Nguyễn Huy Phách, cái tên đã trở nên thân quen với những người làm nghề xây dựng và với nhiều người dân, nhiều bạn đọc ở Bắc Ninh. Mọi người biết đến và yêu mến anh không chỉ anh là kiến trúc sư đa tài mà anh còn là một cây bút sắc sảo về nghề, một nhà thơ gần gũi với họ. Những người yêu thơ thường gọi anh với cái tên trìu mến thân thương: Huy Phách! Kiến trúc sư Huy Phách sinh ra trên miền quê đất học Mão Điền, Thuận Thành, bên bờ sông Đuống thơ mộng. Anh lớn lên trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ oanh liệt của dân tộc, rồi trở thành kiến trúc sư, tham gia xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa và tái thiết đất nước sau chiến tranh. Nguyên là học sinh giỏi trường Hàn Thuyên (thi giỏi toán toàn miền Bắc năm 1962); vào học lớp Kiến trúc sư những khoá đầu (1962-1967), năm nay tròn 50 năm trong nghề, anh đã chủ trì thiết kế nhiều công trình kiến trúc quan trọng của tỉnh Hà Bắc và chỉ đạo thiết kế, thi công nhiều công trình cao tầng của Quân đội (gần 10 năm anh là sĩ quan quân đội). Với quê hương Bắc Ninh, hai mươi năm qua, kể từ khi tái lập tỉnh, bằng trách nhiệm với quê hương và với nghề nghiệp, sự gương mẫu của thế hệ kiến trúc sư đàn anh, anh cùng với các đồng nghiệp say mê lao động và cống hiến cho công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh nhà. Có lẽ, chưa bao giờ qui hoạch, kiến trúc lại trở nên quan trọng và kiến trúc sư có cơ may được dụng nghề như bây giờ. Kiến trúc sư Bắc Ninh đứng trước một đòi hỏi: Làm thế nào để phát triển tỉnh theo xu thế đô thị hóa hiện đại mà vẫn tiếp nối được những giá trị truyền thống, xây dựng được nền kiến trúc hiện đại mà có cốt cách dân tộc, cho đô thị mang được hồn của mảnh đất ngàn năm văn hiến? Huy Phách luôn trăn trở suy nghĩ về điều đó. Cho nên anh đã làm việc rất nhiều, viết rất nhiều. Và lần này, sau hai tác phẩm thơ đã xuất bản bởi Nhà xuất bản Hội Nhà văn (“Mưa bóng mây” – 2003; “Huy Phách - Thơ tuyển” – 2012), Huy Phách cho ra mắt tập sách “Bắc Ninh – hồn phố, hồn nhà” là một đóng góp đáng quý cho giai đoạn phát triển mới, giai đoạn về đích để tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố hiện đại, văn minh và giàu bản sắc.
Cuốn sách có hai phần, đều là những tâm sự về nghề, phần 1 là tạp văn và phần 2 là những vần thơ. Phần văn là sự tập hợp các bài viết của tác giả trong khoảng hai mươi năm qua, kể từ khi tái lập tỉnh, phần lớn đã được công bố tại các trang báo, tạp chí ở trung ương và địa phương, các cuộc hội thảo và đã đi vào cuộc sống. Những tâm sự về nghề thực chất là những nghiên cứu, tìm tòi để đi đến những kiến nghị chân thành của một người tâm huyết với nghề và với quê hương. Nguyễn Huy Phách là thế, anh luôn sáng tạo những cái mới. Thông qua những trao đổi nghề nghiệp, đóng góp cho chúng ta những tư duy về tầm nhìn quy hoạch; những quan điểm về xây dựng đô thị hiện đại, văn minh, sinh thái, tri thức và phát triển bền vững; những quan điểm về xây dựng nền kiến trúc hiện đại, chú trọng bảo tồn, phát huy kiến trúc truyền thống, hướng đến một thành phố tương lai hiện đại và giàu bản sắc văn hóa. Điều đáng nói hơn ở đây là sự trân quý những khát vọng của anh cho một tương lai như thế được truyền lửa cho thế hệ tiếp nối thông qua những bài viết này. Anh viết: “Với một vùng đất cổ như Bắc Ninh – cái nôi của văn minh Đại Việt, không thể không quan tâm tới việc phát triển bền vững cho Bắc Ninh tương lai. Thành công của một đô thị dựa trên sự hài lòng của người dân. Lại rất cần những tầm nhìn chiến lược, tâm huyết của những người lãnh đạo, quản lý…Rồi đây, một tương lai không xa, cả tỉnh sẽ thành một thành phố, một đô thị văn hóa, sinh thái, tri thức, để nơi ta sống sẽ thành nơi đáng sống:
“Thành phố mở cả hai miền sông Đuống
Núi Thiên Thai loan phượng lại têm trầu
Cả thành phố là một vườn hoa lớn
Ngả nón ra ngồi, ta lại hát yêu nhau”.
