Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

THÂN PHỤ, THÂN MẪU ĐỒNG CHÍ NGÔ GIA TỰ YÊU NƯỚC, THƯƠNG DÂN SÂU SẮC
10:51 | 05/02/2024

 Đồng chí Ngô Gia Tự người chiến sỹ Cộng sản lỗi lạc của Đảng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một trong những người sáng lập Đông Dương Cộng sản Đảng, người con ưu tú của quê hương Bắc Ninh.

Tư liệu về cuộc đời sự nghiệp của đồng chí Ngô Gia Tự từ trước đến nay có rất nhiều, nhưng tư liệu phản ánh về thân phụ và thân mẫu đồng chí thì  sưu tầm được còn hạn chế. Thân phụ đồng chí là cụ Ngô Gia Du, thân mẫu là cụ Nguyễn Thị Bảy. 
Các tài liệu ghi chép về cụ Ngô Gia Du nhiều hơn cả là sách: “Ngô Gia Tự cuộc đời và sự nghiệp” do Tỉnh ủy Bắc Ninh xuất bản năm 2003. Theo tư liệu này: “Cụ Ngô Gia Du theo học chữ Nho, thi Tam Trường không đậu, cụ trở về quê làm nghề dạy học. Vì vậy nhân dân trong vùng vẫn thường gọi là cụ đồ Du. Cụ tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục do nhà yêu nước Lương Văn Can, Nguyễn Quyền khởi xướng và lãnh đạo. Cụ đã tìm mọi cách để tiếp cận con đường cách mạng nhưng sự nghiệp chẳng thành. Thời gian này thực dân Pháp và tay sai đã dùng  mọi thủ đoạn để truy lùng bắt bớ các sỹ phu yêu nước không chịu cộng tác với chúng. Cụ Ngô Gia Du phải giả ngây dại để tránh sự truy lùng khủng bố của kẻ thù.
Cụ Ngô Gia Du vốn là người thông minh hiếu học, nhưng trong bối cảnh lịch sử xã hội lúc bấy giờ, chốn quan trường chủ yếu dành cho quan lại, con em nhà giàu quyền quý, nên việc học hành thi cử của cụ gặp nhiều trắc trở dở dang, cuối cùng cụ phải sống ẩn dật nơi quê nhà tiếp tục dạy học và hoạt động yêu nước dười hình thức khác.
Về một tên gọi khác và những hoạt động yêu nước của cụ Ngô Gia Du, được ghi trong tài liệu “Thượng cổ xã Tam Sơn đồng dân công ước chí” thì chưa được nhiều người biết rõ.
Tài liệu trên do ông Ngô Khái, sinh năm 1931 cư trú tại thôn Tam Sơn lưu giữ sau hiến tặng Bảo tàng Bắc Ninh. Ông Ngô Khái là cháu, gọi đồng chí Ngô Gia Tự là cậu ruột và là em Anh hùng Lao động Ngô Gia Khảm.
Tài liệu “Thượng cổ xã Tam Sơn đồng dân công ước chí” dày 162 trang, viết trên giấy bản khổ 28cm x 16cm, hầu hết các trang là chữ Hán, có một số trang chữ Nôm. Văn bản được lập ngày 19 tháng 8 năm Duy Tân thứ 5 (1911). Ở đa số các trang đều có dấu của Lý trưởng.
Nội dung tài liệu trên có nhiều phần, trong đó từ trang 145-148 ghi niên hiệu triều Vua, ngày tháng lập văn bản, tiếp đó là họ tên những người tạo ra văn bản. Trong số họ có Nguyễn Thiện Kế - người đứng đầu văn bản đỗ Phó bảng năm 1898 và Ngô Tác Tân (Lý trưởng) - thân phụ đồng chí Ngô Gia Tự. Trong giấy xác nhận bàn giao tài liệu trên cho Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh, ông Ngô Khái ghi rõ: “Tại trang 148 có chữ ký  của cụ Ngô Tác Tân - tức cụ Ngô Gia Du (là thân phụ của đồng chí Ngô Gia Tự và ông ngoại tôi. Lý do  đổi  từ  Ngô Gia Du sang Ngô Tác Tân: Trước đây cụ Ngô Gia Du tham gia phong trào “Đông Kinh nghĩa thục”, sau bị Tổng đốc Bắc Ninh và quan phủ Từ Sơn truy lùng gắt gao, ông đã giả điên để tránh sự truy lùng của kẻ thù, thời gian lưu lạc khoảng 3 năm. Sau đó ông quay về làng làm Lý trưởng và đổi tên thành Ngô Tác Tân. Tân nghĩa là làm mới tên của mình và đổi mới tư tưởng. Trong thời gian làm Lý trưởng, ông đã liên kết với một số trí thức yêu nước như: Phó bảng Giáo thụ Nguyễn Thiện Kế, Tú tài Ngô Gia Đạt, Tòng cửu phẩm bách hộ Ngô Đức Nghi - thực hiện một số cải cách tiến bộ như:
- Vận động nhân dân bỏ tục lệ dùng thịt trâu và bánh dày vào các dịp sự lệ, thay bằng oản và bánh vừng.
- Vận động nhân dân bỏ tục mang vàng mã, hương đến cúng người chết để tránh sự lãng phí. 
- Xây dựng các đội “tráng” (các thanh niên trai tráng trong làng) để bảo vệ trật tự an ninh địa phương. 
- Giảm số lượng đi phu, đi lính cho Pháp bằng cách kê khai lệch độ tuổi.
- Thành lập đội “Trưng nước” để phân ra đồng cao và đồng thấp. Đồng cao để cấy lúa và làm hoa màu, đồng thấp chỉ cấy lúa vụ chiêm, sử dụng nước ở đồng thấp chống hạn cho đồng cao.
- Vận động những người giàu có trong làng mua “Tư văn” để lấy tiền mua gạch lát đường (đến nay vẫn còn).
