Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

NHỮNG TRANG THƠ NGÀY ĐÁNH MỸ
15:33 | 21/12/2020

Ngày 05/8/1964 đế quốc Mỹ dựng lên sự kiện Vịnh Bắc Bộ. Máy bay Mỹ ào ạt ném bom miền Bắc Việt Nam hòng chặn đường chi viện cho chiến trường miền Nam, âm mưu đưa miền Bắc đang xây dựng chủ nghĩa xã hội trở lại thời kỳ đồ đá.

Từ Lạng Sơn, Cao Bằng đến Quảng Ninh, Vĩnh Linh bước vào thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Thành phố, thị xã, cơ quan, trường học, nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện, nhà trẻ đi sơ tán. Chiếc mũ rơm quen thuộc từ người già đến trẻ em. Hố cá nhân, hầm kèo chữ A, giao thông hào... xuất hiện. Tiếng còi báo động, báo an, Tiếng kẻng từ những chiếc vỏ bom lúc dồn dập, lúc khoan thai như cầm canh trong cuộc sống.

Bước vào những năm tháng lịch sử, phong trào sáng tác, biểu diễn văn học nghệ thuật trở nên sôi động lạ thường. Phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”, khẩu hiệu “Giặc phá ta cứ đi”, “Cầm súng lên đê”... có sức cuốn hút trên mọi mặt trận.

Tờ Tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam là cơ quan ngôn luận phát hiện, tập hợp, phản ánh tác giả, tác phẩm và các sự kiện văn học nghệ thuật lúc bấy giờ.

Tổ thơ ở báo Văn nghệ chỉ có 3 người như một bài vui tự giới thiệu: “Tổ thơ ở báo Văn nghệ/ Cha thì lẩm cẩm (Vĩnh Mai), con thì ngô nghê (Xuân Quỳnh)/ Lại thêm ông Phạm Hổ về/ Hổ là hổ giấy khò khè cả đêm”.

Bảo thảo gửi về tòa soạn rất nhiều. Nói như Nhà thơ Vĩnh Mai: “Mỗi tuần mình nhận được 5kg thơ”. Bản thảo phải tính bằng kg mà hầu hết là bản chép tay. Mực xanh, mực tím, bút sắt, bút bi, bút chấm mực... đủ cả. Thỉnh thoảng mới có tác giả là viên chức Nhà nước thì bản thảo được đánh máy chữ, máy chữ ốp - ti - ma là máy chữ hiện đại nhất lúc đó. Bản thảo của Trần Đăng Khoa viết bằng bút thường, mực tím trên giấy học trò. Khi đó Khoa mới 10 tuổi, bản thảo còn viết sai lỗi chính tả. Nhà thơ Phạm Hổ kể lại: Khoa định đặt bút danh là Trần Giang Khoa vì Khoa có em gái tên là Giang nên đặt vào làm kỷ niệm, nhưng chữ Giang lại viết thành Dang. Chữ Dang không có ý nghĩa gì lắm nên Nhà thơ Phạm Hổ mới sửa lại thành chữ Đăng. Thấy cậu học trò ở Nam Sách - Hải Dương làm thơ rất hay nên Nhà thơ Phạm Hổ đã bố trí một chuyến xe com - măng - ca về tận gia đình Khoa để tiếp xúc và tìm hiểu. Cùng thời gian này trên Báo Văn nghệ đã xuất hiện thêm một số bài của Nhà thơ nhi đồng như Cẩm Thơ, Phan Thị Vàng Anh, Khánh Chi, Đỗ Anh Đức, Đoàn Huy Cảnh...

Sôi động, hùng tráng và trùng điệp là các nhà thơ mặc áo lính. Các anh xuất hiện đều đặn trên các trang thơ và đặc biệt qua các cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ. Một loạt Nhà thơ Quân đội xuất hiện và khẳng định vị trí tiên phong trong phong trào thơ thời chống Mỹ: Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu, Phan Ngọc Cảnh, Anh Ngọc, Hoàng Nhuận Cầm, Vương Trọng, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Hoa, Đỗ Trung Lai...

Thời gian này tôi công tác ở Tổng cục Địa chất nên có điều kiện được đi nhiều nơi và được gặp gỡ các anh em viết trẻ ở nhiều địa phương. Gặp nhau chỉ cần xưng tên là đã thành thân thiết, đã tá túc cưu mang nhau hàng tuần. Ở Hải Phòng hay gặp nhau có các anh Vân Long, Thi Hoàng, Nguyễn Khắc Phục, Trần Quốc Minh, Đào Cảng, Thanh Tùng, Nguyễn Tùng Linh, Hoàng Hưng, Lê Điệp, Trần Lưu, Đoàn Min... Thơ Thi Hoàng có nhiều câu làm người đọc sửng sốt: “Trời thì xanh như rút ruột mà xanh/ Cây thì biếc như vặn mình mà biếc”. Thơ của các tác giả Hải Phòng khám phá, sáng tạo. Có những câu thơ nhiều ám ảnh:“Có thể rồi đây ta hy sinh tất cả/ Con sông váng dầu hoa năm sắc tuổi thơ” (Hoàng Hưng).

