Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

NHỮNG BÓNG HỒNG TRÊN VĂN ĐÀN KINH BẮC
14:43 | 06/12/2021

Cuối năm 2018, lần đầu tiên biết đến nhà thơ Nguyễn Thị Đương (bút danh Nhất Mạt Hương, giáo viên trường THCS Yên Phụ, Yên Phong) khi chị mang theo tập hồ sơ giới thiệu kết nạp hội viên mới và cuốn sách vừa xuất bản Tuyển tập thơ Xúc xắc thời gian, NXB Hội Nhà văn tặng tôi. Ấn tượng đầu tiên về chị là một người phụ nữ xinh đẹp, dịu hiền có đôi mắt mang vẻ man mác của một “nàng thơ” xứ Bắc. Thế rồi, ẩn sau vẻ tưởng chừng như bỡ ngỡ của một “người mới” bước chân vào “làng văn nghệ” là màn “chào sân” ấn tượng bằng nhiều tác phẩm thơ, tản văn trên diễn đàn văn nghệ Bắc Ninh - Tạp chí Người Kinh Bắc; giờ đây, những tác phẩm của Nhất Mạt Hương đã thơm hương, lan xa góp mặt trên khắp các diễn đàn thơ ca - văn học cả nước. 

Là một nhà giáo gắn bó nhiều năm với văn học trong nhà trường, thường xuyên tiếp cận với các tác phẩm văn chương ấy vậy nên những tác phẩm của chị mang hơi hướng mượt mà, mềm mại và giàu xúc cảm. Nguyễn Thị Đương đã dành phần thời gian ít ỏi trong quỹ thời gian của mình sau những giờ giảng bài cầm phấn để cầm bút viết nên những dòng thơ đong đầy cảm xúc, chan chứa nỗi niềm: “Công việc dồn lên như nước đuổi/ Những ý nghĩ vô hình rong ruổi/ Ngoài kia hoa nở miệt mài/ Phố đông ngược xuôi hỗn loạn/ Thèm bàn tay dắt đi qua những mệt nhoài, nghi hoặc, chênh vênh”.

Văn chương, nghệ thuật và tình yêu như thứ thuốc nhiệm màu khiến nhà thơ đắm mình trong đó để quên đi thực tại, “những ý nghĩ vô hình”,“những mệt nhoài, nghi hoặc, chênh vênh”. Mọi nỗi buồn vui chộn rộn, mệt mỏi cũng dường như tan biến với vui thú văn chương, nơi căn nhà ấm áp dưới bàn tay vun vén, chăm sóc chu đáo của Người đàn bà mơ những giấc mơ hoa. Trong con mắt của người thi sĩ, mọi giác quan trở nên vô cùng sống động dù điều bình thường nhất cũng trở thành những tín hiệu thẩm mĩ thông qua cái nhìn lãng mạn hóa:

“Em vẫn cặm cụi trồng hoa

Mảnh vườn mỗi ngày thêm bề bộn

Để che giấu những vui buồn, chộn rộn

Đêm về khẽ khàng mở cửa sổ ra

Bắt gặp lòng mình

Người đàn bà vẫn mơ những mùa hoa bình dị”.

Với Nhất Mạt Hương, ngoài sáng tác những thể thơ lục bát, tự do quen thuộc thường thấy, chị còn tìm tòi sáng tạo những thể thơ mới, hưởng ứng tham gia sáng tác các bài thơ theo thể thơ 1-2-3 của báo Văn nghệ Sài Gòn và sự cách tân đổi mới trong sáng tác văn chương đã đem đến một sự tiếp nhận hoàn toàn mới ở độc giả:

“Có những lúc ước là hạt bụi

Ngược đường lạc mí mắt anh

Để bàn tay anh đưa lên dụi

Đêm về

Bận bịu

Không yên”.

