Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

NHỚ HOÀNG CẦM
08:57 | 17/01/2022

Tôi quen và trở thành bạn vong niên với Hoàng Cầm qua Hoàng Kỳ - con trai ông. Hồi đó, Hoàng Kỳ là phó Giám đốc Thư viện tỉnh Hà Bắc, còn tôi chỉ là anh “phó nhòm” chuyên quay phim dịch vụ đám ma, đám cưới, lễ hội đình chùa, bôn ba xuôi ngược khắp các nẻo đường miền quê Quan họ. Và cũng chính bởi cái nghiệp đó mà tôi đã có trong tay một kho tư liệu hình ảnh về miền quê Kinh Bắc. Để mỗi khi ai đó muốn làm phim về mảnh đất và con người nơi đây đều tìm đến tôi để… mượn tư liệu. Hoàng Cầm là một trong những người ấy.

Tôi vẫn còn nhớ như in cái buổi chiều mùa đông năm đó, Hoàng Kỳ tìm đến nhà tôi. Gọi là nhà nhưng thực ra chỉ là cái chòi bán vé của sân chiếu bóng Cầu Gỗ (thị xã Bắc Ninh) được cải tạo lại làm chỗ chui ra chui vào, treo cái biển “Bến Quê Video” để hành nghề kiếm sống. Sau chầu chè đặc cắm tăm, Hoàng Kỳ lục túi bạt, đưa cho tôi lá thư Hoàng Cầm viết gửi tôi rồi bảo: “Anh giúp cho ông cụ nhà tôi nhé!”. Thì ra nhà thơ Hoàng Cầm muốn làm một bộ phim về miền đất Kinh Bắc quê hương ông, tất nhiên ông sẽ là nhân vật chính. Làm phim cho tác giả Lá Diêu bông ư? Trên cả tuyệt vời, hơn cả niềm hạnh phúc! 

Tôi đồng ý ngay, còn không quên giao hẹn phải cho mình vác máy đi quay những cảnh làm phim để lưu lại làm kỷ niệm. Thế là một thời gian sau, khoảng hơn mười ngày tôi được rong ruổi cùng đoàn làm phim của Hoàng Cầm. Khi trên triền đê sông Đuống, lúc dưới bãi ngô sông Cầu, mái tóc bạc phơ của Hoàng Cầm cùng ráng chiều đỏ sẫm của miền quê Quan họ cũng đã được thu vào trong ống kính chiếc camera Panasonic M7 của tôi. Sau này, khi đã thân và quen tới mức được mó vào bàn đèn của ông ở trên gác ngôi nhà số 43 phố Lý Quốc Sư (Hà Nội), tôi còn bỗ bã nói với Hoàng Kỳ: “Này! Tôi chơi với bố anh chứ không chơi với anh đâu nhé!”

Hoàng Cầm tên thật là Bùi Tằng Việt sinh năm 1922 tại làng Lạc Thổ (nay là xã Song Hồ) huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh trong một gia đình nhà nho nghèo sống bằng nghề làm thuốc Đông y. Bút danh Hoàng Cầm cũng xuất phát từ tên một loại thuốc quý. Khi được hỏi vì sao lại có cái tên Hoàng Cầm, ông bảo: “Ông cụ thân sinh tôi là nhà nho và làm nghề bốc thuốc. Trong các vị thuốc Bắc ông dùng chữa bệnh đau mắt có một cây cỏ có tên Hoàng Cầm, vị rất đắng. Nhưng không phải tôi nghĩ đến thứ cỏ này để đặt tên đâu. Tôi thích tên Cầm một cách vô thức, và tôi thích cây đàn hoàng tử vừa đẹp vừa sang trọng. Thế là tôi lấy chữ Hoàng ghép với chữ Cầm. Cái tên Hoàng Cầm xuất hiện lần đầu tiên trên Tiểu thuyết thứ 7 của NXB Tân Dân năm tôi tròn 17 tuổi.”

Về Bắc Ninh làm phim hồi đó, tác giả của Lá Diêu bông, Cây Tam cúc, Bên kia sông Đuống đã ở cái tuổi xưa nay hiếm. Một trận ốm khiến ông già yếu hơn, đôi chân không còn đứng vững, nhưng ở nhà thơ vẫn toát lên phong thái của một chàng hoàng tử lãng du. Có thể nói, vùng quê Bắc Ninh - Kinh Bắc văn hiến trữ tình ấy đã nuôi dưỡng hồn thơ Hoàng Cầm chứa chan tình mẹ, tình yêu đôi lứa và tình thương con người. Để từ đó dệt nên những vần thơ trữ tình, mượt mà, đầy sức quyến rũ từ nội tâm sâu thẳm. Hoàng Cầm được biết đến trong nhiều lĩnh vực, nhưng nổi tiếng nhất là thơ ca với những tác phẩm chính gồm: Trương Chi (xuất bản năm 1993), Bên kia sông Đuống (thơ, 1948), Kinh Bắc (thơ, 1959), Men đá vàng (truyện thơ, 1973), Mưa Thuận Thành (thơ, 1959), Lá Diêu Bông (thơ, 1993), Đến từ hư không (thơ, 2000)...

