Di tích Lịch sử - Văn hoá Nhà cụ Tú Ba, thuộc khu phố Cẩm Giang, phường Đồng Nguyên, thị xã Từ Sơn hôm nay đã khang trang hơn nhiều, và chỉ một ngày không xa nữa, khi dự án đầu tư tôn tạo và mở rộng được triển khai xây dựng, nơi đây sẽ còn có những đổi thay hơn nữa, xứng với giá trị và tầm vóc của một di tích, nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm của Nguyễn Văn Cừ suốt những năm tháng tuổi ấu thơ, cũng là nơi cậu bé Cừ được ông ngoại nuôi dưỡng, luyện chữ rèn người, trước khi trở thành người Cộng sản trung kiên, lãnh tụ lỗi lạc của Đảng, của nhân dân.
Sau những ngày giãn cách xã hội vì dịch Covid -19, bầu trời trở nên trong xanh, quang đãng. Nắng đầu hè chói chang, chúng tôi về thăm Khu di tích Lịch sử - Văn hóa Nhà cụ Tú Ba. Biết nhau đã lâu, và tôi cũng là người vinh dự được cùng phái đoàn thị xã Từ Sơn và phường Đồng Nguyên ra Hà Nội nhận bàn giao một số bản sao hiện vật do Viện Bảo tàng Cách Mạng Việt Nam trao tặng cho Di tích Lịch sử - Văn hóa Nhà cụ Tú Ba, nên ông Nguyễn Anh Tuấn, là người trong gia tộc cụ Tú Ba, được trực tiếp trông nom di tích rất đon đả chào đón. Vừa gặp nhau ông đã chỉ vào ngôi nhà gỗ tinh khôi còn tươi màu ngói mới, rồi khoe: “Anh thấy không, di tích đã được tôn tạo khang trang, không còn ẩm thấp, tuềnh toàng như ngày anh về thăm lần trước…”. Trong câu chuyện, ông Tuấn phấn khởi cho chúng tôi biết, di tích đã được cán bộ thị xã Từ Sơn và tỉnh Bắc Ninh về khảo sát, lập dự án đầu tư nâng cấp và mở rộng, với nhiều hạng mục công trình có giá trị, chỉ riêng dự án mở rộng con đường dẫn vào khu di tích (đã được UBND tỉnh phê duyệt), kinh phí lên tới trên 56 tỷ đồng…
Ngôi nhà cụ Tú Ba, ông ngoại cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ từng là cơ sở cách mạng của Đảng ta trước và trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Di tích là ngôi nhà ngói ba gian, nơi đây còn lưu giữ một số hiện vật liên quan đến gia đình, đến đồng chí Nguyễn Văn Cừ và các chiến sỹ lão thành cách mạng. Khi xưa, tại ngôi nhà này, gia đình cụ Tú Ba - một nhà nho nghèo yêu nước dùng làm nơi ăn ở và dạy học. Tại đây, cụ Tú Ba dạy dỗ nhiều học trò trong vùng trưởng thành, trong đó có người cháu ngoại là Nguyễn Văn Cừ. Từ năm 1939, ngôi nhà của cụ Tú Ba còn là địa điểm hoạt động của nhiều cán bộ cách mạng như Ngô Văn Hiệp, Lê Hoàng, Phạm Văn Đông (tức Kỳ Vân)… Các đồng chí đã dùng ngôi nhà này làm nơi dạy học và để che mắt địch, tuyên truyền thành lập chi bộ Đảng cộng sản Cẩm Giang - Phù Lưu - Đình Bảng, do đồng chí Phạm Văn Đông làm Bí thư chi bộ.

Chân dung Nguyễn Văn Cừ thời niên thiếu
Sau khi giành chính quyền thắng lợi ở Từ Sơn, ngôi nhà cụ Tú Ba được dùng làm kho vũ khí của quân cách mạng. Đến nay, mặc dù đã trải qua sự tàn phá của chiến tranh và năm tháng, ngôi nhà cụ Tú Ba đã bị hư hỏng và sửa chữa nhiều lần, song di tích vẫn giữ được nguyên trạng, cùng một số hiện vật có giá trị liên quan đến cụ Tú Ba và đồng chí Nguyễn Văn Cừ như ảnh chân dung Nguyễn Văn Cừ thời niên thiếu, Nguyễn Văn Cừ thời kỳ bị giam cầm tại nhà tù Đế quốc; “Văn bằng Việt Nam sơ đẳng tiểu học” của Nguyễn Văn Cừ do Đốc học và Công sứ tỉnh Bắc Ninh cấp ngày 1/9/1925; “Văn bằng tiểu học Pháp - Việt” của Nguyễn Văn Cừ, do Chánh thanh tra Tiểu học và Văn phòng phủ Thống sứ Bắc Kỳ cấp ngày 17/4/1928 và một số hiện vật có giá trị khác.
Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 9/7/1912 trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống hiếu học và yêu nước. Là con thứ hai trong gia đình có bốn chị em, vì hoàn cảnh nghèo túng, cha mẹ phải đưa Nguyễn Văn Cừ sang nhờ ông ngoại nuôi dạy từ khi mới tròn 6 tuổi. Cụ Nguyễn Thực, còn gọi là cụ Tú Ba, sau khi đỗ bằng tú tài đã từ chối không ra làm quan, ở nhà dạy học. Nguyễn Văn Cừ được ông ngoại thương yêu chăm chút lo dạy chữ nho cho cháu. Trong những năm dạy học cho cháu, cũng chính là thời gian cụ Tú Ba giáo dục và khơi dậy truyền thống yêu nước của quê hương, gia đình vào tâm trí tuổi ấu thơ của đứa cháu ngoại mà cụ hằng mến yêu tin tưởng.
