Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

TƯ TƯỞNG TRỌNG NÔNG CỦA CÁC VỊ HOÀNG ĐẾ TRIỀU LÝ
08:59 | 13/04/2020

Lịch sử Việt Nam, quá trình dựng nước và giữ nước từ thời Hùng Vương cho tới những triều đại phong kiến về sau, từ đức vua cho tới thường dân đều rất hiểu và quý trọng hạt lúa, củ khoai. Được mùa hay mất mùa lúa ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của đất nước và sự tồn vong của triều đại trị vì, cho nên mùa xuân năm Đinh Hợi (987) Hoàng Đế Lê Đại Hành đã làm cuộc tuần du (Khoảng 60km) từ kinh đô Hoa Lư - Ninh Bình về cày ruộng tịch điền ở núi Đọi (Nay thuộc Huyện Duy Tiên, Tỉnh Hà Nam). Việc cày ruộng của đức Vua đã trực tiếp động viên, khích lệ nghề nông của đất nước phát triển.

Tới triều Lý, trải qua  chín triều vua (Tám vị vua nam, một vị vua nữ) từ 1010 đến 1225, triều đình đã có những quyết sách đặc biệt đối với nông nghiệp. Ngay từ đời Vua đầu tiên của triều Lý: Lý Thái Tổ (974 - 1028) ở ngôi 18 năm, từ 1010 đến 1028. Trong những năm trị vì đất nước, Lý Thái Tổ đã tập trung sức cùng triều đình lo những việc trọng đại như: Dời đô từ Hoa Lư ra kinh thành Đại La. (Đúng lúc thuyền ngự tới chân thành Đại La, có rồng vàng hiện lên, do đó đổi tên gọi Đại La thành Thăng Long ); Chấn chỉnh triều chính và lo xây dựng kinh đô Thăng Long; Lo dẹp bọn người Man ở phía Nam vào cướp phá...

Năm Thuận Thiên thứ 7 (1016) mặc dù đất nước được mùa lớn nhưng Lý Thái Tổ vẫn hạ chỉ: “Miễn tô thuế cho thiên hạ ba năm”. Triều đình cho xây dựng các hành cung: Ứng Phong, Hải Thanh (Nay thuộc Thái Bình, Nam Định), hành cung Lý Nhân (Nay thuộc Hà Nam) và hành dinh Cổ Lãm (Tiên Sơn, Bắc Ninh)... để phát triển kinh tế nông nghiệp, tạo nền tảng vững chắc cho nhà nước Đại Việt.

Triều đình khuyến khích việc khai khẩn đất hoang ở ven sông, ven biển... để thành  ruộng trồng cấy. Những khi thời tiết không thuận, hạn hán hoặc mưa kéo dài, triều đình đều tổ chức lễ cầu mưa hoặc cầu tạnh.

Triều đình rất quan tâm tới tài sản cơ bản của nhà nông, đó là ruộng đất và trâu cày. Đức vua Lý Nhân Tông (1066 - 1127) đã hạ chỉ: Dân có ruộng đất bị xung công cùng là bị tội phải làm điền nhi đều được tha. Những người đã bán ruộng ao thì được chuộc lại và không phải trả tăng tiền so với khi bán.

Triều đình hạ chỉ cấm giết thịt trâu bò và phạt rất nặng tội ăn trộm trâu của nông dân, vì “Con trâu là đầu cơ nghiệp” của nhà nông.

Triều đình khuyến khích việc đắp đê ngăn nước sông và nước biển, đặc biệt là đắp đê sông Cái (sông Hồng). 

Các vị vua triều Lý đã nhiều lần vi hành từ kinh đô Thăng Long về các vùng quê thuộc các hành cung để đích thân cày ruộng, xem nông dân cây lúa và gặt lúa, thể hiện tư tưởng “Trọng nông” của triều đình.

Ngày Kỷ Hợi, tháng 3 năm Mậu Thìn (1028) Thái tử Phật Mã lên kế nghiệp ngôi báu của vua cha (Lý Thái Tổ), trở thành vị Hoàng đế thứ hai - Lý Thái Tông (1000 - 1054) của triều Lý. Năm 1030 đất nước được mùa to. Ngày 14 tháng 10 đức vua ra thăm ruộng ở Điểu Lộ (Nay thuộc Hưng Yên) xem gặt. Cánh ruộng ấy, sau được gọi là ruộng Vĩnh Hưng.

Ngày 1 tháng 4 năm Nhâm Thân (1032) đức vua Lý Thái Tông ngự tới Tín Hương ở Đỗ Động Giang cày ruộng tịch điền; Sau ruộng ấy được mang tên là “Ruộng Ứng Thiên” *. Như vậy, Lý Thái Tông là vị vua thứ hai của các triều đại phong kiến trực tiếp cầm cày, cày ruộng.

Phải chăng Tín Hương ở Đỗ Động Giang và “Ruộng Ứng Thiên” thuộc Phủ Ứng Thiên xưa, nay thuộc Ứng Hòa - Hà Nội?

