài lòng, ông nói: 

- Đồng chí lên ngay khu vực Binh đoàn “thọc sâu” kiểm tra lại nếu còn bộ phận nào chưa vượt cầu xa lộ thì truyền lệnh của tôi phải vượt ngay và chiếm luôn đầu cầu bên kia để hỗ trợ cho lực lượng “thọc sâu” phát triển. 

Tôi cùng đồng chí Hoan trợ lý ngồi trên xe tăng hướng về Sài Gòn - Thủ Đức, trên trời từng chùm pháo sáng của địch treo lơ lửng rồi tắt dần, tiếng đạn pháo của địch và của ta nổ ran, thỉnh thoảng lại có một quả pháo địch bắn chặn đường xe chúng tôi đang chạy. Đến đoạn đường có tượng “Phật bà Quan âm” đang làm dở thì gặp Tiểu đoàn pháo 130 ly của Lữ đoàn 164 nằm trong đội hình Binh đoàn “thọc sâu”. Đi lên một đoạn nữa thì gặp Lữ đoàn xe tăng 203. Sau khi báo cáo lệnh của Tư lệnh Binh Đoàn với Lữ đoàn trưởng Tấn Tài, anh Tài cho biết: Địch dùng xe tăng M48 đặt trên cầu xa lộ và đốt cháy cản đường nên chưa có xe nào vượt sang được bên kia cầu. Bàn bạc với anh Hoan xong, chúng tôi đưa xe lên đầu cầu xa lộ (ngã ba Long Bình - đường đi Biên Hòa - Sài Gòn - Vũng Tàu). Xe tăng của Lữ đoàn 203 được bố trí theo đội hình chiến thuật ở phía bên này cầu. Anh Hữu, Phó Tham mưu trưởng và anh Đồng Quốc Sự - Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn đang chuẩn bị cho xe tăng của ta kéo xe tăng M48 của địch ở trên cầu ra ngoài để bộ đội ta vượt cầu. Khi chúng tôi quay lại xe thì gặp Tư lệnh Nguyễn Hữu An và Phó Chính ủy Nguyễn Công Trang cùng một số cơ quan Quân đoàn cùng đi. Nghe tôi báo cáo xong, Tư lệnh chỉ thị cho gọi Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304 và Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 203 cùng một số cán bộ chỉ huy thuộc Binh đoàn “thọc sâu” họp ở một ngôi nhà tranh nhỏ cạnh quốc lộ. Tư lệnh chỉ thị cho các lực lượng nhanh chóng tổ chức đội hình, sau khi xe tăng của Lữ đoàn 203 vượt được cầu xa lộ thì lực lượng “thọc sâu” tiến công theo hình thức vận động tác chiến dọc trục đường quốc lộ vào Sài Gòn, mà mục tiêu là Dinh Độc Lập càng sớm càng tốt. 

Đến 8 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4, đại bộ phận Binh đoàn “thọc sâu” đã tiến công qua Long Bình, cầu xa lộ và phát triển về hướng Thủ Đức. Sở Chỉ huy nhẹ của Binh đoàn cũng tập kết ở khu Cầu Gỗ - Long Bình. Lúc này từ căn cứ Sóng Thần, pháo của địch bắn cấp tập về phía chúng tôi, trên trời máy bay liên tục lượn vòng quanh hòng phát hiện lực lượng của ta. Cánh quân của Sư đoàn 325 đã vượt sông Cát Lái, đánh thẳng vào Quận 5, Binh đoàn “thọc sâu” đã tiến đến cầu Rạch Chiếc, có bộ phận đã lên đến tận cầu Sài Gòn. Lực lượng Sư đoàn 304 đang tiêu diệt địch ở khu cảnh sát quốc gia Ngụy và Trường huấn luyện Thủ Đức. Sở Chỉ huy nhẹ Binh đoàn tiếp tục di chuyển theo đội hình Binh đoàn “thọc sâu”. Mặc dù từ đêm hôm qua tới giờ tôi chưa được ăn cơm, xong bụng vẫn không thấy đói, anh nuôi đưa cả nồi cơm lên xe và tiến theo đội hình. 

Tới 10 giờ ngày 30 tháng 4 thì toàn bộ đội hình của Binh đoàn Hương Giang đã tiến vào Sài Gòn. Chúng tôi qua cầu Thị Nghè rồi rẽ trái tới cổng công viên và đã nhìn rõ Dinh Độc Lập của chính quyền Sài Gòn. Khoảng gần 12 giờ trưa các đồng chí Nguyễn Hữu An - Tư lệnh, Hoàng Đan - Phó Tư lệnh, Nguyễn Công Trang - Phó Chính ủy và cả cơ quan Bộ chỉ huy của Binh đoàn đã ở trong Dinh Độc Lập, nhưng chưa rõ nội các chính quyền Sài Gòn ở đâu. Tôi chạy thẳng lên cầu thang thì gặp một người mặc quần áo thường dân từ trong phòng đi ra. Tôi hỏi ngay:

- Ông đi đâu? 

- Tôi xuống kiểm tra xe vì có mấy cái nhẫn vàng để quên ngoài đó.

- Ông quay lại ngay và ông có biết ông Dương Văn Minh hiện giờ ở đâu?

- Dạ thưa, có mấy người đã đưa ông ta đi đâu rồi tôi không rõ. 

- Thế toàn bộ chính quyền Sài Gòn đang ở đâu?

