Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

YẾU TỐ NƯỚC TRONG BẢN SẮC VĂN HÓA CỦA NGƯỜI VIỆT
15:50 | 23/09/2021

Các hoạt động trong đời sống của con người đều liên quan đến nước. Nước là biểu tượng từ thuở sơ khai của dân tộc Việt Nam. Con rồng cháu tiên, đó chính là con của đất và của nước. Âu Cơ dòng giống tiên là biểu tượng của đất đai, rừng núi. Lạc Long Quân dòng giống rồng là biểu tượng của nước (50 người con theo cha xuống biển, 50 người theo mẹ lên rừng). Rồng có khả năng ứng biến mau lẹ, tiên lại có khả năng thoắt ẩn, thoắt hiện.

Các di chỉ khảo cổ thời đại Đông Sơn những hiện vật đều gắn với sông nước, đó là các mộ thuyền ở Phú Lương - (Hà Tây cũ), ở Cẩm xuyên - Hà Tĩnh, ở Việt Khê - Hải Phòng… Con thuyền trên trống đồng Đông Sơn có hình dáng giống ngôi nhà dài của người Ê đê, giống những ngôi nhà cổ ở vùng Ba Li (Indonesia), lại cũng giống những ngôi đình làng ở Bắc Bộ. Có nơi gọi gian giữa tòa đại đình, nơi sàn nhà thấp nhất so với các gian bên cạnh là lòng thuyền. Những hình trang trí trên các trống đồng thời kỳ Đông Sơn thể hiện đời sống của con người trên sông nước, với rất nhiều những hình ếch, nhái, cóc, chim trời…Thuyền, nhà thuyền, nhà sàn, đình làng… đều là những biểu tượng gắn với nước. Trong khi ở Việt Nam chúng ta thường gặp các hình thuyền và cảnh sông nước, thì ở Trung Hoa thấy hình trang trí xe ngựa là phổ biến, thể hiện đời sống gắn với cao nguyên. 

Người Việt có phong tục thờ nước, trong tín ngưỡng thờ Mẫu có thờ một bà mẹ ở cõi nước gọi là Thoải phủ (Thủy phủ). Phật giáo Ấn Độ khi du nhập vào nước ta, dân ta đã dung hội Phật giáo Ấn Độ với tín ngưỡng bản địa, tạo nên Sơn môn Dâu, đó là tín ngưỡng thờ tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện - Bà Mây, Bà Mưa, Bà Sấm, Bà Chớp). Thực chất của tín ngưỡng tứ pháp là thờ nước và cầu nước mưa, mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Đạo Phật có lễ rước nước để tắm Phật. Trên bàn thờ của mỗi gia đình, khi cúng lễ thắp hương hoa quả tuần rằm, mùng một, rượu có thể không có cũng được, nhưng không thể thiếu hai bát nước hay ba chén nước lã. Những trò chơi dân gian trong các lễ hội làng cũng liên quan rất nhiều đến nước: Đua thuyền, đua ghe, thi bơi, thi lặn, rẩy nước, té nước, bắt vịt dưới ao, bắt chạch trong chum, hát Quan họ trên thuyền…

Khi nói đến nước cũng là nói đến Tổ quốc, nói đến dân tộc, quốc gia. Có rất nhiều cụm từ gắn với chữ nước: Làng nước, đất nước, nhà nước, lúa nước, múa rối nước, giống nhau như hai giọt nước, uống nước nhớ nguồn… Mỗi khi gặp chuyện chẳng lành hay gặp hoạn nạn người ta thường kêu lên:  Ới làng nước ơi! Từ làng (đơn vị hành chính nhỏ nhất) rồi ra đến nước (triều đình). Giàu ở làng, sang ở nước, người giàu ở làng được trọng vọng (ở đình làng), còn người đỗ đạt làm quan to thì sang ở nước (tức là ở triều đình). Cho đến thế kỷ XVI nước ta chỉ có một “kẻ chợ” là kinh đô Thăng Long, còn lại tất cả là “kẻ quê”. Hầu hết kẻ quê đều sinh sống bằng nghề nông là chính. Nông nghiệp lúa nước, nên nhu cầu về nước vô cùng cấp thiết. Lạy trời mưa xuống/ Lấy nước tôi uống/ Lấy ruộng tôi cày/ Lấy bát cơm đầy/ lấy rơm đun bếp… Bài hát đồng dao không biết có từ bao giờ đã cho thấy nước mưa cần thiết và quan trong đến nhường nào. Người Việt biết làm thủy lợi từ rất sớm, người Thái gọi là mương phai, dẫn nước về để tưới cho ruộng đồng. Thành ngữ Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống cho thấy nhu cầu về nước luôn đứng hàng đầu. Nhất cận thị, nhị cận giang, thứ nhất có nhà ở gần chợ, thứ nhì có nhà ở gần sông, ngày xưa giao thông đường bộ chưa phát triển, giao thông đường thủy là chính, nên có nhà ở gần sông thuận lợi nhiều mặt, trên bến dưới thuyền, chợ búa tấp nập. Vả lại đường thủy rất có lợi vì không phải tốn kém làm đường.

