Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

VẤN ĐỀ CƠ BẢN TRONG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG VÀ TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI CỦA NHÀ BÁO
09:42 | 22/07/2022

Đã gần 10 năm nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã và đang đẩy mạnh cuộc vận động: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do Bộ Chính trị phát động từ ngày 07/11/2006. 

Trước hết cần phải học tập và làm theo phẩm chất: “Trung với nước, hiếu với dân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phẩm chất này đã được Người thừa kế và phát triển từ những giá trị truyền thống “Dựng nước đi đôi với giữ nước” của dân tộc Việt Nam và tinh hoa văn hóa phương Đông và được nâng lên một tầm cao mới. Chữ Trung trước đây là Trung với Vua, đạo làm thần phải hết sức trung thành với Vua, bảo vệ Vua, từ đó sinh ra sở đắc là đức Trung. Hồ Chí Minh đã vận dụng và nâng cao tầm cao mới là “Trung với nước”. Còn chữ Hiếu trước đây là Hiếu với cha mẹ, đạo làm con phải vâng lời cha mẹ, từ đó sinh ra sở đắc là hiếu thảo. Hồ Chí minh đã vận dụng và nâng lên tầm cao mới là “Hiếu với dân”. Đối với mỗi cán bộ, đảng viên, Người luôn dạy: “Điều chủ chốt nhất của đạo đức cách mạng là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng, là tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân, là tận trung, tận hiếu thì mới xứng đáng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân.

Phẩm chất thứ hai là tình yêu thương con người. Ở Hồ Chí Minh, phẩm chất này được kế thừa và phát triển từ truyền thống nhân nghĩa của dân tộc, từ chủ nghĩa nhân đạo Cộng sản và từ sự kết tinh văn hóa nhân loại. Tình yêu thương con người, trước hết là yêu thương đại đa số nhân dân lao động, họ là những người nghèo khổ, bị áp bức, bóc lột; xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Ở Hồ Chí Minh yêu thương con người là phải tin vào con người; với mình thì chặt chẽ, nghiêm khắc; với người thì độ lượng, nâng cao con người lên chứ không phải hạ thấp, vùi dập con người. Yêu thương con người là phải giúp đỡ cho mỗi người ngày càng tiến bộ hơn, tốt đẹp hơn. Yêu thương con người là phải biết dấn thân vào sự nghiệp đấu tranh để giải phóng con người.

Phẩm chất thứ ba cần học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đó là đức tính: Cần - Kiệm - Liêm - Chính - Chí công vô tư. Phẩm chất này gắn liền với những hoạt động hằng ngày của mỗi con người. Ở Hồ Chí Minh: Cần là lao động cần cù, siêng năng, sáng tạo, lao động có kế hoạch, có năng suất, chất lượng cao. Lao động với tinh thần tự lực, cánh sinh, không dựa dẫm, ỷ lại. Kiệm tức là tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm tiền của, không hoang phí, không xa xỉ, không phô trương hình thức. Liêm tức là luôn luôn tôn trọng, giữ gìn của công và của dân, phải trong sạch, không tham lam, không ham tiền tài, địa vị danh vọng, phải quang minh, chính đại, không ưa người tâng bốc mình và không bao giờ hủ hóa. Chính là không tà, thẳng thắn, đứng đắn. Đối với mình không tự cao, tự đại, luôn luôn chịu khó học hỏi, cầu tiến bộ. Đối với người: Không nịnh hót trên, không khinh thường dưới, mà phải chân thành, khiêm tốn, thật thà, không dối trá, lừa lọc. Đối với việc phải để việc công lên trên việc tư, khi làm bất cứ việc gì đều không quản ngại khó khăm, gian khổ, đã làm là đến nơi, đến chốn. Còn Chí công vô tư thì theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là đem Chí công, vô tư mà đối với người, với việc. Khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nên nghĩ đến mình trước và khi hưởng thụ thì mình nên nhường nhịn, đi sau.

