Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

TRẬN CHIẾN 50 NĂM TRƯỚC
08:27 | 13/04/2020

Sau thất bại của chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam Việt Nam, vào đầu năm 1969, Tổng thống Mỹ Níchxơn đã đề ra chiến lược toàn cầu mới mang tên “Học thuyết Níchxơn” với ba nguyên tắc “trụ cột” là: “Cùng chia sẻ”, “Sức mạnh của Mỹ” và “Sẵn sàng thương lượng”.

Tổng thống Níchxơn tiếp tục cuộc chiến tranh ở miền Nam bằng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Đây là một chính sách rất thâm độc của Mỹ nhằm “dùng người Việt Nam đánh người Việt Nam” để tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới ở miền Nam. “Việt Nam hoá chiến tranh” được thực hiện theo ba giai đoạn: Từ 1968 đến 1970 kiểm soát vùng đông dân, tăng thêm lực lượng ngụy quân, rút một phần lính Mỹ về nước. Từ tháng 6 - 1970 đến 1971 kiểm soát phần lớn vùng đông dân, quân ngụy đảm nhận chủ yếu trên bộ, rút đại bộ phận quân Mỹ về nước. Từ tháng 6 - 1971 đến tháng 6 -  1972 cơ bản hoàn thành Việt Nam hóa chiến tranh.

Thực hiện chủ trương chỉ đạo của Trung ương Đảng, trong những năm 1970 - 1971, cách mạng miền Nam đã vượt qua khó khăn gian khổ, kiên trì xây dựng và phát triển lực lượng, tiến công địch trên cả ba vùng chiến lược, đánh bại từng bước chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và “Đông Dương hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ.

Tại chiến trường Lào, đầu năm 1970, Mỹ và quân của Vàng Pao mở cuộc hành quân lấn chiếm khu vực chiến lược Cánh Đồng Chum (Xiêng Khoảng). Thực hiện chủ trương của lãnh đạo Đảng hai nước, liên quân Lào - Việt Nam đã phối hợp mở chiến dịch phản công quy mô lớn, đánh bại cuộc hành quân của địch, bảo vệ căn cứ địa chủ yếu của Lào, phá thế uy hiếp sườn phía tây miền Bắc nước ta. Trên tuyến vận tải Đông - Tây Trường Sơn, địch tăng cường trinh sát thăm dò lực lượng của ta bằng thám báo, biệt kích luồn sâu vào khu vực trú quân, kho tàng trên tuyến. Phát hiện khả nghi lực lượng quân giải phóng là chúng dùng máy bay B52 rải bom tọa độ và máy bay cường kích đến bắn phá. Tiểu đoàn 35 pháo cao xạ 12,7 chúng tôi lúc ấy hầu hết là những pháo thủ đã từng chiến đấu từ năm 1965 với máy bay Mỹ từ ngày bùng phát chiến tranh phá hoại. Biên chế 800 quân được tuyển từ 2 sư đoàn 363, 365 quân chủng PKKQ, có 5 đại đội. Năm1969 huấn luyện cách đánh máy bay bay thấp, trực thăng, quân dù trong địa hình rừng núi, để tăng cường cho chiến trường miền Nam. Sau 3 tháng huấn luyện, tiểu đoàn hành quân vào đoàn 559. Tiểu đoàn bộ ở Động Prai, bên dòng sông Se Băng Hiêng biên giới Việt - Lào. Đại đội 1 được triển khai bảo vệ Chỉ huy sở đoàn 559. Đại đội 2 bảo vệ binh trạm 27 từ ngã ba Dân Chủ đồi 700, đến Trà Lỳ A Trooc. Đại đội 3 tiếp đoạn đường sông Se Băng Hiêng, qua động Prai thuộc đất Lào. Đại đội 4 bộ binh chiến đấu bảo vệ hành lang. Đại đội 5 đóng ở bản Knếp cuối tuyến binh trạm bố trí dọc theo tuyến kho, trạm giao liên, đường 14, 16, đường 9, khu vực Thừa Thiên Huế, Quảng Nam Đà Nẵng, dọc biên giới Việt - Lào.

