Trang chủ CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI

NHỮNG BƯỚC PHÁT TRIỂN CỦA PHÂN HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT THUẬN THÀNH
17:41 | 19/10/2023

Phân hội VHNT Thuận Thành thành lập vào đầu năm 2001 và là đơn vị thứ hai sau đơn vị Quế Võ được thành lập ở cấp huyện theo Điều lệ Hội VHNT tỉnh Bắc Ninh. Hội nghị thành lập tiến hành tại Hội trường Trường THCS Gia Đông, nơi nhà văn Đỗ Công Tiềm đang công tác. Phân hội lúc đó có 12 hội viên thuộc các chuyên ngành Văn học (6 người), Văn nghệ dân gian (5 người), Mĩ thuật (1 người). Ban Chấp hành có 3 người gồm: Nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Trần Nhật Tấn là Phân hội trưởng, Nhà văn Hoàng Giá là Phân hội phó, Nhà văn Đỗ Công Tiềm là ủy viên. Chất lượng chính trị khá cao, gồm 6 đảng viên, toàn bộ Ban Chấp hành đều là đảng viên.

Ngay sau khi thành lập, Phân hội đề ra nhiệm vụ biên soạn cuốn “Đất và người Siêu Loại”, một dạng dư địa chí thu gọn về văn hóa quê hương Siêu Loại - Thuận Thành. Hai tác giả Nguyễn Duy Hợp và Phạm Thuận Thành nhận nhiệm vụ này. Công tác tình nghĩa cũng được Phân hội quan tâm bằng hình thức góp quỹ, thăm hỏi, động viên và tổ chức họp sơ tổng kết luân phiên ở từng gia đình hội viên. Về thành tích, đầu năm 2001 hai tác giả được nhận giải thưởng cấp Trung ương. Nhà văn Nguyễn Hữu đoạt giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết lần thứ Nhất của Hội Nhà văn Việt Nam cho cuốn “Cõi thực” và tiếp đó lại đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) của UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Nhà thơ Nguyễn Văn Chương đoạt giải Tư cuộc thi thơ lục bát Báo Giáo dục & Thời đại. Từ năm 2002, Phân hội bắt đầu hưởng ứng Ngày thơ Việt Nam tại địa phương và lần đầu tiên tổ chức tại Nhà thờ danh nhân văn hóa Nguyễn Gia Thiều, tác giả “Cung oán ngâm khúc”, thôn Liễu Ngạn, xã Ngũ Thái. Tiếp đó, nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Nguyễn Duy Hợp đoạt giải Ba UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam với tập sách “Phong thổ Mão Điền”, nhà văn Hoàng Giá cũng đoạt giải Ba của Liên hiệp cho tiểu thuyết “Tự thú”, nhà văn Phạm Thuận Thành đoạt giải Ba (không có giải Nhất) cuộc thi thơ 2002 - 2004 trên tạp chí Văn nghệ quân đội với tác phẩm “Đi đường lớn nhớ đường mòn” và giải Khuyến khích của Liên hiệp cho tiểu thuyết “Cổ Trai xuất đế”. Từ năm 2002 do sức khỏe yếu nên nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Trần Nhật Tấn xin nghỉ chức Phân hội Trưởng, nhà văn Hoàng Giá thay và bầu bổ sung nhà văn Phạm Thuận Thành giữ chức Phân hội Phó. Phân hội đã học tập kinh nghiệm của tỉnh Hưng Yên để xuất bản tờ văn nghệ địa phương, nhưng do điều kiện kinh phí không có nên đến nay chưa thực hiện được. Phân hội có nhiều đóng góp cho Hội tỉnh, nhà văn Hoàng Giá được bầu vào Ban Chấp hành và là Ủy viên Ban Thường vụ Hội. Hai nhà văn Hoàng Giá, Phạm Thuận Thành được bầu vào Ban Chấp hành Chi hội Văn học khoá I từ năm 2004, trong đó nhà văn Hoàng Giá là Chi hội Phó. Nhà văn Hoàng Giá được Ban Chấp hành cử tham gia Ban Biên tập Tạp chí Người Kinh Bắc. Công tác phát triển hội viên mới luôn được làm thường xuyên và đã kết nạp được nhiều tác giả ưu tú như nhà thơ Đỗ Duy Khánh, hai lần đoạt giải Nhất thi thơ Đường trên Đài Tiếng nói Việt Nam, nhà thơ Trần Công Sản thường xuyên có thơ in trên Báo Nhân dân, tạp chí Văn nghệ Quân đội…

