Cùng với tên tuổi Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ - nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và cách mạng Việt Nam; quê hương Phù Khê của đồng chí Nguyễn Văn Cừ cũng được người trong nước và cả nước ngoài biết tới như một vùng linh địa được con người khai phá, quần cư, xây dựng và trở nên trù mật từ rất sớm. Đây cũng là vùng đất của những người thợ chạm khắc gỗ tài hoa đã và đang phát huy được những tinh hoa nghề để làm giàu, làm đẹp thêm cho quê hương, đất nước trong thời đổi mới.
Trên quê hương Phù Khê - cận cảnh là khu phố Phù Khê Đông, phường Phù Khê, thành phố Từ Sơn - khắp không gian có lẽ đều như ăm ắp những kỷ niệm về đồng chí Nguyễn Văn Cừ - người con của quê hương. Từ ngôi đình chung của làng, đến từ đường dòng họ, và đặc biệt là tại khu lưu niệm về đồng chí gồm ngôi nhà xưa của gia đình và nhà trưng bày thân thế sự nghiệp đồng chí luôn hiển hiện chân dung, hình ảnh, những tài liệu, hiện vật... phản ánh về đồng chí và chặng đường hoạt động cách mạng; những công lao đóng góp, cống hiến của đồng chí cho Đảng, cách mạng, quê hương, đất nước. Bao năm qua, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ - với sự sáng tạo, tài năng, phẩm chất chính trị kiên cường, đức hy sinh và những cống hiến to lớn của mình - đã để lại cho chúng ta một tấm gương sáng của nhà lãnh đạo kiệt xuất và mẫu mực của Đảng; cũng như để lại cho Đảng bộ và nhân dân quê hương Phù Khê niềm sùng kính, tự hào.
Trong những ngày cuối tháng 6, đầu tháng 7 năm 2022, khi chúng ta đang dành sự quan tâm đặc biệt chuẩn bị cho Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, chúng tôi lại có dịp về Phù Khê để sống lại những ký ức lịch sử về một con người tài năng kiệt xuất của quê hương, đất nước; cũng như để tìm hiểu thêm về vùng linh địa đã góp vào không gian văn hóa Kinh Bắc - Bắc Ninh những dấu ấn đậm nét này.
Ngôi nhà xưa - nơi đồng chí Nguyễn Văn Cừ cất tiếng chào đời - giờ được phục dựng như nguyên dáng nếp thuở nào với 5 gian nhà chính, 2 gian bếp, mái lá, tường đất, chiếc giại cửa sổ hiên nhà, cổng tre khép mở đưa đón người vào ra… Cũng vậy, chum nước mưa hứng tàu cau, rồi những vật dụng thiết thân với người nông dân ngày trước như chiếc cối xay lúa, cối giã gạo; đặc biệt là bộ khung cửi dệt vải ghi dấu một thời nghề tằm tang là nguồn sống của bao người Phù Khê. Cũng như bao người, chúng tôi dừng lâu trước bức đại tự gian giữa của ngôi nhà với đôi chữ Hán “chí thành”. Người trong gia tộc Nguyễn của đồng chí Nguyễn Văn Cừ ở Phù Khê vẫn truyền nhau rằng, từ nhỏ đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã được cha mẹ nuôi dưỡng, giáo dục đạo nghĩa làm người, hun đúc chí tiến thủ, mà hai chữ “chí thành” được cụ Đồ Quán (cha đồng chí Nguyễn Văn Cừ), hay cụ Tú Ba (ông ngoại đồng chí Nguyễn Văn Cừ, người nôi dưỡng đồng chí sau khi cụ Đồ Quán mất) chuyển thành lời răn “hữu chí cánh thành - mọt chí vô dụng”..
