Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

NHỚ TẾT XƯA
10:42 | 13/01/2020

Chẳng còn mấy nữa là đến Tết. Mùa xuân là khởi đầu cho một năm mới trong vòng tuần hoàn của năm. Cũng có nhiều việc được vòng đi vòng lại như một vòng tuần hoàn trong cái Tết cổ truyền dân tộc. Tôi nhìn ra ngoài trời lạnh buốt, sương mù lờ mờ bao phủ, vài búp non đang hé mắt ra nhìn làn sương mỏng bay bay trên mái tóc người đi đường. Nhẩn nha vào pha ấm trà độc ẩm bỗng nhớ Tết xưa: Tết nhà ngoại.

Năm 19 tuổi tôi đi lấy chồng, Giao thừa nào tôi cũng bần thần nhớ nhà, nhớ những Tết còn ở nhà với bố mẹ. Là con gái lớn trong nhà nên Tết nào tôi cũng cùng mẹ làm biết bao nhiêu là việc. Mới chừng qua rằm tháng Chạp mẹ tôi đã mua hành muối. Những củ hành trắng nõn được nhặt sạch rễ, rồi rửa sạch ngâm qua nước muối nhạt, vớt ra cái rổ để cho ráo nước mới sóc muối đều rồi nén xuống. Mẹ nói làm như vậy củ hành khi ăn sẽ giòn và lên màu đẹp không bị váng. Ngày xưa không có hạt bí, hạt hướng dương. Mẹ mua thóc nếp và đường mật mía về làm kẹo chè lam. Công việc này khá cầu kỳ, đầu tiên phải rang thóc cho nổ thành bỏng. Dùng sàng sảy tách hết vỏ trấu rồi giã nhỏ bỏng sau đó cho vào giây bột lắc kỹ lấy phần bột mịn. Mẹ thắng đường mật cho chảy thành thứ nước màu vàng óng, sau đó đổ bột vào khuấy thật đều tay, cho thêm chút gừng giã nhỏ nữa. Tay khỏe mới được mẻ kẹo chè lam ngon mà không bị cháy. Khi chảo bột chuyển sang màu vàng nhạt dẻo quánh thì rắc thêm chút lạc rang thơm phức trộn đều, sau đó mẹ đổ hỗn hợp chè lam ra mâm cán mỏng. Dùng dao cắt nhỏ thành từng thanh hình chữ nhật. Chúng tôi thường xúm quanh xem mẹ làm kẹo để mẹ cho mỗi đứa thử một miếng, được ăn trước kẹo Tết với chúng tôi quả là một sự sung sướng không hề nhỏ. Chỉ cần cắn nhẹ một miếng nhỏ đã nghe mùi nếp, mùi mật, mùi gừng thơm phưng phức, nhai chầm chậm sẽ thấy miếng kẹo dẻo thơm mềm mại thấm vào từng kẽ răng vừa ngọt, vừa thơm, vị gừng làm cơ thể ấm áp hơn như mùa xuân đã về. Mấy đứa em trai ăn vội vàng để chìa tay xin miếng nữa. Mẹ mỉm cười hiền từ:

- Ăn chè lam phải ăn chậm mới ngon.

Khi kẹo chè lam nguội mẹ xếp gọn vào túi ni lông buộc kín, phải đến Tết mới được ăn. Dù bây giờ có rất nhiều loại bánh kẹo ngon nhưng với tôi món kẹo chè lam nấu bằng mật mía vẫn là ngon nhất. Nó mang đầy đủ vị ngọt thơm của mật, vị thơm của gừng và quan trọng có cả hương vị mùa xuân, hương vị khởi đầu cho một năm mới.

 Tết xưa có tục gói bánh chưng nên tôi được giao rửa lá bánh. Thấy lá bánh là thấy tết đã đến bên thềm cửa, những chiếc lá bánh thơm phức gọi tết về. Sau bố chỉ có tôi biết gói bánh, mấy đứa em tôi ngồi chồm hỗm bên cạnh đếm từng chiếc bánh chưng xếp thành chồng trước mặt với vẻ mặt háo hức. Bố tôi không quên gói cho chúng nó mỗi đứa một cái bánh chưng con có nhiều đỗ nhiều thịt. Lúc luộc bánh mùi tết lan khắp căn nhà nhỏ ấm cúng vô cùng. Sự hòa quyện của mùi đỗ, mùi thịt, gạo nếp tạo nên một thứ mùi riêng biệt mà chỉ tết mới có. Ngày xưa nhà tôi nghèo, để lo có nồi bánh chưng mẹ tôi phải tằn tiện cả năm chi tiêu để dồn vào có cái Tết đầy đủ cho gia đình. Từng ngọn lửa bập bùng dưới nồi bánh như ngún cạn những gian khó của cuộc sống để mở ra một năm mới làm ăn phát đạt hơn.