Năm Mậu Tuất (1048) Hoàng Đế Lý Thái Tông cho lập Đàn Xã Tắc ở cửa Trường Quảng, ngoài kinh thành Thăng Long để bốn mùa cầu đảo cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu (Gần đây Hà Nội đã phát hiện được địa điểm của “Đàn Xã Tắc” ở gần ngã tư Ô Chợ Dừa và hiện nay, ngay nơi đó đã có con phố mang tên “Xã Đàn”).

Tiếp nối ngôi báu của vua cha, Thánh Tông Hoàng Đế ở ngôi 17 năm (Từ 1054 đến 1072) cũng rất coi trọng việc làm ruộng và thương sự vất vả của cư dân nông nghiệp.

Năm 1077 vua Lý Nhân Tông cho đắp đê và đào sông Như Nguyệt dài 67380 bộ (1 bộ = 0,3048m), dài hơn 20,5km theo số đo hiện nay.

Mùa xuân năm Quý Mùi (1103) Hoàng đế Lý Nhân Tông xuống chiếu cho dân trong và ngoài thành đắp đê ngăn nước. Tới năm 1108 nhà vua lại cho đắp đê Cơ Xá (Đoạn đê sông Hồng từ Yên Phụ đến Lương Yên).

Cùng với việc đắp đê là việc đào sông, khơi thông dòng chảy. Năm 1029 Lý Thái Tông cho đào sông An Nái ở Châu Ái và cuối năm 1051 lại cho khơi  sông Lẫm ở Thanh Hóa.

Tới đời vua Lý Cao Tông (1176 - 1210) vào năm 1189 cho đào sông Lãnh Kinh (Ngoại thành Thăng Long) và 3 năm sau (1192) lại cho đào sông Tô Lịch.

Nhờ có sự quan tâm của các vị Hoàng đế mà dưới triều Lý đất nước Đại Việt có nhiều năm được mùa lớn như: Năm 1016 dưới triều vua Lý Thái Tổ; Năm 1030 dưới triều vua Lý Thái Tông; Năm 1079, 1092, 1111, 1120, 1123 dưới triều vua Lý Nhân Tông; Năm 1131 dưới triều vua Lý Thần Tông và các năm 1139, 1140 dưới triều vua Lý Anh Tông.

Hoàng đế Lý Thánh Tông (1023 - 1072) đã cho xây dựng hành cung cạnh hồ Dâm Đàm (Hồ Tây) để những ngày không ngự triều, đức vua ra đây xem ngư dân đánh bắt cá, qua đó thấu hiểu nỗi vất vả của người lao động. Tháng 4 năm  Bính Thân (1137) Hoàng đế Lý Thánh Tông đã ban chiếu khuyến nông.

Đời vua Lý Thần Tông (1116 - 1138) cho sáu quân (Quân đội của triều đình) được thay phiên nhau về các điền trang, thái ấp làm ruộng, thực hiện “Tĩnh vi nông, động vi binh”.

Mùa đông năm Đinh Tỵ (1137) Hoàng đế Lý Thần Tông ngự về hành cung Lý Nhân (Hà Nam) xem nông dân gặt mùa.

Hoàng đế Lý Anh Tông (1136 - 1175) đã xuống chiếu cho phép nông dân, những ai cầm đợ ruộng thục (Thục điền) trong vòng 20 năm thì được phép chuộc lại. 

Ai có ruộng đất bỏ hoang bị người khác canh tác trong vòng một năm, được thưa kiện để nhận lại ruộng. Quá một năm là không được phép. Ruộng đất tranh chấp từ  năm  đến mười năm vẫn được xét xử.

Tháng 2 năm Mậu Thìn (1148) Vua Lý Anh Tông ngự đến hành cung Lý Nhân (Hà Nam) cày ruộng tịch điền, sau đó vi hành tới thăm hành cung Ứng Phong.

Như vậy, Lý Anh Tông là vị vua thứ  hai của triều Lý và vị vua thứ ba của đất nước Đại Việt trực tiếp cầm cầy, cày ruộng.

Hành cung Ứng Phong được triều đình cho xây dựng tại một “Không gian thiêng” bao gồm đất các huyện Ý Yên,Vụ Bản và Nghĩa Hưng của tỉnh Nam Định ngày nay, xưa là Phủ Đại An, huyện Nghĩa Hưng. Nơi đây có những dãy núi cổ và những cánh đồng bờ xôi, ruộng mật, là một trong những trung tâm sản xuất lúa gạo của nhà nước Đại Việt thế kỷ XI, XII, XIII. Vì vậy mà Hoàng đế Lý Nhân Tông đã 9 lần vi hành về hành cung Ứng Phong xem dân cày cấy và gặt mùa, trực tiếp khích lệ công việc của nhà nông.

