Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP - BẢN HÙNG VĂN LẬP QUỐC
15:26 | 02/11/2020

Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 25/8/1945, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Hồ Chí Minh từ chiến khu Tân Trào về nghỉ tạm trong gia đình một nông dân ở thôn Phú Gia (làng Gạ), huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội.

Đến chiều tối, trên một chiếc xe ô tô cũ, Người vào nội thành Hà Nội. Khí thế cách mạng vẫn còn hừng hực khắp các đường phố. Xe đưa Bác qua Chèm dọc theo đê Yên Phụ, xuống dốc hàng Than, qua phố Chả Cá, đến ngôi nhà ông Trịnh Văn Bô, một thương gia yêu nước ở 48 Hàng Ngang, cao 3 tầng, có cửa phụ phía sau ra phố Hàng Cân, rất thuận lợi cho công tác bảo vệ.

Sáng ngày 26/8/1945, tại ngôi nhà này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng, bàn nhiều việc quan trọng, trong đó có việc chuẩn bị ra Tuyên ngôn Độc lập và tổ chức mít tinh lớn ở Hà Nội để Chính phủ ra mắt Nhân dân. Từ ngày thứ ba, 28/8/1945 (tức 21/7 năm Ất Dậu), trừ những lúc phải giải quyết công việc tại trụ sở của Chính phủ lâm thời (số 12 phố Ngô Quyền), Bác Hồ giành phần lớn thì giờ tập trung vào việc soạn thảo Tuyên ngôn độc lập. Sau hai ngày làm việc khẩn trương, sáng  30/8/1945, Bác Hồ mời một số đồng chí đến trao đổi góp ý kiến cho bản Tuyên ngôn độc lập, sau khi đọc bản thảo cho mọi người nghe và hỏi ý kiến, Bác không giấu được niềm vui sướng. Sau này Bác nói: “Đó là những giây phút sung sướng nhất của đời mình”.

Tuyên ngôn độc lập được mở đầu bằng tư tưởng bất hủ trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Bác viết: “Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Bác cũng viện dẫn tư tưởng ấy trong Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.

Sau khi tố cáo những tội ác tày trời của bọn thực dân và phong kiến tay sai trong gần một thế kỷ qua, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định những quyền dân tộc cơ bản của dân tộc Việt Nam và trịnh trọng tuyên bố với thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do, độc lập và sự thật đã thành nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Gần 900 năm trước (năm 1077), Lý Thường Kiệt viết “Nam quốc sơn hà” là bản tuyên ngôn đầu tiên, khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của nước Việt Nam, 351 năm sau (năm 1428), Nguyễn Trãi thảo “Bình Ngô đại cáo” được coi là tuyên ngôn thứ hai, nêu cao khát vọng xây dựng đất nước hòa bình, thịnh trị của dân tộc Việt Nam. Hai giờ chiều ngày 2/9/1945, tại vườn hoa Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời tuyên bố trước đồng bào cả nước và Nhân dân thế giới việc thủ tiêu chế độ thực dân phong kiến ở Việt Nam và thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Tuyên ngôn độc lập năm 1945 đánh dấu mốc trọng đại trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc; chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp xâm lược trong 87 năm (1858 - 1945) và sự chiếm đóng của phát xít Nhật trong 5 năm (1940 - 1945). Tuyên ngôn độc lập cũng đánh dấu sự kết thúc của chế độ phong kiến quân chủ tồn tại hàng nghìn năm ở Việt Nam; mở ra một thời đại mới - thời đại giải phóng dân tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Kết tinh truyền thống lịch sử kiên cường, bất khuất của dân tộc ta, Tuyên ngôn độc lập là áng văn lập quốc vĩ đại, một kiệt tác về tư tưởng, lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tổng kết những giá trị tinh thần trong quá trình đấu tranh giành quyền độc lập của Nhân dân ta; là bản hùng ca đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, mở đầu một kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Tuyên ngôn độc lập đã đặt nền móng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Giá trị của bản Tuyên ngôn độc lập được nhân lên gấp bội khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện bằng những lời lẽ giản dị, dễ hiểu nhưng lập luận chặt chẽ, khúc triết. Với thực trạng hơn 90% dân số không biết đọc, biết viết, Người đã biết cách lôi cuốn người nghe bằng những ngôn từ súc tích, gọn rõ, vừa mang tính biểu cảm, gần gũi vừa thể hiện sự quyết tâm, kiên quyết bảo vệ nền độc lập mới giành được. Người đã khái quát được hết hoàn cảnh ra đời của nước Việt Nam, thành quả đấu tranh của toàn thể dân tộc: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hoà”.

Tuyên ngôn độc lập thực sự là một văn kiện có ý nghĩa thời đại và có giá trị cao về mặt lý luận, hàm chứa trong đó chân lý của nhân loại về quyền con người và quyền của dân tộc, thể hiện rõ một luận đề trong cuộc sống xã hội: ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh.

Hai mươi mốt năm sau, ngày 17/7/1966, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt nhất, giặc Mỹ điên cuồng leo thang bắn phá ngoại ô Hà Nội và Hải Phòng, tiếng nói đanh thép của Chủ tịch Hồ Chí Minh lại vang lên trên làn sóng của Đài tiếng nói Việt Nam đến với đồng bào, chiến sỹ cả nước và Nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa... Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song Nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi, Nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, và “Nhân dân Việt Nam rất yêu chuộng hoà bình, hoà bình thật sự, hòa bình trong độc lập tự do, chứ không phải thứ hòa bình giả hiệu, “hòa bình” kiểu Mỹ”. 

Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện sự thống nhất biện chứng giữa quyền độc lập dân tộc và quyền sống của mỗi con người. Đó là sự thể hiện giữa khát vọng sống trong hoà bình, tự do với tinh thần kiên quyết “đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền độc lập, tự do”.  Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, vấn đề độc lập, chủ quyền mà Tuyên ngôn độc lập đã đề cập cách đây 75 năm vẫn có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc. Tuyên ngôn độc lập đã thức tỉnh, lay động, cổ vũ tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, khẳng định tính chính nghĩa của cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, từ đó, tập hợp, đoàn kết các tầng lớp Nhân dân thành một khối thống nhất, tạo nên sức mạnh để bảo vệ đất nước. Tuyên ngôn độc lập đã xác định thái độ, trách nhiệm của mỗi người dân trước nguy cơ tồn vong của dân tộc, bởi “nước có được độc lập thì dân mới có tự do, đồng bào mới có cơm ăn, áo mặc, được học hành”.

Trong bối cảnh diễn biến phức tạp về việc tranh chấp chủ quyền, xâm phạm sự toàn vẹn lãnh thổ trên biển Đông hiện nay của các thế lực bành trướng, hơn lúc nào hết mỗi người dân Việt luôn nêu cao truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hùng hồn khẳng định từ mùa thu lịch sử năm 1945: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thật sự đã thành một nước tự do độc lập. Các thế hệ người Việt Nam hôm nay có quyền tự hào về thành quả cách mạng trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 và có nghĩa vụ, trách nhiệm đem hết tâm trí và sức lực để bảo vệ thành quả lịch sử đó”.

*       *

*

Bảy mươi lăm năm đã trôi qua, tư tưởng bất hủ trong Tuyên ngôn Độc lập đã và sẽ mãi mãi ngời sáng, dẫn dắt Nhân dân ta, dân tộc ta trên con đường xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./. 

                                                                                                                                                                                                                                                      HỒNG MINH