 Mỗi Giao thừa tôi đều để cho nước mắt lăn dài trên má với lời thầm thì: Con lấy chồng sớm nên không bao giờ được đón Giao thừa cùng cả nhà và bưng mâm lễ cho mẹ cúng Giao thừa nữa.

Tôi lấy chồng được tám năm thì bố tôi đột ngột qua đời do căn bệnh để lại thời chiến tranh. Tết năm ấy mẹ chồng tôi bảo vợ chồng con cái về nhà ngoại ăn Tết cho nhà cửa bớt lạnh lẽo vì bố tôi mới mất.

Năm nay là một ngoại lệ cho tôi có cơ hội được về ngoại ăn Tết. Những ngày giáp Tết tôi cùng các con trở về nhà. Dường như tôi thấy mình bé lại, tôi lại giành việc mang chăn chiếu ra sông giặt giũ, tuy trên ngực có đeo chiếc băng đen nhưng điều đó không làm tôi mấy quan tâm. Tôi lại được nghe tiếng các bà các chị rộn rã ở bến sông. Nước mùa này cạn nên mọi người phải xuống mãi dưới mới giặt giũ được. Ai ai thấy tôi cũng vui vẻ niềm nở, họ vui vì lâu lắm mới thấy tôi giặt giũ dưới bến khi năm hết Tết đến. Mẹ tôi dù vẫn gầy guộc sau sự ra đi đột ngột của bố nhưng mắt mẹ ấm áp trở lại khi mẹ con tôi cùng về ăn Tết với bà. Mấy đứa em tôi thì khỏi phải nói chúng vui mừng thế nào khi Tết này có cả chị và các cháu ăn tết cùng.

Nhà tôi vẫn giữ tục gói bánh chưng, năm nay chỉ mình tôi gói bánh. Chỗ ngồi đối diện vắng bố. Tay tôi thoăn thoắt xếp lá, múc gạo, tra nhân. Tôi vẫn còn thấy hơi ấm của bố từ cái ghế đối diện nhắc tôi buộc thêm một lần lạt nữa để khi ép bánh cho vuông vắn, tiếng bố trầm trầm bảo tôi để vuông góc bánh cho gạo không tràn xuống lớp lá dưới. Mấy đứa em ngồi xuống học gói bánh, cả nhà xúm xít vui vẻ xua tan không khí buồn. Nếu không nhìn thấy mảnh băng đen trên ngực mỗi người thì có lẽ ai vào nhà lúc này cũng không biết nhà tôi có tang.

Chiều ba mươi mẹ tôi làm mâm cơm cúng bố. Không khí bỗng chùng lại khi mọi người chắp tay nhìn lên di ảnh bố. Bố tôi nhìn cả nhà với đôi mắt thân thương dịu hiền: Bố vẫn ở đây bên cả nhà, bố mừng vì con gái bố lâu lắm mới ăn Tết. Nước mắt tôi ứa ra nhưng vội quay đi để không ai thấy. Tôi thì thầm: Bố ơi, năm nay con được về nhà ăn Tết thì bố đã đi xa. Giá bố có nhà có phải đủ đầy không. Con ước gì có bố ở đây, con hứa với bố hàng năm 27 Tết con sẽ về gói bánh cho mẹ. Con sẽ làm công việc hàng năm bố vẫn làm… Tôi đoán cả nhà đang nhớ bố nhưng ai cũng cố nén vì năm nay có anh chị và các cháu ăn Tết ở nhà.

Giao thừa này tôi cùng mẹ sắp mâm lễ cúng, hai đứa con tôi cầm cái bánh chưng con nhảy tưng tưng. Chính chúng nó đã để không khí tết tràn vào nhà, tràn vào tâm hồn mẹ tôi. Mẹ mỉm cười ôm hai đứa cháu ngoại vào lòng rồi đứng trước bàn thờ nói gì với bố lâu lắm. Tôi ngắm ba bà cháu vái ông trong lòng thấy an nhiên vì thấy mắt mẹ không còn quá u buồn.

Đó là cái Tết cuối cùng tôi được ăn tết trọn vẹn bên nhà ngoại.

Sau này tôi giữ đúng lời hứa 27 Tết về gói bánh và thắp hương bố. Chiều muộn lại trở về nhà lo Tết cho tổ ấm riêng của mình. Thời gian trôi đi, các em tôi khôn lớn tung cánh bay xa. Mẹ về ở với vợ chồng tôi. Năm nào cả nhà cũng tập trung đón Giao thừa nhưng cảm giác ăn Tết nhà ngoại năm ấy vẫn in đậm trong tôi đến tận bây giờ./.

                                                                                                                                                                                                                                         LƯU LAN PHƯƠNG