Anh ta không trả lời tôi mà dẫn tôi vào thẳng tầng hai, nơi toàn bộ nội các Sài Gòn người ngồi, người đứng đang ở đó. Không khí nặng nề bao trùm toàn bộ căn phòng. Sau khi quan sát hết lượt, tôi quay xuống báo cáo với Bộ Tư lệnh rằng Dương Văn Minh không có mặt trong nội các. Đồng chí Hoàng Đan lệnh cho tôi cùng lực lượng vệ binh của Quân đoàn canh giữ toàn bộ nội các Sài Gòn ở tầng hai. Khoảng hơn 12 giờ trưa, tôi thấy một lực lượng đưa Dương Văn Minh tới. Ông ta bước tới và ngồi vào chiếc ghế chính giữa của hàng ghế bên phải, một bên là Nguyễn Văn Huyền - Phó Tổng thống, một bên là Vũ Văn Mẫu - Thủ tướng và Trần Văn Hảo - Phó Thủ tướng. Lúc đó, chúng tôi cùng anh Hàm - Cục phó Cục Chính trị, anh Hân Trưởng phòng bảo vệ và tôi đã tiến hành ghi danh sách tất cả các thành viên trong nội các Sài Gòn.

Phó Tư lệnh Hoàng Đan nhìn Tướng Dương Văn Minh suy nghĩ một lúc rồi quay sang ra lệnh cho tôi dẫn ông ta đi gặp gia đình trong vòng 15 phút. Tôi hiểu rằng đó là một trong những biểu hiện về chính sách nhân đạo, khoan hồng của cách mạng đối với những kẻ phản bội Tổ quốc sau khi đã bị bắt.

Trong cái không khí hỗn độn của Ngụy quyền Sài Gòn tan rã, khắp mọi nơi sĩ quan, binh lính, Ngụy quyền Sài Gòn đều đang tìm mọi cách để đưa gia đình, vợ con chạy trốn. Có lẽ Dương Văn Minh cũng hy vọng sự ra đi trót lọt của vợ con ông ta trong cuộc chạy trốn này. Thế nhưng sức mạnh của “thần tốc” đã làm cho ông ta và cả gia đình không kịp trở tay. Vì vậy vợ con ông ta vẫn phải nằm chờ đợi tại căn phòng phía sau bên phải cũng ở tầng hai của Dinh Độc Lập. Khi dẫn Dương Văn Minh đến cửa, tôi đưa tay gõ mạnh, một người đàn ông trạc 60 tuổi ra mở cửa, tôi đoán chắc là người giúp việc gia đình Tổng thống. 

Cánh cửa hé mở, cả gia đình, vợ con Dương Văn Minh đang nằm la liệt trên giường đều ngồi cả dậy. Tôi ra hiệu cho ông ta vào nhà và ông ta tự khép cánh cửa lại. Đúng 15 phút sau, ông ta mở cửa đi ra và cảm ơn tôi. 

Tôi lại dẫn Dương Văn Minh trở lại phòng họp ở tầng hai. Lúc đó thay mặt cho Quân đội Cách mạng Việt Nam và Quân giải phóng, đồng chí Hoàng Đan - Phó Tư lệnh Binh đoàn Hương Giang đã nói chuyện với nội các chính quyền Sài Gòn về chính sách nhân đạo, khoan hồng của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đối với những người đã lầm lỗi làm tay sai cho giặc nhưng biết ăn năn, hối cải.

Tôi ngước nhìn ra phía ngoài Dinh Độc Lập, cờ đỏ sao vàng, cờ giải phóng rợp trời, từng hàng biểu ngữ, những tiếng hô vang dội: “Việt Nam muôn năm”, “Hồ Chí Minh muôn năm”, “Việt Nam - Hồ Chí Minh”... của hàng nghìn người dân Sài Gòn đón chào chiến thắng. Đến khoảng 16 giờ, Phó Tư lệnh Hoàng Đan cho phép anh em nấu cơm ăn và nấu luôn cho cả nội các Sài Gòn. Lương thực thì có, nhưng thức ăn thì không kiếm đâu ra vì lúc đó tất cả chúng tôi đều không có tiền. Tôi quay vào yêu cầu Đại tá Vũ Xuân Chiêm là Tổng trưởng Dinh Độc Lập mở cửa nhà bếp. Ông ta cầm một chùm chìa khóa lớn và gọi thêm 3 cô gái là nhân viên phục vụ đi mở cửa kho lương thực, thực phẩm của Phủ Tổng thống. Thế là bữa cơm chiều 30 tháng 4 năm 1975, cả Bộ Tư lệnh Quân đoàn và anh em chúng tôi được ăn cơm tại Dinh Độc Lập. Bữa ăn có cả bia, nước ngọt, chim quay, gà cú và gạo thơm. Nội các Sài Gòn và cả gia đình ông Dương Văn Minh, Nguyễn Văn Huyền, Vũ Văn Mẫu và Trần Văn Hảo đều được đưa vào một phòng ăn riêng với đầy đủ các món ăn như anh em chúng tôi. Sau bữa cơm, Bộ Tư lệnh và đại bộ phận cơ quan Binh đoàn Hương Giang rút ra vị trí ở Trường Cảnh sát quốc gia Thủ Đức, còn lại bàn giao cho Sư đoàn 6 - Quân đoàn 4 vào nhiệm vụ tiếp quản Dinh Độc Lập.

Đến nay, đã gần 50 năm qua đi, vậy mà Đại thắng mùa xuân năm 1975 vẫn như còn sôi sục trong tôi. Được chứng kiến niềm vui chiến thắng và được làm một nhiệm vụ đặc biệt: Đưa Tổng thống Việt Nam cộng hòa Dương Văn Minh gặp gia đình trong vòng 15 phút, đó cũng là một kỷ niệm khó quên trong cuộc đời quân ngũ của mình./.

                                                                                                                                                                                                          TRẦN VỌNG