Trang chủ VĂN HIẾN BẮC NINH - KINH BẮC

BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT TRUYỀN THỐNG
16:24 | 28/04/2023

Đây là một câu hỏi, một bài toán cực kỳ khó! Mấy thập niên qua, cũng đã nhiều cuộc hội thảo, nhiều bài viết, nhiều ý tưởng tìm ra giải pháp cho vấn đề này.

Xin được nói một chút về nghệ thuật truyền thống ở Bắc Ninh. Là trung tâm của xứ Kinh Bắc, từ ngàn xưa Bắc Ninh nổi tiếng với truyền thống văn hiến mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc. Bắc Ninh đã ấp ủ, sản sinh và giữ gìn qua bao đời các loại hình nghệ thuật như: Hát Ca Trù, hát Ghẹo, hát Trống Quân, hát Ví, hát Kể Hạnh… đặc biệt là Dân ca Quan họ. Cùng với các loại hình ca hát thì nghệ thuật truyền thống cũng thật phong phú và tiêu biểu như: Hát Chèo, hát Tuồng, Múa Rối… đã được bao thế hệ người dân gìn giữ. Nghệ thuật truyền thống hưng thịnh và nở rộ từ sau hoà bình 1950 - 1986. Theo đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng. Với đội ngũ kế cận hùng hậu, lại được các cấp chính quyền quan tâm, phong trào văn nghệ lan rộng khắp các làng xóm, hầu như làng xã nào cũng có các đội văn nghệ. Thời kỳ này ước tính Bắc Ninh có hàng trăm đội văn nghệ truyền thống. Qua những năm tháng sôi động cùng đất nước, cùng các môn nghệ thuật khác thì nghệ thuật truyền thống đã góp phần tuyên truyền toàn dân chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước, cổ vũ, động viên quân và dân hăng hái lao động sản xuất và chiến đấu.

Vào những năm cuối thập niên 80, nghệ thuật truyền thống mất dần chỗ đứng của mình (với rất nhiều lý do). Từ đó nhiều đội văn nghệ tan rã, đội ngũ kế cận thiếu vắng. Hiện chỉ trên 20 đơn vị còn tồn tại thì nửa trong số đó là hoạt động cầm chừng mang tính chất gìn giữ vốn cổ của quê hương có truyền thống. Bắc Ninh không có Nhà hát Sân khấu chuyên nghiệp, phong trào quần chúng trầm bổng theo giai đoạn lịch sử (kinh tế, xã hội).

Đứng trước những khó khăn thách thức cho hoạt động chung của Sân khấu Bắc Ninh. Với tầm và khả năng của mình, Chi hội Sân khấu chỉ tìm ra được những giải pháp trước mắt phần nào cổ vũ, động viên hoạt động góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống hiện nay.

Đây là việc làm thường xuyên, liên tục trong những năm qua. Ngay từ khi vận động và tìm đối tượng xét kết nạp hội viên mới đã tìm những hồ sơ là người tiêu biểu, có trình độ chuyên môn, có trách nhiệm trong đơn vị làm nòng cốt, trải khắp các địa bàn xã huyện nơi có nghệ thuật truyền thống. (Ví dụ: Nghệ thuật Tuồng ở Từ Sơn có 14 hội viên, Yên Phong có 5 hội viên; Nghệ thuật Chèo, Múa Rối ở Thuận Thành có 9 hội viên, Quế võ có 3 hội viên...)

