Làng Phù Lưu – Chợ Giàu nay là phố Phù Lưu, phường Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh là một làng cổ, có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa tốt đẹp. Làng nằm sát đường quốc lộ 1A cũ, sát huyện lỵ thị xã Từ Sơn, là một trong những trung tâm buôn bán nổi tiếng của Bắc Ninh - Kinh Bắc xưa và nay đã từng đi vào đời sống dân gian:
Ai lên Quán dốc chợ Giàu
Để thương, để nhớ, để sầu cho ai
Hay “Phù Lưu Trùng Quán hai dân/ Cùng nhau hiệp sức tình thân muôn đời”; “Phù Lưu có món ăn ngon/ Để thương, để nhớ, để mòn mỏi trông”; Phù Lưu có nhiều công trình kiến trúc văn hóa đã được xếp hạng di tích như Đình Phù Lưu, ngoài ra còn có khu Văn Chỉ - Hương hiền từ khá đặc biệt. Khu Văn chỉ - Hương hiền từ tọa lạc trên khu đất rộng hơn năm trăm mét vuông, liền với đình, chùa gồm có nhà Văn chỉ, nhà truyền thống và nhà lưu niệm cố nhà văn Kim Lân. Ba công trình nhìn ra sân rộng, lát đá xanh, có tường bao quanh. Tất cả cơ ngơi này vừa được cải tạo, nâng cấp đẹp đẽ, khang trang và thoáng mát.
Văn chỉ, nay là Hương hiền từ không rõ được xây từ bao giờ, chỉ biết rằng được xây sau Đình, Chùa nhưng cũng cách đây mấy trăm năm. Văn chỉ gồm nhà hậu cung 3 gian và nhà tiền tế 5 gian đều bằng gỗ lim. Khi có tên,Văn chỉ là nơi thờ các vị người làng đỗ đại khoa thời phong kiến nhằm tôn vinh những người có học và nhắc nhở muôn đời con cháu noi theo. Đó là cụ tiến sĩ Nguyễn Thúc Dụ đỗ khoa thi Canh Tuất (1490), Tiến sĩ Chu Tam Dị đỗ đệ tạm giáp tiến sĩ khoa Kỷ Sửu (1529), Tiến sĩ Hoàng Văn Hòe đỗ đệ tam giáp Tiến sĩ khoa Canh Thìn (1880) và Phó bảng Nguyễn Đức Lân, đỗ khoa thi năm Nhâm Dần (1842). Đến mùa thu năm Quý Dậu (1933), niên hiệu Bảo Đại thứ 8, dưới sự chủ trì của cụ tuần phủ Hoàng Thụy Chi người làng), dân làng xây thêm nhà tiền tế, dựng bìa, xây cổng, bao tường, sửa sang bên trong và xây các ban thờ trong hậu cung, sắm sửa các hoành phi, câu đối, văn bia Hán tự, trong ngoài lộng lẫy uy nghiêm. Từ đây Văn chỉ không chỉ thờ các vị đỗ đại khoa mà còn đưa thêm các danh vị có công với làng vào thờ chung. Đó là tiền triều lão thần võ tướng công (chưa rõ tính danh ) là người có công dựng Đình. Quan Thái bảo Nguyễn Kiên Điều, phụ quốc thượng tướng quân, là người có công mở chợ, dạy dân biết buôn bán và Ngự sử Hoàng Văn Định trung nghị đại phu giúp dân xóa bỏ hủ tục, xây dựng nền nếp sinh hoạt tiến bộ. Ba vị này cùng bìa với 4 vị đỗ đại khoa thờ ở ban giữa. Còn hai bên tả hữu, một bên có bia đại tự “Hương khoa liệt vị” (các vị khoa bảng trong làng, một bên là “Tiên đạt liệt vị” (các vị lớp trước thành đạt). Và cũng từ đây, Văn chỉ đổi thành “Hương hiền từ” (đền thờ những người hiền triết của làng) và được khắc chữ Hán bằng đồng gắn trên cổng (hiện vẫn còn ). Sau ngày thống nhất đất nước (1975) để tỏ lòng biết ơn và ghi nhớ những người con Phù Lưu đã hy sinh vì tổ quốc, dân làng đã lập bia đá ghi danh các liệt sỹ trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm thờ trong hậu cung cùng với các vị hiền triết của quê hương. Với cảnh quan và ý nghĩa đó, Văn chỉ - Hương hiền từ Phù Lưu đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa tỉnh Bắc Ninh theo quyết định số 1034/QĐ ngày 17/9/2013. Năm 2015, Văn chỉ - Hương hiền từ được trùng tu nâng cấp, thay thế nhiều hạng mục bằng đá xanh Thanh Hóa, chỉnh trang khuôn viên nên Văn chỉ - Hương hiền từ có diện mạo như ngày nay.