Văn của Nguyễn Huy Phách thể hiện được sự sắc sảo, tâm huyết với nghề và có tầm tư duy mang hơi thở của thời đại, còn thơ của anh cũng sâu sắc và chân thành, là con thuyền chảy trên dòng sông trữ tình, lãng mạn và đằm thắm, đem đến cho chúng ta những cảm xúc mới về nghề xây dựng. Tạo nên tâm hồn của đất đai là những ngôi nhà. Tạo nên những ngôi nhà thi công đầu thuộc về người kiến trúc sư, người vạch nét bút đầu tiên cho hình hài công trình. Biến hoang vu thành phố xá, biến thưa vắng thành đông vui, kiến trúc sư tìm cảm hứng sáng tạo từ thơ ca khi thiết kế những ngôi nhà. Chất thơ và sự lãng mạn làm tác phẩm kiến trúc có hồn hơn, có ý nghĩa hơn. KTS Nguyễn Huy Phách gắn bó với thi ca là như vậy! Một lần nữa anh lại khẳng định sứ mệnh cao cả của người kiến trúc sư:
"Tạo dựng không gian cho tổ ấm đời người
Chớ lầm tưởng bạc tiền là tất cả"
(Nói với con sau kỳ thi tốt nghiệp)
Hầu hết những bài thơ anh sáng tác là cảm xúc từ những chuyện thường ngày, hết sức giản dị, mộc mạc như chuyện động thổ, đón tết, về nhà mới, trò chuyện với con gái, tặng hoa, tắm cho mẹ… Và cũng chính từ những câu chuyện đời thường như thế, ta càng thấy ở anh một tâm hồn biết yêu thương đến nhường nào:
“Thi xong rồi, có mệt lắm không con?
Đêm vui thế chắc gì con ngủ được
Niềm hạnh phúc bấy lâu hằng mong ước
Lớn lên rồi con theo nối nghiệp cha”.
(Nói với con sau kỳ thi tốt nghiệp)
Hoặc với bạn bè:
“Chì đen giấy trắng còn đây
Sắt son cái nghiệp dựng xây cuộc đời
Nhà cao cửa rộng bao người
Phần mình nắm đất nhỏ nhoi giữa đồng”.
(Viếng bạn)
Và lớn lao biết bao tình yêu đất nước:
“Đất nghìn năm dáng mẹ lưng còng
Chiếc nón chở che những mùa giông bão
Con vạm vỡ ở ba nghìn hòn đảo
Cho sóng êm, vỗ nhịp trái tim người”
(Đất nghìn năm mang dáng mẹ lưng còng)
Nếu như tình yêu là dòng sông không ngừng chảy trong thơ Huy Phách thì nghề nghiệp là mảnh đất luôn bồi đắp và nuôi dưỡng cho đôi bờ. Từ những vần thơ tự sự về những công việc, những chia sẻ trải nghiệm nghề nghiệp, những mong ước vươn tới sự hoàn thiện, đến những khát vọng cháy bỏng về tương lai của quê hương mà anh cho rằng sứ mệnh của những người xây dựng phải gánh vác. Từ những day dứt, trăn trở về đô thị hóa:
“Còn trong tâm trí mọi người
Thơm ngát ao làng sen nở
Giờ lấp ao, xây phố xá
Nghẽn đường xe máy, ô tô.”
