Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

VAI TRÒ VỊ "ĐẠI TƯỚNG HUYỀN THOẠI" TRONG CÁCH MẠNG THÁNG TÁM
10:16 | 06/08/2021

Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 4/10/2014) - Người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành trọn cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Với hơn 30 năm trên cương vị Tổng Tư lệnh Quân đội, Bí thư Quân ủy Trung ương, Đại tướng luôn nêu cao tấm gương sáng về tinh thần cách mạng tiến công, sáng tạo trong nghệ thuật quân sự, quyết chiến và quyết thắng, cùng Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9, đồng thời kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng ta cùng nhau nhìn lại tiểu sử Đại tướng cũng như vai trò to lớn của ông trong quá trình xây dựng lực lượng vũ trang, góp phần quyết định đến thành công của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám, giành lại độc lập dân tộc.  

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tên khai sinh là Võ Giáp, bí danh là Văn, sinh ngày 25/8/1911 tại xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình nhà nho, giàu truyền thống yêu nước.

Võ Nguyên Giáp tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm, lớn lên trực tiếp chứng kiến cảnh đồng bào bị bè lũ thực dân và tay sai đàn áp, bóc lột đã nung nấu trong ông một ý chí sôi sục và quyết tâm giành lại độc lập cho dân tộc. 

Năm 1925, khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường, sớm được tiếp thu tư tưởng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Võ Nguyên Giáp bắt đầu hoạt động cách mạng, tích cực tham gia phong trào đấu tranh ở trường Quốc học Huế, ông đã cùng bạn bè tham gia tổ chức bãi khóa, hưởng ứng phong trào yêu nước, đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu, đám tang cụ Phan Chu Trinh… Năm 1927, đồng chí gia nhập Đảng Tân Việt - Một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam; năm 1930, tham gia phong trào Xô Viết Nghệ -  Tĩnh, bị thực dân Pháp bắt giữ và bị giam ở nhà lao Thừa Phủ (Huế) vì tham gia các cuộc biểu tình chống Pháp. Cuối năm 1931, nhờ sự can thiệp của Hội Cứu tế đỏ của Pháp, đồng chí được trả tự do.

Ngày 3/5/1940, Võ Nguyên Giáp với bí danh là Dương Hoài Nam cùng Phạm Văn Đồng lên Lào Cai rồi vượt biên giới sang Trung Quốc để gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc. 

Tháng 6/1940, Võ Nguyên Giáp được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và cuối năm ấy, ông về Tĩnh Tây, cùng các đồng chí Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng tổ chức lớp huấn luyện quân sự, chính trị cho 40 thanh niên người Cao Bằng.

Ngày 28/1/1941, Võ Nguyên Giáp cùng Nguyễn Ái Quốc về Cao Bằng, sống và làm việc ở Pắc Bó. Nguyễn Ái Quốc tiên đoán cách mạng Việt Nam sẽ thành công vào năm 1945 và khẩn trương tiến hành xây dựng cơ sở cách mạng, chuẩn bị mở lớp huấn luyện quân sự ở Cao Bằng. 

Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (tháng 5/1941), chiến lược cách mạng của nước ta được xác định là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Trong chiến lược mới đó, ngoài việc đặt vấn đề dân tộc lên trên hết và trước hết, còn xác định khởi nghĩa là vấn đề then chốt. Tại Hội nghị, tổ chức Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội (sau này là Mặt trận Việt Minh) được thành lập. Sau khi đồng chí Phùng Chí Kiên - Ủy viên Trung ương Đảng phụ trách về quân sự đã hy sinh, công việc đó được Đảng và Nguyễn Ái Quốc tin cậy trao cho Võ Nguyên Giáp.  Đồng chí Võ Nguyên Giáp đã tích cực tham gia xây dựng cơ sở, phát triển phong trào cách mạng, về các địa phương mở nhiều lớp huấn luyện cán bộ, phát triển các tổ chức cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh, xây dựng thiết lập chính quyền cách mạng. 