Vuông góc với Hương hiền từ là ngôi nhà 2 tầng bề thế còn thơm mùi sơn mới là nhà truyền thống. Tầng dưới có 2 phòng công vụ và một phòng chuẩn bị làm thư viện. Tầng trên rộng gần 100m2 dành riêng cho việc trưng bày hình ảnh, hiện vật, tư liệu… truyền thống của làng. Phòng truyền thống chia làm 4 phần:
Phần thứ nhất: Những hình ảnh, hiện vật, tư liệu điển hình…
Phần thứ hai: Truyền thống hiếu học, thành danh
Phần thứ ba: Truyền thống Văn hóa , Nghệ thuật
Phần thứ tư: Truyền thống yêu nước và cách mạng.
Trong khuôn khổ bài viết này, xin giới thiệu một số nội dung đã được trưng bày trong văn chỉ hiện nay.
1. Những hình ảnh, hiện vật, tư liệu điển hình, khái quát về làng: vị trí, diện tích, dân số, tổ chức xã hội, hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa… qua sơ đồ giới thiệu tóm tắt. Tiếp đó là những hình ảnh, hiện vật chứng minh và miêu tả thực tế. Đó là các cổng nhà thờ tượng trưng cho các dòng họ trong làng, cụm di tích lịch sử Đình - Đền – Chùa, Văn chỉ, những hiện vật cổ, những câu đối tiêu biểu ở Đình, Đền, Cổng làng, Văn chỉ … nói lên cái hồn cốt của làng về thời gian, không gian, về kinh tế, văn hóa, xã hội… như đôi câu đối ở cổng làng phố trên
“Hồng bàng tứ thiên dư niên cổ ấp
Bạng loa lục thập mẫu hồ cư dân”
(Từ thời Hồng bàng cách đây hơn 4000 năm, làng này chỉ là cái ấp nằm bên hồ hình con trai ốc rộng 60 mẫu). Nói về thành phần xã hội của làng, có câu ở cổng chính: “Sĩ, nông, công, thương tứ dân lạc nghiệp” (bốn ngành nghề chung sống vui vẻ). Hoặc giới thiệu về một số địa danh nổi tiếng như câu (số 2):
“Hoàng tỉnh châu tàng văn hiến địa
Loa hồ nguyệt chiếu bảo thuần hương "
(Giếng vàng tàng trữ châu báu là đất văn hiến, ánh trăng chiếu sáng lên loa hồ nơi có thuần phong mỹ tục coi như của quý ).
Câu đối số 4 nói về kinh tế xã hội
“Đông Ngàn vật hoa chiêm thủ ấp
Bắc Ninh thương thị cứ trung tâm"/
(ở đây có nhiều sản vật tinh hoa đứng đầu huyện Đông Ngàn và là nơi trung tâm buôn bán của tỉnh Bắc Ninh). Hoặc về văn hóa, tập tục có câu (số 5):
“Nhập hương vấn tục
Xuất môn kiến tân”
(Vào làng hỏi phong tục, ra khỏi cửa như đón khách). Còn câu có tính chiến lược, là phương châm sống của dân làng. Đó là câu 3 (ở giữa ):
“Dĩ dân tâm vi bản
Đạt trí thức do văn”
(lấy dân làm gốc, muốn tài giỏi phải học hành). Trên cùng, nơi trang trọng nhất là 4 chữ vàng đại tự do vua triều Nguyễn ban cho làng là “Mỹ tục khả phong" (làng có cảnh, có tập tục đẹp hay đáng được khen, được truyền bá). Bên cạnh những câu đối đỏ là những hiện vật cổ, những tranh ảnh, những tài liệu, tộc phả của các dòng họ, sách báo của các nhà nghiên cứu viết về làng như bài và ảnh về đường đá cổ “độc nhất , vô nhị”, hay bài “Làng cổ Phù Lưu có cha mẹ nuôi nhiều nhất nước” của Phùng Nguyên, báo Tiền phong, phản ánh tục thuê mướn người nuôi con (u nuôi) để mẹ đẻ buôn bán, thầy (bố) học hành, làm công chức hoặc ở nhà trông nom các con lớn, trông nom nhà cửa hoặc tham gia các trò tiêu khiển như cờ bạc, hát ả đào, chơi chim hội, chọi gà, săn chuột, chăm sóc vườn hoa cây cảnh, chim cảnh, cá cảnh... đúng như những câu thơ của tác giả Trọng Thiện