Gạn đục khơi trong đó là nét ứng xử khôn khéo đặc sắc trong văn hóa của người Việt. Nước có thể bị đục thì người ta vẫn lấy về, nhưng lại biết gạn, lọc hay để lắng xuống cho nó trong mà dùng, chứ không bỏ đi, thể hiện sự dung hòa không chối từ. Văn hóa của người Việt là khép và mở; cho và nhận. Mở ra để tiếp thu những cái tốt đẹp của người khác, khép vào là gìn giữ cho mình cái bản sắc riêng. Những gì thích hợp với ta thì ta tiếp thu, tiếp thu nhưng ta Việt hóa đi, còn gọi là tiếp biến văn hóa. Những thứ gì không phù hợp thì ta loại bỏ. Khi vua Quang Trung nói: Đánh cho để răng đen, đánh cho để tóc dài… là ý nói đánh đuổi giặc ngoại xâm để bảo vệ, gìn giữ lấy bản sắc văn hóa riêng của ta, không để cho ta bị lai căng, bị mất gốc và bị đồng hóa. Trong lời ca Quan họ có rất nhiều bài hát nói đến sông nước, trong đó có câu hát nói về nước: Trong mà làm chi/ Đục mà làm chi/ Trong thì rửa mặt/ Đục thì chao chân, nghĩa là người ta chấp nhận hết cả trong lẫn đục, không bỏ đi thứ gì, trong sạch thì dùng để rửa mặt, đục thì để rửa chân, đây là thái độ ứng xử rất khoan dung của người Việt.

Tục ngữ có câu: Ở bầu thì tròn/ Ở ống thì dài, đó là nói về bản chất của nước. Nước khi đựng vào quả bầu thì hình dạng của nó tròn như quả bầu, khi đựng vào cái ống tre, ống bương hình dạng của nó lại biến đổi dài như cái ống tre, ống bương. Tròn hay dài là nói về hình thức, còn về nội dung, về bản chất không có gì thay đổi! Vẫn là nước! Nói về nước nhưng thực ra câu thành ngữ này nói lên bản lĩnh, cốt cách của dân tộc Việt Nam. Dù ở trong hoàn cảnh nào tôi vẫn là tôi, tuy hình dạng có thể lúc này lúc khác biến đổi, nhưng bản chất, bản sắc vẫn không có gì thay đổi. Có những thời điểm dân tộc ta bị mất quyền độc lập, rồi sau đó lại giành lại chủ quyền, độc lập, chính vì chúng ta có bản lĩnh, bản sắc văn hóa. Nước chảy đá mòn câu thành ngữ này lại nói về tinh thần nhu đạo, lấy yếu thắng mạnh, lấy nhu thắng cương, lấy mềm thắng cứng. Triều đại nhà Trần của nước ta do biết dùng chiến thuật nhu đạo mà ba lần đánh bại quân Nguyên Mông hùng mạnh.

