Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

VẤN ĐỀ NỮ HỌC TRONG SÁCH "VẤN ĐỀ PHỤ NỮ Ở NƯỚC TA" CỦA ĐẠM PHƯƠNG NỮ SỬ
08:07 | 25/03/2021

Đạm Phương (1881 - 1947) tên thật là Công Nữ Đồng Canh (tên thường gọi Đạm Phương nữ sử) là một nhà thơ, nhà hoạt động văn hóa xã hội, nhà báo nữ tiêu biểu của nền báo chí Việt Nam đầu thế kỷ XX. Đặc biệt, bà là người phụ nữ đầu tiên và là một trong 12 nhân sĩ đặt ra và hiện thực hóa quan niệm về nữ giới và sự nghiệp giáo dục giới nữ trong lịch sử vấn đề phụ nữ ở Việt Nam.

“Vấn đề phụ nữ ở nước ta” là tuyển chọn những trước tác của Nữ sử Đạm Phương được nhà nghiên cứu Đoàn Ánh Dương giới thiệu đến công chúng dựa trên tuyển tập Đạm Phương nữ sử của học giả Lê Thanh Hiền (NXB Văn học 1999) và những tài liệu do nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, cháu nội bà Đạm Phương tái bản (có bổ sung và sửa chữa năm 2010) cùng với những cung cấp mới nhất về kết quả quá trình sưu tập di sản của bà Đạm Phương để lại. Tác phẩm được in trong tủ sách Phụ nữ tùng thư (Tủ sách giới và phát triển) của Nhà xuất bản phụ nữ, gồm 4 phần: Các bài báo trình bày quan điểm về vấn đề phụ nữ; Các bài báo về Nữ công học hội do Đạm Phương sáng lập; Các khảo cứu về vấn đề phụ nữ được in thành sách và các sáng tác văn thơ với chủ đề phụ nữ. 

Là một phụ nữ xuất thân dòng dõi quý tộc phong kiến (thân phụ là Hoàng tử Nguyễn Phúc Miên Triện - hoàng tử thứ 66 của vua Minh Mạng), nên ngay từ nhỏ Đạm Phương đã được tiếp thu một nền học vấn gồm cả Hán học, cầm kỳ thi họa, thêu thùa, nấu nướng lẫn chữ quốc ngữ, sau học thêm tiếng Pháp. Là người thông minh, giàu vốn văn hóa, thông thạo mấy ngoại ngữ nên bà sớm tiếp cận được tư tưởng tiến bộ của nhân loại, đặc biệt là tư tưởng dân chủ, tự do, bình đẳng bác ái của các chí sĩ yêu nước đương thời dẫn tới tự chuyển hóa nhận thức, đứng vào hàng ngũ đó. Nhận rõ thân phận của người phụ nữ lúc bấy giờ: tuyệt đại bộ phận mù chữ do không được học hành, bị khinh rẻ, bị chà đạp, nên ngòi bút của Đạm Phương thường hướng mạnh về việc giải phóng phụ nữ, làm cho phụ nữ được bình quyền, bình đẳng với nam giới. Vì vậy, đóng góp lớn nhất trong các tác phẩm của bà chính là đưa lên tiếng nói thúc đẩy quyền của người phụ nữ, sự phát triển cho phụ nữ, trong đó, nổi trội là vấn đề nữ học, một vấn đề được bà cho là quan trọng thứ nhất trong mấy nghìn năm ở nước ta và là một vấn đề đang có nhiều ý kiến cũ mới trái ngược nhau cần phải đưa ra bàn luận.

Bà cho rằng, bước vào thời kỳ xã hội đang có những bước giao thoa chuyển mình giữa cái cũ và cái mới, cái thủ cựu và canh tân hiện nay thì phụ nữ cần có học thức rộng, vì học thức chính là món ăn tinh thần dẫn dắt loài người làm hết cái thiên chức làm người, một chức phận tối quý nhất của con người nên tất phải có sự học làm sao để làm tròn cái bổn phận của con người nghĩa là con người phải học tập mới khỏi mang tiếng là vô chức nghiệp, vô dụng. Hơn nữa, phụ nữ có học thức rộng sẽ tự mình đứng lên để đánh đổ cái thói xấu “nam tôn nữ ty” bước đến nam nữ bình quyền và để mở mang trí khôn, đào luyện về tinh thần, biết rộng thêm tiếng nói để tiện giao thiệp buôn bán… nhằm cải tạo gia đình và xã hội. Để phụ nữ có học thức rộng thì phải đề cao vấn đề nữ học. 

