Linh hồn của một đô thị chính là quá khứ được lưu giữ của đô thị. Hay nói một cách đầy đủ, chính di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đô thị đã tạo nên được cái hồn cho đô thị ấy.
Một bộ phận quan trọng của quy hoạch đô thị là bảo tồn di sản văn hóa được ưu tiên hàng đầu trong quá trình phát triển đô thị, ở đó lịch sử hiện diện qua ký ức đô thị được lưu giữ trong từng ngôi nhà, góc phố... Đó chính là vẻ đẹp của quá khứ dành tặng tương lai. Điều đó tạo điều kiện cho công chúng có thể tiếp nhận những giá trị lịch sử - văn hóa một cách phong phú, hấp dẫn nhất. “Hồn đô thị” là đặc trưng văn hóa tinh thần rất tinh tế và đầy chất lãng mạn của cư dân đô thị. Nó tồn tại trong ký ức từng cá nhân, được di truyền và lan tỏa để rồi trở nên vững chắc trong ký ức của cộng đồng, và chính nó tạo nên được bản sắc của đô thị.
Những ai đến Hà Nội rồi sẽ không bao giờ quên những khoảng không gian tuyệt đẹp với những tỷ lệ vàng giữa các kiến trúc, đường sá, cây xanh quanh hồ, lòng mến khách, sự nhộn nhịp của khu phố cổ. “Cái đẹp, chất, hồn và duyên của Hà thành ẩn khuất trong những dãy phố và những ngõ ngách, trên những mặt nhà già nua, dưới những bóng cây rậm rịt, mà thiếu chúng, những con phố trở nên trơ trẽn” (GS. Hoàng Đạo Kính).
Huế là thành phố di sản của Việt Nam. Và cái hồn của Huế chính là sự hài hòa với thiên nhiên, hiền hòa và bình dị.
Bản sắc của Đà Lạt là những con đường nhỏ rợp bóng thông, một rừng hoa với những ngôi nhà, biệt thự nằm thấp thoáng trên những ngọn đồi, những thung lũng. Cái hồn của Đà Lạt là duy nhất mà không nơi nào ở Việt Nam có được.
Trải qua thăng trầm của lịch sử, các đô thị ấy đến nay vẫn đang được gìn giữ một cách trân trọng các di sản đó. Thành công ấy có được từ một điều giản dị: Di sản văn hóa phải có một đời sống của chính nó, nhờ con người và vì con người - những con người quản lý thông minh và những người dân giàu văn hoá.
Hiện nay khuynh hướng san phẳng di sản kiến trúc để xây dựng nhà cửa hiện đại nhưng vô cảm bị lên án khắp nơi. Singapore thành công khi xây dựng một quốc đảo tiên tiến, vậy mà xét về mặt văn hóa, Singapore vẫn là một thành phố hiện đại vô hồn giữa châu Á. Giá như họ không phá bỏ những khu phố cổ sinh động của Hoa kiều, di dân Ấn, cư dân Mã Lai… thì Singapore có lẽ là một thành phố đa văn hóa tiêu biểu nhất châu Á rồi. Thâm Quyến (Trung Quốc) - đặc khu kinh tế mới hơn 30 tuổi được gọi là thành phố không quá khứ, bởi “Thâm Quyến là thành phố của cảm xúc dồi dào mãnh liệt, nhưng cũng là nơi ngập tràn thứ cảm giác lạc lõng" - một nhà văn hoá đã nhận xét như vậy.
Đại hội UIA (Liên hiệp Hội KTS quốc tế) đã cảnh báo nguy cơ bản sắc của từng đô thị đang bị đồng hóa. Ở ta, do vội vã với tốc độ đô thị hoá quá nhanh, nhiều đô thị đang đứng trước nguy cơ xóa nhòa các di sản của quá khứ, các không gian đô thị đang bị quy hoạch theo cảm tính, phủ nhận thậm chí phá bỏ nền kiến trúc của các thế hệ trước. Làm như thế, phải chăng chúng ta tự đóng cửa với quá khứ, làm mất bản sắc của chính mình. “Một thành phố luôn muốn xoá đi những kiến trúc cũ là thành phố mất trí nhớ”- một nhà kiến trúc nổi tiếng thế giới đã khẳng định như vậy.
