Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

VINH QUANG NGƯỜI CHIẾN SỸ PHÒNG KHÔNG KINH BẮC
15:30 | 21/12/2020

Tôi đã từng là người lính thời đánh Mỹ, đã từng trải qua biết bao gian khổ, ác liệt, cùng đồng đội lập nên những chiến công vang dội, góp phần cùng quân và dân ta làm nên chiến thắng cuối cùng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Hôm nay, khi trở về với cuộc sống đời thường, được đi nhiều, viết nhiều, tôi mới chợt nhận ra rằng, không chỉ có chúng tôi, những người chiến sĩ đặc công đêm ngày đối mặt với kẻ thù, mà ở miền Bắc, hậu phương lớn của cả nước còn có biết bao cán bộ chiến sĩ cũng đang bất chấp hiểm nguy, mưu trí sáng tạo, đánh giỏi thắng lớn, quật ngã hàng nghìn máy bay Mỹ, bảo vệ vùng trời Tổ quốc thân yêu. Họ chính là những người chiến sĩ thuộc Quân chủng Phòng không, trong đó có lực lượng Phòng không Kinh Bắc (PKKB).

Tôi đã có may mắn được làm quen với nhiều cán bộ, chiến sĩ thuộc các thế hệ lực lượng PKKB. Từ đây tôi cũng đã có dịp tìm hiểu và thêm khâm phục những hy sinh gian khổ mà họ đã trải qua.Và một trong số người đã cung cấp cho tôi nhiều thông tin quý báu về những chiến sĩ PKKB, chính là Thượng úy Nguyễn Năng Dụ, nguyên Chính trị viên phó Tiểu đoàn tên lửa 72, Sư đoàn 363, thuộc đơn vị Phòng không Hải Phòng.

Ông Dụ quê ở thị trấn Lim, huyện Tiên Du, nay đã sang tuổi 84 nhưng vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát và trí nhớ cực kỳ tốt. Là người luôn theo dõi sát sao quá trình hình thành và phát triển của đơn vị, đặc biệt là lực lượng PKKB suốt những năm chiến tranh cho đến khi hòa bình, nên ông hiểu rất sâu, nhớ rất rõ đơn vị đánh những trận nào, bắn rơi bao nhiêu máy bay Mỹ, ai hy sinh, bị thương trong chiến đấu, ai tiến bộ, trưởng thành, còn khi về với đời thường thì ai thành đạt, ai có hoàn cảnh khó khăn, ai còn, ai mất…

Có thể nói, ông Nguyễn Năng Dụ chính là cuốn kỷ yếu, là kho tư liệu với rất nhiều câu chuyện quý báu và phong phú về đơn vị, giúp cho mọi người đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ đội PKKB hiểu sâu hơn, tự hào hơn về những tháng năm sống và chiến đấu bảo vệ vùng trời Tổ quốc. Qua ông Dụ và những cán bộ chiến sĩ thuộc Bộ đội PKKB, tôi được nghe kể rất nhiều chuyện, trong đó có câu chuyện thật cảm động về xác chiếc pháo đài bay B52 Mỹ hiện còn phơi trên hồ Hữu Tiệp tại làng hoa Ngọc Hà, là do đơn vị ông quật ngã vào những ngày “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972. 

Ngày ấy, đơn vị bắn rơi pháo đài bay Mỹ đó là tiểu đoàn tên lửa đóng tại trận địa ở làng Đại Chu, xã Long Châu, huyện Yên Phong. Để có trận địa này, nhân dân làng Đại Chu chỉ trong một tuần lễ đã phá bỏ hàng chục mẫu lúa sắp đến ngày thu hoạch và di dời hàng trăm ngôi mộ, có ngôi vừa mới chôn cũng phải “bốc” đi nơi khác để lấy đất xây dựng trận địa. Thế mới biết, trong chiến tranh thì dù có phải hy sinh đến mấy nhân dân ta cũng không hề đắn đo, tính toán. Tất cả chỉ với một quyết tâm duy nhất là đánh Mỹ và thắng Mỹ.