“Kể rằng các cụ ngày xưa
Cụ bà tay nải gió đưa nuôi chồng
Buôn từ xứ Bắc xứ Đông
Để đức ông chồng khăn xếp áo the
Cụ bà đâu quản trưa hè
Đường xa gành nặng đem về gạo thơm
Cụ ông sành đánh tổ tôm
Dùng chè mạn hảo ngâm nôm Thúy Kiều
Cụ bà lo đủ mọi điều
Cụ ông sớm chiều “chát chát, tom tom”
Cụ bà tần tảo mỏi mòn
Vào Nam ra Bắc chồng con cậy nhờ
Tháng năm thấm thoát thoi đưa …”
Hiện tượng có cha mẹ nuôi nhiều và cảnh cụ bà buôn bán nuôi chồng con học hành là những đặc trưng điển hình của văn hóa làng Phù Lưu ngày xưa và nay vẫn còn ảnh hưởng. Bên cạnh những hình ảnh, hiện vật xưa là khá nhiều hình ảnh, hiện vật thời nay thể hiện sự phát triển liên tục và ngày càng khang trang hoành tráng, xứng đáng là một làng giàu có nổi tiếng Kinh Bắc.
2. Truyền thống hiếu học, thành danh
Như đôi câu đối ở cổng làng đã dẫn “Dĩ dân tâm vi bản, Đạt trí thức do văn”, từ xưa các cụ đã coi trọng sự học hành, học hành là nguyên nhân của mọi sự thành đạt. Nhận thức đúng đắn ấy đã được thể hiện trong hương ước của làng, trong quy ước của một số dòng họ và được truyền từ đời này sang đời khác và một phần do điều kiện thuận lợi nên phong trào học hành thi cử ở Phù Lưu phát triển sớm và mạnh mẽ như sách “Đồng khánh địa dư chí lược” đã chép: “Phù Lưu là tổng có nhiều người đỗ đạt nhất huyện”. Thực tế, văn chỉ - Hương hiền từ thờ 4 cụ tiến sĩ có tên tuổi và các vị khoa bảng trong làng (Hương khoa liệt vị ) đã dẫn ở trên. Phòng truyền thống mới chỉ sưu tầm được ảnh chân dung tiến sĩ Hoàng Văn Hòe và danh sách các vị đỗ cử nhân như Hoàng Văn Định đỗ năm 1825, Chu Bá Thành đỗ năm 1825, Lê Văn Huy đỗ năm 1861, Phạm Văn Bỉnh đỗ năm 1873, Hoàng Thụy Chi đỗ cử nhân năm 19 tuổi…Các cụ đỗ tú tài: Lê Đức Tăng (5 lần thi đều đỗ tú tài) Hoàng Công Vĩnh, Hoàng Thụy Liên, Hoàng Mộng Lệ, Hoàng Văn Hoằng, Hoàng Văn Quế, Hoàng Văn Nhuận, Nguyễn Tiến Chẫu, Hoàng Văn Thưởng … Tiếp đó là những tư liệu, ảnh chân dung và danh sách hơn 50 Giáo sư, Tiến sĩ và hàng trăm Thạc sĩ, cử nhân, những người thành đạt từ năm1930 đến nay. Đặc biệt là ảnh chân dung và bằng tốt nghiệp bác sỹ năm 1927 tại Pa-ri (Pháp )của cụ Hoàng Thụy Ba (một trong 2 bác sỹ đầu tiên ở Đông Dương) và ảnh chân dung của nhiều Giáo sư tiến sĩ đầu ngành như giáo sư tiến sĩ sử học Phạm Xuân Nam, Giáo sư Tiến sĩ toán học Hồ Bá Thuần, Giáo sư Tiến sĩ văn học Chu Xuân Diên… Tuyền thống hiếu học của Phù Lưu từ xưa có nhiều điểm đặc biệt: có trường Tiểu học ngay trong làng, các thầy dạy học đều là người làng, các nơi nữ giới ít được đến trường nhưng ở Phù Lưu nữ giới cũng được đi học nên hầu hết các bà đều biết chữ. Bà Phạm Thị Phong tốt nghiệp Tiểu học của tỉnh Bắc Ninh năm 14 tuổi, là người con gái duy nhất của huyện Từ Sơn có bằng này. Người Phù Lưu là Việt kiều rất đông (hàng 