Bởi lẽ, sự cách tân ấy dường như nhấn nhá hơn, len lỏi hơn vào từng cảm xúc và chạm đến tâm hồn của cả thi sĩ lẫn người thưởng thức. Mỗi điều ước tưởng chừng như nhỏ nhoi ấy được tác giả trần thuật rồi miêu tả qua lăng kính lãng mạn hóa, lý tưởng hóa “Có những lúc ước là hạt bụi/ Ngược đường lạc mí mắt anh”, khi ấy, hạt bụi dù nhỏ bé vô hình nhưng lại khiến người ta khó chịu bận tâm nhiều hơn, quan tâm hơn. Niềm mong mỏi trở nên “đắt giá” khi mà câu chữ rất giản đơn và mong ước ấy như sự mong chờ dù có là hạt bụi lạc vào mí mắt khiến người ta khó chịu nhưng lại như một phương thức đối lập gây sự chú ý, để khẳng định sự tồn tại hữu hình của chúng ta trong cuộc sống.

 Trong Chiều cánh đồng, thi sĩ đã lựa chọn và phản ánh những đối tượng thẩm mĩ thấm đẫm chất thơ nhưng cũng dung dị và có hàm lượng nét văn hóa làng quê thật đẹp đẽ: “Chiều nấn ná/ Trên cánh đồng/ Nơi những vồng khoai tây/ Dịu dàng hoa tím/ Gió hát gọi bầy chim đi tránh sương kịp về tổ ấm trước màn đêm/…  Ngày mùa đông tắt sớm/ Cọng cỏ màu vắt ngang luống cày/ Như then cửa/ Chốt hoàng hôn”. Bằng cách nhấn nhá trong từng nhịp điệu câu thơ, tác giả đưa ta về những miền quê, đánh thức hồi ức bình dị của cánh đồng buổi hoàng hôn ngày đông thương nhớ. 

Ở Tháng Chạp mẹ ơi, đứng giữa hai chiều không gian và thời gian với sự nâng niu và vời vợi tiếc nhớ bỗng gợi về bao điều thân thuộc của “Ngôi nhà mình giữa mỗi tháng mười hai/ Hoa cải vàng lan man trong gió”, của hình ảnh “Mẹ ngồi bên thềm chải mái tóc dày bằng lược gỗ”,“Những đường chỉ gạch lát sân run run/ Cựa mình - hạt thóc nảy mầm từ kẽ nứt” và tuổi thơ ùa về “Như hạt thóc mùa xưa đội sân đầy kinh ngạc”. Cũng ở bài thơ ấy, ta như thấy mình trong mỗi đứa trẻ, mong ngóng được lớn lên, được trưởng thành nhưng rồi khi hòa mình vào xã hội ngược xuôi tất tả lại mong được ngược thời gian trở về với mẹ, với căn nhà ấm nắng bên thềm và những xúc cảm dung dị ngày thơ bé: “Con miệt mài đi mòn cả gót chân/ Mòn cả những niềm vui giữa bụi đường rong ruổi/ Nắng tắt, cơm sôi thấy mình nông nổi/ Khi chạm chiều, mắt mẹ bến sông”.

Có những câu thơ của Nhất Mạt Hương phảng phất hương vị ái tình, như hờn dỗi, như nhớ nhung khắc khoải, cũng có thể là sự chối bỏ thực tại trong dung nạp đời thường chất chứa nỗi niềm. Dù ở lứa tuổi nào thì “Trái tim người đàn bà muôn đời yêu nông nổi” vẫn luôn mơ về “những mùa hoa bình dị” bởi: “Hoa ngập vườn lặng lẽ không hương/ Ngày trống rỗng không anh/ Em chẳng thể bình yên trong khung trời thân thuộc”.

Ở Hà Nội và em ta thấy: “Vệt nắng cuối chiều thảng thốt/ Lẫn em vào bóng áng thơ/ Lá khô bên đường trăn trở/ Cong vênh một nỗi mong chờ...”. Ẩn hiện trong bức màn đong đầy nỗi nhớ kia theo lối “mượn cảnh ngụ tình” lại xuất hiện khoảnh khắc xao xuyến, rung động trước những “ký hiệu giao mùa” của thiên nhiên. Việc nương náu tâm hồn trong những “bóng áng thơ” quả thật vi diệu, mọi nỗi “trăn trở, mong chờ” đã tựa vào những thực thể thiên nhiên, khi ấy, thiên nhiên trở thành người bạn tâm giao, là nhân vật trữ tình an ủi, vỗ về, đồng điệu với thi nhân.

