Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

BÀI HỌC TỪ MỘT LẦN VIẾT BÁO CỦA ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP
16:13 | 24/06/2023

KỶ NIỆM 98 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM (21/6/1925 - 21/6/2023)

Nói đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp - một nhà quân sự của Việt Nam thì chắc chắn không một ai là không biết, thế nhưng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, ông còn là một nhà báo khá nổi tiếng. Cách đây 28 năm, nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày báo chí Cách mạng Việt Nam, Đại tướng đã kể cho một số nhà báo về những kỷ niệm vui, buồn trong cuộc đời làm báo của ông, đặc biệt là thời kỳ làm báo năm 1941 ở Chiến khu Việt Bắc, bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau nhiều năm bôn ba tìm đường cứu nước và giải phóng dân tộc ở nước ngoài, năm 1941 Bác Hồ đã trở về nước, mảnh đất đầu tiên được đón Bác chính là Pắc Bó huyện Hà Quảng tỉnh Cao Bằng. Trong thời gian ở đây, Bác Hồ đã tích cực chuẩn bị mọi mặt để thành lập Việt Nam độc lập đồng minh hội gọi tắt là Mặt trận Việt Minh. Để tuyên truyền cách mạng, Người đã lập ra tờ báo Việt Nam độc lập và Bác Hồ trực tiếp làm Tổng biên tập. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những người được Bác Hồ giao nhiệm vụ tham gia viết bài cho báo. Do được sống, làm việc và học tập gần bên Bác nên ông đã được truyền dạy nhiều kinh nghiệm viết báo. Đại tướng rất nhớ việc Bác Hồ kể về thời kỳ làm báo và viết báo ở bên Pháp. Lúc đầu người ta bảo phải viết dài ra, khi biết viết rồi, người ta lại bảo viết ngắn lại. Bác Hồ đã nói: Viết dài đã khó, viết ngắn lại càng khó hơn. Chính điều này đã được Đại tướng chiêm nghiệm vào cuộc đời làm báo của mình, ông đã kể: Một lần được Bác Hồ giao cho viết bài về vấn đề phụ nữ; sau một thời gian suy nghĩ ông đã viết một bài dài đẫy hai trang giấy. Đọc đi, đọc lại, sửa chữa, gọt tỉa từng câu chữ, khi đem bài nộp lên Bác để phê duyệt cứ tưởng rằng mình đã hoàn thành nhiệm vụ. Thế nhưng sau khi đọc xong, Bác Hồ mỉm cười và bảo: Chú viết dài quá, bài này chỉ để cho chú đọc thôi, còn bà con nông dân đọc thì có lẽ không ai hiểu được; bây giờ chú cầm về và viết ngắn lại chỉ 200 từ thôi là vừa, vì báo của ta ít trang, độc giả của ta trình độ còn thấp, có người đọc chưa thông, viết chưa thạo, thậm chí có người chỉ nghe người khác đọc chứ chưa tự đọc được báo. Khi viết chú cần nhớ: Viết cho ai đọc? Viết sao cho người đọc hiểu, hiểu rồi để mà làm theo. 

 Bài báo từ hơn 1000 chữ, bây giờ phải rút ngắn lại chỉ còn có 200 chữ quả là gian khổ, vất vả. Tuy nhiên cuối cùng cũng đã xong và Đại tướng đem lên nộp cho Bác Hồ, Người đã gọi Đại tướng ở lại  và chuyện lần này lại không diễn ra như lần trước. Hôm đó có rất nhiều người đang có mặt ở quanh Bác Hồ như đồng chí Dương Đại Lâm, đồng chí Nông Thị Trưng, đồng chí “anh nuôi”... Bác Hồ đã bảo Đại tướng đọc to, thong thả, rành rọt từng chữ, từng câu cho mọi người cùng nghe. Đọc xong, Bác ân cần hỏi những người ngồi xung quanh: 

- Thế nào, các cô, các chú nghe chú Văn đọc có hiểu không? (Văn là bí danh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp). 

Có người đáp:

- Thưa Bác hiểu ạ!

Bác lại hỏi:

- Thế có hay không?

Mọi người đồng thanh trả lời: 

- Thưa Bác hay ạ!

Bác Hồ hỏi thêm mấy câu nữa xem “bạn  đọc" có hiểu thật hay là không? Cuối cùng Bác Hồ cười và nói: “Bài báo của chú viết thế là được". Đại tướng thở phào nhẹ nhõm. Sau này mỗi lần viết báo, Đại tướng vẫn ghi nhớ và cố gắng vận dụng lời dạy sâu sắc của Bác Hồ.

 Nghe chuyện về một lần viết báo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một lần nữa mỗi người làm báo chuyên nghiệp nói chung, những người là cộng tác viên của mỗi tờ báo, nhất là những người làm báo trẻ nói riêng hãy tự rút ra bài học cho riêng mình. Chắc chắn câu chuyện làm báo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cách đây 82 năm vẫn còn nguyên giá trị cho mỗi chúng ta hôm nay và mãi mãi về sau./.

                                                                                                                                                                                                       TRẦN VỌNG