Từ ngày 19/10 đến 2/11, tại Nhà sáng tác Đà Lạt, Hội Văn học Nghệ thuật Bắc Ninh tổ chức Trại sáng tác Văn học Nghệ thuật Bắc Ninh 2020 với sự tham dự của các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian, nghệ sĩ nhiếp ảnh, nghệ sĩ sân khấu là hội viên của Hội.
Dự khai mạc và bế mạc có nhà báo Ngô Hồng Giang - Chủ tịch Hội VHNT Bắc Ninh, ông Đỗ Văn Phong - Phó Chủ tịch Hội; ông Võ Văn Quốc Bình - Giám đốc Nhà sáng tác Đà Lạt; Đại tá, nhà văn Nguyễn Văn Sáu - Phó Giám đốc Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân; Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hà Hữu Nết - Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng, đại diện Hội đồng hương Kinh Bắc tại Đà Lạt, cùng các văn nghệ sĩ tham dự trại.

Sau 15 ngày diễn ra, bằng tinh thần lao động sáng tạo đầy trách nhiệm, các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhạc sĩ, ca sĩ đến từ quê hương quan họ đã sáng tác được 62 tác phẩm đủ các thể loại truyện ngắn, bút ký văn học, tản văn, thơ, ca khúc, tranh, ảnh nghệ thuật.
Mảnh đất, con người Đà Lạt tươi đẹp, nhân văn đã mang đến cho các văn nghệ sĩ Kinh Bắc nhiều cảm xúc được gửi gắm vào tác phẩm; đặc biệt, các nghệ sĩ nhiếp ảnh đã có những khám phá mới, góc máy độc đáo về Đà Lạt. Có thể kể các tác phẩm: Chùm thơ về Đà Lạt (Thành Hương, Đàm Thế Du), Tín ngưỡng thờ mẫu (Đỗ Văn Phong), Cưới vợ cho chồng (Nguyễn Viết Tại), Giấc mơ Tây Nguyên (Minh Châu), Trên đỉnh Lang Bian, Đà Lạt bốn mùa (Thái Khoát), Người Bắc Ninh ở Lâm Đồng (Vũ Tuấn Anh), Tôi là một liền chị (Tố Quyên), Đường về cõi Phật (Xuân Cương), Trầu cánh phượng và nghi thức mời trầu của người quan họ (Ánh Tuyết), Hoài niệm (Ngọc Bính), Vườn hồng (Thanh Huyền), Thợ thêu XQ (Kim Đài)… Đó là thành quả của quá trình lao động sáng tạo nghiêm túc, thể hiện trách nhiệm công dân - văn nghệ sĩ, qua đó đã khẳng định chất lượng của các tác phẩm sáng tác từ Đà Lạt.
Đặc biệt, thời gian ở trại sáng tác, đoàn văn nghệ sĩ Bắc Ninh gây ấn tượng bởi những hoạt động kết nối ân tình không chỉ giữa những hội viên Bắc Ninh mà với cả bạn bè gặp gỡ. Từ sự chia sẻ chân thành nỗi đau vĩnh biệt nhà văn - nhà báo Nguyễn Thanh Đạm (Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng, nguyên Tổng Biên tập Báo Lâm Đồng, nguyên phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng) đến những tâm tình nhắc nhớ kỷ niệm với đất và người Lâm Đồng đầy suy tư, ân nghĩa. Sự đồng hành tự nguyện và liên tục của những đồng hương Kinh Bắc tại Đà Lạt, những liền anh, liền chị từ thành phố Hồ Chí Minh ra, những nhạc sĩ, ca sĩ từ Bắc Ninh vào... là minh chứng sự kết nối, hội tụ và lan tỏa của tình người Quan họ. Ân tình ấy, kết nối ấy là mạch nguồn cho cảm xúc nghệ thuật thăng hoa, bởi nghệ thuật luôn là tiếng nói của cõi lòng đi tìm sự đồng cảm ở mỗi cõi lòng khác.

Nhà báo Ngô Hồng Giang - Chủ tịch Hội VHNT Bắc Ninh cho biết: Trong chuyến sáng tác, Hội đã cùng phối hợp tổ chức triển lãm ảnh nghệ thuật Bắc Ninh - Phú Yên tại thành phố Tuy Hòa, giao lưu văn nghệ với Hội đồng hương Kinh Bắc và CLB Dân ca Quan họ Nam Ban (Lâm Hà). Các văn nghệ sĩ Bắc Ninh được giao lưu, gặp gỡ nhà văn, nhà thơ đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước đang tham dự trại sáng tác ở Đà Lạt trong đó có Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân với đề tài “Chiến tranh, cách mạng”. Từ đó, cùng nhau trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp, học hỏi lẫn nhau kỹ năng sáng tác, trau dồi vốn sống, cùng tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị về nội dung và tư tưởng, nghệ thuật.
Tại lễ bế mạc, nhiều bài thơ được ngâm đọc, nhiều làn điệu dân ca quan họ được hát lên; trong đó, chất chứa hơi thở và mạch nguồn văn hóa “sông Cầu nước chảy lơ thơ” hoà quyện vào gió, vào hoa đã được các văn nghệ sĩ trình bày bằng tình cảm dạt dào dành cho Đà Lạt.

Đại tá - nhà văn Nguyễn Văn Sáu, Phó Giám đốc NXB Quân đội Nhân dân phát biểu: “Việc tổ chức trại sáng tác là đầu tư hết sức hiệu quả giúp các tác giả có điều kiện thuận lợi hơn trong sáng tạo nghệ thuật. Từ đó tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị cao cả về nội dung và chất lượng, thậm chí sẽ có những tác phẩm xuất sắc để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn đọc. Thật tình cờ và may mắn khi chúng tôi có mặt ở Đà Lạt trùng khớp thời gian với đoàn Bắc Ninh. Đây là dịp để các văn nghệ sĩ giao lưu, trao đổi chuyện đời, chuyện nghề, đề xuất những ý kiến tâm huyết, gợi mở cho cơ quan chức năng của Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng), Bộ VH-TT-DL những quyết sách quan trọng tiếp tục thúc đẩy hoạt động sáng tạo nghệ thuật, phục vụ sự nghiệp cách mạng, xây dựng đất nước”.
QUỲNH UYỂN