Một bức tranh Hà Nội sớm đông thật đẹp được tạo ra từ nghệ thuật nhân hóa và phép tu từ của bài thơ: “Sớm trắng sương mùa đông/ Sông Hồng lừng lựng đỏ/ Tím lòng tôi như con thuyền nhỏ/ Lặng lẽ trườn/ Ra khỏi tháng giêng xanh”. Cách tác giả miêu tả mọi sự vật, hiện tượng thật ra đều là những chi tiết vô cùng gần gũi, đặc trưng của chính sự vật, hiện tượng ấy nhưng như được khoác thêm một chiếc áo mới.

Nếu như tác giả từng ví mình là “người đàn bà muôn đời yêu nông nổi, người đàn bà mơ về những mùa hoa bình dị” thì trong một chiều thu, nàng thi sĩ đã thốt lên rằng: “Anh ở đâu khi mùa thu đang tới?/ Heo may giăng lơ đãng cuối chiều/Em áo mỏng, tóc bay thơm cả gió…”. Tôi thích cách viết về tình yêu của chị, bởi ở đó có nét dỗi hờn của người con gái khi yêu, có vẻ nũng nịu, có đôi khi lại là những mong chờ, khao khát được yêu thương, trở thành điểm nhấn đặc sắc trong bài thơ tình đầy chất men say đắm ấy.

 Thơ của Nhất Mạt Hương giàu chất liệu sáng tạo, là sự siêu thực nhưng chan chứa thanh sắc trần gian. Nó đòi hỏi sức quan sát sắc sảo và tâm hồn bay bổng của người cầm bút mới viết nên những câu thơ như một ngôn ngữ nghệ thuật giàu hình ảnh và sức liên tưởng đến thế.

Trong thơ có sự hòa quyện giữa tư tưởng tình cảm và một nhãn quan được khai phóng. Điều đó thể hiện rõ nét qua hệ thống hình ảnh, biểu tượng thơ, sự liên tưởng và nghệ thuật ngôn từ. Mỗi câu thơ đong đầy sự sắc sảo của trải nghiệm, của những cung bậc cảm xúc, của mối quan hệ mật thiết giữa đời sống xã hội và nghệ thuật. Từ đó mở ra bước ngoặt trong một thế giới thơ giàu năng lượng và nồng đượm hơi thở của đời sống trong những tác phẩm của Nhất Mạt Hương, nhà thơ chia sẻ: Niềm đam mê với thi ca, văn chương nghệ thuật đã nhen nhóm trong chị từ thuở nhỏ và sau này niềm đam mê ấy được thắp lửa bởi cô giáo dạy văn tại trường THPT Yên Phong số 1 đó chính là nhà giáo Lương Thị Thìn (Bút danh Đông Bắc), hội viên chi hội Văn xuôi, Hội VHNT tỉnh Bắc Ninh.

Ở diễn đàn văn chương xứ Bắc, người ta thường gọi Lương Thìn với danh xưng “nhà thơ, nhà văn Lương Thìn” nhưng chị luôn khiêm tốn nhận mình là chỉ là một người đam mê “sắp chữ” để thỏa lòng với nghệ thuật ngôn từ mà thôi. Quả thật, tản văn nào chị cũng bay bổng, mượt mà giống như những lời ca uyển chuyển, như dải lụa mềm vắt ngang câu chữ. Từ những bông hoa sen trong đầm sen mùa hạ, đến hương vị bốn mùa, rồi giàn mướp hương trong vườn, cây gạo bến sông... đều được người phụ nữ xinh đẹp, nhỏ nhắn ấy dùng những tu từ và các biện pháp nghệ thuật phù phép đầy sống động trong từng tác phẩm. Có vóc dáng nhỏ nhắn, nước da trắng hồng và đôi mắt sáng ngời nhưng chất chứa bao nỗi niềm của cuộc sống, để rồi sau những bộn bề, chộn rộn nhà văn Lương Thìn vẫn miệt mài với từng câu chữ, đau đáu với những nỗi niềm và không quên nhiệm vụ trên từng trang viết; câu chữ văn chương từ giảng đường theo chị vào các câu chuyện được miêu tả tỉ mỉ ở mỗi tác phẩm.