Khẩu đội 6 pháo 12,7 đại đội 2, tiểu đoàn 35 của tôi được biên chế  quân số 23. Gồm 1 khẩu đội trưởng, 2 khẩu đội phó, 1 y tá, 19 chiến sỹ được chia làm 3 kíp trực chiến, trang bị đầy đủ quân trang quân dụng, vũ khí bộ binh, lương thực dự trữ. Pháo tháo rời từng bộ phận, từng pháo thủ mang vác trên 40 kg khi hành quân. Từ tháng 9/1969 nhận nhiệm vụ bảo vệ binh trạm bộ BT 27, khu Bến Mới, Trà Lỳ, gần cao điểm 700 dọc biên giới Việt Lào. Trận địa bố trí mai phục đón lõng máy bay bay thấp từ Tây Trường Sơn thuộc tỉnh Xa-va-na-khét sang biên giới tỉnh Quảng Trị. Thời điểm này binh trạm triển khai tiếp tế vào miền Nam phát triển trên 3, 4 tuyến đường: gùi thồ, đường xe ô tô, tuyến giao liên bộ, nay triển khai thêm tuyến đường sông. Bến Mới - Trà Lỳ là bến thả hàng. Nơi đây hội tụ ngã ba sông. Bộ đội cho bì gạo 50kg vào bao ni lông mầu xanh rêu của Trung Quốc viện trợ, từng  phi xăng dầu thả trôi theo dòng nước. Tiểu đoàn 161 rải quân theo dọc bờ sông theo sát, hàng dạt vào bờ dùng gậy đẩy hàng ra. Qua thực tế rút ra khi đưa hàng trôi theo dòng sông, suối vừa hạn chế thương vong cho bộ đội lại hạn chế cháy hàng, cháy xe. Kẻ địch cho máy bay trinh sát ngày đêm, thấy khả nghi kho hàng và tuyến vận chuyển là chúng tập trung đánh phá ác liệt bằng B52, san bằng cả khu rừng mà chúng phát hiện quân ta. Quyết tâm của đơn vị là phải đánh chắc thắng, tiêu diệt máy bay trinh sát, bảo vệ bí mật tuyến vận chuyển hàng mới triển khai.

Liên tục mai phục suốt 4 tháng mùa khô 1969 - 1970, từ tháng 11 năm trước đến tháng 2 năm sau ngụy trang chờ đợi. Liên lạc với đơn vị bằng tiếng súng: Khi cấp cứu bằng 3 phát súng AK, còn phải cho lính chạy bộ về hậu cứ báo cáo, chỉ có tiểu đoàn, đại đội mới có điện đài.

Ngày 8/2/1970 trời nắng gắt, bộ đội phơi mình với nắng nóng gió Lào trên đỉnh đồi, đối diện với dẫy núi A Trooc bên dòng sông Xe Băng Hiêng từ phía Tây chảy xuống phía Đông. Để đảm bảo bí mật, từ nòng pháo đến bờ công sự được ngụy trang cắm lá cây xanh một màu tự nhiên của núi rừng. Đến 16 giờ chiều nắng xiên, nhìn hướng tây qua ống nhòm hoa cả mắt, các chiến sỹ mồ hôi ròng ròng trên mặt, thay nhau vào hầm uống nước đổi ban. Mọi phần tử bắn được lấy sẵn, cự ly 1km7, góc tà 30 độ, góc phương vị nhằm thẳng hướng núi A Trooc chỗ yên ngựa, nơi đường máy bay địch thường trinh sát. Bất ngờ một máy bay F4 bay vào thẳng đường bay đã định. Một điểm xạ dài từ nơi mai phục nổ ra. Khói súng chưa tan, máy bay đã bùng cháy lao đầu vào chân núi, cách trận địa khoảng 2 km về phía Đông Bắc, thuộc địa phận xã Hướng Lập, huyện Hương Hóa, tỉnh Quảng Trị. Mừng vui khôn tả, nhưng để đảm bảo an toàn chúng tôi di chuyển ngay vị trí sang trận địa dự phòng, tránh máy bay phản kích. Một đêm vất vả sẵn sàng đánh trả quân địch nếu chúng trả đũa. Bản tin buổi tối hôm đó của đài Giải phóng đưa tin: Ngày 8/2 dân quân Hương Hóa bắn rơi máy bay F4.

