Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

BÁC HỒ VỚI 7 MÙA XUÂN NĂM MÃO
16:19 | 18/01/2023

 KỶ NIỆM 93 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (3/2/1930 - 3/2/2023)

 

Với 79 mùa xuân cuộc đời Bác Hồ, Người đã trải qua 7 mùa xuân năm Mão. Mùa xuân năm Mão đầu tiên trong cuộc đời Bác là năm Tân Mão 1891, khi đó Bác mới tròn 1 tuổi (Bác sinh ngày 19/5/1890) với tên là Nguyễn Sinh Cung (tên tiếng địa phương Nghệ An gọi là Côn), theo mong ước của người cha cụ thân sinh Nguyễn Sinh Sắc đặt tên cho Bác là Côn, tự Tất Thành. Chữ “Côn” là tích của loài cá hóa chim Bằng, mong ước của cụ Nguyễn Sinh Sắc là chú bé Côn lớn lên sẽ vùng vẫy bốn bể, dù gặp truân chuyên chìm nổi nhưng ắt thành công.

Một giáp sau, mùa xuân năm Quý Mão 1903, Bác 13 tuổi, theo cha lên Thanh Chương học tập. Thời gian này, cụ Sắc được mời lên dạy học ở Võ Liệt (Thanh Chương - Nghệ An), khi ấy Bác được cụ Sắc đổi tên là Nguyễn Tất Thành (được đổi từ năm 1901, khi cụ Nguyễn Sinh Sắc đỗ Phó bảng kỳ thi Hội ở Huế năm 1901).

Năm Ất Mão (1915), Bác đã 25 tuổi, thời gian này Bác đang lao động ở nước Anh - xứ sở sương mù với tên mới là Văn Ba và Pôn Tất Thành, Bác lấy tên Văn Ba khi được nhận vào vai phụ bếp trên tàu Latusotorevin, Bác theo tàu rời Bến cảng Nhà Rồng (thành phố Hồ Chí Minh) ngày 5 tháng 11 năm 1911, bắt đầu cuộc hành trình đi tìm hiểu nền văn minh thế giới để tìm con đường cứu nước. Bác đã đi qua nhiều nước ở châu Âu như: Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… qua châu Phi như: Angeri, Tuynidi, Công gô, Đa hô mây... rồi đến Châu Mỹ, đi qua Mactinnich, Urugoay, Achentina rồi đến nước Mỹ để tìm hiểu về “Tuyên ngôn độc lập” nổi tiếng cả thế giới thời ấy. Cuối năm 1912, tại NewYork, Bác ký tên là Pôn Tất Thành trên bức thư gửi cho Khâm sứ Trung kỳ hỏi về tình hình người cha cụ Nguyễn Sinh Sắc. Cuối năm 1913, Bác rời nước Mỹ sang Anh và làm đủ các nghề quét tuyết, đốt lò, rửa bát đĩa, xoong nồi, làm bánh… cho đến cuối năm 1917, Bác lại quay trở lại nước Pháp với tên mới là Nguyễn Ái Quốc (Nguyễn Ái Quốc là tên Bác ký vào “Bản yêu sách tám điểm của những người yêu nước An Nam” gửi hội nghị VecXay của các nước thắng trận trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất tại Pháp năm 1919, từ đó tên gọi Nguyễn Ái Quốc xuất hiện).

Năm Đinh Mão (1927), Bác 37 tuổi, Bác đã là người cộng sản Quốc tế đấu tranh kiên cường để giải phóng dân tộc và những người cần lao (Bác là đảng viên Đảng cộng sản Pháp tham gia Quốc tế cộng sản, công tác ở Ban Phương Đông - Quốc tế cộng sản). Thời gian này Bác về hoạt động ở Quảng Châu đã được 3 năm (từ tháng 11 năm 1924). Từ tháng 6 năm 1925, Bác đã thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Hội nằm trong Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức (gồm có các thành viên nước Trung Quốc, Ấn Độ, Triều Tiên, Việt Nam). Bác là người trực tiếp huấn luyện tổ chức các lớp đào tạo cán bộ làm nòng cốt cho phong trào. Ngày 21 tháng 6 năm 1925, tại Quảng Châu, báo Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được thành lập và ra số đầu tiên. Đây là tờ báo đầu tiên khai sáng con đường báo chí cách mạng Việt Nam. Các bài giảng của Bác cho các lớp bồi dưỡng cán bộ của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên được Bác tập hợp lại thành tác phẩm Đường Kách mệnh và được Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức xuất bản tại Quảng Châu (Trung Quốc) vào đầu năm 1927, đây cũng chính là dấu ấn của Bác ở mùa xuân Đinh Mão năm 1927 tại Trung Quốc. Nội dung tác phẩm Đường Kách mệnh đến nay vẫn còn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn trong công tác xây dựng Đảng và đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sắp xếp cán bộ.

