Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

TẾT Ở ĐẢO CHÌM
10:54 | 13/01/2020

Đá Thị - Đêm mùng 6 tháng Chạp. Chỉ còn gần tháng nữa đã đến Tết cổ truyền. Bên chiếc bàn nhỏ kê trong phòng Chính trị viên đảo, ngoài tôi còn có hai người lính nữa. Một cấp cao - Đại tá Phó trưởng Lữ đoàn 146 Ngô Duy Đỗ và một cấp “vừa vừa” - Thượng úy Nguyễn Văn Tưởng - Chính trị viên “mới toanh” của Đá Thị.

Câu chuyện bên bàn trà xoay quanh chuyện Tết của lính đảo, nhất là Tết ở đảo chìm của hai người lính biển. 

* Tết đảo chìm trong ký ức

Gương mặt rám nắng nhưng đôi mắt lúc nào cũng như cười, Đại tá Đỗ - Một trong những người lính Hải quân tham gia cắm mốc chủ quyền trên các đảo nổi, đảo chìm ở Trường Sa năm 1988 dưới sự chỉ huy của Đô đốc Giáp Văn Cương chiêu một ngụm trà, gật gù: “chuẩn Tân Cương!”. Thì đâu có sai, vì lúc chuẩn bị xuống tàu, cô bạn gái làm ở Hội Nhà báo Thái Nguyên sẻ cho tôi nửa gói, giờ mang ra thưởng thức. Dường như muốn chờ vị trà ngấm hết, Đại tá Đỗ mới hắng giọng: “Cái ngày đầu tiên bọn tớ lên đảo chìm, khổ sở hơn bây giờ nhiều - (Anh chưa đến năm mươi nhưng chất giọng quê Thái Bình của anh cứ khàn khàn, nghe thấy cứ là lạ - Đám phóng viên đi cùng anh trong chuyến công tác Bắc Trường Sa lần này hay đùa anh như thế).  Lúc ấy, đảo chìm chỉ là một bãi san hô thường chìm dưới mặt nước biển, chỉ đôi chút nhô lên khi thủy triều rút xuống. Chờ thủy triều xuống thật thấp, có nghĩa là lúc ấy, bãi san hô nổi trên mặt biển rộng nhất, anh em công binh hải quân mới hì hục đào một cái hố, to chừng cái thùng phi đựng dầu hỏa ấy, đặt giữa lòng thùng phi một cây gỗ loại tốt, rồi trộn bê tông đổ trực tiếp vào phi và xung quanh thùng gắn xuống thềm san hô. Từ cái cột gỗ trong thùng phi đầu tiên đặt ở trung tâm bãi san hô chỗ định dựng nhà ấy, mới cắm tiếp những thùng phi xung quanh. Thường để dựng được một nhà cho bộ đội ở được trên mỗi đảo chìm cần phải có 18 thùng phi cắm cột gỗ như thế. Có khi anh em phải dựng trong thời gian rất dài mới xong phần móng độc đáo này. Sau khi có đủ 18 cột, mới dựng tiếp xà ngang, xà dọc, cột phụ… rồi lợp mái… Cơ cực lắm. Nhiều lần, dựng nhà xong, có khi chỉ một trận bão, gió biển lại quật cho tơi tả. Thông tin, liên lạc thì khó khăn, làm gì có chuyện cứ cần là nhấc điện thoại gọi nheo nhéo như các cậu bây giờ. Tất cả đều phụ thuộc vào những chuyến tàu từ đất liền ra. Mà tàu của mình ngày ấy thì lạc hậu, công suất nhỏ, sóng gió cấp 6 cấp 7 đã khó cưỡng được dòng biển cuốn, có khi hành trình ra được tới đảo mất cả tháng trời… Nhưng nói thật, ngày thường không sao, chứ đến gần Tết, nói gì thì nói chứ nhớ nhà, nhớ hương vị đất liền vô cùng…” Anh bỗng ngừng lời, chế thêm nước trà vào chén, tay vuốt ve con chó nhỏ vừa lẻn vào bên cạnh. “Tết lúc ấy trên đảo chìm có gì, anh?”. Cậu phóng viên báo Thái Bình cậy đồng hương với Đại tá Đỗ vừa chen vào bên cạnh, háo hức hỏi. 

