Trang chủ VĂN HIẾN BẮC NINH - KINH BẮC

BẢO VẬT NƠI CHÙA LÀNG
14:48 | 17/11/2022

Làng có tên là Cung Kiệm, thuộc xã Nhân Hòa, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Người trong vùng còn gọi làng là làng Cạm. Ngôi chùa làng được gọi theo địa danh toạ lạc là chùa Cung Kiệm, hay chùa Cạm. Còn tên chữ của chùa là Thượng Phúc (có nghĩa là phúc trên tỏa khắp). 

Làng Cạm (Cò - Cạm), cùng ngôi chùa làng vốn được nhắc tới trong câu ca xưa nói về nông lịch, thời tiết. Trong đó gắn hội chùa Cạm với hội một số ngôi chùa cổ khác trên vùng Kinh Bắc: “Hội Cạm, Hội Khám, Hội Dâu/ Qua ba hội ấy, trồng màu mới sai...". Điều đó đã minh chứng cho sự tồn tại sớm của ngôi cổ tự này.

Truyền rằng, nơi dựng đặt chùa xưa cây cối um tùm, tịch mịch như rừng. Sau đó dân làng dựng thêm nhà sắc mái ngồi chồng diêm, 8 đao cong vút, tạo thành một quần thể kiến trúc nghệ thuật cổ kính, giữ vai trò trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo, văn hoá tâm linh và lễ hội truyền thống của nhân dân địa phương. Người làng Cạm - Cung Kiệm truyền nhau rằng, chùa xưa lớn lắm, quy mô có tới hàng trăm gian, trùng trùng lớp lớp thông các tòa với nhau. Chùa có tam quan lớn, sân gạch rộng. Trước sân có dựng một cây hương đá cao hơn 1m, khắc chữ Hán 4 mặt. Toà Tiền đường 7 gian 2 chái, 4 mái đao cong, to rộng, bề thế. Phật điện bài trí tầng tầng, lớp lớp cả thế giới chư Phật vàng son lộng lẫy. Đại tự, câu đối treo suốt mấy gian, uy linh, tĩnh tại. Hai dãy hành lang bày đặt Thập bát La Hán ở các tư thế đứng, ngồi, diện mạo khác nhau và đều sơn thếp rực rỡ. Trong chùa có 2 quả chuông, một quả lớn nặng trên một tạ, một quả nhỏ hơn nặng 80 kg. Tiếng chuông chùa sớm chiều vang vọng ngân nga.. Tuy nhiên, trong khói lửa của chiến tranh, chùa Cạm - Cung Kiệm đã bị thiêu huỷ  hoàn toàn. Chuông đồng bị đập vỡ. Rồi trận lụt lớn năm 1945 đã phá nát 2 pho tượng Hộ và 18 pho La Hán. Cuối cùng, chỉ còn lại 6 pho tượng gỗ, 1 pho tượng Phật bằng đá, hơn chục tấm bia... Những năm gần đây, chính quyền và nhân dân địa phương đã xây dựng lại chùa trên nền đất cũ; với bình đồ kiến trúc kiểu chữ Đinh, gồm Tiền đường 7 gian được xây theo lối bình đầu bít đốc, kết cấu các vì kèo đơn giản. Thông liền với Tiền đường là 3 gian Thượng điện được chia thành các bậc bệ đặt tượng thờ. Ngoài ra, trong khuôn viên chùa còn có nhà Tổ 5 gian và cây tháp của Sư tổ trụ trì ở chùa; 3 tấm bia đá, trong đó có 1 tấm bia tứ diện được tạo dựng vào năm 1676 và 2 tấm bia “Hậu Phật bi ký” được dựng khắc vào các năm 1705, 1806. Hệ thống tượng Phật được tạo tác công phu nghệ thuật, trong đó tiêu biểu và giá trị nhất phải kể tới pho tượng đá Quan Âm có niên đại thời Lê Sơ - bảo vật của ngôi chùa làng Cạm. Nguyên, sau tiêu thổ kháng chiến, pho tượng này đã bị gãy và thất lạc mất phần đầu tượng, chỉ có phần bệ và thân. Năm 1994, khi nhân dân địa phương đào móng trùng tu xây dựng ngôi Tam Bảo của chùa, đã phát hiện chiếc đầu tượng. Họ đem gắn lại thành pho tượng hoàn chỉnh. 