(Văn bản trên do ông Ngô Khái đã ký cam đoan đúng sự thật, UBND xã Tam Sơn ký và đóng dấu xác nhận).
Văn bản “Thượng cổ xã Tam Sơn đồng dân công ước chí” cùng với việc cung cấp những tư liệu mới về thân phụ đồng chí Ngô Gia Tự còn có giá trị nhiều mặt khác như:
- Ghi lại nội dung 4 bài thơ tương truyền là của Sơn thần nguyên là cung phi thời Lý giáng bút, khi đến vãn cảnh chùa Tam Sơn (Cảm Ứng tự).
- Liệt kê các vị Thần, Phật được thờ ở chùa Tam Sơn: Ngoài các vị tôn thần cung phi nhà Lý, các vị Thiền sư Định Hương, Bảo Tĩnh, Minh Tâm; văn bản còn ghi về các vị Thành hoàng làng (Sơn thần, Trạng nguyên Nguyễn Quan Quang, Tiến sỹ Nguyễn Tự Cường và các vị Tiên hiền bản xã…).
- Ghi chép nghi thức tế lễ ở chùa Tam Sơn theo nghi thức tế Thành hoàng làng ở đình làng.
- Phần “Toàn niên tế văn” ghi lại các bài văn tế thần, văn cúng  Phật trong các kỳ lễ tiết, các câu đối, đại tự ở chùa làng Tam Sơn.
- Phần nội dung quan trọng (từ trang 45 - 106) là “Bản xã công lệ” thực chất là hương ước của làng Tam Sơn bao gồm 60 điều.
- Ghi chép về số ruộng công điền của làng (về diện tích, phân bố, cách phân phối sử dụng… từng loại ruộng).
- Ghi chép rõ lễ vật (lợn, xôi, oản, chuối… cùng các phụ phí khác) mà các thôn (xóm) phải nộp đủ trong các kỳ lễ tiết trong nhiệm kỳ đăng cai của mình.
- Ghi chép một số điều lệ sửa đổi vào năm Bảo Đại thứ 6 (1931), tiếp đó là nội dung bài điệp văn hòa bình và bài thơ họa lại bài “Vịnh cây bèo” gửi Mao Bá Ôn - tướng nhà Minh vào năm 1541. Một số tư liệu trước đây cho rằng đó là bài thơ của Trạng Nguyên Giáp Hải. Còn theo các cụ Tam Sơn và cuốn “Lịch sử họ Ngô tổng hợp” thì đó là bài thơ của Trạng Nguyên Ngô Miễn Thiệu, người bản xã, đỗ năm 1518.
Như vậy nội dung văn bản “Thượng cổ xã Tam Sơn đồng dân công ước chí” không chỉ cung cấp cho chúng ta tư liệu về thân phụ đồng chí Ngô Gia Tự, mà còn có giá trị về nhiều vấn đề khác (như nêu trên), trong đó đa phần thực chất là hương ước của làng Tam Sơn.
Phần ghi bút tích và con dấu của Lý trưởng Ngô Tác Tân - trong văn bản là căn cứ khoa học cho việc phục chế hiện vật (con dấu) góp phần vào nội dung trưng bày, giới  thiệu về thân phụ của đồng chí Ngô Gia Tự, trong tổng thể cơ cấu nội dung trưng bày về “Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Ngô Gia Tự ở địa phương và Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh.
Truyện về thân mẫu đồng chí Ngô Gia Tự:
Cụ Hoàng Đạo Thúy và các cụ địa phương kể rằng: Bà cụ Lý, người làng Tam Sơn, huyện Từ Sơn (nay là thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) có con là đồng chí Ngô Gia Tự. Bà mẹ đã nuôi dạy con như thế nào mà đồng chí Ngô Gia Tự trở thành người chiến sỹ cách mạng kiên cường đến thế, không tra tấn nào lay chuyển, không ngục tù nào khuất phục được. 
Nhưng bà cụ  còn một người con trai nữa, tên là Ngô Gia Lễ. Cùng đi học với em, nhưng Ngô Gia Lễ  đi  một con đường khác. Tốt nghiệp trường Pháp chính, Ngô Gia Lễ ra làm tri huyện. Ông huyện Lễ  đến nhậm chức ở huyện Gia Viễn (Ninh Bình) khá lâu mới nhận được thư của cụ (tức thân mẫu), cụ bảo: “Đến  rằm thì đến chơi với con cháu”.
Thế mà sáng mười tám, mới thấy bà cụ đến huyện. Ăn cơm xong, cụ sửa soạn ra tàu ngay. Ông Lễ hỏi “Sao mẹ bảo xuống chơi ba ngày, mà mẹ lại về ngay?”
Cụ cười: “Tao đến từ hôm rằm đấy chứ. Nhưng tao đi qua các làng xã đã. Ở đâu người ta cũng bảo là quan huyện “liêm”, thế là tao mới đến huyện chứ. Bây giờ thì hết ba ngày rồi, tao phải về, còn gặt chứ!”
Ở cái thời ấy, còn có người “làm quan”, nhưng con cụ cũng phải là quan “Thanh liêm”. 
Tư liệu và truyện về thân phụ và thân mẫu đồng chí Ngô Gia Tự nêu trên có ý nghĩa nhân văn vô cùng sâu sắc, góp phần giáo dục tinh thần yêu nước thương dân cho các con của hai cụ nói riêng và thế hệ trẻ kế tiếp nói chung trên quê hương, đất nước./.
                                                                                                                                                                                                                LÊ VIẾT NGA