Vào những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước gian khổ và ác liệt, hàng vạn thanh niên Bắc Ninh đã hăng hái xung phong lên đường cầm súng chiến đấu, và đã có hàng nghìn chiến sỹ được biên chế vào các đơn vị tên lửa và pháo phòng không  bảo vệ bầu trời Tổ quốc. Họ đã mưu trí sáng tạo, dũng cảm trong chiến đấu và lập nhiều chiến công xuất sắc. Hôm nay, khi trở về với cuộc sống đời thường, những người lính PKKB năm xưa vẫn phát huy phẩm chất cao đẹp của anh “Bộ đội Cụ Hồ”, không ngừng phấn đấu và rèn luyện, cống hiến phần sức lực còn lại của mình dựng xây quê hương, đất nước. 

Nhằm ngăn chặn cuộc chiến tranh leo thang phá hoại của không quân Mỹ ra miền Bắc, năm 1965 Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Binh chủng Tên lửa và củng cố lượng pháo phòng không, triển khai tác chiến trên nhiều vị trí quan trọng, trong đó có Bắc Ninh (thuộc tỉnh Hà Bắc cũ). Binh chủng Tên lửa ra đời đã cùng với lực lượng pháo phòng không trở thành những đơn vị chủ lực, cùng quân và dân cả nước đánh thắng hoàn toàn quy mô xâm lược của không lực Hoa Kỳ, bắn rơi hàng ngàn máy bay, trong đó có hàng trăm “pháo đài bay” B52, tiêu biểu là trận “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972, buộc Chính phủ Mỹ phải ký hiệp định Pari, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Chiến công đó thuộc về nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam và Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, nhưng không thể không kể đến sự đóng góp to lớn của quân và dân Hà Bắc, trong đó có bộ đội PKKB. Trở thành những người lính ngày đêm túc trực bên bệ phóng tên lửa hay trên mâm pháo tại các trận địa từ Đáp Cầu (Thành phố Bắc Ninh) cho tới Đình Tổ (Thuận Thành) bên kia sông Đuống. Từ Tam Sơn, Phù Chẩn (Từ Sơn) tới Việt Hùng (Quế Võ) đến Đại Chu (Yên Phong)… các chiến sĩ PKKB đã giăng lưới lửa tiêu diệt kẻ thù, và đã có rất nhiều đơn vị, cá nhân mà chiến công của họ đã được lưu vào sổ vàng truyền thống của lực lượng Phòng không trong cả nước. Trong số họ, phải kể đến trắc thủ tên lửa Phạm Đình Thuận, quê Minh Đạo, Tiên Du, ngày 24/7/1965, ngay trận đầu tên lửa ra quân đã cùng đồng đội bắn rơi 2 máy bay F4 của không lực Mỹ. Chiến công oanh liệt đó đã trở thành ngày truyền thống của bộ đội tên lửa Việt Nam. Chiến sĩ Trịnh Văn Hội (Quế Võ) đã cùng kíp chiến đấu thuộc tiểu đoàn tên lửa 84 bắn rơi chiếc B52 đầu tiên trên miền Bắc tại bầu trời Vĩnh Linh, mở ra cách đánh B52 riêng biệt của tên lửa Việt Nam. Ngày 27/12/1972, chiến sĩ Nguyễn Xuân Thưởng (Từ Sơn), và Đỗ Ngọc Tuân (Yên Phong) đã cùng bạn chiến đấu Tiểu đoàn 72 tên lửa Đại Chu (Yên Phong) cũng đã bắn rơi một máy bay B52, hiện xác của chiếc “pháo đài bay” từng được cho là “bất khả xâm phạm” vẫn còn nằm chềnh ềnh trên hồ Hữu Tiệp, tại làng hoa Ngọc Hà (Hà Nội), trở thành niềm tự hào của quân và dân cả nước. 