Ngay từ những năm 15 tuổi, 18 tuổi ông đã có những bài thơ Hận ngày xanh, Bông sen trắng làm ngạc nhiên giới văn bút nước nhà; 20 tuổi, ông có Hận Nam Quan - vở thơ kịch lịch sử và đến năm 26 tuổi, bài thơ Bên kia sông Đuống đã đưa chàng trai Hoàng Cầm lên hàng thi sĩ tiêu biểu nhất trong kháng chiến chống Pháp. Bài thơ đánh dấu sự bừng thức của Hoàng Cầm về quê hương. Khi nghe tin quê hương đang từng giờ từng phút bị tàn phá, dày xéo trong tay giặc, yêu thương và căm giận cuồn cuộn trào dâng, tất cả những ký ức đó chợt sống dậy mãnh liệt trong ông, giúp ông sau một đêm đã làm nên một Bên kia sông Đuống chấn động tâm can mọi người Việt Nam yêu nước.

Từ Bên kia sông Đuống, dòng thơ về quê hương của Hoàng Cầm bắt đầu tuôn chảy với Tiếng hát Quan họ, Trương Chi, Men đá vàng, Mưa Thuận Thành, Lá Diêu bông và đặc biệt tập thơ Về Kinh Bắc là sự thăng hoa tuyệt vời, là tập thơ cột sống của đời Hoàng Cầm. Đây là một tập thơ mà tinh túy của văn hoá Quan họ - Kinh Bắc đã được chưng cất, kết đọng lại. Ông chia tập thơ thành các “nhịp” với những đêm Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ như nén lại để rồi làm thăng hoa thơ Việt trong một không gian, thời gian thực ảo biến hoá khôn lường. Đọc thơ ông, ta gặp một con người Việt nguyên khôi qua hơi thở của lục bát, ngũ ngôn và nhịp tự do tài tình lướt qua khuôn phép. Chính vì thế mà thơ ông không cũ trong cổ điển, và cũng không quá xa lạ trong hiện đại. Nhiều câu thơ của ông đầy tài hoa, quyến rũ, khiến người đã “phải lòng” rồi thì không thể nào dứt ra được nữa.

Còn với Lá Diêu bông, Hoàng Cầm đã sáng tác ra một thứ lá không có trên đời, nhưng ngày nay nó đã trở thành biểu tượng của tình yêu. Bài thơ là triết lý về hành trình, nỗi khát khao tìm kiếm hạnh phúc của đời người cho dù hạnh phúc đó chỉ là ảo. Luôn mang trong mình cái tình trẻ mãi không già, Lá Diêu bông khiến Hoàng Cầm để lại dấu ấn không thể phai mờ trong lòng bạn đọc: “Từ thuở ấy/ Em cầm chiếc lá/ Đi đầu non cuối bể/ Gió quê vi vút gọi/ Diêu bông hời… ới Diêu Bông…!”.

Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha đánh giá: “Thơ Hoàng Cầm có rất nhiều bài hay. Nhưng bài tôi tâm đắc nhất là bài Lá Diêu bông. Vì ở đấy nó có phẩm chất mà tất cả các nhà thơ của nhân loại đều phải có. Vì riêng chuyện ông sáng tạo ra lá Diêu bông đã là một câu chuyện. Hàn Mạc Tử cũng sáng tạo ra cõi phượng trì… rất mông lung thì đến Hoàng Cầm ông lại nghĩ ra lá Diêu bông. Bài thơ Lá Diêu bông như là tả nhưng nó không tả mà nó nói về một nỗi niềm. Ông ấy dùng bản năng ở trong mình, chỉ có trong thơ Hoàng Cầm là thấy em yêu chị mà thôi…”.

Ngày 6/5/2010, nhà thơ Hoàng Cầm đã nhẹ bước ra đi sau chặng đường 89 năm bền bỉ tìm về. Ông đã tìm về nơi ông sinh ra, nơi trọn đời ông nhớ thương day dứt: “Cúi lạy mẹ con trở về Kinh Bắc/ Chiều xưa giẻ quạt voi lồng/ Thân cau cụt vẫy đuôi mèo trắng mốc/ Chuồn chuồn khiêng nắng sang sông…” Ông tìm về Bên kia sông Đuống: “Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ” nơi ông đánh giặc và yêu. Tìm về với chính tuổi thơ ông và tìm cả những gì không có, những gì chỉ có trong giấc mơ… Nhớ và nhớ mãi Hoàng Cầm!

(Bài viết có sử dụng tư liệu của đồng nghiệp)

NGUYỄN TRUNG