“Thì cũng có thịt lợn, bánh chưng, dưa hành, ngày ấy có khi còn có cả pháo để đốt giao thừa ấy chứ… Nói chung là tiêu chuẩn Tết thì không bị thiếu thốn nhiều lắm. Chỉ nhớ nhà thôi. Mà ngày ấy không phải mỗi “tăng” đi đảo chỉ có một năm đến năm rưỡi như bây giờ. Có “tăng” chúng tớ ở đảo đến ba bốn năm mới được thay vào đất liền ấy chứ. Nói không ngoa, có lần mình từ đảo vào đất liền mà thấy sao mình chậm chạp so với mọi người quá thể”… 

Điều này thì tôi đã được nghe rất nhiều anh em có thâm niên đi Trường Sa kể. Đại úy Ngọc - Người sau khi đóng quân tại rất nhiều đảo nổi, đảo chìm giờ rút về tàu HQ 996 cũng đã từng tâm sự: “Sau ba năm rưỡi đóng quân ở Sinh Tồn, ngày đầu tiên cập cảng, xin phép thủ trưởng, anh và một đồng đội nữa ra phố, gọi mỗi người một bát phở bò mà ăn hết của chủ quán bốn rổ rau sống, đến mức, bà chủ phải nài nỉ: Các chú ăn rau sống quá trời, tiền rau nhiều hơn tiền phở đó mấy chú…thành ra ngại. Anh em đứng lên trả tiền rồi sang quán khác, gọi tiếp một bát phở nữa, kêu chủ quán cho ít bánh phở để chỉ cần được ăn rau…” Những câu chuyện của lính đảo đơn giản thế thôi nhưng sao cứ khiến người nghe thổn thức  thật lạ. 

Quay trở lại bàn trà, bên câu chuyện Tết đảo chìm của Đại tá Đỗ, qua giọng kể khàn khàn của anh, Tết trên đảo chìm cách đây vài chục năm hiện ra thật giản dị: “Chiều ba mươi, sau khi tập trung rút kinh nghiệm các công việc, phân công các kíp trực, bộ đội trên đảo bắt tay vào chuẩn bị Tết. Con lợn được đất liền đưa ra từ trước đó hàng tháng được mổ thịt, phần cắt ra làm nhân gói bánh chưng, thịt nạc cho vào giã giò - mà giã tay nhé - Anh Đỗ nhấn nhá, giọng cười cười - Phần nữa cho bó giò xào, phần lọc lấy mỡ rán để ăn những ngày sau, rồi anh em quê vùng nào, có món ăn gì đặc trưng để ăn Tết thì sẽ tự làm món đó cho mọi người ăn thử. Tất nhiên không thể đầy đủ gia vị như trong đất liền, nhưng ăn cũng thấy hay hay…”. “Đồ ăn dư không cho vào tủ bảo ôn để trữ hả anh” - Không biết phóng viên nào thập thò ngoài cửa phòng, hỏi hắt vào - “Lúc ấy, trên đảo chìm đã làm gì có điện, lấy đâu ra tủ bảo ôn. Cái tủ bảo ôn duy nhất là Dạ dày! - anh Đỗ nói rồi cười khùng khục - Bữa cơm tất niên chiều Ba mươi sẽ có cả lòng lợn, tiết canh nếu hãm được tiết, mà này, ngày ấy chưa có H5N1 hay HH gì gì đó đâu, nên nếu hãm được tiết là đánh tiết canh tưng bừng. Bánh chưng thì phải chờ đến sáng mùng Một… “Làm thế nào giữ cho lá dong tươi được để gói bánh chưng, sếp Đỗ?” - Tôi “bon chen” xía ngang một câu - “À, giữ được lá dong để gói bánh chưng cũng là một kỳ công nhé. Sau khi lá dong được tàu hậu cần mang ra đảo, thường thì phải cách Tết hàng tháng trời. Để giữ lá đến đúng Tết, bộ đội trên đảo mới tìm một cái ống giang to nhất trong số ống được mang ra, dài ít nhất phải bằng chiều dài chiếc lá dong. Họ giở gói lá dong đất liền mang ra, xếp từng lá một quấn quanh cái ống ấy. Hình dung khi xếp xong, cái ống sẽ như một thân cây chuối í, đến lúc dỡ lá ra để gói bánh như các bạn bóc bẹ chuối thôi mà, rồi đem dựng ở chỗ kín gió nhất trong nhà… Giữ cách này, có thể lá dong sẽ tươi được hàng tháng, tất nhiên khi bỏ ra gói bánh, nó không thể còn giữ nguyên màu xanh như lá mới cắt được mà chuyển màu hanh vàng. Nhưng có lá dong để gói được bánh chưng đã là quá hạnh phúc rồi, còn xanh với đỏ gì nữa”. Cái cách lí giải của Phó lữ đoàn trưởng Lữ 146 sao mà giản dị và cái cách bộ đội đảo chìm bảo quản lá dong trong những dịp Tết cách đây vài chục năm cũng thật độc đáo. Rồi tiếng cười của Đại tá Đỗ cất lên sảng khoái khi bị một nhà báo nào đó trêu đùa. “Cơm tất niên xong thì tập trung anh em trên đảo lại, nghe radio, chờ đón giao thừa, nghe Chủ tịch nước chúc Tết, rồi nghe Thơ xuân… Chúng tớ có ối việc để làm, đâu có như các cậu nghĩ…” Rồi câu chuyện lại xoay quanh viêc chăm lo cái Tết cho bộ đội ở đảo chìm Đá Thị trong xuân Ất Mùi này.