Người ta đang nói nhiều đến việc xây dựng bản sắc dân tộc, tiên tiến, hiện đại cho các đô thị Việt Nam, nhưng có một nghịch lý là những gì đã từng đem lại bản sắc độc đáo cho các đô thị Việt Nam ngày xưa, và còn tồn tại đến ngày nay, thì đang dần bị phá hỏng bởi hội chứng cào bằng, dễ dãi và sự bao cấp của quy hoạch đô thị đã đưa các loại hình nhà khối hộp lạnh lùng và nhà chia lô ép sát vào nhau mọc tràn lan từ phố này sang phố khác. Người ta không còn nhìn thấy đặc thù của từng vùng miền khí hậu, địa hình và sinh hoạt của từng địa phương nữa.
Đi tìm cái hồn cho đô thị còn là biết gắn kết đô thị giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, tiếp nối tiến trình lịch sử của nó. Bắc Ninh - Kinh Bắc nằm ở trung tâm châu thổ sông Hồng, có ruộng đồng bờ bãi phì nhiêu, là đất “địa linh nhân kiệt” đã làm nên bản sắc văn hoá đặc sắc của xứ sở Kinh Bắc, một nền văn hiến Kinh Bắc. Mảnh đất này đã thực sự là “cái nôi” hình thành và phát triển lịch sử - văn hoá của dân tộc Việt Nam. Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” của nhà sử học Phan Huy Chú viết vào đầu thời Nguyễn, đã ghi nhận: “Kinh Bắc có mạch núi cao chót vót, nhiều sông núi vòng quanh, là mạn trên của nước ta… Mạch đất tụ vào đấy, càng nhiều chỗ có dấu tích đẹp, tinh hoa họp vào đấy, nên sinh ra nhiều danh thần, vì là khí hồn trọng ở phương Bắc phát ra nên khác với mọi nơi”.
Quả vậy, nằm trong sự giao lưu hội nhập mạnh mẽ về kinh tế, văn hoá, tín ngưỡng và tôn giáo, Bắc Ninh đã sản sinh ra những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể hết sức phong phú, đa dạng. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, trên dải đất Bắc Ninh vẫn lưu giữ được hàng trăm ngôi đình, chùa, đền, miếu, thành quách và những ngôi nhà dân gian có giá trị nghệ thuật cao, mà không phải địa phương nào cũng có được. Từ thành cổ Luy Lâu, thành cổ Bắc Ninh, chùa Bút Tháp, chùa Dâu, đình Đình Bảng… dù mới đi qua một lần ta đã thấm và thấu cái chất và cái hồn Việt trong nghệ thuật, cho tới Quan họ Bắc Ninh đã được vinh danh là di sản thế giới với ba lĩnh vực chính là: ca Quan họ, lề lối chơi Quan họ và phong tục tập quán của Quan họ. Tất cả hình thành một nền văn hóa Quan Họ của quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc.
Một vùng đất văn hiến và đã được hội tụ, toả sáng ở bản sắc văn hoá, và đấy chính là cái hồn của mảnh đất Bắc Ninh này mà các vùng đất khác không dễ gì mà có được!
Ngay từ năm 1938 thị xã Bắc Ninh đã được xếp vào thành phố thứ 5 của xứ Bắc Kỳ. Còn hiện nay từ một thị xã “đèn dầu”, sau hơn 20 năm tái lập, các đô thị ở Bắc Ninh phát triển mạnh cả về quy mô và tốc độ, hệ thống đô thị được mở rộng với diện tích tăng gần 10 lần so với năm 1997. Nhưng làm gì để hồn của mảnh đất “địa linh nhân kiệt” này được gìn giữ và toả sáng trong bộ mặt đô thị? Cần thận trọng từ những việc lớn trong phân khu chức năng của quy hoạch chung tới những việc cụ thể trong quy hoạch chi tiết, trong bản vẽ thiết kế đô thị.