Thấy Nguyễn Văn Cừ thông minh nhanh nhẹn, cụ Tú Ba quyết định cho đi học chữ quốc ngữ ở phủ Từ Sơn. Đây cũng chính là quyết định thức thời mở đường cho Nguyễn Văn Cừ có điều kiện sớm tiếp cận với tư tưởng mới. Tuy là học trò nhỏ tuổi nhất lớp nhưng bao giờ điểm học tập và hạnh kiểm của Cừ cũng đứng đầu. Không chỉ vì học giỏi, mà thái độ đúng mực, nghiêm túc trong học tập, lối sống thẳng thắn, trung thực, giản dị và luôn gần gũi mọi người của Nguyễn Văn Cừ đã làm cho các bạn và thầy giáo mến yêu nể phục. Nhớ lại 3 năm học cùng nhau dưới mái trường tiểu học phủ Từ Sơn, trong hồi ký “Kỷ niệm sâu sắc về đồng chí Nguyễn Văn Cừ”, tác giả Nguyễn Văn Minh, người bạn thân của Nguyễn Văn Cừ đã viết: “Đồng chí Cừ học tập vào loại giỏi. Tháng nào nhà trường cũng xếp loại học sinh, đồng chí Cừ luôn được xếp loại ưu… Tính tình Cừ trung thực, ít nói, ngay từ lúc này đồng chí đã có lối sống kín đáo và chín chắn… Đối với thầy giáo, Cừ luôn lễ phép nhưng không sợ hãi, không xu nịnh…”.
Học xong phần học ở trường tiểu học phủ Từ Sơn, cụ Tú Ba quyết định cho Nguyễn Văn Cừ lên tỉnh Bắc Ninh theo học tại Trường tiểu học Pháp - Việt. Thời gian này, kinh tế gia đình cụ Tú Ba gặp nhiều khó khăn, thương ông ngoại vất vả, Nguyễn Văn Cừ vừa học vừa dạy học thêm để kiếm sống. Năm 1928, Nguyễn Văn Cừ thi đỗ loại giỏi, được học bổng toàn phần khi vào học tại trường “Bảo hộ”, còn gọi là trường Bưởi - Hà Nội (THPT Chu Văn An ngày nay), là trường trung học lớn nhất nước ta lúc bấy giờ. Được học tập dưới mái trường đầu tiên có phong trào yêu nước của học sinh, tiếp thu hệ tư tưởng mới của thời đại truyền bá vào phong trào cách mạng ở nước ta, Nguyễn Văn Cừ vừa học tập, vừa bí mật tìm hiểu về cách mạng, về lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc… để rồi anh sớm hiểu rõ vì sao nhân dân ta phải sống trong nô lệ, cùng tội ác dã man của chế độ thực dân xâm lược. Từ đó, Nguyễn Văn Cừ đã vạch cho mình con đường đi duy nhất, dẫu có phải chịu đựng nhiều gian khổ hy sinh, đó là con đường đấu tranh giải phóng dân tộc. Cũng từ giác ngộ cách mạng đầu tiên ngôi trường này, sau nhiều năm nằm gai nếm mật, cùng chịu đói rách khổ đau đối với đồng bào, đồng chí trong những ngày hoạt động cách mạng gian khổ, Nguyễn Văn Cừ đã trở thành lãnh tụ cách mạng lỗi lạc, Tổng Bí thư Đảng ta khi mới tròn 26 tuổi. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã dâng hiến cả cuộc đời cho Cách mạng, cho Đảng, cho dân. Công lao to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc chính là những bài học có giá trị sâu sắc cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Từ Sơn tự hào là mảnh đất địa linh nhân kiệt, không chỉ là quê hương phát tích các vị vua triều Lý, còn là nơi sản sinh ra các vị lãnh tụ cách mạng tiền bối như Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Tự... bởi vậy, việc quan tâm đầu tư tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa và cách mạng trên địa bàn không chỉ là trách nhiệm, còn là tình cảm thiêng liêng của mỗi người con Bắc Ninh đối với các vị tiền nhân đã có công với dân, với nước. Dẫu vẫn biết, vì điều kiện kinh phí của địa phương có hạn, không thể thực hiện đồng bộ trong ngày một, ngày hai, nhưng Di tích Lịch sử - Văn hóa Nhà cụ Tú Ba, đã được UBND tỉnh Hà Bắc cấp bằng công nhận từ năm 1996, trở thành nhân chứng lịch sử quan trọng có liên quan mật thiết tới quãng đời niên thiếu của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, là cơ sở hoạt động cách mạng của nhiều lãnh tụ tiền bối trong những tháng năm gian khổ tìm đường cứu dân, cứu nước, bây giờ mới được lập dự án đầu tư mở rộng là hơi muộn. Rất mong lãnh đạo thị xã Từ Sơn và tỉnh Bắc Ninh, cùng các ngành có liên quan sẽ làm hết sức mình, với quyết tâm cao nhất để toàn bộ dự án sớm được phê duyệt và triển khai xây dựng, đáp ứng lòng mong mỏi của cán bộ, nhân dân trong tỉnh và đồng bào cả nước. Làm cho di tích ngày càng xứng với tầm vóc và giá trị của nó, nhân lên ngọn lửa nhiệt huyết của mỗi người dân trong thời đại mới, cùng chung lòng góp sức bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp./.
HOÀNG NGỌC BÍNH