Sau này về hậu cứ được biết thông tin như thế là còn phải bí mật lực lượng phòng không chủ lực từ miền Bắc vào. Anh em ở hậu cứ ra chỗ máy bay rơi có các đơn vị đường sông C1, D161, C71 Công trình BT27 cho biết: Khi máy bay bốc cháy có một dù đỏ bật ra, phi công rơi trên ngọn cây đã chết, bộ đội ta bắn đứt dây dù cho xác phi công rơi xuống, anh em chôn tại khe suối cạn ngã ba sông Sê Băng Hiêng, gần bến mới Trà Lỳ.

Chiến đấu với máy bay Mỹ hàng trăm trận, chỉ có trận này do khẩu đội 6, đại đội 2, tiểu đoàn 35 phục kích nổ súng bắn cháy máy bay. Không được ghi công nhưng tôi ghi một dòng nhật kí: “Ngày 8/2/1970 tự bắn cháy máy bay F4”. Cuốn nhật kí viết 12 năm ở chiến trường, từ tháng 4/1965 đến 30/12/1977, tôi đã trao tặng Bảo tàng Bắc Ninh, trưng bày là kỷ vật chiến tranh.

Năm 2013 quan hệ hai nước Việt - Mỹ có nhiều chuyển biến mới, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm chính thức nước Mỹ từ ngày 23/7/2013 đến 26/7/2013. Theo kế hoạch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ có một chương trình hoạt động dày đặc, bao gồm hội đàm, hội kiến với lãnh đạo nhà nước, quốc hội Mỹ, nhiều thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ, gặp gỡ chính giới, doanh nghiệp, học giả, bạn bè, lãnh đạo một số tổ chức quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở Mỹ. Tại cuộc hội đàm với Tổng thống Barack Obama, lãnh đạo hai bên cùng trao đổi về tầm nhìn quan hệ song phương trong giai đoạn mới, về những vấn đề quốc tế và khu vực, qua đó đưa quan hệ đi vào chiều sâu và ổn định hơn.

Bộ Quốc phòng Việt Nam cùng với Bộ Quốc phòng Mỹ phối hợp trong tổ chức MIA về vấn đề nhân đạo xúc tiến tìm kiếm máy bay và phi công Mỹ bị bắn rơi trên chiến trường Việt Nam - Lào. Đợt tìm kiếm này thực hiện liền sau cuộc tiếp xúc giữa Chủ tịch nước Việt Nam và Tổng thống Mỹ. Theo như đại tá Nguyễn Văn Hải, cán bộ Ban công tác Bộ Quốc phòng cho biết, con của người lái chiếc máy bay F4 mất tích ngày 8/2/1970 này là Thống đốc bang. Từ một dòng trong cuốn nhật ký ghi liên tục 12 năm của tôi, trùng với chiếc máy bay F4 mất tích của không quân Mỹ thời chiến tranh tại Nam Lào. Thế là rất nhiều cuộc gặp giữa tôi và nhiều người diễn ra. 