Tiếp thu và phát huy khí phách của người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi - vị tổ của dòng họ, các thế hệ con cháu của họ Nguyễn Phù Khê đã kế tiếp nhau tham gia vào công cuộc đánh giặc giữ nước. Các phong trào Cần Vương, phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục vẫn có sự tham gia của các thành viên họ Nguyễn - Phù Khê, như các cụ Nguyễn Trọng Quang, Nguyễn Trọng Huyên, có bác Cả Châu (bác ruột đồng chí Nguyễn Văn Cừ), Nguyễn Duyên, Nguyễn Trọng Lược… Song tiêu biểu và kết tinh truyền thống yêu nước đấu tranh giải phóng dân tộc của dòng họ Nguyễn - Phù Khê trong giai đoạn cách mạng giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ - cháu đời thứ 17 của Nguyễn Trãi. Từ quê hương Phù Khê, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã dấn thân “vô sản hóa” tại vùng mỏ Đông Bắc tổ quốc để biến mình thành hợp phần của giai cấp công nhân, lao động - mà như đồng chí nói là “phần tử tiên tiến của giai cấp thợ thuyền và là những con cháu tinh anh tận tụy với công cuộc giải phóng dân tộc...” để từ đó “giác ngộ rõ sứ mệnh to lớn ấy và đủ can đảm, nghị lực, đủ sáng suốt để gánh vác nó”. Thực tiễn hoạt động, đấu tranh cách mạng, đồng chí đã ngày càng chứng tỏ phẩm chất của người cộng sản tài ba, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, được tín nhiệm giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng khi tuổi đời rất trẻ. Đi vào cõi bất tử khi mới 29 tuổi thanh xuân, cuộc đời tuy ngắn ngủi nhưng rực rỡ hào quang với 13 năm hoạt động cách mạng liên tục, 12 năm tuổi Đảng, 7 năm trong nhà tù đế quốc, 2 năm trên cương vị là Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã hy sinh trọn đời vì độc lập của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân, là tấm gương sáng chói về tinh thần tận trung với nước, tận hiếu với dân, về tinh thần học tập phấn đấu theo lý tưởng mà mình lựa chọn.
Tìm về Phù Khê, cũng là tìm về với một vùng đất cổ giàu trầm tích văn hóa, tỏa sáng truyền thống cách mạng. Theo các tư liệu lịch sử, Phù Khê xưa là một làng thuộc Tổng Nghĩa Lập, Phủ Từ Sơn; sau dân cư quần tụ đông đúc, chia thành hai thôn: Phù Khê Thượng và Phù Khê Đông (nay gọi là khu phố thuộc phường Phù Khê, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Đây là vùng đất trù phú nằm trong “Tam Cổ - ngũ Phù” - những địa danh nổi tiếng văn hiến - đất “linh” sinh nhiều “nhân kiệt”, con người tài đảm, giỏi giang của Kinh Bắc xưa. Như mọi làng quê cổ khác trên vùng đất Kinh Bắc - Bắc Ninh, Phù Khê có lịch sử hình thành từ rất xa xưa. Các di chỉ khảo cổ học được phát hiện ở các địa phương quanh vùng như Đình Bảng, Phù Lưu, Tương Giang và ngay trên đất Phù Khê cho thấy cách đây khoảng 3.000 năm, nơi đây đã có con người sinh sống.
Những hiện vật như công cụ bằng đá cuội gò đẽo thô sơ, mũi tên đá, rìu đá mài và các đồ trang sức bằng đá mài, đồ gốm nung hoặc rìu đồng, mũi tên đồng... thuộc nền văn hoá Đông Sơn giai đoạn muộn; mà căn cứ vào vị trí sắp xếp cũng như tầng địa chất của hiện vật, các nhà chuyên môn cho rằng đó là những hiện vật bị chôn vùi và đồng đại chứ không phải hiện vật trôi dạt từ nơi khác đến.. đã minh chứng cho điều đó. Tại di chỉ Má Đình ở Phù Khê, người ta cũng đã tìm thấy lưỡi rìu bằng đá mài nhẵn và một số mảnh gốm thuộc nền văn hóa Đông Sơn. Trong quá trình làm thủy lợi cải tạo đồng ruộng, nhân dân địa phương còn tìm thấy dưới lòng sông Cổ Giang xưa những hiện vật như mảnh gốm nung, mũi tên đồng và những mảnh thuyền độc mộc có niên đại cách ngày nay khoảng 2.700 đến 3.000 năm. Mặc dù những dấu tích trên chưa thể khẳng định được thời điểm ra đời của các làng xã ở Phù Khê, song chứng tỏ rằng ngay từ trước công nguyên, mảnh đất này đã trở thành điểm dừng chân, quần cư của dòng người Việt cổ từ vùng rừng núi phía Bắc tràn xuống chinh phục, chiếm lĩnh đồng bằng châu thổ sông Hồng. Cùng với đó, các nguồn tư liệu thần phả, thần tích, ngọc phả, bi ký ở đình, chùa, nghè, miếu... cũng như gia phả của các dòng họ còn lưu giữ tại địa phương, có thể khẳng định từ đầu công nguyên, nơi đây đã có con người đến sinh sống, lập nghiệp; và làng chạ cũng bắt đầu xuất hiện, hậu duệ con cháu của họ còn lưu tồn và phát triển cho đến ngày nay.