Cần - Kiệm - Liêm - Chính - Chí công vô tư có quan hệ mật thiết với nhau. Cần - Kiệm - Liêm - Chính sẽ dẫn đến Chí công vô tư và ngược lại khi đã Chí công vô tư thì nhất định sẽ thực hiện được Cần - Kiệm - Liêm - Chính. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn cho rằng: Con người cũng như thiên nhiên có bốn mùa, đất có bốn hướng, thiếu một mùa thì không thành trời, thiếu một hướng thì không thành đất. Vì vậy trước lúc đi xa, trong Di chúc Người đã căn dặn đội ngũ cán bộ, đảng viên chúng ta: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền, mỗi đảng viên là cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự Cần - Kiệm - Liêm - Chính - Chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Phẩm chất thứ tư trong đạo đức Hồ Chí Minh là tinh thần đoàn kết Quốc tế trong sáng, đoàn kết với nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới, Người vừa là người bạn thân thiết của nhân dân lao động, tiến bộ trên toàn thế giới, Người vừa hòa mình vào cuộc sống và phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động nhiều nước trên thế giới. Thông cảm với những nỗi khổ cực, đắng cay của những người lao động bị bóc lột, Người luôn coi họ là những người anh em và tìm thấy ở họ “tình hữu ái vô sản”. Người còn sớm giáo dục Đảng ta, nhân dân ta thấy rõ: “Cách mệnh An Nam cũng là một bộ phận của cách mạng thế giới. Ai làm cách mệnh thế giới đều là đồng chí của nhân dân An Nam cả”. Do đó, cần phải “làm cho các dân tộc thuộc địa, từ trước đến nay vẫn cách biệt nhau, hiểu biết nhau hơn và đoàn kết lại để đặt cơ sở cho một Liên minh phương Đông tương lai, khối liên minh này sẽ là một trong cái cánh cửa của Cách mạng vô sản”. Người còn giáo dục cho nhân dân ta biết phân biệt bọn thực dân thống trị với giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước đế quốc. Chính Người đã đặt nền móng và xây đắp tình đoàn kết giữa nhân dân ta và nhân dân Liên Xô, nhân dân Lào, nhân dân Campuchia và nhiều nước khác trên thế giới. Người còn giáo dục và làm cho nhân dân ta ý thức đúng đắn về nghĩa vụ quốc tế với tinh thần “Giúp bạn tức là tự giúp mình”.

Thiết nghĩ: Việc nhận thức cho đúng, cho đủ những vấn đề cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng là cơ sở giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên, thiếu niên cũng như mỗi người dân và mỗi tổ chức Đảng, tổ chức Đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp; mỗi một hội viên chúng ta cần phải nhận thức đầy đủ, đúng đắn và làm theo những vấn đề cơ bản trong tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách thiết thực và hiệu quả nhất. Hội nhà báo Việt Nam là một tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp; mỗi một hội viên chúng ta cần phải nhận thức đầy đủ, đúng đắn và làm theo những vấn đề cơ bản trong tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện và học hỏi, cầu tiến bộ, làm việc có kỷ luật, biết tự rèn luyện để có sức khỏe tốt, yêu nghề, say sưa với công việc của mình. “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” là thực hiện cho được những Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. Nếu cần nói gọn lại, mỗi nhà báo cần phấn đấu, rèn luyện để đạt được ba vấn đề: Có tầm, có tâm và có tài.

Trước hết để có được cài Tầm thì mỗi nhà báo phải là một công dân tốt, một cán bộ gương mẫu, một nhà chính trị mẫn cán và nhạy cảm trong việc nắm bắt mọi quan điểm, đường lối của Đảng; chính sách, Pháp luật của Nhà nước cũng như mọi vấn đề của xã hội, chính trị nảy sinh trong đời sống cộng đồng. Việc rèn luyện để có được cái Tầm là công việc suốt đời. Đó chính là tầm nhìn, là thế giới quan và phương pháp luận Macxit của mỗi nhà báo, đồng thời đó còn là trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mỗi nhà báo.

Truyền thống lịch sử ông cha ta chúng ta vẫn thường dạy rằng: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng nói: “Có tài mà không có đức thì vô dụng”. Vì vậy điều thứ hai đòi hỏi mỗi nhà báo phải có cái Tâm. Cái Tâm ấy là gì? Đó là không vụ lợi, không lấy nghề nghiệp của mình mà làm điều trái với luân thường đạo lý; không chạy theo xu hướng “giật gân”, thương mại hóa. Không tự bẻ cong ngòi bút của mình mà phải biết khiêm tốn, trung thực và dũng cảm. Biết bảo vệ cái đúng, cái mới, cái tiến bộ và công bằng. Kiên quyết đấu tranh vạch mặt những cái sai, cái lệch lạc, muốn vậy mỗi nhà báo phải luôn luôn giữ gìn đạo đức nghề nghiệp mà Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI vừa diễn ra và thông qua vào tháng 12 năm 2021.

Muốn làm báo có chất lượng, đòi hỏi mỗi nhà báo còn phải rèn luyện năng lực toàn diện, đó chính là cái Tài, cái hay trong nghề nghiệp. Đương nhiên, đây là điều không thể tự có mà đó là cả một quá trình tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu bền bỉ, dẻo dai, yêu nghề tha thiết, không ngừng phấn đấu vươn lên và không bao giờ tự bằng lòng với chính mình. “Học, học nữa, học mãi lời dạy của V.I.Lê Nin đối với chúng ta luôn trường tồn mãi mãi./.

 
                                                                                                                                                                                                            TRẦN VỌNG