Rất nhiều điều cần những người làm công tác quản lý đô thị suy ngẫm để giữ cái hồn của đô thị Bắc Ninh qua những bài học quý giá ở các tỉnh bạn. Không phải ngẫu nhiên người KTS thiết kế khách sạn Horizon (Hà Nội) đã cố công giữ lại một trong hai chiếc ống khói (của nhà máy gạch Đại La ở cuối đường Cát Linh - một biểu tượng hiền hoà chất phác và kiêu hãnh của nền văn minh gạch máy đầu thế kỷ trước) chỉnh trang thành một tượng đài đẹp đẽ và ý nghĩa như một di sản. Sẽ chẳng bao giờ còn có một ống khói như thế mọc lên ở bất cứ đâu trong gầm trời công nghệ cao này. Nếu vội vàng, những tầng sâu tàn tích văn hoá lâu đời rất có thể sẽ nói lời ly biệt vĩnh viễn với chúng ta.
Ví như khi nói tới thị xã Bắc Ninh cũ, người ta không thể không nhắc tới một “Viên ngọc quý” là Thành cổ Bắc Ninh - một trong bốn tòa thành đẹp nhất vùng Bắc Kỳ thời bấy giờ- ngôi Thành cổ đầu tiên của Việt Nam được xây dựng theo đồ án hình lục giác, từng đi vào câu ca Quan họ với niềm tự hào “Trong sáu tỉnh người đà chưa tỏ, ngoại năm thành chỉ có Bắc Ninh”. (Hiện nay viên ngọc quý này vẫn do quân đội quản lý và một phần đã bị băm nát làm khu gia binh!) Nói tới thị xã Bắc Ninh, người ta nhớ đến Văn Miếu của miền đất khoa bảng với “… một bè Tiến sĩ, một bị Trạng nguyên…”, nhớ đến Chợ Nhớn bốn mùa sầm uất, dốc Suối Hoa rộn rã sắc mầu! (Hiếm hoi còn nguyên vẹn là dinh Toàn quyền Bắc Ninh với cây đa cổ thụ mấy trăm năm tuổi cũng đang được dùng làm trụ sở một phường của thành phố!).
Ví như khi nói tới Tiên Du là ta nhớ đến hội Lim, ngọt ngào câu hát giao duyên quan họ; cô gái “Cầu Lim” đảm đang duyên dáng; nhớ tới chùa Phật Tích với hội Khán hoa mẫu đơn để chàng Từ Thức gặp tiên…
Ví như khi nói tới Từ Sơn là ta nhớ tới quê hương đứa trẻ thiếu cha nhưng trở thành ông vua khai sáng một triều đại huy hoàng: Thái Tổ Lý Công Uẩn, nhớ tới huyện Đông Ngàn thông minh hơn người (dốt Đông Ngàn hơn người ngoan thiên hạ), nhớ tới mái đao cong mềm mại của mái đình Đình Bảng, nhớ tới làng Tam Sơn - địa phương duy nhất cả nước có đủ tam khôi với 22 vị đại khoa (Tiến sỹ) trong đó có hai Trạng nguyên…
Nhìn rộng ra tất cả các địa phương khác trong tỉnh Bắc Ninh cũng đều có những nét đặc trưng cực kỳ ấn tượng mà trong cả nước ít nơi nào sánh kịp!
Ngoài việc lưu giữ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hoá, bảo tồn các di sản, việc khai thác những lợi thế mà thiên nhiên ban tặng cho Bắc Ninh cũng là một trong những nhân tố hết sức quan trọng trong công tác quy hoạch đô thị, góp phần tạo nên cái hồn của xứ Bắc Ninh - Kinh Bắc này.
Ấy là những dải đồi thấp cực kỳ quý giá giữa mênh mông biển lúa vàng, mà có lúc nơi này, nơi kia khi mới tái lập tỉnh đã vội san ra lấy đất đắp nền! Ai đã qua Gia Bình, lên núi Thiên Thai, ngọn núi đã vào Quan họ: "Trèo lên trái núi Thiên Thai”....Lên núi Lạn Kha (Phật Tích) có bàn cờ tiên, lên Đại Lãm Sơn (núi Dạm) thuộc vùng đất tứ linh, có Đại Lãm Thần Quang tự - chùa “Bà Tấm” với cột đá Chùa Dạm sừng sững gần 1000 năm trơ gan cùng tuế nguyệt, - một tuyệt tác điêu khắc thời Lý vẫn còn đó với những bí ẩn kỳ diệu đang cần được giải mã… Sắp tới, khu công nghiệp Nam Sơn được hình thành sẽ bao quanh núi Con Rùa - một ngọn đồi rất đẹp và quý hiếm (núi Con Rùa là một núi nhỏ có dáng mai rùa, chu vi khoảng trên một nghìn mét, có một chỗ sạt về phía Đông, mùa mưa thường rỉ ra nước màu gỉ sắt; cách núi Con Rùa chừng hai cây số về phía Đông- Đông Nam là thôn Phương Lưu, cư dân quần tụ trên một đảo gò đất có dáng đầu rùa, người ta truyền tụng rằng “rùa bị kiếm thần của Cao Biền chém đứt đầu, đến nay máu vẫn chảy, đầu rùa bị văng ra đến tận thôn Phương Lưu”!). Nên chăng là phải bỏ hẳn khu công nghiệp này thì đô thị Nam Sơn mới trọn vẹn với tiêu chí là một đô thị sinh thái được kỳ vọng.