Lần thứ nhất tìm gặp tôi là cô Nguyễn Thị Hương, Ban công tác thuộc Bộ Ngoại giao, đến nghe tôi kể về trường hợp trận đánh bắn máy bay cháy ở Hướng Lập, Hương Hóa, Quảng Trị. Lần thứ hai là Đại tá Nguyễn Xuân Hải, Ban công tác thuộc Bộ Quốc phòng, về nắm lại nội dung máy bay F4 rơi và xin danh sách của tiểu đoàn pháo 35 để đi xác minh thêm về vụ máy bay bị bắn rơi. Lần thứ ba ngày 20/7/2013 Đại tá Nguyễn Xuân Hòa, Đại úy Nguyễn Văn Quang, Bộ Công an gặp tôi nắm thêm những nhân chứng biết vụ máy bay F4 bị bắn cháy tại Hướng Lập, Quảng Trị ngày 8/2/1970. 

Ngày 4/8/2013, đồng chí Quang  điện cho tôi 7giờ 30 ngày 8/8/2013 mời đến Nhà khách Chính phủ số 2 Lê Thạch gặp đoàn công tác của BQP Mỹ. Ngày 7/8 đại tá Nguyễn Xuân Hải điện cho tôi khi đi Hà Nội nhớ mang theo cuốn nhật ký ghi bắn máy bay rơi ngày 8/2/1970. Ngày 8/8 đồng chí Quang đưa xe về Bắc Ninh đón tôi và đồng chí Nguyễn Đức Hoành cùng đại đội, chứng kiến vụ máy bay rơi. Trên đường đi đồng chí Quang có nhắc chúng tôi: khi làm việc với đoàn người Mỹ các bác gọi người lái, người Mỹ chứ không nên gọi thằng Mỹ, giặc lái. Vì những người này theo phép ngoại giao họ nói tiếng Anh, thực ra họ nghe và nói được tiếng Việt. Chúng tôi cười đồng ý.

Hà Nội hôm đó mưa to, nhiều tuyến đường nước ngập trắng xóa, nên xe đi chậm, 8 giờ chúng tôi mới tới Nhà khách Chính phủ. Chờ đoàn người Mỹ tới, chúng tôi uống cà phê ở phòng lễ tân. 9 giờ đoàn Mỹ tới, chúng tôi lên tầng 2 làm việc. Tại đây đã sắp sẵn vị trí ngồi 2 bên. Phía Mỹ có ba người gồm: Ray Kelly trưởng đoàn; Coylle James đoàn viên; Trần Tuấn người Việt. Phía Việt Nam có ba người gồm: Đại tá Nguyễn Xuân Hải, Bộ Quốc phòng; Đại tá Nguyễn Xuân Hòa, Bộ Công an; đồng chí Phạm Minh Thu, Bộ Ngoại giao. Tôi được mời vào làm việc. Đoàn công tác Mỹ mở máy tính xem bản đồ vệ tinh bảo tôi chỉ vị trí trận địa phòng không và vị trí máy bay rơi trong trận đánh ngày 8/2/1970. Tôi định vị và chỉ đúng vị trí máy bay rơi. Họ vui ra mặt, có người vỗ tay. Tôi kể lại trận đánh đó, chính là trận địa phục kích đường bay trinh sát tình hình hoạt động của bộ đội ta. Trước khi làm việc tôi có ý kiến, trong cuộc chiến tranh đối mặt giữa hai người lính, ai nhanh tay phát hỏa trước người đó thắng. Ví như người lái máy bay F4 đó nếu phát hiện ra chúng tôi trước, chắc chắn anh ta cũng bắn. Nhưng đó là chuyện đã qua. Hôm nay chúng ta gặp nhau là vấn đề nhân đạo. Tôi tự giới thiệu có người cha là liệt sỹ chống Pháp. Khi cha hy sinh tôi mới lên 3 tuổi, em tôi mới 3 tháng. Mình mẹ tần tảo nuôi dưỡng chúng tôi trong sự mất mát, thiệt thòi không còn người cha. Sinh ra giữa buổi loạn ly, 17 năm sau anh em tôi đều nhập ngũ vào Miền Nam chiến đấu. Ngày nay chiến tranh đã chấm dứt, hai nước đã bình thường hóa quan hệ, chúng tôi những cựu chiến binh, có trách nhiệm tìm kiếm hài cốt những người lính của hai bên nên rất thông cảm với người thân của người lái máy bay này. Họ mời tôi cùng đi thực địa vào thời gian thích hợp, tôi cũng nói là do sức khỏe, bị thương 3 lần, còn mảnh đạn trong người, không đi được đường xa rừng núi. Lý do đó làm cho phía người Mỹ không được vui.