Lần thứ nhất vào mùa xuân (Tháng ba) năm Đinh Dậu (1117) đức vua Lý Nhân Tông ngự tới núi Chương Sơn (Nay thuộc Ý Yên, Nam Định) để dự khánh thành ngôi bảo tháp “Vạn Phong Thành Thiên”, sau đó vua ra cánh đồng hành cung Ứng Phong xem dân cày ruộng.

Tháng sáu năm đó, nhà vua lại ngự về hành cung Ứng Phong để cùng thần dân nơi đây làm lễ cầu đảo vì trời đang hạn, sau đó nhà vua ra cánh đồng xem dân cày ruộng .

Lần thứ ba Lý Nhân Tông vi hành về hành cung Ứng Phong xem gặt lúa vào tháng 10 năm Quý Mão (1123), trước khi đi vua xuống chiếu: “Trâu là vật quan trọng cho việc cày cấy, làm lợi cho người không ít. Từ nay về sau ba nhà làm một bảo, không được giết trâu ăn thịt, ai làm trái thì trị tội theo hình luật”.

Chuyến đi này nhà vua cho bắc cầu vồng qua sông Ba Lạt (Khúc sông chảy ra biển qua cửa Ba Lạt). Vua gần dân, chăm lo tới công việc của nhà nông, làm cho muôn dân trăm họ chăm chỉ cấy cày. Năm này được mùa rất to.

Lần thứ tư, vào tháng Giêng năm Giáp Thìn (1124) vua rời kinh thành Thăng Long ngự đến hành cung Ứng Phong xem dân cày ruộng. Tháng bảy lại bị hạn, Triều đình tổ chức Lễ cầu mưa.

Lần thứ năm, thứ sáu, thứ bảy vào năm Ất Tỵ (1125) nhà vua đều về hành cung Ứng Phong xem dân cày cấy và gặt mùa. Một năm có tới ba lần đức vua về thăm một vùng quê lúa, nói lên tầm quan trong của nông nghiệp đối với sự hưng thịnh của đất nước.

Năm Nhâm Ngọ (1126) thời tiết không được thuận hòa, đầu năm hạn hán kéo dài, giữa năm trời mưa dầm dề, triều đình phải làm Lễ cầu mưa, cầu tạnh. Để trấn an nông dân, tháng mười một, Hoàng đế Lý Nhân Tông lần thứ tám vi hành về hành cung Ứng Phong xem dân gặt lúa.

Vào mùa hạ năm sau (1127) vua lại về Ứng Phong xem dân gặt mùa. 

Một vị Hoàng đế có tới chín lần về thăm một vùng thuần nông, quả là kim cổ Đông Tây hiếm có, nói lên tư tưởng trọng nông của các vị đế vương triều Lý.

Ngồi ở ngôi cao, giữa kinh thành Thăng Long, dẫu có trăm công, ngàn việc nhưng việc cày, việc cấy, việc gặt mùa, việc đắp đê phòng lụt, việc cầu mưa, cầu tạnh... vẫn là những việc lớn mà các vị Hoàng đế triều Lý thường niên lo nghĩ. Chính sự sâu sát và chăm lo tới những công việc nhà nông của các vị Hoàng đế triều Lý đã để lại bài học “Trọng nông” cho hậu thế.

Có những sự kiện lịch sử được lặp lại, phải có thời gian, hậu thế mới cảm nhận được hết ý nghĩa về những việc làm của các bậc vĩ nhân.

Ngày 13 tháng 8 năm 1958 Bác Hồ kính yêu đã về thăm nhân dân làng Thượng Đồng xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, đây là một trong những làng thuộc hành cung Ứng Phong khi xưa. Người đã ra thăm cánh đồng lúa của hợp tác xã rồi về dự Đại hội sản xuất nông nghiệp của tỉnh Nam Định.

Cũng năm 1958 Bác Hồ đã 4 lần (Vào các ngày 11/7, 20/8, 16/10, 25/12) về thăm Bắc Ninh, quê hương nhà Lý để chỉ đạo sản xuất nông nghiệp. 

Và tháng 9 năm 1959 Bác lại về thăm Bắc Ninh, đây là  lần thứ năm Bác về thăm vùng quê có hành dinh “Cổ Lãm” khi xưa và là quê hương của các Hoàng đế triều Lý. Cách nhau hơn chín thế kỷ mà sao các bậc vỹ nhân lại có những việc làm trùng hợp? phải chăng tư tưởng “Trọng nông”, “Nông vi bản” đã thấm vào tâm trí của người dân đất Việt, đặc biệt là các bậc vỹ nhân./.

                                                                                                                                                                                                                                                 TRỊNH QUANG KHANH

Tư liệu tham khảo: 

- Đại Việt sử ký toàn thư. Tập I, Kỷ nhà tiền Lê và Kỷ nhà Lý (NXB khoa học xã hội - HN 1998)

- Sách “Bác Hồ với Nam Hà” và “Bác Hồ với Bắc Ninh”.

* Tác giả bài nghiên cứu này chưa xác định được “Ruộng Ứng Thiên” nằm ở địa phận tỉnh nào, mong các nhà nghiên cứu nếu tường tận chỉ giáo.