Năm 1942, đồng chí Võ Nguyên Giáp được Nguyễn Ái Quốc giao phụ trách Ban xung phong Nam tiến mở đường từ Nguyên Bình qua Ngân Sơn, Chợ Rã nối liền với Chợ Chu, Đại Từ với lời căn dặn: “Chú Văn phải chú trọng thêm quân sự”. Sau khi hoàn thành việc mở đường Nam tiến, ông trở lại Cao Bằng củng cố xây dựng phong trào cách mạng, đào tạo cán bộ quân sự.  

Cuối năm 1944, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước sau hơn 2 năm bị chính quyền Quốc dân Đảng Trung Quốc giam giữ. Sau khi về nước, qua phân tích tình hình cũng như thực tiễn của cuộc đấu tranh, riêng về mặt quân sự Người đã đánh giá “lực lượng vũ trang của ta đã ít lại dễ phân tán, thiếu hẳn một lực lượng nòng cốt”. Chính thực tiễn đó đã đặt ra vấn đề cần phải “tập trung những cán bộ và chiến sĩ anh dũng nhất, những vũ khí tốt nhất, tổ chức ra một đội vũ trang tập trung, một đội quân chủ lực để hoạt động, đội vũ trang đó là Đội Quân giải phóng”. Nghĩ tới người có thể đảm nhận nhiệm vụ này, Hồ Chí Minh đã chỉ định Võ Nguyên Giáp.

Ngày 22/12/1944, theo hướng dẫn của Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân tại chiến khu Trần Hưng Đạo với 34 đồng chí, được trang bị 2 súng thập (một loại súng ngắn), 17 súng trường, 14 súng kíp và 1 súng máy. Đây là tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Sau 3 ngày thành lập, ngày 25/12/1944, Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy đội quân này lập chiến công đầu tiên là tập kích diệt gọn hai đồn Phay Khắt và Nà Ngần.

Bước sang năm 1945, diễn biến tình hình trong nước và thế giới có những tác động trực tiếp đến cách mạng Việt Nam, theo đó những điều kiện tích cực cho một cao trào khởi nghĩa giành chính quyền đang đến gần.

Trong 5 ngày, từ 15 đến 20/4/1945, Hội nghị Quân sự Bắc kỳ đã được triệu tập, những vấn đề liên quan đến việc gấp rút tạo thời cơ và kịp thời chớp lấy, sẵn sàng phát động Tổng khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền trong cả nước đã được quyết định. Trong hội nghị này, Ủy ban Quân sự Bắc Kỳ được thành lập gồm 5 đồng chí, Võ Nguyên Giáp được cử vào Ủy ban Quân sự Bắc Kỳ với vai trò “phụ trách chỉ huy các chiến khu miền Bắc Đông Dương, đồng thời có nhiệm vụ giúp đỡ cho toàn quốc về mặt quân sự”.

Thực hiện Chỉ thị đã đề ra trong Hội nghị Quân sự Bắc kỳ, ngày 15/5/1945, Võ Nguyên Giáp đã có mặt tại Định Biên Thượng (Chợ Chu, Thái Nguyên) để làm lễ thành lập “Việt Nam Giải phóng quân”. Mười ba đại đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và Cứu quốc quân được thống nhất thành bộ đội chủ lực đầu tiên của cả nước với tên gọi “Việt Nam Giải phóng quân”, dưới quyền chỉ huy của Bộ Tư lệnh miền Bắc, gồm Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh và Chu Văn Tấn. Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, đội quân bé nhỏ Bác giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp đã lớn thêm một bước quan trọng.

Ngày 17/5/1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp gặp Bác tại Nà Kiến (xã Nghĩa Tá, Chợ Đồn, Bắc Kạn). Tại đây, sau khi nghe báo cáo tình hình, Bác đã chỉ thị “chọn ngay một địa điểm có cơ sở chính trị quần chúng vững chắc, địa hình thuận lợi, tiện đường liên lạc với miền xuôi, làm trung tâm chỉ đạo phong trào”. Từ cuối tháng 5/1945, lán Nà Lừa (Tuyên Quang) trở thành đại bản doanh của vị Tổng tư lệnh tối cao của dân tộc, nơi quyết định mọi chủ trương dẫn đến thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