Ban Chấp hành (BCH) Chi hội đã phân công uỷ viên BCH phụ trách các hoạt động nghệ thuật theo khu vực hành chính của mình. Thành lập các tổ chuyên môn và Câu lạc bộ (CLB) biểu diễn (trong đó có Tuồng và Chèo) nhằm quy tụ, cổ vũ động viên hội viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết trong hoạt động của Chi hội cũng như nòng cốt hoạt động tại đơn vị nghệ thuật. Vận động các tác giả viết những kịch bản sân khấu truyền thống cho các đơn vị dàn dựng. Tích cực vận động, tổ chức các buổi biểu diễn, quảng bá nghệ thuật trong các dịp lễ hội tại quê hương, tham dự các cuộc hội thi, hội diễn, liên hoan cấp huyện thị, thành phố, tỉnh, khu vực và toàn quốc nhằm gặp gỡ, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, chuyên môn… (Đạt rất nhiều thành tích cao). Tư vấn, đề nghị Hội VHNT tỉnh và lãnh đạo các cấp hữu quan hỗ trợ (tinh thần và tài chính), động viên khen thưởng các hội viên có thành tích cao trong hoạt động (hỗ trợ kinh phí hội viên tham dự Hội diễn Toàn quốc, đề nghị Chủ tịch Hội khen thưởng, xét tặng giải thưởng VHNT tỉnh Bắc Ninh…).

Xét từ thực tiễn đời sống sân khấu hôm nay, nghệ thuật truyền thống đang gặp phải những thử thách vô cùng khắc nghiệt. Biết rằng vạn vật luôn vận động lúc thịnh, lúc suy. Nhưng chúng ta hãy nhìn lại quá khứ với các bộ môn nghệ thuật: Hát Xẩm, hát Ca trù, hát Chầu văn… cũng đã một thời bị quên lãng, nếu không được tàng ẩn ở dưới các làng quê thì thật sự mất đi. Giờ đây các nhà văn hoá lớn mới khẩn cấp tìm kiếm và bảo tồn, mất rất nhiều công sức và tiền bạc mới dần dần khôi phục lại. Vậy còn nghệ thuật truyền thống? Cứ đà này chỉ khoảng 10 hay 15 năm nữa thôi ở làng quê thì sẽ thế nào? Khi đất nước ta thay đổi cơ chế, từ bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng XHCN, sự phát triển của đời sống kinh tế, văn hoá đa dạng, lưu lượng thông tin giải trí ngày càng lớn. Trong đời sống kinh tế thị trường, cơ chế, thiết chế của hoạt động tuy có nhiều thay đổi nhưng chưa thực sự đáp ứng để khuyến khích người làm nghề. Chính phủ và các ban nghành hữu quan đang có những nỗ lực nhằm bảo tồn và phát huy bộ môn nghệ thuật truyền thống trên tinh thần “giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, gìn giữ những cái hay, cái đẹp do cha ông để lại”.

Thế hệ những người đang hoạt động nghệ thuật truyền thống ở Bắc Ninh hiện nay thực sự là thế hệ vàng! Họ rất yêu nghề mình đã chọn, vì họ tự nguyện, họ thích và tự chủ về tài chính, họ thu hút phần nào quần chúng tham gia vào quá trình sáng tạo, gìn giữ, phát huy vốn truyền thống, phần nào đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân theo hướng lành mạnh, tiến bộ, phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, tạo ra môi trường văn hoá đa dạng, phong phú, xây dựng đời sống văn hoá cơ sở góp phần quan trọng trong việc xây dựng làng văn hoá, khu phố văn hoá, xây dựng nông thôn mới.

Nghệ thuật Sân khấu truyền thống - một loại hình sân khấu độc đáo của Việt Nam, ẩn chứa những giá trị văn học, giá trị tinh thần của dân tộc. Cần phải được nuôi dưỡng bằng cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp.

Xuân đi, hạ đến văn nghệ sỹ lại đắm mình, thăng hoa với ánh đèn sân khấu, hoà quyện, lênh đênh, bay bổng lời ca Quan họ trên thuyền rồng làm say đắm lòng người. Đó là những bông hoa rực rỡ muôn màu dâng lên chào mừng Đại hội Chi hội Sân khấu khoá V, nhiệm kỳ 2023 - 2028./.

 

                                                                                                                                                                                                         NGUYỄN ĐỨC TÚ