Các đồi núi sót với độ cao từ 20 đến 120m so với mặt biển, lại thường gần các con sông và các thung lũng có thể tạo thành hồ nước rộng hàng chục ha với những di tích lịch sử, văn hoá như đền, chùa, miếu mạo nếu biết khai thác sẽ tạo nên khung cảnh sơn thuỷ hữu tình cực kỳ hấp dẫn. Cố giáo sư Ngô Viết Thụ đã từng nhắc nhở những người làm kiến trúc ở Đà Lạt: “Thiên nhiên cảnh quan Đà Lạt vốn đã đẹp lắm rồi, kiến trúc phải nép mình vào nó, đừng lay động nó, đừng làm xấu nó đi!”. Ở Bắc Ninh, các nhà kiến trúc và nhà quản lý nên chăng cũng cần có nếp suy nghĩ ấy!
Các dòng sông chảy qua Bắc Ninh cũng đều là những dòng sông huyền thoại, bồi đắp một nền văn hiến, văn hóa đặc trưng cho Bắc Ninh- Kinh Bắc. Nhiều nhà nghiên cứu văn hoá đều đi đến một nhận định: Sông chảy tới đâu mang theo cả một nền văn hoá ở đó, với Bắc Ninh càng đúng như vậy !
Đấy là sông Đuống (Thiên Đức) - hàng trăm năm đã đi qua, dòng Đuống vẫn lấp lánh, nghiêng nghiêng, chở bao huyền thoại, cổ tích, cả những nỗi oan khiên “động trời”(*)… Nếu Bắc Đuống là vùng đất phát tích vương triều Lý, khởi đầu nền văn minh Đại Việt, mở ra thời kỳ độc lập tự chủ lâu dài của dân tộc thì Nam Đuống lại đậm đặc dấu thiêng, truyền thuyết về Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ là Thủy tổ Việt Nam, mở ra thời đại các Vua Hùng dựng nước làm rạng rỡ non sông đất Việt.
Đấy là sông Cầu - Như Nguyệt, mang tên người con gái đẹp như trăng ẩn trong dòng chảy biết bao câu chuyện vui buồn. Như Nguyệt cũng là tên một chiến công oanh liệt vào mùa xuân năm 1077 do Lý Thường Kiệt chỉ huy đã khẳng định chủ quyền dân tộc với bài thơ thần - tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta.
Đấy là Tiêu Tương- một dòng sông tràn đầy yếu tố văn hóa, là dòng chảy của thi ca, của tình yêu con người, với chuyện tình Trương Chi - Mỵ Nương. Tiêu Tương không chỉ là một huyết mạch giao thông quan trọng của vua An Dương Vương mà còn là một hào lũy thiên nhiên che chắn, bảo vệ kinh đô Cổ Loa non trẻ của quốc gia Âu Lạc. Hơn thế, dòng chảy Tiêu Tương là mạch nguồn văn hóa của người Việt từ kinh đô chảy đến khắp các làng quê. Tiêu Tương đóng một vai trò hết sức quan trọng trong quá trình kiến tạo nên bản sắc văn hóa xứ Bắc và là một trong những yếu tố tiền đề cho sự ra đời của vùng văn hóa Kinh Bắc.
