Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

SƯU TẦM VÀ PHIÊN ÂM CHÍNH XÁC TRUYỆN KIỀU NÔM ĐỂ BẢO TỒN TỪ NGỮ CỔ CỦA TIẾNG VIỆT
14:19 | 28/07/2020

 

 

 

 

 

Trong 4 loại văn tự chính đã từng được sử dụng ở Việt Nam ta từ hàng ngàn năm qua: Hán - Nôm - Pháp - Quốc ngữ, chữ Nôm là loại hình văn tự duy nhất do người Việt sáng tạo ra nên có khả năng ghi lại được chính xác và đầy đủ vốn ngôn ngữ dân tộc ta từ ngàn xưa để lại.

Thật đáng tự hào khi kiệt tác văn học bậc nhất của dân tộc ta là Truyện Kiều được Đại thi hào dân tộc - Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du sáng tác và ghi lại bằng chữ Nôm. Nhưng do trong tác phẩm này lại có nhiều chữ phạm vào lệnh kị húy của triều Gia Long (dùng chữ Chủng để ghi âm Giống - là tên hồi nhỏ của Gia Long - và chữ Lan là tên mẹ cả của Gia Long) lại có nhiều câu thơ phạm tội “yêu thư, yêu ngôn” như: “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”, “Gồm hai văn võ rạch đôi sơn hà” vi phạm điều 225 bộ luật Gia Long nên ta có cơ sở tin rằng tác phẩm này phải được viết từ trước khi Gia Long lên ngôi (trước 1802). Đến khi Thi hào mất, triều đình Huế lại cho người đến phúng viếng đồng thời mang toàn bộ Di cảo của Thi hào (trong đó có cả văn bản Truyện Kiều) về cất giấu ở cung cấm, đến nay vẫn chưa sưu tầm được.

Bản Truyện Kiều Quốc Ngữ được truyền bá thông dụng nhất hiện nay do học giả Đào Duy Anh chủ biên năm 1979 và được “một số nhà thơ, nhà văn lớn của chúng ta góp thêm ý kiến. Các nhà thơ nhà văn này đều là những người đã từng có công phu nghiên cứu về Truyện Kiều, lại là những người nắm vững hơn ai hết nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ của dân tộc. Đó là một tập thể đáng tin cậy” (Lời nhà xuất bản Văn học).

Song do nguồn tư liệu của học giả Đào Duy Anh lại chủ yếu chỉ là các bản Truyện Kiều Nôm và Quốc ngữ in trong thế kỷ XX, chịu nhiều ảnh hưởng của bản Kiều Oánh Mậu in 1902 nên nhiều câu thơ đã bị sửa thành ngôn ngữ hiện đại, tuy dễ hiểu và quen tai nhưng lại bỏ đi mất nhiều từ ngữ cổ sâu sắc và thâm thúy của ngôn ngữ Việt Nam cuối thế kỷ XVIII.

Nay chúng tôi xin được dựa vào sự thống nhất của đa số các bản Truyện Kiều Nôm cổ in và chép tay trong thời Tự Đức trong bộ sưu tập 65 bản Kiều Nôm của gia đình là:

1 - Liễu Văn Đường - 1866

2 - Nguyễn Hữu Lập        - 1870

3 - Liễu Văn Đường - 1871

4 - Duy Minh Thị    - 1872

5 - Tăng Hữu Ứng - 1874

6 - Bản Hoàng gia triều Nguyễn

7 - Thịnh Mỹ Đường - 1879

8 - Quan Văn Đường       - 1879

 9 - Thuận Thành            - 1879

10 - Tụ Hiền Đường        - 1886

11 - Ấn Thư Hội              - 1896

12 - Kinh Bắc

13 - Tiêu Tương

14 - Diễn Châu

...

Sau khi xác định được tự hình của các chữ Nôm in trong các bản Kiều Nôm cổ, chúng tôi đối chiếu với phần phiên âm sang Quốc ngữ của các bản Kiều Quốc ngữ sớm nhất như: Trương Vĩnh Ký 1875, 1911, A.D.Michels 1884, Nordemann 1897, Phạm Kim Chi 1917, Nguyễn Văn Vĩnh 1923, Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim 1927, Hồ Đắc Hàm 1929, Nguyễn Khắc Hiếu 1952, Lê Văn Hòe 1953... Bùi Khánh Diễn 1960, Nguyễn Văn Hoàn 1965, Nguyễn Thạch Giang 1972, Đào Duy Anh 1974, 1979... thì thấy các nhà Kiều học trên phiên âm lại không thống nhất với nhau.

Nay chúng tôi xin dựa vào các Từ điển chữ Nôm, từ điển Tiếng Việt cổ in từ 1651, 1772, 1895, 1898... 1997, 1999, 2001, 2006, 2008 để phiên âm lại, mong tìm được các từ ngữ cổ của Tiếng Việt mà thời Nguyễn Du đã dùng, thời Tự Đức đã khắc ván in, đã lưu trong các Từ điển Tiếng Việt cổ mà lâu nay chúng ta lại để rơi vào tình trạng “khác nhau một chữ hoặc khi có lầm”.