Đến Quảng Ninh tôi được gặp các tác giả Yên Đức, Long Chiểu, Trí Dũng, Phạm Doanh (sau 1975 chuyển vào Đắk Lắk), Trần Nhuận Minh, Lê Hường, Lý Biên Cương, Tống Khắc Hài, Triệu Nguyễn, Trần Tâm, Phạm Hồng Nhật... thơ các anh Quảng Ninh đậm đà vị biển và sôi động không khí sản xuất. Nhiều nét, nhiều đặc trưng của vùng biển, vùng than đã vào thơ tạo nên bản sắc riêng của thơ Quảng Ninh. Nhà văn Võ Huy Tâm đã có nhiều bài thơ đăng báo Văn nghệ được các Nhà thơ kính nể. Bài thơ “Hòm mìn” đã đi vào nhiều tuyển tập: “Tường bằng gỗ hòm mìn/ Trần bằng gỗ hòm mìn/ Nền bằng gỗ hòm mìn/ Còn tôi phải là kho thuốc nổ”.

Ngay trong thời gian giặc Mỹ ném bom ngày càng ác liệt Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, các ngành lâm nghiệp, giao thông, Trung ương đoàn, Hội Nhà văn Việt Nam thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng cộng tác viên, bồi dưỡng các nhà văn trẻ. Đó là dịp các tác giả gặp nhau. Ở Quảng Bình, có Trần Nhật Thu, Hoàng Vũ Thuật, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Văn Dinh, Lê Thị Mây...; Thanh Hóa có Anh Chi, Văn Đắc, Đào Ngọc Vĩnh...; Nghệ An có Thạch Quỳ, Quang Huy, Quốc Anh...; Thái Bình có Bùi Công Bính, Đức Hậu... Nam Định có Hoàng Trung Thủy, Vũ Ngọc Phác, Lê Hoài Nam; Thái Nguyên có Hà Đức Toàn, Mai Trường Nguyên, Hồ Thủy Giang; Lạng Sơn có Mã Thế Vinh, Trường Thanh, Vi Thị Kim Bình...

Đến giai đoạn này anh Vĩnh Mai tuổi cao, sức yếu đã xin nghỉ hưu. Về phụ trách tổ thơ lúc đó là Nhà thơ Trinh Đường. Về Hà Nội chúng tôi thường đến nhà riêng anh Trinh Đường. Nhà riêng anh Trinh Đường là một căn phòng rộng 9 m2  ở tầng 3 phố Bà Triệu. Gặp ở phòng anh thường có vài ba cây bút trẻ. Bằng Việt đang công tác ở Viện Luật thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội. Vũ Quần Phương đang công tác ở Bộ Y tế sau mới chuyển về Ban Văn nghệ Đài tiếng nói Việt Nam; Chử Văn Long đang làm công nhân ở Quảng Ninh - Trúc Thông mới về Đài Tiếng nói Việt Nam; Nguyễn Bùi Vợi đang dạy học trên Vĩnh Phúc. Khi đó tác phẩm của các anh xuất hiện chưa nhiều nhưng có nhiều dự cảm đây là những tác giả tiêu biểu của các Nhà thơ trẻ thời đánh Mỹ.

Lần đầu bước chân vào phòng anh Trinh Đường tôi không khỏi ngỡ ngàng và giới thiệu, anh ôm chầm lấy tôi và đọc câu thơ trong bài “Tình biển cả”:

“Đêm ôm vợ bỗng thấy lòng giật thót

Thương con thuyền đầu bãi đứng chơi vơi...”

Anh Trinh Đường có thói quen là nhắc đến tác giả nào là đọc ngay một  câu của tác giả đó. Khi gặp Thạch Quỳ, anh làm động tác như đào đất: “Đào đất lên nơi nào cũng đỏ”. Lúc gặp Lâm Thị Mỹ Dạ cứ lẩm bẩm: “Đường bằng mà ngã lạ chưa/ Đường gập ghềnh cũng chả lừa được chân”.