Còn sông Dâu chính là tuyến đường thủy huyết mạch giúp mở ra các làng nghề, làng buôn bao quanh khu đô thị cổ Luy Lâu và đưa Luy Lâu trở thành một trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của nước ta suốt ngàn năm Bắc thuộc. Chính các nhà truyền giáo Ấn Độ cũng đi đường biển rồi theo sông Dâu để truyền bá đạo Phật vào Việt Nam từ buổi đầu Công nguyên. Khúc sông sầm uất nhộn nhịp thuở xa xưa bây giờ chỉ còn là một con mương nhỏ cạn nước. Cầu chín nhịp bắc qua sông nay chỉ còn một nhịp. Nhưng dẫu thế nào, dòng sông Dâu vẫn còn chảy mãi, sống mãi trong tâm thức dân gian qua những giai thoại lịch sử về nàng Man Nương tung dải yếm cột tình mẫu tử; về tượng Phật Tứ Pháp với ước nguyện mưa gió thuận hòa, đất nước thịnh vượng, đạo pháp miên trường, nhân dân an lạc; về những bến bãi, di tích còn ghi đậm chiến công oanh liệt của Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa trong những ngày đầu Công nguyên.
Sông Ngũ Huyện Khê chảy qua 5 huyện: Đông Anh (Hà Nội), Từ Sơn, Yên Phong, Tiên Du và TP. Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh), từng được ví như mạch máu nuôi sống hàng nghìn héc-ta đất nông nghiệp của các địa phương này. Cầu Chọi xây trên những cột cao có mái che lợp ngói đỏ dưới tán đề xum xuê, soi mình trên dòng Ngũ Huyện Khê thơ mộng bây giờ chỉ còn trong ký ức. Hiện đang được thay bằng một cây cầu bê tông mới xây dựng bên cạnh một cây cầu sắt ọp ẹp! Đã thế, với tốc độ phát triển của hàng chục làng nghề những năm vừa qua dọc hai bên bờ sông Ngũ Huyện Khê đã thành mương dẫn nước thải!
Hạnh phúc lắm cho vùng đất Kinh Bắc khi có được“món quà của những dòng sông”, nó là thành tố quan trọng góp phần hình thành nên vùng văn hoá xứ Bắc, làng quê Kinh Bắc. Trong quy hoạch xây dựng TP. Bắc Ninh, rất cần coi trọng việc khôi phục và đánh thức tiềm năng các dòng sông của vùng Kinh Bắc (khôi phục lại sông Tiêu Tương, sông Dâu, cải tạo và làm sạch dòng Ngũ Huyện Khê, tạo hành lang xanh bên sông Cầu, sông Đuống, ngòi Tào Khê, ngòi Con Tên …) với vẻ đẹp hấp dẫn, cải tạo môi trường, phát triển du lịch, góp phần đưa Bắc Ninh thành một đô thị đáng sống!
Dòng sông và không gian xanh hai bên bờ nước với các nhà quy hoạch là không gian mở vô cùng quý báu với những sinh hoạt công cộng phong phú và hấp dẫn. Cây cầu để nối liền không gian hai bên bờ không chỉ là phương tiện giao thông mà còn là phương tiện để thể hiện thẩm mỹ đô thị với kiến trúc riêng của nó (rất tiếc hiện nay các nhà kiến trúc và điêu khắc vẫn chưa được tham gia nhiều vào hình dáng thẩm mỹ của cầu nên các cây cầu ở Bắc Ninh vẫn chỉ đơn thuần là phương tiện giao thông!).
Vùng quy hoạch đô thị Bắc Ninh có nhiều làng với địa hình tự nhiên đa dạng, tạo cảnh quan hấp dẫn, mang nhiều đặc trưng của làng quê Bắc bộ với “cây đa - bến nước - sân đình”. Phần lớn các làng đều có lịch sử, văn hóa lâu đời với nhiều công trình cổ, những di sản vật thể và phi vật thể quý giá. Với tư tưởng lấy trục văn hóa xuyên suốt quá trình phát triển đô thị, Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh với định hướng “Bảo tồn không gian làng” như một giải pháp quan trọng tạo nét khác biệt cho thành phố tương lai.
Bắc Ninh hiện nay có tốc độ phát triển đô thị nhanh, nên mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển càng trở nên gay gắt hơn. Việc đặt vấn đề “Bảo tồn không gian làng” lúc này cho các đô thị Bắc Ninh là thiết thực nhất để đô thị Bắc Ninh phát triển bền vững.