“Những mùa sen tôi đã đi qua dịu dàng quá đỗi. Dịu dàng như một bài thơ ai khẽ đọc giữa bâng khuâng gió, se sẽ nắng và huyền ảo ánh trăng”. Khi đọc những dòng này, liệu có lữ khách phương xa nào lại không dằn nổi lòng mình về với miền Kinh Bắc để hòa mình trong không gian dịu ngọt, thoảng hương thanh khiết của Những mùa sen Kinh Bắc để cảm nhận nét tơ vương rộn ràng mà mùa hạ và sen đã trao tặng. “Hạ lại thêm một lần gửi tấm thiệp nắng vàng đến khắp nhân gian. Sen trong các ao đầm bắt đầu khoe những búp trắng búp hồng lộng lẫy… Với bao mùa sen tôi đã đắm đuối dù khoảnh khắc bình minh hay hoàng hôn, trong nắng trưa khi mưa chiều ngồi bên bờ hồ dưới ngọn Tiêu Sơn, lúc rong ruổi suốt dọc đường sang chùa Bút Tháp đến Lương Tài… lúc nào tôi cũng thấy sen đẹp ngọc ngà”. Ở Những mùa sen Kinh Bắc tác giả Đông Bắc đã khéo léo len cài những nét đẹp của thiên nhiên với những đức tính của con người và mảnh đất giàu truyền thống văn hiến Bắc Ninh - Kinh Bắc. 

Là một người con của miền quê Đông Bắc theo chồng về xứ Bắc làm dâu, chẳng hiểu từ khi nào chị đã Phải lòng Như Nguyệt, dòng sông mà “Vị Thái úy uy phong năm nào đã khiến cho quân thù phải kinh hồn bạt vía lại rất tài hoa, hào sảng với bài thơ Thần tạc vào Sông núi nước Nam muôn thuở”; quê hương thứ hai gắn bó khiến tác giả“đã phải lòng Như Nguyệt nên vừa xa đã thấy nhớ thương vời vợi, dẫu nắng dẫu mưa vẫn khắc khoải tìm về. Về để ngồi thật lâu nghe dòng sông thì thầm kể chuyện ngày xưa…”.

Có nhiều những tản văn hay, những bài thơ của tác giả Lương Thìn được in trên tạp chí Người Kinh Bắc, Báo Bắc Ninh, Tạp chí Văn nghệ Quân đội và Văn nghệ Công an cùng nhiều Tạp chí văn nghệ trên cả nước như Về phía mùa xuân, Bến thương, Mùa lặng lẽ sang, Cây gạo bến sông,  Đò ngang, Những buổi chiều quê, Bây giờ mùa thu, Theo mây về bản, Những gương mặt phố, Giàn mướp hương của mẹ, “Nhạc Trịnh và tôi, Những mùa sen Kinh Bắc... Những tản văn ấy mang tính hàm xúc cao độ, mang dung lượng giá trị cao, có khi là những giá trị văn hóa dân gian và kiến thức lịch sử lồng ghép tích hợp trong câu chuyện về vị Thái úy Lý Thường Kiệt hay câu chuyện dã sử từ chuyện tình của nàng công chúa Lý Nguyệt Sinh, cũng có khi là việc tả ngọn nguồn hình thành bồi đắp nên dòng chảy và thiên nhiên, con người với nếp sống ở quanh sông trong Phải lòng Như Nguyệt; cũng có khi là những triết lý về bốn mùa, hay đơn giản là những ký ức thân thuộc từ những sự vật gắn bó với nhà văn trong cuộc sống thường ngày. Những điều đó có thể rất quen thuộc trong đời sống hàng ngày nhưng ít được người ta để ý đến. Chỉ đến khi tác giả sử dụng những ngôn ngữ nghệ thuật miêu tả, khắc họa thì mọi thứ mới trở nên sinh động và lan tỏa. 

