Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

NHỮNG BIÊN TẬP VIÊN NGOÀI TÒA SOẠN
09:29 | 07/01/2022

Cuối năm 1999 sau một thời gian ở Đại Phúc, cơ quan Hội chuyển về khu Liên cơ quan ở số nhà 366 đường Ngô Gia Tự, phường Tiền An. Chủ tịch Hội Phan Thư làm Tổng Biên tập Tạp chí Người Kinh Bắc. Phó Chủ tịch Trần Anh Trang làm phó Tổng Biên tập kiêm Biên tập viên. Thanh Huyền vừa làm kế toán kiêm văn phòng. Anh Phồn làm lái xe kiêm tạp vụ. Cả cơ quan chỉ vỏn vẹn bốn người với ngổn ngang công việc. Người ít, việc nhiều, Trần Anh Trang vừa lo bài vở vừa lo in ấn và phát hành. Lúc đó chưa có máy vi tính và điện thoại thông minh. Bản thảo tạp chí đa phần là viết tay, “cụ” Trang phải đem bản thảo vào tận trường Thống kê thuê người đánh máy. Làm thủ công vừa khổ vừa chậm, lại vất vả vô cùng...

Bản thảo của cộng tác viên gửi đến Tòa soạn Tạp chí.

Để có thêm người trợ giúp, lãnh đạo Hội quyết định mời một vài Văn nghệ sỹ kỳ cựu tham gia Biên tập tạp chí. Phần văn học là Nguyễn Anh Thuấn, Hoàng Giá, Trần Thế Long, Nguyễn Như Hạo, Phạm Thuận Thành. Phần Mỹ thuật là Lưu Quang Lâm. Âm nhạc là Trọng Tĩnh. Nhiếp ảnh là Ngọc Sơn...

Thế là một nhóm Biên tập viên ra đời dưới tên gọi “Tham gia Biên tập” xuất hiện trên Tạp chí!

Thực ra quy chế Biên tập viên ngoài Tòa soạn có nhiều tờ báo từ Trung ương đến địa phương đã và đang thực hiện, nhất là các Tạp chí của Hội Văn học nghệ thuật các tỉnh, thành phố trong cả nước vốn rất đa dạng về ngành nghề. Muốn chuyên sâu thì phải có Biên tập viên đang làm chuyên ngành đó. Tạp chí Người Kinh Bắc thời gian này ra 3 tháng một số khoảng trên 60 trang in. Bài vở không nhiều lắm vì tổng số hội viên khi mới tách tỉnh chỉ có chưa đầy một trăm người. Chi hội Văn học do tôi làm Chi hội trưởng mới có trên hai chục hội viên. Ban Chấp hành quyết định phát triển mạnh mẽ việc kết nạp hội viên mới. Tác giả nào có vài bài thơ hay in trên báo là có thể vào Hội. Nhờ chủ trương này, số lượng các nhà văn nhà thơ của Hội tăng lên nhanh chóng. Bài vở gửi về cho Tạp chí cũng phong phú hơn. 

Sau khi chia tách tỉnh, Tạp chí Văn nghệ của Hội VHNT Hà Bắc đã chuyển thành

Tạp chí Sông Thương của Hội VHNT Bắc Giang và Người Kinh Bắc của Hội VHNT Bắc Ninh.

Những Biên tập viên ngoài Tòa soạn chúng tôi có một giai đoạn làm Tạp chí rất cam go và nhiều buồn vui từ năm 2008 đến 2012. Đó là thời kỳ họa sỹ Nguyễn Văn Triền làm Chủ tịch Hội. Khi đó tôi mới nghỉ hưu, anh Triền từ Bằng An (Quế Võ) phi xe lên nhà tôi, thủ thỉ: Cụ Trang nghỉ hưu rồi, Tạp chí chưa có Tổng Biên tập. Tôi là Chủ tịch, lại là họa sỹ nên không thạo việc này. Anh Thuấn là nhà báo, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, làm biên tập ở Đài phát thanh đã nhiều năm nên quen việc này hơn tôi. Xin bạn giúp tôi một thời gian trong khi chờ Tổng Biên tập chính thức. Nói thực là tôi rất ngại. Nhưng nhìn bạn mình đang oải ra vì lo công việc của Hội nên không nỡ lòng từ chối. Tôi đề nghị một Ban Biên tập cả văn và thơ do tôi làm tổ trưởng. Văn xuôi do Hoàng Giá và Trần Thế Long đảm trách. Thơ là tôi và Nguyễn Như Hạo. Trình bày Mỹ thật là Lưu Quang Lâm. Ảnh và nhạc in Tạp chí do anh Ngọc Sơn và Trọng Tĩnh chịu trách nhiệm. Thế là một Ban Biên tập ngoài tòa soạn ra đời, không lương, không thù lao nhưng tràn đầy đam mê và trách nhiệm. Tôi bắt đầu làm quen với máy vi tính, làm ma két, dàn trang cho Tạp chí. Mỗi số trước khi biên tập, Chủ tịch Triền thống nhất chủ đề và nội dung chính của tạp chí xuất bản vào quý đó. Ban Biên tập chúng tôi họp nhau phân công lo bài vở, cơ cấu của Tạp chí, những điểm nhấn cần phải lưu ý. Buổi trưa, Chủ tịch Hội Nguyễn Văn Triền bỏ tiền túi khao cả nhóm ăn cơm bụi. Nghèo và vất vả nhưng đầm ấm vô cùng. Tình cảm và sự chân thành của Chủ tịch Hội Nguyễn Văn Triền đã để lại cho chúng tôi những kỷ niệm khó quên, thật đầm ấm và chan chứa tình người. Ban Biên tập ngoài Tòa soạn hoạt động gần 5 năm, từ 2008 đến 2012. Biết bao niềm vui và nỗi buồn, có thành công và cả những sai sót. Tất cả đã trở thành kỷ niệm, tình yêu đối với Tạp chí Người Kinh Bắc đã giúp cho đội ngũ những người làm công tác Biên tập như chúng tôi ngày càng đứng vững, ổn định và chuyên nghiệp.

Măng set Tạp chí cũng thay đổi, dần hoàn thiện.

Hiện nay Tạp chí Người Kinh Bắc đã là một cơ quan báo chí Văn nghệ chính danh và vị thế ngày càng được khẳng định. Đội ngũ cán bộ phụ trách được đào tạo bài bản, am hiểu công việc và công nghệ tiên tiến. Nhất là các bạn trẻ rất yêu nghề, yêu người và tôn trọng các hội viên trong toàn Hội. Những Biên tập viên ngoài Tòa soạn chúng tôi vẫn ở bên cạnh các bạn, cùng nhau góp phần làm cho Tạp chí Người Kinh Bắc phong phú hơn, hay hơn và đẹp hơn, xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Văn nghệ sỹ xứ Kinh Bắc tài hoa và văn hiến./.

                                                                                                                                                                                                                          NGUYỄN ANH THUẤN