Đầu năm 2015, Phân hội có sự thay đổi nhân sự Ban Chấp hành theo hướng trẻ hóa. Nhà văn Phạm Thuận Thành là Phân hội Trưởng, nhà thơ Đỗ Duy Đắc là Phân hội Phó, nghệ sĩ Nguyễn Xuân Sách là Ủy viên. Đến nay Phân hội có 35 hội viên, trong đó quy tụ được hầu hết các môn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của địa phương như tranh Đông Hồ, ca trù Thanh Tương, gốm Luy Lâu, múa rối nước Đồng Ngư. Theo chủ trương của Hội tỉnh, Phân hội đã lập các ban chuyên môn gồm: Ban Thơ, Ban Văn, Ban Văn nghệ dân gian, Ban Sân khấu, Ban Mĩ thuật, Ban Tư liệu và Quảng bá tác phẩm, Ban Hội viên và Sáng tác trẻ. Phân hội đề ra bản “Quy chế hoạt động” làm cơ sở cho các mặt hoạt động đi vào nền nếp. Một số hội viên, đứng đầu là nhà văn Nguyễn Hữu thành lập nhóm “Văn bút Luy Lâu” và tổ chức cuộc thi thơ phạm vi toàn quốc. Cuộc thi thành công tốt đẹp với sự hưởng ứng của đông đảo tác giả khắp ba miền, trong đó có nhiều hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và hội viên Hội VHNT các tỉnh. Kết quả có 9 tác giả nhận giải và chất lượng tốt, được báo Người cao tuổi công bố toàn bộ tác phẩm đoạt giải.

Từ năm 2016 Phân hội được lãnh đạo huyện giao nhiệm vụ tổ chức Quán thơ - Thư pháp - Trưng bày sách báo kết hợp tổ chức Ngày thơ Việt Nam trong Lễ hội Kinh Dương Vương hằng năm. Từ năm 2017 Phân hội đã làm tốt công tác tham mưu để tổ chức sự kiện Gặp mặt văn nghệ sĩ đầu xuân giữa lãnh đạo huyện với đội ngũ văn nghệ sĩ. Phân hội làm tốt công tác tuyên truyền, đặc biệt là quảng bá cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh”, hiện nhận nhiệm vụ của lãnh đạo huyện biên tập xong cuốn “No ấm theo Bác về” để có thể in ngay khi có kinh phí. Tiếp đó thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Hội tỉnh, Phân hội tổ chức mô hình thư viện của Phân hội là “Nhà sách Luy Lâu” đặt tại nhà riêng nhà văn Nguyễn Hữu, với phòng đọc hiện đại, số lượng sách báo phong phú, gồm 7 tủ sách và gần 10 nghìn bản sách. Phân hội thường xuyên tổ chức đi thực tế sáng tác tại địa phương như thực tế viết về đề tài thương binh, liệt sĩ, đề tài xây dựng nông thôn mới, đề tài về Bác Hồ, đề tài về Công an nhân nhân… Vai trò của Phân hội ngày càng được ghi nhận tại huyện. Năm 2016 Phân hội được lãnh đạo huyện tặng Giấy khen. Năm 2017 lãnh đạo huyện tặng Giấy khen cho 3 tác giả và Hội tỉnh tặng Giấy khen cho Phân hội.

Ngoài ra, Phân hội vẫn luôn làm tốt các nhiệm vụ Hội tỉnh giao, như tham gia tổ chức các sự kiện văn học nghệ thuật chào mừng 185 năm thành lập và 20 năm tái lập tỉnh, tổ chức mô hình Quán thơ - Thư pháp giúp các địa phương, tham gia biên tập Tạp chí Người Kinh Bắc, trang website của Hội VHNT tỉnh và một số ấn phẩm khác. Trong đợt xét tặng Giải thưởng VHNT tỉnh Bắc Ninh lần thứ Nhất, giai đoạn 2012 - 2017, Phân hội có 10 tác giả đoạt giải, gồm 2 giải B, 2 giải C và 6 giải Khuyến khích.