Trong hầu hết các bài viết của mình, Đạm Phương nữ sử luôn đề cập đến vấn đề giáo dục phụ nữ (nữ học) ở cả hai khía cạnh: Đức dục nghĩa là dạy phụ nữ biết nữ công gia chánh đạo đức và trí dục (học vấn). Trong đó, việc quan trọng hơn cả là giáo dục học vấn cho phụ nữ bởi vì việc giáo dục học vấn, trí thức cốt để cho phụ nữ bồi bổ thêm trí thức tư tưởng biết lo xa trông rộng, không bị mê hoặc ám muội như trước; là giáo dục nghề nghiệp buôn bán mưu sinh để sau này gặp cảnh ngộ nào đàn bà cũng có thể tự lập được, không bị phụ thuộc vào đàn ông. Vì vậy, cần giáo dục phụ nữ ở cả hai khía cạnh trên để phụ nữ làm được những việc có ích hơn cho gia đình và xã hội. Và nghĩa vụ tối cao của một nửa nhân loại là phải dùng hết phương pháp dạy đến nơi đến chốn và phải mở mang hết sức cho phụ nữ nghĩa là nếu đàn bà con gái làm được thì nên dạy cho họ hết thảy mọi việc như đàn ông con trai.

Trong việc giáo dục học vấn cho phụ nữ, bà nhấn mạnh đến việc giáo dục nghề nghiệp. Theo bà, nghề nghiệp ở đây không chỉ có thêu dệt, khâu vá và làm các món thực phẩm thường dùng hay nghề làm ruộng, đi buôn bán lặt vặt và các nghề nhỏ mọn khác, những nghề này chẳng qua là tùy theo nếp nhà cha mẹ sinh nhai về đường nào thì con gái học tập theo mà các nghề nghiệp ấy không cần có trí thức cho lắm. Dạy nghề nghiệp cho phụ nữ ở đây nghĩa là phải dạy cho họ học vấn, trí thức của một nghề nghiệp cụ thể chẳng hạn như nghề dạy học hay nghề thầy thuốc… để phụ nữ biết “Ăn theo thuở, ở theo thời/ Có nghề nghiệp mới khỏi lời trọng khinh” và phải học cho đến cái tinh xảo, cái tuyệt đỉnh khéo nhất, tốt nhất của mỗi nghề để có thể dùng sản xuất ra nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và có thể xuất ngoại. Làm được điều này thì về đường giáo dục học thức của phụ nữ đã có phần vẻ vang hơn trước.

Để giáo dục nghề nghiệp cho phụ nữ, trước hết nên chỉnh đốn chức nghiệp cho phụ nữ, dựng sở nữ học công nghệ, lập Học hội chức nghiệp và Học hội nữ công nhằm mục đích dạy nghề, hướng nghiệp cho các chị em phụ nữ như dạy làm bánh, làm mứt, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải… Đặc biệt, Chính phủ nên có trường “phụ nhơn công nghệ” và bà mong rằng mỗi tỉnh sẽ có 5 - 7 trường công nghệ cho đàn bà con gái học tập để họ tự so sánh bắt chước nhau biết công việc để mà làm ăn, thậm chí là những người tài giỏi sẽ đem lại nhiều mối lợi về kinh tế cho gia đình và xã hội.

Như vậy, vấn đề nữ học (giáo dục phụ nữ) trong các tác phẩm của Đạm Phương nữ sử được xem là một vấn đề quan trọng nhất giúp phụ nữ thay đổi về nhận thức, điều chỉnh về hành vi khi xã hội Việt Nam bước vào thời kỳ cận hiện đại và cải cách những yếu tố văn hóa cũ đương thời chi phối người phụ nữ nhằm tiến tới giải phóng phụ nữ./.

                                                                                                                                                                                                                                         PHAN THỊ AN NGỌC