1. Câu 207:

Bản Đào Duy Anh

Xem thơ nức nở khen thầm

Phục nguyên theo Liễu Văn Đường 1886:

Xem thơ thắc thẻm khen thầm

Trong Từ điển Việt Nam in 1970 nhà ngôn ngữ học Lê Văn Đức giảng:

*Thắc thẻm: Khao khát thèm muốn. 

Ví dụ: “Thắc thẻm lập gia đình”

Trong Từ điển từ láy Tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học in 1995 cũng giảng:

*Thắc thẻm (Động từ - phương ngữ): Khao khát, thèm muốn.

Ví dụ: Thắc thẻm về cuộc sống tốt đẹp hơn.

Từ nức nở chỉ thích hợp ở câu 764: 

Kiều càng nức nở mở không ra lời

2. Câu 915: 

Bản Đào Duy Anh 1979: 

Dặm khuya ngắt tạnh mù khơi

Phục nguyên theo Liễu Văn Đường 1871:

Dặm khuya ngút tạnh mù khơi

Từ điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh in 1974 lại giảng:

*Ngắt tạnh: Chỉ tình hình lặng ngắt, vắng tanh

Nhưng chữ Nôm trên đọc đúng là Ngút: Là một loại khí mù mù, mới tạo thành thế tiểu đối: Ngút tạnh/ Mù khơi.

 

3. Câu 934: 

Bản Đào Duy Anh 1979:

Cô nào xấu vía có thưa mối hàng

Phục nguyên theo Liễu Văn Đường 1871:

Cô nào xấu mẽ cho thưa mối hàng

Đào Duy Anh giảng: “Theo quan niệm thông thường thì có người vía xấu, có người vía tốt”.

Nhưng đã làm kỹ nữ ở lầu xanh thì các cô đều xấu vía cả.

Cái cần ở các cô này là mẽ bên ngoài. Vậy cô nào hôm đó buồn rầu, ủ ê tức là xấu mẽ thì phải: “Trước thần sẽ nguyện mảnh hương lầm rầm” cầu cho “Bướm ong bay lại ầm ầm tứ vi”.

4. Câu 1101:

Bản Đào Duy Anh 1979:

Lặng ngồi lẩm nhẩm gật đầu

Phục nguyên theo Liễu Văn Đường 1866:

Lặng ngồi tủm tỉm ngấc đầu

Hai chữ Nôm đầu trong bản Đào Duy Anh 1974 đã đọc là: Tủm tỉm, chữ Nôm thứ 3 (Thượng Sơn - Hạ Ất) nên đọc là ngấc, vì ở câu 2199: “Nghe lời vừa ý gật đầu” thì chữ gật được viết là: tả ất - hữu cát (hoặc tả khẩu - hữu cát). Vậy ở đây chỉ thái độ của Sở Khanh ép buộc được Thúy Kiều phải chiều cuộc mây mưa với hắn, nên vừa hớn hở, vừa ra dáng có tài cứu thoát Kiều, nên câu thơ: 

“Lặng ngồi tủm tỉm ngấc đầu”

Là rất phù hợp trong hoàn cảnh này.

5. Câu 1135:

Bản Đào Duy Anh 1979:

Hung hăng chẳng hỏi chẳng tra

Phục nguyên theo Liễu Văn Đường 1866:

Hưng hành chẳng hỏi chẳng tra

Theo đúng mặt Nôm phải đọc là: Hưng hành với nghĩa là: Đứng dậy và xốc tới. Trong Thiên Nam ngữ lục có câu:

“Phải khi ác thú hưng hành bất nhân”

Từ Hưng hành mới phù hợp với động tác tàn bạo ở câu sau:

“Đang tay vùi liễu dập hoa tơi bời”

6. Câu 1154:

Bản Đào Duy Anh 1979:

Gạn gùng đến mực nồng nàn mới tha

Phục nguyên theo Liễu Văn Đường 1866:

Đon sòng đến mực nồng nàn mới tha

Ở các bản Kiều Nôm cổ, hai chữ đầu câu phải phiên là: Đon sòng diễn tả thái độ của Tú Bà ra vẻ vừa chuyện trò đon đả, vừa ngăn đón thăm chừng sòng sã liên tục không ngơi nghỉ: Liên hệ câu 191: “Đon hỏi, dò la”; câu 1510: “Nói sông cho minh”.