(Quốc lộ qua làng)
Đến niềm vui ngập tràn trước sự vươn mình của thành phố quê hương:
“Dẫu đường phố hôm nay chưa rợp bóng hàng me
Đã náo nức tàu xe, mặt người hoa nở
Phố xá rộng dài, phổng phao, vạm vỡ
Tít tắp hàng cây, tít tắp những con đường”.
(Thành phố trẻ)
Khát vọng của người kiến trúc sư muốn cống hiến cho tương lai của thành phố cũng là khát vọng của những người xây dựng, của nhân dân Bắc Ninh luôn tin tưởng và yêu thương quê hương mình:
“Dòng thời gian như nước chảy chân cầu
Nơi ta sống sẽ thành nơi đáng sống
Thành phố trẻ vươn sức dài vai rộng
Cho đô thị thông minh, đô thị vững bền…”
Văn và thơ của Huy Phách là như vậy, tràn đầy cảm xúc từ cuộc sống thực của anh và được truyền cảm bằng những lời lẽ giản dị mà dí dỏm, giàu hình ảnh, giàu trí tưởng tượng và sự lạc quan, dễ đi vào lòng người. Đó cũng chính là con người của anh. Người ta nói văn là người, có lẽ Huy Phách là một ví dụ rõ nét. Tôi biết anh 20 năm qua, thời gian đủ để có thể viết về anh bằng sự kính trọng một người anh với những phẩm chất được coi là mẫu mực: Giản dị, trong sáng và tài hoa! Anh giản dị cả trong sinh hoạt lẫn công việc, cả trong đời sống lẫn trong những lời văn, vần thơ viết ra. Anh trong sáng trong đạo đức ứng xử với tất cả mọi người và trên hết là tình yêu người, yêu nghề, yêu quê hương đất nước luôn chân thành và da diết. Anh là một kiến trúc sư với nhiều tác phẩm kiến trúc được ghi nhận; anh còn là người có khả năng lãnh đạo, quản lý (anh nguyên là Phó Giám đốc Sở Xây dựng, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Bắc Ninh); tham gia nhiều hoạt động xã hội, nghề nghiệp; và như mọi người đã biết, anh là nhà thơ, là cây bút không chuyên mà sao chiếm được sự yêu mến của đông đảo bạn đọc đến thế! Còn một phẩm chất tiêu biểu nữa của Huy Phách không thể không nói tới, đó là sự say sưa lao động và lòng khát khao cống hiến. Hơn 10 năm qua, khi được nghỉ hưu theo chế độ, anh vẫn miệt mài làm việc và sáng tạo, thức khuya dậy sớm để viết; đi đến từng xã, từng thôn để góp ý những đồ án quy hoạch; tham gia phản biện các dự án, đề án lớn của tỉnh. Những ý kiến của anh luôn được trân trọng vì nó dễ hiểu, thiết thực và có nhiều giá trị khoa học, thực tiễn. Lớp đàn em chúng tôi luôn lấy anh là tấm gương để học tập và noi theo.
Với “Bắc Ninh- hồn phố, hồn nhà”, KTS. Nguyễn Huy Phách tiếp tục đóng góp tâm huyết và trí tuệ của mình cho tiến trình phát triển của tỉnh, đồng thời làm phong phú thêm đời sống văn học nghệ thuật của quê hương văn hiến. Từ tấm lòng ngưỡng mộ chân thành, tôi viết lời giới thiệu cuốn sách này với tư cách của người đồng nghiệp, người yêu văn và trên hết là người có trách nhiệm giúp cho bạn đọc tiếp cận tốt hơn với cuốn sách với tâm hồn trong sáng của người kiến trúc sư tài hoa./.