Chưa hết, trong những chiến công xuất sắc của bộ đội PKKB, còn phải kể đến các chiến sĩ Ngô Hữu Tiến, Ngô Văn Bằng, Ngô Văn Chàng (Từ Sơn) đã cùng đồng đội thuộc tiểu đoàn tên lửa 67 anh hùng bắn rơi tại chỗ một chiếc AC130, bắt sống nhiều giặc lái; Đại tá Đinh Thế Văn, Anh hùng LLVT Nhân dân, nguyên Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 77, đã chỉ huy đơn vị bắn rơi 4 máy bay B52 Mỹ… Còn rất nhiều, rất nhiều những chiến công xuất sắc của những người lính PKKB, họ đã cùng đồng đội tô đẹp thêm truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dânViệt Nam anh hùng. 

Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, những người lính PKKB khi trở về với cuộc sống đời thường đã cùng toàn Đảng, toàn dân bắt tay vào thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Họ vừa hăng hái tham gia công tác xã hội, vừa tích cực lao động sản xuất, làm giàu cho gia đình và xã hội. Trong số rất nhiều những tấm gương tiêu biểu, phải kể đến Cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Thế Uyên, bằng năng lực và tinh thần phấn đấu không mệt mỏi, ông đã trở thành Tỉnh ủy viên, Nguyên Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh; CCB Ngô Hữu Tiến  (Quê Trang Liệt - Từ Sơn), trở thành trở thành Phó Bí thư Huyện ủy Từ Sơn; CCB Nguyễn Sỹ Cứ ở thị trấn Lim (Tiên Du), Nguyễn Thạc Bình, Nguyễn Thế Tấn, Ngô Văn Đông, Ngô Văn Hòa (Từ Sơn); Nguyễn Mạnh Hùng (Tp Bắc Ninh)… đã vượt mọi khó khăn, dám nghĩ, dám làm, trở thành chủ của nhiều doanh nghiệp như may mặc, dệt vải, xe Taxi, kinh tế trang trại… thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng, tạo cho hàng trăm lao động có việc làm ổn định. CCB PKKB còn luôn tự mình và động viên mọi người thực hiện tốt chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và nhà nước, làm tốt công tác khuyến học, dạy bảo con cháu luôn sống có lý tưởng, không ngừng phấn đấu và rèn luyện. Hầu hết con em của họ đều phát huy truyền thống của các thế hệ cha anh, tự học, tự rèn, không ít người đã trở thành những nhà nghiên cứu khoa học, sỹ quan Quân đội, cán bộ, công nhân, nông dân, nhà doanh nghiệp… năng động, sáng tạo, đóng góp trí tuệ và công sức của mình cho quê hương đất nước.

Một thời oanh liệt và hào hùng đã trôi qua, nhưng ký ức về những tháng năm gian khổ ác liệt đối mặt với kẻ thù vẫn còn vẹn nguyên trong trái tim những người lính PKKB. Họ đều có chung nguyện vọng được thường xuyên gặp gỡ, thăm hỏi, động viên lẫn nhau trong cuộc sống. Bằng nỗ lực và tâm huyết của CCB Mai Tiến Mùa, Nguyễn Năng Dụ (Tiên Du), Ngô Hữu Tiến, Nguyễn Thạc Bình, Đỗ Tá Lực, Nguyễn Xuân Thưởng, Nguyễn Văn Hào, Tạ Văn Tài (Từ Sơn)… ngày 14/12/1997, Hội bạn chiến đấu bộ đội PKKB được thành lập. Hàng năm, mỗi khi vào dịp kỷ niệm ngày thành lập QĐND Việt Nam, hàng trăm hội viên lại trở về hội tụ bên nhau, tay bắt mặt mừng. Họ cùng ôn lại những kỷ niệm không thể nào quên trong những ngày sống và chiến đấu, kể cho nhau nghe về cuộc sống của mình và gia đình, giúp nhau phát triển kinh tế, động viên nhau phát huy phẩm chất cao đẹp của người lính Cụ Hồ để tiếp tục sống vui, sống khỏe, sống có ích cho gia đình và xã hội, để mãi xứng đáng với niềm tự hào: “Vinh quang người chiến sĩ phòng không Kinh Bắc!”.

                                                                                                                                                                                                                                                         HOÀNG NGỌC BÍNH