Theo “Phù Đàm sự tích bi ký” thì Phù Khê là làng cả được hình thành bên dòng sông Cổ Giang. Vào cuối những năm 200 trước công nguyên, Thục Phán - An Dương Vương cho di rời một số dân trong vùng để xây thành Cổ Loa. Bấy giờ có 7 gia đình làm nghề chài lưới thuộc 7 dòng họ, trong đó có họ Nguyễn, từ Cổ Loa xuôi dòng Cổ Giang về lập làng Cổ Đàm. Đó là những dòng họ đầu tiên có công tạo lập nên làng - khu phố Phù Khê ngày nay. Thời Ngô - Đinh - Tiền Lê - Lý, làng Phù Khê đã khá ổn định và phát triển, số người từ các nơi về Phù Khê lập nghiệp ngày càng đông, trong đó có hậu duệ của Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi. Gia phả của dòng họ Nguyễn ở Phù Khê Thượng cho biết, sau thảm án Lệ Chi viên (9/1442), con cháu và thân nhân của Nguyễn Trãi đã phải lánh nạn nhiều nơi, trong đó có “cụ Huệ Tính cùng cha chạy về thôn Phù Đàm (tức Phù Khê), huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc”. Sự kiện này cũng được ghi trong cuốn gia phả của họ Nguyễn ở làng Nhị Khê, Thường Tín, Hà Nội: “… trong lúc gia biến, có một cụ chạy về thôn Phù Đàm, huyện Đông Ngàn, xứ Kinh Bắc và sau này lập nên một chi ở đây”. Hậu duệ của Nguyễn Trãi đến đất Phù Khê cho tới nay đã được 20 đời.
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, mảnh đất và con người Phù Khê đã hòa quyện vào nhau. Mảnh đất quê hương thân yêu đã nuôi dưỡng, che chở cho con người và chính con người - những chủ nhân của mảnh đất Phù Khê - đã tạo dựng, bảo vệ và khai thác tiềm năng của đất để xây dựng cuộc sống ngày càng no ấm, quê hương ngày thêm tươi đẹp.