Ở tản văn Thu nhé! Lòng ta luôn ngỏ cửa chị viết: “Thu đã về trong mắt biếc em tôi. Bầu trời xanh trong như vẫn muôn đời. Mây trắng quá cho lòng ai bối rối. Thu khẽ nâng bàn chân bước vội…” dường như những câu văn ấy lại là một nhịp thơ vang lên trong không gian mùa thu dịu dàng sắc nắng.

Từ cái nhìn nghệ thuật thể hiện trong tác phẩm ta thấy được năng lực tinh thần của tác giả trong việc thâm nhập vào thế giới thiên nhiên, phát hiện ra những vẻ đẹp thẩm mĩ đặc trưng của sự vật và nâng cấp vẻ đẹp đó thông qua sự so sánh với các sự vật khác: “Hoa sữa nở lúc cuối thu khi trời bắt đầu se lạnh. Hoa như nàng con gái trinh nguyên đan chiếc khăn choàng trắng mềm mại tặng người tri kỉ, mong níu giữ bước chân mùa thu bằng mùi hương ngọt ngào quyến rũ, để đam mê lãng quên cả lối về…” Khả năng đánh giá, lý giải và liên tưởng thể hiện tư duy sáng tạo, khả năng tưởng tượng phong phú của người cầm bút như Lương Thìn quả thật đã đến một độ chín trong “giới cầm bút”: “Tôi khắc khoải nhớ con ngõ nhỏ dẫn vào nhà tôi, lác đác mấy chiếc lá mít nửa đỏ nửa vàng nghiêng nghiêng trên mặt đất nện chờ tiếng chổi loẹt xoẹt… Tôi đã từng ước muốn mình sẽ trở thành họa sĩ để lưu lại khoảnh khắc diệu kì của thiên nhiên đang làm hồn run rảy. Nhưng rồi tất cả những nét vẽ nguệch ngoạc trên tấm toan không thể níu lại mùa đang thẳm xanh từ lòng núi, lòng biển, lòng người… Đời người rồi cũng đến những tháng ngày thu sau cành xanh lá thắm”. Ở đây, tác giả đã dùng giọng điệu như một tín hiệu thanh âm của hình thức nghệ thuật mang nội dung tình cảm, tạo nên những rung động chạm tới cảm xúc trong tâm hồn mỗi người. Từ những liên tưởng về các sự vật của mùa thu mà vươn tới trạng thái ý thức của con người. 

Thâm nhập vào thế giới nghệ thuật của tản văn Mùa đong đầy yêu thương, ta bắt gặp hình tượng một thi sĩ đang giải mã thế giới của mùa đông thông qua những hình ảnh, những câu từ: “Mùa đông kéo những đám mây xám vắt ngang trời. Dắt gió Đông Bắc tràn về làm rụng nốt những chiếc lá cuối cùng để hàng cây chỉ còn trơ trụi . Trên những khung cửa sổ bàng bạc, vài cánh lơ đễnh khép hờ... Trời chiều sương giăng bảng lảng, đây đó bay lên một làn khói mỏng lãng đãng trong tiết đông se sắt”. Ở Mùa đong đầy yêu thương những nỗi vất vả nhọc nhằn của mẹ cha được nén chặt trong một lượng câu chữ hạn hẹp nhưng thấm đẫm thế sự nhân tình đem lại sự hàm xúc cao độ: “Dáng mẹ tất tả, cái nón đã sờn, cái áo bạc phếch bước thập thững vào chiều đông”, “Đôi bàn tay gầy, gân guốc bới đất từng hốc, từng hốc để những củ sắn được lành lặn, cho các con không bị đói qua mùa đông. Mười đầu ngón tay cha tôi rớm máu, nứt ra trong tiết đông hanh hao”. 