1000 người ), ở đâu người Phù Lưu học cũng giỏi. Đặc biệt có 2 cháu Văn Minh và Ngọc Trân. Cháu Minh đỗ đầu một trường phổ thông có tiếng tại Mỹ gồm 4000 học sinh các nước. Cháu Ngọc Trân đỗ đầu bang Caliphooclia (Mỹ), được tổng thông Bil-clinton trực tiếp trao thưởng năm 1995. Và con cháu người Phù Lưu theo cha mẹ cư trú ở các nơi trong nước cũng vậy, các cháu học giỏi và thành đạt như cháu Minh Giang là Thạc sĩ y khoa giỏi nhất tiếng anh trường Đại học y Hà Nội được sang Mỹ, Cháu Mai Linh (con họa sĩ Mai Lân) đỗ đầu Châu Á về múa, sau là thành viên xuất sắc của đoàn Ba lê (Mỹ) Bên cạnh đó là những hình ảnh, tài liệu, hiện vật, biểu đồ… về hoạt động và thành quả của phong trào khuyến học khuyến tài của địa phương trong những năm qua rất phong phú, sinh động minh chứng cho truyền thống hiếu học Phù Lưu luôn là điểm sảng trong tỉnh nói riêng, cả nước nói chung; đã nhiều lần báo chí, truyền hình trung ương và địa phương đưa tin, đồng thời cũng chứng minh mạch nguồn truyền thống hiếu học của ông cha luôn tuôn trào và ngày càng mạnh mẽ. Nhờ có tinh thần hiếu học, từ xưa đến nay, các thế hệ người Phù Lưu, nhiều người thành đạt trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, văn học nghệ thuật, sử học, y học… góp phần làm rạng rỡ quê hương, đất nước. Tin rằng phong trào hiếu học của Phù Lưu ngày càng phát triển xứng đáng với truyền thống văn hiến xưa nay.
3. Truyền thống văn hóa, nghệ thuật:
Có thể khẳng định rằng: trong cả nước ít làng có mật độ người hoạt động trên lĩnh vực văn học nghệ thuật, mật độ đông văn nghệ sĩ có tên tuổi như làng Phù Lưu - Chợ Giầu. Phần này trưng bày chưa đầy đủ nhưng với thực tế đã có cũng rất phong phú hiện vật, tranh ảnh, tư liệu…đầy ắp hàng chục tủ kính, bảng gỗ, tường áp gỗ… Đó là tác phẩm tư liệu của các văn sĩ thế kỷ XIX như tập thơ “Loa hồ bách vịnh" (100 bài thơ về loa hồ) của cụ phó bảng Nguyễn Đức Lân, tập “Thơ chữ Hán Hoàng Văn Hòe" do Duy Phi, Lê Xuân Hằng, Tống Đức Nhuận biên soạn từ tác phẩm “Hạc nhân tùng ngôn” và số bài khác của cụ Hoàng Văn Hòe, tác phẩm “Tạ Ngọc Văn liên tập” của cụ cử nhân Hoàng Thụy Chi… Tiếp theo là hàng loạt ảnh chân dung, ảnh hoạt động của các văn nghệ sĩ nổi tiếng như họa sĩ Hoàng Tích Trù (giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 2 năm 2000), nhà viết kịch Hoàng Tích Linh, nhà báo Hoàng Tích Chu, người có công cải cách văn phong báo chí , nhà văn Kim Lân, nhà văn Nguyễn Địch Dũng, nhà văn Chu Tam Thành, nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Đăng Bảy, đạo diễn - biên kịch Hoàng Tích Chỉ (giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2014), nhà thơ Hoàng Hưng, Nhạc sĩ Hồ Bắc, dịch giả nhà văn Hoàng Thúy Toàn, Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, Họa sĩ Nguyễn Thành Chương, Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức, Họa sĩ Nguyễn Từ Ninh; Họa sĩ Nguyễn Việt Tuấn (các con cố nhà văn Kim Lân), nghệ sĩ ưu tú nhiếp ảnh