Sau giải lao đồng chí Hải có bảo tôi đây là lần tiếp xúc đầu tiên sau khi Chủ tịch nước sang thăm nước Mỹ. Họ mong mình có thiện chí hơn trong việc tìm kiếm người Mỹ mất tích, cháu muốn chú nhận lời mời đi sang Lào chỉ chỗ Máy bay rơi. Sẽ có chuyên cơ của Mỹ, có bác sỹ quân y đi cùng. Tôi hiểu ý, nhất trí nhận lời.

Đến bữa ăn trưa tại nhà hàng chả cá Lã Vọng - theo đề xuất của người Mỹ, đồng chí Hải giới thiệu Ray Kelly là lính quân đội Mỹ sang Việt Nam từ 1969, lấy vợ người Sài Gòn, hiện gia đình định cư ở đảo Ha Oai, cùng sinh năm 1947 đồng niên với chú Phụng. Tiếp lời tôi nói: Vậy là tình đồng niên, nên còn sức còn cố gắng tiếp tục đi tìm kiếm máy bay rơi và người phi công đó. Tôi và Ray Kelly chạm cốc uống hết cốc bia. Anh em trong đoàn thay nhau đến chúc chúng tôi hợp tác. Người Mỹ này vui đùa bảo “Vợ dặn không được uống nhiều”. Đoàn công tác MIA hai nước vui vẻ vì đã thống nhất tạo điều kiện để đi xác minh chỗ máy bay rơi. Việc tiếp theo là tổ chức các đoàn đi thị sát trực tiếp trên rừng núi biên giới Việt Lào.

Cho đến cuối năm 2016, đoàn đã tổ chức được 3 đợt cho các nhân chứng trở lại chiến trường thị sát vị trí máy bay rơi. Đợt thứ 3 có đồng chí Nguyễn Văn Trạch C71 công binh, đồng chí Nguyễn Thế Thìn C1, D161 đường sông, đồng chí Nguyễn Văn Tịnh đã chỉ chỗ máy bay rơi, tìm được các mảnh vỡ  máy bay. Để tìm kiếm vết tích của người lái, người Mỹ chỉ huy đào bới từng sảo đất sàng lắc, như tìm đãi vàng trên diện tích 100m2, nhưng vẫn chưa thấy dấu vết nào thuộc thi thể phi công. Có thể do mưa, lũ hơn 40 năm, xác người đã phân hủy bị dòng nước cuốn đi. Vì nhân đạo mà chúng tôi - những người lính QĐND Việt Nam, mới nhiệt tình cộng tác tìm kiếm máy bay Mỹ và người phi công mất tích 47 năm mới được xác minh. Cũng vì bí mật lực lượng mà chiến công ngày đó của khẩu đội 6, trung đội 3, đại đội 2, tiểu đoàn pháo cao xạ 12,7 không ai biết đến. Qua MIA đã tìm ra chính xác đơn vị bắn rơi máy bay F4 ngày 8/2/1970 tại biên giới Việt - Lào. 

Bây giờ kể lại chuyện này chia sẻ cùng đồng đội về sự thầm lặng của khẩu đội 6, B3, C2, D35 pháo cao xạ BT27 của chúng tôi ngày ấy. Xin được là nén hương thơm từ tấm lòng thành người lính năm xưa, tri ân những đồng đội đã khuất và để nói với đồng đội hiện còn ở các vùng quê trên mọi miền đất nước mà chưa liên lạc được với nhau. Nhưng tôi tin, sự thật dù trước hay sau vẫn là sự thật./.

                                                                                                                                                                                                                                            NGUYỄN TRUNG PHỤNG