Năm Kỷ Mão 1939, Bác đã 49 tuổi, thời gian này Bác hoạt động trong Bát Lộ Quân (Trung Quốc) với bí danh là Hồ Quang. Trước đó, năm 1938, Bác học xong khóa học ở trường Quốc tế Lê Nin và được Quốc tế cộng sản đồng ý để Bác về nước công tác. Quốc tế cộng sản có chỉ thị cho Bát Lộ Quân (Trung Quốc) giúp đỡ, Bát Lộ Quân cấp cho Bác một chứng minh thư Trung Quốc với tên Hồ Quang, cấp bậc Thiếu tá của Bát Lộ Quân. Vừa hoạt động cho Bát Lộ Quân nhưng Bác đã gửi thư cho Trung ương Đảng ta, trực tiếp truyền đạt tinh thần Nghị quyết Đại hội VII Quốc tế cộng sản, báo cáo hoạt động của mình và bắt liên lạc để về nước công tác. Cuối năm 1939, Bác mới bắt được liên lạc với Ban Hải ngoại của Đảng ta ở Côn Minh (Trung Quốc) do đồng chí Phùng Chí Kiên phụ trách đề nghị được giúp đỡ để về nước công tác. Cũng phải đến hai năm sau, sáng mồng Hai Tết Tân Tỵ 1941 (ngày 28 tháng 1 năm 1941) Bác mới về đến Pác Bó (Cao Bằng), sau 30 năm xa cách ra đi tìm đường cứu nước (đón tiếp và cùng về nước với Bác hôm đấy có các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Phùng Chí Kiên, Đặng Văn Cáp…) Từ sự kiện Bác mang tên Hồ Quang, đã xuất hiện một tên tuổi mới Hồ Chí Minh. Năm 1940, do việc đi lại vào cả vùng Quốc dân Đảng kiểm soát, để tránh nguy hiểm và tranh thủ thời điểm Quốc - Cộng hợp tác, Bác đã dùng giấy tờ do Quốc dân Đảng cấp như thẻ hội viên đặc biệt của “quốc tế tân văn xã”, “Giấy thông hành quân dụng” của Văn phòng Tư lệnh Đệ tứ chiến khu cấp, những giấy tờ này mang tên Hồ Chí Minh (thực ra vẫn là Hồ Quang, chỉ thêm chữ đệm là Chí vì theo tiếng Hán thì Quang, Minh đều có cùng một nghĩa). Bí danh tên mới Hồ Chí Minh xuất hiện từ năm 1940 dần dần trở thành tên gọi thân yêu, quý mến, gần gũi với người dân Việt Nam, trở thành niềm tự hào của dân tộc Việt Nam rồi vang vọng đến khắp năm châu và đến năm 1990, kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác UNESCO đã vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc và Danh nhân Văn hóa thế giới.

Năm Tân Mão 1951, Bác đã là Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), Bác trực tiếp cùng Trung ương Đảng lãnh đạo toàn dân tộc thực hiện cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Cuộc kháng chiến đã bước sang năm thứ năm (kể từ tháng 12 năm 1946). Năm Tân Mão 1951 là năm có nhiều sự kiện của đất nước và của riêng Bác. Đầu năm xuân mới, cũng là năm thứ 5 Bác có Thơ chúc Tết đến với đồng bào và chiến sĩ cả nước:

“Xuân này kháng chiến đã năm xuân

Nhiều xuân kháng chiến 

                            càng gần thành công

Toàn dân ta quyết một lòng

Thi đua ta chuẩn bị tổng phản công 

                                                   kịp thời”.