Đặc biệt, Phân hội có nghệ sĩ Quý Thăng tổ chức và duy trì hoạt động tốt các mô hình quảng bá, lan tỏa nghệ thuật Quan họ tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam, được lãnh đạo tỉnh ghi nhận và đánh giá cao.

Trong nhiệm kì 2018 - 2023, Phân hội phải trải qua giai đoạn phong toả phong chống dịch Covid-19 căng thẳng. Phân hội trưởng Phạm Thuận Thành là thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch của xã, thường xuyên túc trực tại UBND kịp thời thông tin ngay các văn bản chỉ đạo của trên, tuyên truyền nhân dân cách phòng chống dịch và viết nhiều bài về phòng chống dịch như “Cỗ bàn mùa dịch”, “Ở nhà là yêu nước”, gương người tốt phòng chống dịch… Nhà thơ Duy Đắc và nghệ sĩ Xuân Sách tham gia trực chốt phòng chống dịch của địa phương. Nghệ sĩ Quý Thăng có ca khúc “Thanh niên tình nguyện phòng chống dịch”. Nhà thơ Nguyễn Khắc Đàm có thơ về phòng chống dịch…

Đội ngũ văn nghệ sĩ đều say mê sáng tác, có nhiều đóng góp xây dựng tạp chí Người Kinh Bắc và có tác phẩm in trên nhiều báo, tạp chí Trung ương và địa phương. Và cũng gặt hái nhiều trái ngọt là các giải thưởng văn học danh giá. Nhà văn Hoàng Giá đoạt giải Ba của Liên hiệp với tiểu thuyết “Bóng xưa bảng lảng”, giải Nhì Ban chỉ đạo 05 của tỉnh và giải Khuyến khích Ban chỉ đạo 05 Trung ương, giải Khuyến khích Giải thưởng VHNT tỉnh Bắc Ninh lần II, giai đoạn 2017 - 2022. Nhà văn Đỗ Công Tiềm giành giải C của Liên hiệp với tập truyện ngắn “Ánh đèn bên nhà hàng xóm” và giải A VHNT Bắc Ninh lần II. Nhà văn Phạm Thuận Thành giành giải C của Liên hiệp với tập truyện ngắn “Người quản chùa mặc triều phục” và giải Khuyến khích VHNT Bắc Ninh lần II, giải Ba truyện ngắn thi tại Bình Định. Nhà văn Hoàng Tiến giành giải Ba Ban chỉ đạo 05 Trung ương tác phẩm “Theo con đường của Bác”. Nhà văn Nguyễn Khắc Đàm giành giải C VHNT Bắc Ninh lần II cụm tác phẩm dày dặn. Nhiều tác giả đoạt giải cuộc thi văn học “Bắc Ninh trên hành trình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương” lần I và lần II như Hoàng Giá, Trần Công Sản, Duy Đắc, Nguyễn Văn Doanh, Phạm Thuận Thành…

Phân hội cũng đã tham mưu với lãnh đạo huyện tổ chức thành công chương trình kỉ niệm 280 năm ngày sinh Danh nhân văn hoá Nguyễn Gia Thiều (năm 2021), 100 năm ngày sinh nhà thơ Hoàng Cầm (năm 2022). Tham gia tích cực vào “Ngày sách Việt Nam tại Thuận Thành” hằng năm.

Phân hội cũng đã trở thành tổ chức thành viên của MTTQ huyện Thuận Thành. Trên hành trình trở thành thị xã, Phân hội có nhiều đóng góp tích cực về công tác tuyên truyền, sáng tác VHNT và báo chí và trực tiếp tham mưu với lãnh đạo huyện trên nhiều lĩnh vực. 

Hướng về Đại hội V - Hội VHNT Bắc Ninh, các Văn nghệ sĩ Phân hội đã phấn khởi và tích cực tham gia đầy đủ Đại hội các Chi hội chuyên ngành, trong đó 5 tác giả được bầu vào Ban Chấp hành, gồm 3 tái cử, 2 bầu mới, 3 Chi hội Phó (Phạm Thuận Thành, Trần Kim Tuyến, Nguyễn Nghĩa Cương), 2 uỷ viên Ban Chấp hành (Duy Đắc, Nguyễn Thị Thiệp). Phân hội cũng đã có nhiều ý kiến đóng góp vào các văn kiện dự thảo trình tại Đại hội V Hội VHNT tỉnh tới đây./.

                                                                                                                                                                                                                  PHẠM THUẬN THÀNH