Từ xưa, người trong vùng cũng như nhiều nơi trong cả nước vẫn biết tới Phù Khê như một trong những chiếc nôi của nghề chạm khắc gỗ. Vào thời Lý, vùng quê này vô cùng thịnh vượng với nghề chạm khắc gỗ, có nhiều thợ giỏi. Khi ấy, triều đình có nhu cầu xây dựng cung điện, thành quách nên đã tuyển chọn những nghệ nhân tài hoa Phù Khê về chạm khắc rồng trong cung điện, lăng tẩm của Vua (vì Rồng tượng trưng cho quyền lực tối cao), sau hình tượng này cũng được chạm khắc trong nhiều đình, miếu và cả đồ thờ cúng tổ tiên. Tài chạm rồng của người thợ Phù Khê được lưu truyền thành câu ca: Nghĩa Lập bánh đúc, cháo kê - Tiến Bào nung ngói, Phù Khê chạm rồng. Tinh hoa của nghề chạm khắc gỗ của người Phù Khê cũng được truyền lại với câu chuyện về những nghệ nhân kỳ tài như cụ Nguyễn An - người mà triều đình nhà Minh đã bắt đi khi chúng sang xâm lược nước ta - nhưng lại kính nể giao cho ông phụ trách xây dựng Tử Cấm Thành nổi tiếng xứ Tàu… Trong lịch sử xây dựng các đền đài, cung điện, lăng tẩm, chùa chiền từ Bắc chí Nam, từ kinh đô Thăng Long cho đến kinh đô Huế.. đâu đâu cũng đều có sự đóng góp của bàn tay tài hoa những nghệ nhân chạm khắc gỗ Phù Khê. Nghề mộc - chạm khắc Phù Khê đa dạng phong phú, đạt đến trình độ tinh xảo, nghệ thuật; từ việc dựng nhà ở, làm đình chùa, làm đồ gia dụng, làm đồ thờ tự cho đến sáng tác ra những tác phẩm nghệ thuật như tượng, tranh với nhiều thể loại và đề tài. Đến thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII, XVIII) nghề mộc - chạm khắc của Phù Khê phát triển mạnh mẽ và để lại những công trình nổi tiếng như: đình Đình Bảng, đình Diềm, chùa Bút Tháp, chùa Tây Phương, chùa Vĩnh Nghiêm… Trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp và thời kỳ “hợp tác hoá” của thế kỷ trước, nghề mộc - chạm khắc của Phù Khê có bị trùng xuống. Song bước vào thời kỳ đất nước đổi mới, nghề mộc - chạm khắc Phù Khê đã phát triển rực rỡ, vượt khỏi ranh giới quốc gia mà ra với thị trường nước ngoài. Hình tượng con rồng qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân Phù Khê đã chiếm được cảm tình của khách hàng nước ngoài khó tính.
Theo dòng lịch sử, thời nào làng nghề Phù Khê cũng có những tên tuổi lớn, đem tài khéo người thợ mà làm đẹp cho bao công trình chạm khắc cả trong và ngoài nước. Trong số đó, có gia đình nghệ nhân Nguyễn Kim. Nghệ nhân Nguyễn Kim đã khuất núi, nhưng con cháu trong gia đình, dòng tộc vẫn giữ và phát huy được tinh hoa nghề cha ông. Vốn thuộc dòng tộc cụ Nguyễn Trãi, gia đình nghệ nhân Nguyễn Kim đến nay đã có chục đời làm nghề chạm khắc gỗ. Trong đó, có những người nổi tiếng về tay nghề khắp vùng Kinh Bắc như cụ Nguyễn Văn Thức, từng được suy tôn là “đầu mục” hay “mục tượng”, đứng đầu về nghề chạm khắc trong vùng. Cùng với đó, nhiều thành viên được gọi là “bá hộ” - phẩm tước nghề rất được người làng nghề tôn trọng. Đến nghệ nhân Nguyễn Kim, được phong “nghệ nhân bàn tay vàng” vào năm 1974 bởi những đóng góp vào việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật chạm khắc gỗ không chỉ tại quê hương, mà cả trên phạm vi quốc gia. Trong đời nghề, nghệ nhân Nguyễn Kim đã góp vào kho tàng sáng tác điêu khắc gỗ Việt Nam nhiều tác phẩm có giá trị. Trong đó tiêu biểu phải nhắc tới những tác phẩm: Lý Thường Kiệt bên bờ sông Như Nguyệt, được trưng bày tại Bảo tàng Pari (Pháp), tượng Đạt Ma sư tổ, Nguyễn Huệ, Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, cùng hàng loạt những tượng chân dung, phù điêu trang trí về cuộc sống của người dân trên vùng đất Kinh Bắc, mà ở đó có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nghệ thuật điêu khắc gỗ truyền thống của ông cha, với những khám phá, tìm tòi, lối nhìn, cảm nhận và thể hiện của một nghệ nhân tài hoa.