Ngày 4/6/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập Hội nghị cán bộ đầu tiên ở Tân Trào. Tại Hội nghị này, Người đã ra chỉ thị sáp nhập hai chiến khu ở hai vùng thuộc Việt Bắc lại thành một căn cứ địa kháng Nhật duy nhất. Ủy ban Chỉ huy lâm thời Khu giải phóng cũng được thành lập, Võ Nguyên Giáp được chỉ định làm thường trực Ủy ban Đặc trách về quân sự. Đồng chí Võ Nguyên Giáp trong giai đoạn này tập trung chỉ đạo khẩn trương xây dựng, chỉnh đốn cả Việt Nam Giải phóng quân và tự vệ du kích địa phương. Bên cạnh đó, ông cũng đặc biệt coi trọng khâu đào tạo cán bộ cơ sở và việc thiết lập hệ thống tổ chức Đảng cũng như công tác chính trị trong Giải phóng quân. Theo nghị quyết Hội nghị Quân sự Bắc kỳ, Võ Nguyên Giáp cùng với Hoàng Văn Thái được giao nhiệm vụ tổ chức và trực tiếp chỉ đạo Trường Quân chính kháng Nhật - trường đào tạo cán bộ quân chính sơ cấp có hệ thống đầu tiên của quân đội cách mạng Việt Nam, làm nòng cốt cho hoạt động giải phóng quân trong cao trào tổng khởi nghĩa sắp tới. Bước sang tháng 7, sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh không được tốt, song nhận định thời cơ đã tới, Người đã chỉ thị “Dù hi sinh đến đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Chính nhận định đó đã thôi thúc Võ Nguyên Giáp mở khóa thứ 2 của trường Quân chính kháng Nhật, khẩn trương chuẩn bị lực lượng vũ trang ở Tân Trào cũng như các địa bàn khác trong toàn khu giải phóng.

Vào những ngày đầu tháng 8/1945, nhận được tin Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng minh không điều kiện, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị cho đồng chí Võ Nguyên Giáp viết thư hỏa tốc gửi đi các nơi triệu tập các đại biểu về họp Hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại Hội Quốc dân. Hội nghị toàn quốc của Đảng diễn ra trong 3 ngày (13 - 15/8/1945). Tại hội nghị, Tổng Bí thư Trường Chinh đã nhấn mạnh tình thế cấp bách phải nắm đúng thời cơ, phát động Nhân dân nổi dậy giành chính quyền trước khi quân Đồng Minh vào Đông Dương, “đó là khả năng duy nhất để giành độc lập dân tộc”. Cũng tại Hội nghị này, đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng 3 đồng chí khác được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Theo đó, ngày 13/8, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Chỉ thị thành lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc và thông qua Quân lệnh số 1 do Trần Huy Liệu soạn thảo. 23 giờ cùng ngày Võ Nguyên Giáp thay mặt Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc, ký vào Quân lệnh số 1, từ trung tâm Tân Trào lệnh tổng khởi nghĩa đã được truyền đi khắp nơi trong cả nước.

Ngày 16/8, Đại hội Quốc dân khai mạc ở đình Tân Trào, hơn 60 đại biểu ở ba miền đất nước, đại biểu các đoàn thể, các dân tộc, các tôn giáo trong cả nước đã về dự. Đại hội nhiệt liệt tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương và 10 chính sách của Việt Minh. Đồng thời, quyết định thành lập Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam tức Chính phủ Lâm thời (gồm 15 đồng chí) do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch; Võ Nguyên Giáp được bầu là thành viên Ủy ban Dân tộc Giải phóng; quy định Quốc kỳ là nền đỏ, giữa có ngôi sao vàng năm cánh; chọn bài “Tiến quân ca” làm Quốc ca.

Chiều cùng ngày, tại cây đa Tân Trào, dưới lá cờ đỏ sao vàng cỡ lớn, đại đội Giải phóng quân đội ngũ chỉnh tề, dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Đàm Quang Trung, đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc đọc bản Quân lệnh số 1, chính thức phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Từ trung tâm, làn sóng Tổng khởi nghĩa lan truyền như vũ bão, lần lượt các tỉnh trong cả nước đứng lên giành chính quyền. Các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn… là những địa phương nổi dậy giành chính quyền sớm nhất trong cả nước.