7. Câu 1609:

Bản Đào Duy Anh 1979:

Nghĩ rằng: Ngứa ghẻ hờn ghen

Phục nguyên theo Duy Minh Thị 1872:

Nghĩ rằng: Giận lẫy hờn ghen

Từ ngứa ghẻ là do Kiều Oánh Mậu chữa năm 1902. Phiên âm đúng theo chữ Nôm là: Giận lẫy, trong thành ngữ Việt Nam vẫn có câu “giận lẫy sẩy cùi” nghĩa là nếu giận lẩy - giận lẫy thì hụt đi mất phần nhờ. Kết hợp với câu 1610: “Xấu chàng mà có ai khen chi mình” thì ý cả 2 câu 1609 - 1610 là: Hoạn Thư nghĩ rằng nếu mình giận dữ, kình gan gay gắt, hờn dỗi, ghen tuông thì làm xấu mặt chồng, mà chẳng có ai khen việc “giận lẫy hờn ghen” ấy cả. Tục ngữ có câu: “Xấu chàng hổ ai”.

8. Câu 812:

Bản Đào Duy Anh 1979:

Mạt cưa mướp đắng đôi bên một phường

Phục nguyên theo Liễu Văn Đường 1866:

Mặt cưa mướp đắng đôi bên một phường

Chữ Nôm (tả Mạt - hữu Diện) phải đọc là Mặt. Câu thơ vạch rõ bọn Tú Bà và Mã Giám sinh cùng là loại người xấu xa thô bỉ, đều tua tủa những răng sắc nhọn, nốt sần sùi thuôc loại gớm ghê cả, nhưng chúng lai liên kết chặt chẽ với nhau trong cùng một phường nhà thổ (đôi bên môt phường).

9. Câu 1647:

Bản Đào Duy Anh 1979:

Vực ngay lên ngựa tức thì

Phục nguyên theo Liễu Văn Đường 1866:

Dẩy ngay lên ngựa tức thì

Chữ Nôm thứ nhất các cụ tiền bối thường phiên là: Nhẩy thì câu thơ lại tố cáo Thúy Kiều: “Nhẩy lên ngựa” tức là chủ động đi theo trai, nên sửa là: “Đặt ngay lên ngựa” nghe quá cầu kỳ nên về sau đều chép là: “Vực ngay lên ngựa”... Nhưng tả cảnh bắt cóc Kiều mà lúc đầu:

Câu 1647: Vực ngay lên ngựa tức thì

Đến câu 1708: Vực nàng đưa xuống để an dưới thuyền.

Cuối cùng câu 1713: Vực nàng tạm xuống môn phòng

Thì hóa ra ba lần bọn Khuyển Ưng động vào người Kiều lại chỉ có mỗi động từ Vực thôi sao.

Chữ Nôm thứ nhất còn có cách đọc là Dẩy, động từ này rất phù hợp cảnh lúc đầu Kiều đang đứng khấn trước Thiên đài thì bị bọn Khuyển Ưng “Thuốc mê đâu đã tưới vào” nên chúng du, đẩy Kiều lên lưng ngựa chạy đi.

10. Câu 2297:

Bản Đào Duy Anh 1979:

Nghiêm quân tuyển tướng sẵn sàng

Phục nguyên theo Liễu Văn Đường 1866:

Nghiềm quân chọn tướng sẵn sàng

Chữ Nôm thứ nhất phiên là Nghiềm (động từ) với nghĩa là: chuẩn bị sẵn sàng quân đội để hành động, đối chuẩn với động từ Chọn thành cặp tiểu đối: Nghiềm quân Chọn tướng.

Truyện thơ Nôm: Đoạn Trường Tân Thanh (Truyện Kiều) của Đại thi hào dân tộc - Danh nhân Văn hóa Thế giới Nguyễn Du cùng với các thi phẩm chữ Hán của Thi hào đã được dân tộc ta và nhân dân thế giới rất yêu quý và coi như kiệt tác của nhân loại. Nhưng nguyên tác của thi hào đến nay vẫn chưa sưu tầm được. Tác phẩm đã được khắc ván in và chép tay bằng chữ Nôm rồi phiên âm ra Quốc ngữ rồi từ đó dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Nhưng các nhà Kiều học tiền bối lúc đầu chỉ có một vài bản Kiều Nôm nên việc phiên âm phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng chép tay hoặc khắc ván. Lại do đặc điểm của chữ Nôm là một mã chữ Nôm có rất nhiều âm phiên ra Quốc ngữ, các nhà phiên âm sau lại hay bị ảnh hưởng bởi cách phiên âm của các học giả tiền bối nên dẫn đến tình trạng “Khác nhau một chữ hoặc khi có lầm”.

Nay chúng tôi xin dựa vào “Của tin gọi một chút này làm ghi” là 65 bản Kiều Nôm và hơn 60 bản Kiều Quốc ngữ và các Tự điển, Từ điển chữ Nôm mạnh dạn phiên âm lại 10 câu Kiều, hy vọng việc “Cảo thơm lần giở trước đèn” này như một nén tâm hương dâng lên Đại Thi hào trong dịp kỷ niệm 200 năm ngày mất của người. Rất mong nhận được góp ý của bạn đọc yêu Truyện Kiều để cho quá trình “Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông” phần nào đạt được ước nguyện “Câu chữ nào của Nguyễn Du xin trả cho Nguyễn Du”./.

                                                                                                                                                                                                                                 NGUYỄN KHẮC BẢO