Hiện nay, người con trai trưởng của nghệ nhân Nguyễn Kim là Nguyễn Ngọc Kha cũng được phong nghệ nhân bàn tay vàng; vẫn hàng ngày nhiệt tâm, trăn trở với nghề, với sự phát triển của tinh hoa nghệ thuật chạm khắc gỗ vốn không chỉ đòi hỏi trình độ kỹ thuật, mà còn cả mồ hôi, công sức và nước mắt của người thợ dành cho tác phẩm. Sản phẩm nổi bật, làm nên thương hiệu làng nghề Phù Khê chính là các sản phẩm chạm rồng. Còn nhớ, trong một lần về với gia đình nghệ nhân Nguyễn Kim khi ông còn sống, chúng tôi đã được ông giới thiệu bức phù điêu: Cửu long tranh châu. Trên mặt phẳng gỗ hình tròn, biểu trưng của thái cực vũ trụ, chín con rồng như cùng uốn lượn, vẫy vùng trong vũ khúc mê mải cùng mây gió. Lối chạm thủng, cũng như đề tài rồng, những hình rồng được nghệ nhân tạc vô cùng sống động, mang vẻ đẹp mới mẻ, một nguồn cảm hứng mới về cuộc sống nhân sinh. Bên cạnh đặc trưng sản phẩm của làng nghề chạm gỗ, Phù Khê cũng thêm nổi tiếng khắp vùng gần xa với những sản phẩm gỗ mỹ nghệ cao cấp, không chỉ được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng, mà còn được xuất khẩu ra nước ngoài. Sản phẩm của người Phù Khê luôn có sự khác biệt với các làng nghề sản xuất đồ gỗ nơi khác bởi sự tỉ mỷ, cầu kỳ trong từng đường nét, vóc dáng sản phẩm. Nổi lên rõ rệt nhất là dòng sản phẩm đồ nội thất như giường, tủ, bàn ghế và dòng sản phẩm chạm khắc tranh tượng. Hiện tại, những tinh hoa của nghề gỗ cổ xưa của cha ông, vẫn được những lớp thợ làng nghề này gìn giữ, phát huy thông qua sự kết hợp giữa tỉ mỉ, chau chuốt từng đường nét, với công nghệ hiện đại như đục máy, cưa vi tính... thỏa mãn những yêu cầu khắt khe nhất của khách hàng.
Hiện nay, ở Phù Khê, nghề mộc không chỉ bó hẹp tại hai khu Phù Khê Đông và Phù Khê Thượng, mà mở rộng tới cả những khu dân cư Tiến Bào, Nghĩa Lập trong phường, với số hộ làm nghề lên tới 80 - 90 %. Một số mô hình công ty, hợp tác xã ra đời, góp cho hoạt động của làng nghề sự sôi động và đem lại sự giàu có cho đời sống của con người nơi đây. Tại phường đã hình thành nhiều trung tâm buôn bán các sản phẩm gỗ theo hướng chuyên nghiệp, trong đó có chợ gỗ cùng hệ thống gian hàng dùng để buôn bán gỗ cho các hộ sản xuất trong và ngoài địa phương.
Phù Khê hôm nay, trong nhịp sống sôi động của đất nghề với âm thanh cưa xẻ, đục chạm luôn vang khắp các đường làng ngõ xóm. Đó là âm thanh cuộc sống minh chứng cho sự phát triển của làng nghề. Và với những giá trị đã được khẳng định trong truyền thống của vùng đất nghề “chạm rồng” nổi tiếng trong lịch sử, cùng những người thợ tâm - tài và nhiệt huyết, hy vọng rằng, tên tuổi làng nghề “chạm rồng” sẽ tiếp tục được con người trên khắp mọi miền Tổ quốc biết tới. Cùng với đó, Đảng bộ và nhân dân Phù Khê tự hào là quê hương Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ - đã và đang phát huy tinh thần cách mạng của đồng chí; huy động mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng, thế mạnh vốn có của quê hương, phát triển kinh tế - xã hội nhằm xây dựng phường thành một vùng quê giàu mạnh, văn minh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa nông thôn vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.
QUANG THUẬN