* Và Tết đương thì

Lan man chuyện cũ, chuyện mới, cuối cùng, câu chuyện bên bàn trà lại vòng vo về lo cho bộ đội ăn Tết. Việc chuẩn bị chung cho bộ đội đảo chìm và riêng cho Đá Thị ăn Tết năm nay, đoàn công tác của Lữ đoàn 146 đã vận chuyển lên đảo đủ cơ số hàng hóa đảm bảo đúng tiêu chuẩn của bộ đội. Có quà Tết của Đảng, Chính phủ, của Lữ 146, của Vùng, của Bộ Quốc phòng và nhân dân cả nước dành cho bộ đội Trường Sa đón Tết. Điều ấy thì chúng tôi đã thấy ngay từ lúc xem bốc xếp hàng trên quân cảng Cam Ranh xuống tàu, đảm bảo “Tết đất liền có gì, Trường Sa có thứ đó”. 

Không chỉ có thực phẩm vận chuyển ra từ đất liền, các đảo chìm bây giờ cũng đã tự nuôi được vịt, gà, thậm chí có đảo nuôi được cả heo. Rau xanh và rau gia vị bộ đội cũng trồng được. Còn chó trên các đảo chìm thì nhiều vô kể. Nhiều khi anh em trên đảo cũng cải thiện bằng thịt chó, “chứ không thì bọn nó cứ sinh sôi đông đàn, dài lũ mãi thì nuôi sao nổi - Anh Đỗ giơ tay vỗ vỗ đầu con chó nhỏ chui dưới gầm bàn… Vật chất “giầu có” hơn. Tinh thần thì giờ trên các đảo đều đã có ti vi, đất liền gần lại rồi. Rồi thì điện thoại… Gớm, Tết đảo chìm bây giờ vui còn phải nói”… Đại tá Đỗ hóm hỉnh. Đôi mắt anh nheo lại… 

Chiều nay, lúc xuồng cập cảng, chúng tôi đã “mục sở thị” hàng hóa Tết được vận chuyển lên Đá Thị. Bản thân chính trị viên Tưởng cũng vừa vác ba lô, vừa ôm từng cuộn lá dong to. Ngoài vật dụng cá nhân, Tưởng còn vác theo một can nhựa 20 lít đựng đầy cà trắng và ớt muối. Lên đảo nhiều, tôi mới biết, ở trên đảo, nhất là các đảo chìm thì cái can cà ớt muối ấy còn quý hơn rất nhiều lần thịt lợn. Nó là thứ gia vị giúp bộ đội ngon miệng hơn trong mỗi bữa ăn. Ngoài gạo, đỗ, lá dong, hàng lên Đá Thị còn có cả một lồng gà chừng chục con và hai con lợn tướng. Cái cảnh lợn khi đưa lên đảo bị say sóng khiến mấy chàng bộ đội trẻ tinh nghịch được dịp  vui đùa. Múc một ca nước ngọt dội vào đầu lợn mong nó tỉnh nhưng không được, một cậu binh Nhì hai tay nắm hai tai con lợn kéo nó đứng dậy. Nhưng con lợn say quá, bốn chân nó cứ khuỵu xuống, áp bụng xuống đất, không sao bước đi được. Thế là bốn cậu lính trẻ xúm lại, mỗi cậu túm một chân, nhấc bổng con lợn lên đưa về phía sau. Con lợn cứ ụt ịt, ụt ịt phản đối một cách yếu ớt giữa tiếng cười giòn tan của những chàng lính trẻ và tiếng sủa tưng bừng của đàn chó trên Đá Thị. 