Anh cầm tay tôi đưa vào trong phòng và trò chuyện như đã từng quen biết. Tôi nhớ lần tiễn chúng tôi ra về anh đứng ở cửa phòng. Cháu Thành Đồng lúc đó chừng 7 tuổi chạy theo ôm lấy chân anh. Anh bế cháu Thành Đồng lên cao và mỉm cười bảo: “Không được ôm chân! Dù là chân bố”. Chúng tôi cùng cười và hiểu rằng anh Trinh Đường không những giúp đỡ, động viên chúng tôi làm thơ mà còn nhắc nhở chúng tôi về nhân cách sống.

Tờ báo Văn nghệ sao có sức hút đến thế, đi bộ bảy tám cây số đến trạm bưu điện huyện để mua báo là chuyện bình thường. Trang thơ sao mà bề thế, hoành tráng. Có trang bốn tác giả xếp theo chiều ngang. Có trang sáu tác giả xếp theo chiều dọc. Có những số xếp liền hai trang thơ có xen kẽ những minh họa.

Ngay trong những ngày chống chiến tranh phá hoại nhiều Hội Văn nghệ cấp tỉnh, thành phố được lập trên các địa điểm sơ tán. Ở Hà Bắc đã thành lập Ban vận động thành lập Hội Văn học nghệ thuật. Có quyết định của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Nhà thơ Trần Ninh Hồ xuất hiện với nhiều bài thơ chính luận. Bỗng nhiên anh giành giải nhì trong cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ với truyện ngắn nổi tiếng “Trong những món ăn truyền lại”. Cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước ngày càng ác liệt. Năm 1972 anh lên đường nhập ngũ hòa vào dòng người nhằm theo hướng miền Nam. Sau ngày giải phóng miền Nam anh trở thành đại diện báo văn nghệ ở miền Nam rồi chuyển ra Hà Nội làm Trưởng ban của Báo Văn nghệ trong nhiều năm. Nguyễn Phan Hách là thầy giáo dạy văn của trường huyện miền núi Lục Nam có thơ đăng Báo Văn nghệ là được điều về làm cán bộ sáng tác biên tập văn học của Ty Văn hóa Hà Bắc. Anh bắt đầu nổi tiếng với truyện ngắn “Tranh Tết” và một loạt truyện ngắn viết về nông thôn. Nhà văn Kim Lân đại diện cho Báo Văn nghệ đã lên tận Bắc Giang để xin anh về tòa soạn.

Trụ lại thị xã Bắc Ninh để hành nghề đạp xe xích lô có Nguyễn Ngọc Ly. Bài thơ “Ngày mưa” của Nguyễn Ngọc Ly đã xuất hiện trên trang báo Văn nghệ ghi lại cảnh và tình của những ngày sơ tán với một nỗi bâng khuâng: “Không có người hứng nước dưới mái hiên/ Mà cứ mưa tầm tã/ Ôi, ngày mưa thị xã/ Rãnh nước dập dềnh/ Nhớ thuyền giấy đàn em...”. Trên Yên Thế đã xuất hiện thầy giáo dạy văn cấp III Đỗ Vinh viết bài thơ “Mưa xuân trên nông trường cam”, “Tác phẩm lớn trong một thư viện nhỏ”. Tôi nhớ mãi câu cuối của bài “Mưa xuân trên nông trường cam”: “Giữ mùa muân cho mưa bụi bay”.

Gần 50 năm qua đến nay thơ Đỗ Vinh vẫn xuất hiện trên báo Văn nghệ với một bút pháp và cách nhìn tươi mới. Rồi Anh Vũ, Nguyễn Thanh Kim, Duy Phi, Nguyễn Anh Thuấn trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam với những bài thơ đầu tay đều được giới thiệu trên báo Văn nghệ.

Có thể nói các tác giả trẻ được phát hiện và khẳng định trên Báo Văn nghệ đã trở thành nhiều Nhà thơ tiêu biểu của phong trào thơ chống Mỹ và nhiều tác giả đã trở thành nòng cốt cho phong trào sáng tác ở các địa phương.

Dấu ấn thời đại, hơi thở của lịch sử đã thổi vào tâm hồn các Nhà thơ trẻ thời chống Mỹ được ghi lại bằng nhiệt tình và tài năng đã tạo nên những tác phẩm đi cùng năm tháng được Báo Văn nghệ kịp thời gặt hái góp phần làm nên một giai đoạn văn học xứng đáng với ý nghĩa lớn lao chiến thắng cuộc chiến tranh ác liệt của giặc Mỹ xâm lược.

Năm tháng đã qua đi, các anh Đỗ Vinh, Anh Vũ, Duy Phi, Nguyễn Ngọc Ly đã về cõi vĩnh hằng nhưng các anh đã để lại những vần thơ còn mãi với thời gian, những vẫn thơ của một thời lửa đạn không thể nào quên./.

                                                                                                                                                                                                                                                       TRẦN ANH TRANG