Tượng Quan Âm chùa Cung Kiệm có chiều cao tổng thể cả phần tượng và bệ là 88,7cm (trong đó, phần bệ cao 36,9cm, phần thân tượng cao 51,8cm). Bệ tượng là khối đá nguyên có dáng hình hộp, các cạnh chân gần như vuông với các kích cỡ dài 43,3cm, rộng 42,5cm, và cao 36,9cm. Phần tượng có chiều cao 51,8 cm, chiều rộng vành mũ thiên quan 13,3 cm - 14,0 cm. Pho tượng được tạc trong tư thế tọa thiền bán kiết già, lộ nửa bàn chân phải. Tay trái đặt trên đầu gối trái, lòng bàn tay ngửa, cầm pháp khí “bảo bát”, tay phải đưa ra phía trước, bàn tay khép hờ. Khuôn mặt tượng thanh tú, mang vẻ nữ tính, toát lên vẻ từ bi của nhà Phật - đặc trưng của cách thức tạo hình nhân dạng Phật giáo. Đôi mắt khép hờ, mí mắt nhỏ nhắn khiến người ta liên tưởng đến hình cánh sen. Sống mũi cao, dài, nổi cao. Miệng nhỏ nhắn, khóe miệng sâu, nở nụ cười trong sự an nhiên. Cằm thon gọn, thùy tai chảy dài. Cổ kiêu ba ngấn, ngực đeo Anh Lạc. Trên đầu tượng đội mũ thiên quan. 

Tượng Quan Âm chùa Cung Kiệm được khoác lên mình hai lớp áo. Trong là “thanh y” - loại áo trong, giống dạng yếm; bên ngoài khoác “thiên y” - là loại áo khoác trùm bên ngoài của tượng Quan Âm. Anh Lạc đeo trước ngực, chính giữa khắc hình hoa mai 9 cánh. Giữa bụng có dải lụa được thắt nút tạo thành hai dải rủ xuống lòng bàn chân.

Bệ đá đặt tượng được làm thành 3 phần. Trên cùng là bệ sen gồm những bông sen, cánh sen và hoa dây trên bề mặt. Dưới bệ sen là những múi to, khỏe, xòe ra đỡ bệ sen hình tròn ở trên. Khoảng giữa thắt lại, chạm khắc sóng nước, đường văn sóng to, nhấp nhô như hình sin, nhưng khoảng cách không đều nhau. Giữa sóng nước đó là hai con thủy quái chạm nổi, hai con đều đang thè lưỡi, mặt ngoảnh vào nhau. Thân thủy quái được tạo dáng mềm mại, uyển chuyển, có vây to. Hai đầu rồng chầu dưới mặt chính của bệ, còn thân của mỗi con được kéo dài về từng mặt của bệ, đuôi chúng gặp nhau và quấn vào nhau ở mặt bệ cuối cùng. Sóng nhấp nhô phía trên và dưới thân thủy quái. Phần cuối của bệ đá là 2 bậc gờ đá hình vuông.   

Pho tượng Quan Âm chùa Cung Kiệm là pho tượng Quan Âm duy nhất có minh văn cả trên thân tượng và bệ tượng, cung cấp thông tin về niên đại tạo tác và địa chỉ, tên các tín chủ công đức. Trên lưng tượng có dòng chữ Hán: “Lê triều Đệ tam Hoàng đế Thái Hòa Kỷ Tỵ thất niên. Bắc Giang Trung lộ, Vũ Ninh huyện, Kiệm xã tín chủ: Đào Ngân, Nguyễn Thị Biên, Nguyễn Lăng, Đào Thị Điều, Nguyễn Bế/ Bé, Nguyễn Thị Thiểu đẳng”. Dịch nghĩa: “Năm Kỷ Tỵ (1449) niên hiệu Thái Hòa thứ 7 triều Vua thứ 3 nhà Lê. Các tín chủ ở xã Kiệm, huyện Vũ Ninh, lộ Bắc Giang Trung gồm: Đào Ngân, Nguyễn Thị Biên, Nguyễn Lăng, Đào Thị Điều, Nguyễn Bế/ Bé, Nguyễn Thị Thiểu”. Đáng lưu ý,  ở phần ghi niên đại có ghi cả niên hiệu, triều đại và năm can chi. Đó là “Lê triều” - biểu thị cho triều đại đương thời; “Đệ tam hoàng đế Thái Hòa” - biểu thị cho vị Vua đương triều là Lê Nhân Tông, vị Vua thứ ba của nhà Lê Sơ, khi lên ngôi ông đặt niên hiệu là Thái Hòa (1443 - 1453). Thời gian trị vị của Vua Lê Nhân Tông dài 17 năm (1443 - 1459), hai lần đặt niên hiệu - niên hiệu Thái Hòa (1443 - 1453), niên hiệu Diên Ninh (1453 - 1459). Nội dung minh văn ở phần bệ tượng cũng ghi cơ bản nội dung như ở thân tượng. 