“Chiều mai, Đại hội Chi bộ xong - Chuyến đi này của đoàn công tác còn phải thực hiện theo một nhiệm vụ nữa, đó là dự các Đại hội của các Chi, Đảng bộ trên các đảo. Để chuẩn bị cho Đại hội Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, thì Trường Sa là các điểm tổ chức Đại hội cấp cơ sở sớm nhất - chúng em sẽ lên kế hoạch chuẩn bị cho bộ đội vui Tết, an toàn thiết thực mà vẫn đảm bảo nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu… Sẽ có nhiều chương trình Thủ trưởng ạ, nhưng cũng bí, em thì vừa mới ra… Tưởng gãi gãi đầu, bộ dạng thật thà đến dễ mến - Bữa cơm cúng tất niên, gói bánh chưng, bó giò thì tất nhiên có rồi, theo truyền thống mà. Nhưng giao thừa năm nay, chúng em tổ chức hái hoa dân chủ, tìm hiểu về Đảng, Bác, về mùa xuân, đất nước, về truyền thống bộ đội Hải quân và về truyền thống của Đá Thị nữa… Rồi quây quần đón giao thừa. Cây mai vàng chúng em có rồi, hoa dân chủ sẽ cài lên đó….Rồi thi hát, làm thơ…”

Theo tay Tưởng chỉ, giờ tôi mới nhận ra một “cụ mai” đang đứng bên cửa sổ cạnh giường nằm đảo trưởng. Gọi là “cụ mai” vì gốc cây được anh em làm rất to. “Cụ mai” ấy tất nhiên là mai giả! Anh em lấy dây thép, uốn lượn làm “xương”, dựng thân, cành, nhánh, cắt túi ni lon bảo quản quấn bó giả vân gỗ, và những bông hoa lụa mang từ đất liền ra được gắn lên các cành sù sì, thô ráp, đầy vẻ gạo cội của cây mai nhựa ấy. Đã từng ngắm nghía nhiều “sản phẩm vàng” được tạo nên bởi bàn tay những “nghệ nhân” là lính đảo, nhưng cây mai vàng trên Đá Thị vẫn khiến cả Đoàn chúng tôi gật gù. Nếu không được giới thiệu là mai giả, nếu đặt nó trong vô vàn những cây mai thế trên đường hoa xuân, tôi dám tin, nhiều người vẫn vô tư bình chọn cho nó là cây mai có “ dáng, thế” đẹp nhất… 

Tết đang dần về với Đá Thị, với Trường Sa, với đất liền và với mỗi người lính biển. Xuân đang đến, mang vận hội mới tới dân tộc của mình. Nhưng biển Đông phía ngoài kia vẫn không thôi dậy sóng. Mỗi người lính trên đảo nổi, đảo chìm ở Trường Sa cũng như muôn người dân Việt đang háo hức đón Tết, chờ xuân và luôn sẵn sàng canh giữ biển đảo quê hương. 

Đêm đang loãng dần ra trên Đá Thị. Ánh sáng phía đông đang hửng dần. Một ngày mới nữa lại bắt đầu. Năm cũ dần qua. Năm mới đang sắp tới. Dù chúng tôi không được ăn tết trên Đá Thị, dù chúng tôi chỉ biết Tết trên các đảo chìm hiện về qua ký ức các anh và qua sự chuẩn bị của hiện tại, chúng tôi vẫn tin Tết trên Đá Thị nói riêng, và trên các đảo chìm, đảo nổi của Trường Sa không lạnh lẽo, đơn độc. Tạo hóa đã tạo ra những Đá Nam, Đá Thị, Đá Lát, Song Tử Tây, Sinh Tồn, Sơn Ca, Nam Yết, Núi Le, An Bang, Tiên Nữ… giữa biển Đông và ông cha ta cùng biết bao người lính đã đặt mốc, gìn giữ và xây dựng những hòn đảo ấy trở thành những bông hoa của dân tộc mình trên biển. Trường Sa vẫn hiên ngang khi “Đảo, đảo mọc thành chùm/ Lính làm hoa cho bể/ Mùa xuân Trường Sa trẻ/ Như binh nhất, binh nhì” và những người lính đóng quân, đón Tết trên những hòn đảo ấy vẫn say sưa hát “Sóng, sóng dội bốn bề/ Đảo chìm và đảo nổi/ Thương nhau thì em nhé/ Cưỡi sóng tìm nhau thôi...”. 

Lời ca khúc ấy thật tình, thật ấm áp. Ấm áp như Tết trên mỗi đảo chìm, đảo nổi và trên cả biển đảo quê hương của dân tộc./. 

                                                                                                                                                                                                                              TRƯƠNG THỊ THƯƠNG HUYỀN