Thơ chúc Tết của Bác có ý nhắc lại cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc đã gặp phải nhiều gian khổ, hy sinh nhưng qua hai chiến dịch Thu Đông 1947, Biên giới 1950, thực dân Pháp đã bị giáng nhiều đòn chí mạng, cuộc kháng chiến đã kết thúc giai đoạn phòng ngự, cầm cự, chuyển sang tổng phản công. Thư chúc Tết của Bác như một lời hiệu triệu, chỉ 3 xuân sau, mùa xuân Giáp Ngọ (1954) cả dân tộc đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu “Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.

Sau Tết Tân Mão, ngày 11 tháng 2 năm 1951, Đảng ta Đại hội lần thứ II, một dấu ấn quan trọng của Đảng đó là lần đầu tiên Đảng ta họp Đại hội Đảng trong nước (tại Tuyên Quang): Quyết định đường lối kháng chiến và kiến quốc. Chính thức Đảng công khai hoạt động và đổi tên là Đảng Lao động Việt Nam. Bác được Đại hội nhất trí cao bầu làm Chủ tịch Đảng. Đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

Năm Quý Mão (1963), là năm Mão thứ bảy, cũng là năm Mão cuối cùng trong 79 mùa xuân cuộc đời của Bác. Năm ấy lịch sử còn ghi lại hình ảnh trân quý việc đi chợ Tết của Bác vào sáng 24 tháng 1 (tức 29 Tết, tháng thiếu). Bác đi không có tiền hô, hậu ủng, không ồn ào đưa tin đăng báo, không cần có sự đón tiếp long trọng nào… tất cả rất bình thường như một người dân đi chợ Tết. Bác mặc bộ quần áo gụ đã bạc màu, ngoài khoác áo mưa vải bạt, cổ quàng khăn, mắt đeo kính trắng, chân đi dép cao su (đảm bảo cho việc cải trang của Bác). Bác đi cùng với hai đồng chí cán bộ cảnh vệ đi thăm chợ Đồng Xuân (Hà Nội). Bác chăm chú quan sát cảnh mua bán tấp nập, ghé thăm ông đồ viết câu đối Tết… chỗ nào Bác cũng quan sát rất kỹ, tìm hiểu thái độ, mối quan hệ giữa người mua với người bán, có người sơ ý chạm vào Bác, họ quay lại xin lỗi, Bác gật đầu đáp lại và mỉm cười độ lượng… Chỉ vậy thôi nhưng cho thấy cuộc sống của Bác thật giản dị và hết sức gần gũi nhân dân đến nhường nào.

Đêm Giao thừa năm ấy, Đài Tiếng nói Việt Nam đọc thư chúc mừng năm mới của Bác gửi đồng bào, chiến sĩ trong và ngoài nước, trong thư Bác có những vần thơ chúc Tết:

“Nước Việt Nam là một

Dân tộc Việt Nam là một 

Dù cho sông cạn, đá mòn

Nhân dân Nam, Bắc là con một nhà

Chúng ta cùng nhau: Mừng năm mới, cố gắng mới, tiến bộ mới

Chúc Quý Mão là năm nhiều thắng lợi mới”.

Quả đúng như lời Bác chúc Tết, năm Quý Mão 1963, cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc có nhiều thắng lợi mới. Chiến thắng Ấp Bắc, mở đầu cho năm Quý Mão buộc đế quốc Mỹ phải “thay ngựa giữa dòng” tạo dựng cuộc đảo chính ngày 1 tháng 11 năm 1963 và bắt đầu lún sâu vào vũng bùn chiến tranh, đến mùa xuân 1975 (Ất Mão) dân tộc ta đã “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Xuân Quý Mão 2023 năm nay vừa tròn 60 năm một hội Hoa giáp theo quy luật thời gian so với năm Quý Mão 1963, một mùa xuân năm Mão cuối cùng trong 79 mùa xuân cuộc đời của Bác. 79 mùa xuân, Bác đã mang lại mùa xuân cho cả dân tộc, mở ra một thời đại mới cho dân tộc Việt Nam, thời đại Hồ Chí Minh./.


(Dựa theo tác phẩm “Hồ Chí Minh cuộc đời và sự nghiệp” của tác giả Bá Ngọc, NXB Nghệ An năm 2003). 

                                                                                                                                                                                                            NGUYỄN CÔNG HẢO