Pho tượng Quan Âm chùa Cung Kiệm là hiện vật gốc mang tính độc bản. Đây là pho tượng đá duy nhất được tạo tác từ hai khối tách rời gồm phần thân tượng và bệ tượng; cũng là pho tượng Quan Âm đá duy nhất tạo hình bệ tượng với sự xuất hiện của đôi thủy quái đỡ bệ sen - hình tượng có nguồn gốc từ truyền thuyết Quan Âm quá hải trong kinh Phật kể về tích Quan Âm vượt biển, thuần phục đám thủy quái. Pho tượng là hiện vật có giá trị đặc biệt quan trọng đối với vấn đề nghiên cứu lịch sử Phật giáo Việt Nam. Các nhà nghiên cứu cho rằng, Phật giáo Việt Nam phát triển rực rỡ vào hai triều đại Lý - Trần. Bước sang thời Lê sơ, khi Nho giáo là hệ tư tưởng chủ đạo với việc “trọng Nho khinh Phật”, tư tưởng “Nho giáo độc tôn” thì Phật giáo không còn được quan tâm như các thời kỳ trước đó, nên việc xây dựng chùa chiền và các đồ tế tự cũng không được chú ý nhiều. Tuy nhiên với hiện tượng pho Quan Âm đá chùa Cung Kiệm được tạo tác rất đẹp, mà lại do một nhóm người thuộc tầng lớp bình dân ở địa phương hưng công tạo tác, thì có thể thấy rằng văn hóa Phật giáo vẫn ăn sâu vào tiềm thức của nhân dân tận các nơi thôn dã. 

Tượng Quan Âm chùa Cung Kiệm là pho tượng rất quan trọng đối với lịch sử Phật giáo cũng như lịch sử tạo tượng Việt Nam. Tín ngưỡng thờ Quan Âm đã được du nhập vào nước ta từ rất lâu, nhưng không có một bằng chứng chính xác để xác nhận tín ngưỡng này có mặt tại Việt Nam ở thời điểm nào. Phần sau lưng tượng và phần mặt trước của bệ tượng có khắc niên đại, địa điểm và những người cung tiến. Qua đây, minh chứng cho tín ngưỡng thờ cúng Quan Âm nước ta đã có từ rất sớm, ít nhất là đã thịnh hành tại miền Bắc Việt Nam từ thế kỷ 15. 

Về mặt niên đại, hiện nay tại Việt Nam, đối với hệ thống tượng Quan Âm chỉ có 2 pho tượng được khắc niên đại tuyệt đối, gồm: Tượng Quan Âm chùa Cung Kiệm và tượng Phật bà Quan Âm ở chùa Bút Tháp, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Theo đó, pho tượng Quan Âm chùa Cung Kiệm được khắc niên đại sớm nhất (năm 1449), đồng thời là pho tượng Quan Âm thời Lê Sơ duy nhất. Điều này có giá trị đặc biệt quan trọng trong nghiên cứu lịch sử Phật giáo, lịch sử tạo tượng Việt Nam nói chung và lịch sử tín ngưỡng thờ Quan Âm của người Việt nói riêng.

Ngoài ra, nội dung minh văn còn có giá trị quan trọng đối với việc xác định sự thay đổi địa danh, địa giới hành chính của vùng đất Bắc Ninh trong lịch sử. Theo nội dung minh văn thì đến năm 1449 Bắc Ninh vẫn thuộc “Lộ Bắc Giang Trung”, như vậy đơn vị hành chính “Lộ” vẫn tồn tại ít nhất đến thời Lê Sơ (thế kỷ 15) chứ không phải chỉ tồn tại đến thời Trần.

Hiện nay, pho tượng Quan Âm chùa Cung Kiệm được bảo quản tương đối nguyên vẹn; được đặt trong khám, trên bục cao, sát vách tường phía sau, bên phải tòa Thượng điện. Và với những giá trị về nhiều mặt, pho tượng xứng đáng được xếp vào hàng bảo vật quốc gia.

Dẫu không có gì đặc biệt, nổi trội so với các chùa chiền vốn khá nhiều tại các địa phương trong tỉnh Bắc Ninh ngoài pho tượng cổ quý hiếm kể trên, nhưng chốn tâm linh - chùa làng Cạm - Cung Kiệm lại vô cùng ý nghĩa với người làng bởi sự gắn bó, gần gũi, thân thuộc với người dân trong làng. Những lớp trẻ thơ - xưa cũng như nay - đã lớn lên, chơi đùa bên tam quan, ngõ chùa. Còn thường ngày, sân chùa thanh tịnh vẫn là nơi người dân tụ tập những lúc rảnh rỗi, với bao câu chuyện trong làng ngoài xóm. Vậy nên chùa không thâm u xa cách với đời sống trần tục.. Ở đây, tuần rằm mồng một, dân làng vẫn quen nếp ra chùa làm lễ cầu Phật phù hộ cho cuộc sống yên bình, mọi điều hanh thông; để mỗi nếp nhà, ngõ xóm, cũng như làng quê này quanh năm tốt tươi như màu xanh đồng bãi của quê hương. Cùng với đó, tiếng mõ chuông sớm chiều vẳng từ đây đã quen như lời nhắc nhở con người tu thân, tích thiện, để bồi đắp phúc lành cho con cháu muôn đời, như con sông Cầu lượn bên làng đã bồi phù sa nuôi sống vùng đất và con người. Tất cả mãi in đậm trong mỗi con người làng Cạm - Cung Kiệm. Đó là nét đẹp mang nhiều ý nghĩa và thật đáng trân trọng./.

                                                                                                                                                                                                                  LÊ THỤ ÂN