Ngày 19/8 khởi nghĩa ở Hà Nội, ngày 23/8 ở Huế, ngày 25/8 ở Sài Gòn. Trong vòng hai tuần lễ từ ngày 14/8 đến ngày 28/8 cuộc Tổng khởi nghĩa của nhân dân ta đã thắng lợi hoàn toàn, lật nhào chế độ thuộc địa nửa phong kiến. 

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), thay mặt Chính phủ Lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của cách mạng Việt Nam, mở ra một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên của giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng công nhân và nhân dân lao động, kỷ nguyên của độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Trên các cương vị là Ủy viên BCH Trung ương, Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, thành viên Uỷ ban Khởi nghĩa toàn quốc, thành viên Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, Tư lệnh Việt Nam Giải phóng quân, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã có những đóng góp to lớn vào thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

Ngày 20/01/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 110-SL phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp.

Đã 76 năm trôi qua, hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong những ngày chuẩn bị Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 vẫn còn đó, khắc sâu trong lòng mỗi người dân nước Việt với những tình cảm chan chứa và còn mãi với non sông đất nước với sự ngưỡng mộ và lòng trân trọng nhất. 

Điều đáng khâm phục là người đứng đầu quân đội đã làm nên Cách mạng tháng Tám, đã đánh bại hai đội quân xâm lược hùng mạnh bậc nhất thế kỷ XX lại chưa hề được đào tạo qua trường lớp quân sự nào, và chính điều ấy đã làm nên sự khác biệt của Đại tướng, khiến thế giới phải ngả mũ khâm phục, suy tôn Võ Nguyên Giáp là danh tướng, một trong những thống soái kiệt xuất nhất trong lịch sử nhân loại... đồng thời đánh giá ông là một trong số những người hiếm hoi có khả năng làm thay đổi dòng chảy lịch sử.

Trong cuốn “Victory at any cost” - Chiến thắng bằng mọi giá, Nhà sử học Mỹ - Cecil Curry viết: “Ông không chỉ trở thành huyền thoại mà có lẽ còn trở thành một thiên tài quân sự lớn nhất thế kỷ XX và một trong những thiên tài lớn nhất của tất cả các thời đại”. 

Năm 1984, Hội đồng khoa học Hoàng gia Anh đã bầu chọn Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong 10 danh nhân quân sự vĩ đại nhất thế giới. Đặc biệt, trong số 10 bức chân dung được tạc tượng bằng vàng và đặt trang trọng ở Viện bảo tàng lớn nhất Luân  Đôn, chỉ duy nhất Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tạc tượng khi vẫn đang còn sống.

Không chỉ tỏa sáng rực rỡ trong lĩnh vực quân sự, Đại tướng còn là một trong những nhà văn hóa lớn của Việt Nam. Sau này, ông đã dành nhiều tâm sức cho việc viết hồi ký và lịch sử. Những tác phẩm của ông, như: “Từ nhân dân mà ra”, “Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử”, “Những năm tháng không thể nào quên”, “Chiến đấu trong vòng vây”, “Tổng Hành dinh trong mùa xuân toàn thắng”, “Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam”... đã giúp người đọc cả trong và ngoài nước càng hiểu sâu hơn về bản sắc, truyền thống văn hóa, nguồn gốc sức mạnh của dân tộc Việt Nam, càng thêm yêu mến, khâm phục đất nước và con người Việt Nam.

Đại tướng là tấm gương của một nhân cách văn hóa lớn, liêm khiết, giản dị và khoan dung, tấm gương đó đã được ghi tạc vào lòng nhân dân và tỏa sáng. Danh hiệu dành cho Đại tướng - “ Vị tướng của nhân dân” vô cùng cao quý và không một danh hiệu nào có thể so sánh được. Người đã trở thành huyền thoại và mãi trường tồn cùng lịch sử dân tộc Việt Nam.

Trong lời điếu tại Lễ quốc tang của Đại tướng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đánh giá cao công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội ta suy tôn đồng chí là Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Con người, nhân cách và những cống hiến to lớn của đồng chí in đậm trong lòng nhân dân, là vị tướng của nhân dân, mãi mãi lưu danh trong lịch sử dân tộc”./.

                                                                                                                                                                                                                              SƠN LINH