Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

LỜI THÌ THẦM CỦA CÂY
16:22 | 28/04/2023

Đã có lúc tôi ước gì mình là cái cây xà cừ đứng giữa sân trường. Mỗi giờ ra chơi lá trên cành  xôn xao với tiếng nô đùa của học trò góc đá cầu, góc nhảy dây, với bước chân hối hả khi nghe trống trường giục giã. 

Tôi ước là một cái cây cao lớn để vươn mình đón nắng đón gió. Khi cuộc sống có bao biến cố, cây oằn mình vượt qua giông bão vẫn đứng sừng sững hiên ngang. Nhưng nếu điều ước mà dễ dàng thực hiện được thì nó không còn là ước mơ luôn sáng lấp lánh ở phía chân trời. Cuộc sống sẽ bị đảo lộn lên hết. Tôi sẽ không bao giờ là một cái cây. Bởi vậy tôi chọn cho mình một cách là trồng một cái cây, hay ngồi dưới tán cây để mà suy tư mơ mộng.

Mỗi khi cuộc sống gặp điều phiền muộn, tôi lại gieo một hạt giống. Vùi cái hạt be bé vào trong đất, tựa như giấu vào đó nỗi buồn đau mất mát hay nuối tiếc, lặng lẽ tưới nước mỗi ngày chờ sự sống bật mầm. Có khi vài ba hôm hạt tách vỏ, một mầm sống nhỏ xíu đội cái mũ ngồ ngộ vén lớp đất mỏng nhô lên, rón rén ngó nghiêng rồi cứng cáp dần. Cũng có lần tôi phải chờ đợi thật lâu, đến khi nỗi buồn đã nguôi ngoai, cuộc sống cân bằng trở lại, thì hạt mới nảy, lúc ấy tôi có thêm một niềm vui được ngắm sắc xanh non mỡ màng của những chiếc lá mỏng mảnh đang mỗi lúc một sẫm dần, sẫm dần.

Tôi thích ngồi dưới vòm cây giữa mùa hè. Tán cây xòa rộng như chiếc ô màu lục che mát tuổi thơ. Tôi thường ngửa mặt nhìn ánh nắng lấp lánh trên mảng lá biếc đang phập phồng thở. Nghe tiếng mấy con chim sâu lích tích trò chuyện thỉnh thoảng đánh rơi vào trưa hè những giọt âm thanh trong vắt. Mấy con ve sầu nấp kín trong vòm lá ra rả kêu mãi cho đến khi bị bọn trẻ gắn nhựa mít vào một bên cánh trong suốt mới ré lên rồi im bặt.

Bố tôi thường bảo, cây cối cũng có số phận, có cuộc đời riêng và tình cảm như con người. Khi bà nội tôi mất, bố tôi mang vôi quét vào gốc trầu không, cho nó chịu tang bà. Vắng bóng bà vào ra, không chỉ cháu con buồn bã mà dây trầu cũng cứ rạc dần ủ rũ, héo rồi chết. Bố bảo cây nhớ tay bà mỗi ngày chăm chút giờ bà đi rồi cây cũng về trời. Có những cái cây như đứa trẻ con lì lợm. Cây mít trong vườn cao lớn  mấy năm chưa bói, giữa trưa ngày tết Đoan Ngọ mẹ tôi mang dao ra khảo vào gốc, hỏi tại sao không ra quả, mẹ đóng luôn vai người trả lời, rồi hứa hẹn năm sau sẽ sai trĩu trịt làm tôi cứ cười mãi. Nhưng bất ngờ năm sau cây bói quả đầu tiên...

Anh bạn tôi là một nhà thực vật, phần lớn thời gian của anh gắn với cây cỏ.  Anh bảo cây cổ thụ là trái tim của rừng. Những cái cây trong rừng có thể nói chuyện với nhau nhờ kết nối bởi các sợi nấm - hệ thống internet tự nhiên của trái đất vô cùng tinh vi, cây cối chia sẻ với nhau tài nguyên chất dinh dưỡng và thông tin. Anh nghĩ, người Việt chúng ta tất thảy đều yêu cây, nhưng dường như chúng ta yêu còn chưa đúng cách. Chúng ta chăm chút từng cái cây trong chậu cảnh, trong vườn, đặt chúng trên bàn làm việc. Mỗi nhà dù ở chung cư tầng thứ bao nhiêu cũng đều trồng vài bồn cây ngoài ban công. Nhưng chúng ta đang thờ ơ với những cái cây không thuộc về  riêng mình. Những cái cây trên phố, giữa cánh đồng hay trong rừng cũng cần coi nó thuộc về mình thì mới hết lòng bảo vệ. Anh lấy ví dụ về rặng cây cổ thụ ở một thành phố nọ vì quy hoạch những con đường  mà cắt đi hệ thống điều hòa không khí cho cả thành phố, hay một gốc đa cổ thụ mấy trăm năm dễ dàng bị đốn hạ cho một dự án bảo tồn di tích. Có người đến thăm vùng rừng núi tìm mua bằng được nhánh lan rừng để đưa về thành phố. Ngay cả việc chúng ta sử dụng giấy một cách hoang phí, hay cố sắm một bộ bàn ghế gỗ sang trọng cũng đang làm cho rừng kiệt quệ. Anh đã từng khóc trước mỗi cánh rừng trơ trụi mình đi qua, khóc cho những dấu vết còn lại của một bản làng sau khi bị lũ quét, hay cánh rừng cháy nham nhở vàng khẹt mà không biết bao nhiêu năm nữa mới có thể trở lại màu xanh của những thảm thực vật.

Mỗi lần tôi đưa học sinh đến thăm một cái cây cổ thụ hay vào một khu rừng nhỏ để cho bọn trẻ hòa mình với thiên nhiên, tôi thường nhắc nhở chúng đừng khắc tên lên những cái cây. Nhát khứa  ngang dọc trên lớp vỏ cây sẽ làm cây đau đớn, đứt mao mạch ảnh hưởng đến sự sinh trưởng. Cái tên lổm nhổm ngang dọc khắc  trên thân cây đâu phải để khẳng định mình. Hãy khắc tên mình giữa cuộc đời tươi đẹp.  

Nếu những cái cây biết nói chúng sẽ nói gì với con người? Câu hỏi của anh bạn làm cho tôi trăn trở mãi. Điều quan trọng là chúng ta phải mở lòng ra để mà lắng nghe. Giống như cái cách bố tôi áp tai vào thân bưởi khi lá chuyển vàng, gõ gõ rồi moi ra mấy con sâu đang đục cây. Đứng giữa một khu rừng, hãy lắng tai nghe tiếng cây đang thì thầm. Hãy chú ý cách mà cây mọc, sẽ không bao giờ lạc lối. Đứng trước mỗi cái cây hãy hỏi xem rễ cây chăm chỉ thấy gì trong tầng sâu dưới lòng đất kia. Thử tưởng tượng nếu tất cả cây xanh biến mất, trái đất sẽ hoang tàn, văn chương sẽ bớt lãng mạn, và tâm hồn mỗi chúng ta sẽ cằn khô. Bạn hãy thử một lần nghe tiếng cây xanh nói./.

                                                                                                                                                                                                         LƯƠNG THÌN