Nước có giá trị đặc biệt và vô cùng quan trọng đối với cuộc sống của con người. Không có nước con người không thể sống được, bởi vậy từ khi mới lập làng, lập ấp người Việt đã biết chọn nơi ở của mình gần bờ biển, gần những con sông, con suối, hồ, ao… hay những vùng đất có nguồn nước ngầm trong trẻo, sạch sẽ. Nước ta có gần 1/2 biên giới tiếp xúc với nước biển, cũng có rất nhiều sông, ngòi, hồ, ao... Sông, biển, ao, hồ, suối, khe, lạch… là những nơi cung cấp cho con người nguồn thủy sản, thực vật vô cùng phong phú. Ấy vậy mà nhiều khi nước cũng gây nên bao thảm họa khôn lường, đó là những trận đại hồng thủy, những trận lũ lụt kinh hoàng làm lở núi, băng rừng, phá hủy các công trình, nhà cửa bị nhấm chìm trong nước, nước lũ đã cướp đi bao sinh mạng con người, gia súc, gia cầm bị cuốn trôi… đòi hỏi con người phải tìm cách chống chọi với nước. Ông cha ta từ xưa vẫn sợ nhất ba thứ hiểm họa: Nhất thủy, nhì hỏa, thứ ba đạo tặc. Câu truyện Sơn Tinh - Thủy Tinh là một ví dụ sinh động từ thời các Vua Hùng người Việt đã phải đối phó với lũ lụt ghê gớm như thế nào. 

Hiện nay vấn đề ô nhiễm nguồn nước ở ta đang là vấn đề vô cùng bức xúc. Rất nhiều bệnh nhân bị mắc bệnh hiểm nghèo do ô nhiễm nguồn nước gây nên. Trong thời buổi hội nhập, đành rằng phải thúc đẩy nền kinh tế phát triển, nhưng đòi hỏi phải phát triển một cách bền vững, nghĩa là phát triển nhưng phải đảm bảo gìn giữ cho môi trường luôn sạch sẽ. Song trên thực tế đã rất nhiều dòng sông trước kia trong sạch, từ ngày công nghiệp phát triển đã bị ô nhiễm nặng nề. Tại xã Phú Lâm, huyện Tiên Du và phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh có nghề tái chế giấy. Từ ngày nghề này phát triển đem lại lợi nhuận hàng ngàn tỷ đồng cho những chủ sản xuất giấy ở đây, nhưng trong quá trình sản xuất họ đã xả nước thải công nghiệp ra sông, làm cho con sông Ngũ Huyện Khê bị bức tử từ nhiều năm nay. Không chỉ có vậy, họ còn làm hệ lụy cho muôn ngàn người dân sinh sống ở hai bờ con sông này, lại còn làm dơ bẩn con sông Cầu thơ mộng đã đi vào thơ ca, lịch sử. Tại vì sông Ngũ Huyện Khê, (một chi lưu của sông Đuống, bắt nguồn từ huyện Đông Anh, Hà Nội) chảy qua huyện Từ Sơn, qua xã Phú Lâm, huyện Tiên Du, qua phường Phong Khê và phường Vạn An, rồi đổ ra sông Cầu tại phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh. Nhà máy nước sạch tỉnh Bắc Ninh hút nước sông Cầu phía dưới ngã ba của sông Ngũ Huyện Khê với sông Cầu lên để sản xuất nước cung cấp cho nhân dân thành phố Bắc Ninh sử dụng. Cho đến nay vấn đề ô nhiễm của sông Ngũ Huyện Khê và sông Cầu vẫn là một bài toán vô cùng hóc búa chưa có lời giải!

Nhân đề cập đến yếu tố nước trong bản sắc văn hóa dân tộc, thiết nghĩ xưa cha ông ta đã rất chú ý bảo vệ nguồn nước, có phong tục thờ nước. Mỗi dòng suối, mỗi con sông đều hiền hòa, trong mát, cung cấp nước cho con người sinh hoạt tiện lợi. Mỗi giếng làng, ngay cạnh bờ giếng dân làng còn dựng một ngôi miếu thờ thần để bảo vệ nguồn nước, ấy vậy mà ngày nay chúng ta đã làm nguồn nước bị ô nhiễm một cách trầm trọng, như vậy là có tội với tiền nhân và gieo tai họa cho người đương thời và các thế hệ mai sau. Bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt đã từng có khả năng chi phối toàn bộ đời sống của dân tộc, trải qua mấy ngàn năm lịch sử nhờ có bản sắc văn hóa dân tộc mà chúng ta vượt qua bao nhiêu thách thức, liệu ngày nay chúng ta có vượt qua được sự thách đố của vấn nạn ô nhiễm nguồn nước này không?

                                                                                                                                                                                                                                ĐỖ BẢNG