Quá khứ đẹp đẽ tuy nghèo khó cùng hiện tại đầy đủ vật chất, những món quà bình dị cùng bóng dáng người thân đã song hành trong cảm xúc của tác giả, từ lối trần thuật giản đơn ấy đã đánh thức hồi ức gần gũi của người đọc tạo nên những trang viết đặc sắc, hấp dẫn mà sau đó trong tản văn Những buổi chiều quê tác giả lại có lần nhắc lại, dù viết hàng trăm nghìn lần thì những chi tiết viết về cha mẹ vẫn luôn vô cùng mới mẻ mà thân thương: “Tôi nhớ dáng mẹ lom khom trên đồng chiều nhạt nắng cặm cụi rẫy cỏ cho luống cà đang hé những bông nhỏ hình ngôi sao tím phớt. Tôi nhớ dáng cha tôi lúi húi buộc lại cái cột giàn bầu vừa bị gió hẩy đổ đêm qua”.

Năm nay mùa đông gõ cửa sớm hơn thường lệ nhưng xin mượn lời nhà văn Lương Thìn đã viết để san sẻ chút hơi ấm yêu thương tới các độc giả: “Mùa đông này nếu ai thấy lòng mình còn tái tê trong giá lạnh, hãy nghĩ về những người thân yêu để bớt cô đơn, cười với nhau để nụ cười làm tan đi rét mướt. Hãy đến bên cạnh người thân, chia sẻ yêu thương để lòng mình thêm ấm áp lúc đông về. Mùa đông sẽ vẫn có mặt trong cuộc sống của mỗi người nhưng để mùa đông trong ta trở thành mùa đong đầy yêu thương…”

Quả thật, văn chương khiến người ta say, say như một giấc chiêm bao tuyệt đẹp mà đắm mình rồi chẳng muốn thoát ra “Văn chương tự cổ vô bằng cứ”. Văn chương giúp người ta thanh lọc trái tim, thanh lọc cảm xúc, quên đi bao nhọc nhằn cuộc sống, tận hưởng những hương sắc, nhấm nháp những hương vị “ký ức”, “Để chui ra khỏi chiếc kén cồng kềnh, ngột ngạt mà ngóng đợi màu xuân” và văn chương giờ đây với hai người phụ nữ ưu tú giỏi việc nước, đảm việc nhà của văn nghệ Yên Phong lại là nơi mà họ phóng tầm mắt với cái nhìn thực tại, dung hòa vào đồng điệu với tâm hồn để sáng tạo ra những tác phẩm hàm chứa chất lượng nghệ thuật cao. Do dung lượng ít ỏi của bài viết không thể giới thiệu hết những đặc sắc trong các tác phẩm của hai nữ tác giả, hai cô giáo dạy văn gắn bó với miền quê Bắc Ninh - Kinh Bắc văn hiến từ những câu thơ, những dòng văn hay đến “đằm, sâu, duyên dáng, nhạy cảm, nữ tính mà đầy mạnh mẽ, từng trải và bản lĩnh” như nhận xét của một người bạn văn chương đã dành tình cảm mến mộ họ bày tỏ. Cũng mong rằng, sức sáng tạo và đam mê của cô giáo Lương Thìn, cô giáo Nguyễn Thị Đương sẽ tiếp tục truyền lửa thắp sáng lên nhiều mầm xanh của đất nước, quê hương và diễn đàn văn nghệ xứ Bắc nói riêng hay cả nước nói chung. Xin chúc cho hai nhà giáo, hai thi sĩ - thi nhân sẽ luôn là bông hoa tỏa hương thơm ngát trên văn đàn và trên cả giảng đường: “Có một nghề bụi phấn bám đầy tay/ Người ta bảo đó là nghề trong sạch nhất/ Có một nghề không trồng cây trên đất/ Mà mang lại cho đời đầy trái ngọt hoa tươi”./.

                                                                                                                                                                                                                      THU NGA