Nguyễn Lê Văn (con Nguyễn Đăng Bảy), nghệ sĩ diễn viên lớp đầu tiên Tuấn Tú (cụ Hai Lẫm), người đóng vai Bác Hồ đầu tiên trong phim “Vùng trời". Đặc biệt có một số ảnh rất quý hiếm như ảnh dịch giả Hoàng Thúy Toàn được Tổng thống Nga Metphadep trực tiếp trao Huân chương Hữu nghị tại điện Kremlin – Mátskva năm 2012; ảnh nghệ sĩ xưởng phim tài liệu thời sự Nguyễn Hữu Khánh được Bác Hồ gặp năm 1960; ảnh nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Lê Văn được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao bằng công nhận nghệ sĩ… Dưới ảnh chân dung các nghệ sĩ là các tác phẩm tiêu biểu của họ được trưng bày trân trọng trong tủ kính. Ngoài ra còn có nhiều tranh ảnh, sách báo, hiện vật của các văn nghệ sĩ khác. Tuy nhiện , so với thực tế phòng trưng bày vẫn còn thiếu vắng nhiều khuôn mặt của các nghệ sĩ tên tuổi như nghệ nhân tuồng nổi tiếng Kép Thiệp, Kép Nhỡ, Kép Sáu Đen; Đốc Đạt; Quyền Giun… và các nghệ sĩ trẻ thời nay. Cũng như truyền thống hiếu học, truyền thống văn hóa nghệ thuật ở làng Phù Lưu luôn được duy trì và phát triển. Đoàn tuồng cổ Phù Lưu được thành lập cách đây hơn 200 năm (nay vẫn còn bàn thờ tổ) và nổi tiếng với những đào kép tài danh đã lưu diễn khắp nơi – có cụ được sang Pa-ri (Pháp) biểu diễn. Thời kỳ mặt trận dân chủ 1936-1939, rồi những năm 40, dưới sự chỉ đạo của những nhà yêu nước trong làng, phong trào văn nghệ, thể thao phát triển rất mạnh. Đội tuồng, đội kịch cùng hoạt động sôi nổi. Đội kịch đã diễn vở “Cái tủ chè" của Vũ Trọng Can, vở kịch thơ “Hận Nam quan” của Hoàng Cầm mà người say mê nhất là Nguyễn Văn Tài, tức nhà văn Kim Lân. Ngoài ra còn có rạp hát của bà Xã Bộp, có nhà cô đầu 15 gian (trung tâm ca trù có Kiến tân lâu, nhà thông tin, câu lạc bộ) nơi đọc sách, báo, vui chơi. Đặc biệt có thầy dạy nhảy “Đầm” (quốc tế vũ) nổi tiếng đầu tiên ở Bắc Ninh là cụ cả Lễ. Sau đó cụ vào Sài Gòn và tiếp tục dạy đến năm 85 tuổi. Kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, dân làng phải đi tản cư, làng bị giặc chiếm, mọi phong trào lắng xuống dồn sức cho việc chống ngoại xâm. Sau khi hòa bình lập lại (1954), dân từ vùng tản cư về, cuộc sống nhanh chóng ổn định, các hoạt động dần được khôi phục và phát triển. Phong trào Văn nghệ - Thể dục thể thao lại sôi nổi, các đội văn nghệ như Tuồng, Kịch đươc khôi phục, đội Cải lương được thành lập. Đội tuồng được đi biểu diễn ở nhiều nơi trong tỉnh, có lần lên tận Đình Kim, Lục Nạn, Bắc Giang biểu diễn. Nhà văn Kim Lân nhiều lần về hướng dẫn cho đội Kịch, đội Cải lương. Ngoài ra còn có các đội múa hat đem bài từ vùng tự do về nên không khí ở làng rất sôi động. Trong môi trường ấy, nhiều văn sĩ trẻ xuất hiện và trưởng thành. Trong phong trào xây dựng hợp tác xã thời kỳ chống Mỹ cứu nước, thời kỳ đổi mới đến nay, phong trào văn hóa, thể dục thể thao, quần chúng ở Phù Lưu không ngừng đi lên, luôn là điểm sáng về mọi mặt. Đơn vị Phù Lưu được công nhận là Làng văn hóa cấp Tỉnh./.