Vun đắp và gây dựng cho cái hồn của miền đất cổ này chính là những con người của quê hương Quan họ, với vẻ đẹp tâm hồn toả ra từ cái duyên trong trong vành “nón ba tầm”, biết gắn đời mình với những thửa ruộng “năm sào” với những canh hát thâu đêm “bổng trầm, da diết…”. Những làn điệu dân ca kì diệu tồn tại bền lâu từ bao đời nay, tắm đẫm thiên nhiên đất trời Kinh Bắc. Di sản văn hóa tinh thần ấy đã như chất phù sa màu mỡ lắng đọng vào hồn thơ Hoàng Cầm để làm nên một hồn thơ Kinh Bắc - lấp lánh tài hoa. Di sản văn hóa tinh thần ấy cũng đã và đang ngấm dần vào tâm thức của các nhà quản lý, vào nét bút của các kiến trúc sư vùng Bắc Ninh - Kinh Bắc, dẫu đây đó còn mờ nhạt và lúng túng…
Tiến sĩ Stephanie (tổ chức HealthBridge - Canada) đã từng cảnh báo: “Văn minh, hiện đại có thể đang được dùng như một cái cớ để người ta từ bỏ các không gian truyền thống quen thuộc vốn tạo nên bản sắc và linh hồn thành phố… Thực tế đã cho thấy, những gì mất đi sẽ khó có thể lấy lại được, hoặc sẽ chỉ có thể lấy lại được với một cái giá rất đắt”
Việc dựng nên phần hồn của một thành phố là một nỗ lực phải trải qua nhiều thế hệ tạo dựng, bởi vì cốt cách con người, cách ứng xử trong xã hội, chiều sâu của đời sống tinh thần, phong cảnh đô thị và cả ký ức cộng đồng cần nhiều thời gian mới gây dựng được. Mong ước ở một nơi đáng sống là một nhu cầu rất con người, là mơ ước được yêu và được làm một người tử tế. Bởi vì cốt cách của cư dân tạo nên tinh thần một đô thị mà do đó sống ở một đô thị có hồn làm chúng ta trở nên tử tế hơn, cuộc sống chúng ta ý nghĩa hơn. Thấm đẫm triết lý nhân văn đó, Wilson Churchill - một trong những thủ tướng kiệt xuất của nước Anh đã nghiệm ra rằng: “Chúng ta dựng nên những thành phố, để rồi sau đó, chúng dựng nên chúng ta!”./.
---------------------------------------
(*) Sông Đuống chảy được hơn nửa đường về phía Đông thì gặp dãy núi Thiên Thai chặn dòng, buộc sông Đuống phải lượn vòng. Cũng từ đây, lịch sử dường như có sự chuyển đoạn. Bắt đầu từ chân núi Thiên Thai đến Lục Đầu giang, khoảng mươi cây số nhưng dòng Đuống đã chở nặng bao nỗi oan “động trời”:
- Đầu tiên là nỗi oan của Thái sư Lê Văn Thịnh, (Đông Cứu, Gia Bình) bị nghi là “hóa hổ dọa vua” từ hơn 900 năm về trước trên hồ Dâm Đàm (hồ Tây) mà cho đến tận hôm nay vẫn bị “sương mù” thời gian che phủ.
- Tiếp sau là Lệ Chi Viên (xã Đại Lai)-“hiện trường” vụ thảm án xảy ra cách đây 653 năm đã làm người anh hùng dân tộc, vị khai quốc công thần nhà hậu Lê Nguyễn Trãi và Lễ nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ bị hàm oan.
- Tiếp đến là chùa Đại Bi thuộc xã Thái Bảo, trong chùa thờ danh nhân Trúc Lâm đệ tam tổ Huyền Quang (Lý Đạo Tái) - một Quốc sư, nhà văn hóa, nhà tư tưởng, nhà thơ lớn đã rơi vào nỗi oan tình nàng Điểm Bích.
- Tiếp tục xuôi dòng sông Đuống đến khu Lăng mộ và Đền thờ Cao Lỗ Vương (xã Cao Đức, Gia Bình) - Ông là cha đẻ của “nỏ thần An Dương Vương”, được coi là “ông tổ chế tạo vũ khí” của nước Nam, ông đã phải rửa nỗi oan bằng chính mạng sống của mình.
NGUYỄN HUY PHÁCH