Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

NGUYỄN THỊ LỘ - NỮ NHÀ GIÁO ĐẦU TIÊN
14:29 | 17/11/2020

Hạnh sinh ra ở làng quê Tân Lễ nhân kiệt địa linh. Thành trưởng từ tỉnh cũ Thái Bình thanh sơn thủy tú…(1)

Hai câu mở đầu bài phú ghi ở đền Lệ Chi Viên của GS. Vũ Khiêu viết về bà Nguyễn Thị Gấm quê làng Hới, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Bà sinh năm 1394, mất ngày 19/9/1442 (16/8 âm lịch) là cô gái xinh đẹp, được cha truyền dạy tại gia cho biết đọc, biết viết để mở mang kiến thức làm vốn sống. Nhận xét tổng quan, bà là nữ sỹ tài sắc vẹn toàn:

Mày ngài mắt phượng: tuyệt thế giai nhân;

Chí cả tài cao: phi phàm thục nữ.

Công dung ngôn hạnh: tứ đức vẹn toàn;

Thi họa cầm kỳ: trăm hoa đua nở.(1)

Làng Hới có nghề dệt chiếu, chiếu dệt đã xong, cô Gấm gánh chiếu về Thăng Long bán. Hồ Tây một ngày tao ngộ, bốn câu thơ nao lòng khi gặp tiên sinh Nguyễn Trãi, hai người đã nên vợ thành chồng. 

Ả ở đâu ta bán chiếu gon

Hỏi chăng chiếu ấy hết hay còn

Xuân xanh chừng độ bao nhiêu tuổi,

Đã có chồng chưa? Được mấy con?(2)

Và bốn câu đối đáp thông minh của bà khiến tiên sinh muốn thu phục:

Thiếp ở Hải Hồ bán chiếu gon

Cớ sao chàng hỏi hết hay còn

Tuổi em vừa độ trăng tròn lẻ

Chồng em chưa có hỏi chi con?(2)

Như cuộc gặp gỡ định mệnh, chả bao lâu đôi uyên ương đã nên vợ thành chồng.

Bấy giờ ở rừng núi Lam Sơn, Thanh Hóa có thủ lĩnh nông dân Lê Lợi phất cờ chiêu binh đánh giặc Minh xâm lược. Nhớ lời cha dặn, Nguyễn Trãi đã bàn với vợ tìm đến bản doanh dâng Bình Ngô sách nhập hội nghĩa quân. Trước khi lên đường, hai người tìm đến ngôi chùa thiêng làm lễ và đổi tên cho cụ Nguyễn Thị Gấm là Nguyễn Thị Lộ, Lộ là con đường, để con đường cứu nước được thuận lợi. 

10 năm sống ở núi rừng Lam Sơn, Lê Lợi đã biết bà đảm đang, giỏi chữ nên đã nhờ bà khuyên dạy cho các con, cháu của mình và con của các tướng lĩnh. Sau khi toàn thắng thắng giặc Minh, Lê Lợi lên làm Vua. Vua qua đời các con ông nối ngôi, đến đời Vua Lê Thái Tông đã phong tước hiệu cho bà là Lễ nghi học sỹ, tuyển vào cung chuyên dạy lễ nghĩa cho cho các con và cung tần mỹ nữ trong triều. 

Rèn cung tần nghi lễ, kỷ cương

Dạy nhi nữ nâng cao lễ độ.(1)

Thế sự đổi thay, Nguyễn Trãi đã phát hiện ra một điều: Chung gian khổ thì dễ, chung thái hòa khó thay. Ông bà đã xin nghỉ quan trường về rừng núi Côn Sơn ở cùng ông ngoại là Trần Nguyễn Đán. Ghi nhận công lao của ông bà vua Lê Thái Tông đã phong ông chức quan Hành Khiển phụ trách miền đông Tổ quốc, được hưởng đặc ân không phải trực thường xuyên mà chỉ khi nào triệu hồi mới phải có mặt.

Tháng Tám năm Nhâm Tuất 1442, Vua đi kinh lý miền Đông Bắc, trên đường về thuyền rồng đậu bến Côn Sơn thăm gia đình Nguyễn Trãi và truyền cho Nguyễn Thị Lộ đi theo về kinh đô. Ngày mùng 4 tháng ấy thuyền về đến Lệ Chi Viên ở Bắc Ninh, đêm ấy vua bị cảm qua đời. Bọn cận thần vốn ghen ghét Nguyễn Trãi từ lâu mới lập mưu vu oan Nguyễn Thị Lộ theo lệnh Nguyễn Trãi đầu độc Vua, 12 ngày sau nhằm ngày 16/8 âm lịch ba họ gồm họ nội, họ ngoại và họ vợ Nguyễn Trãi bị sát hại tổng số 400 người thật xót thương thay. 22 năm sau, Vua Lê Thánh Tông mới minh oan cho Nguyễn Trãi, còn Nguyễn Thị Lộ và 400 con người vẫn ngậm oan chưa biết đến bao giờ.  

Nghiên cứu công lao và tài sắc, đạo đức của bà, anh hùng lao động, GS Vũ Khiêu đã thừa nhận: Triều nhà Lê, đức bà Nguyễn Thị Lộ là “Nữ lưu đệ nhất công thần”, là người nữ duy nhất có công được ghi danh. Xét về lịch sử bà là nữ nhà giáo đầu tiên của nước ta. Và chồng bà, 10 năm bị giam ở thành Đông Quan đã làm nghề dạy học. Tuy không trọn đời với nghiệp nhà giáo, nhưng gia đình ông rất có thể là gia đình nhà giáo đầu tiên của nước ta? 

Đền thờ hai cụ ở thôn Đại Lai, xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, một linh đền, nhiều thí sinh dự thi sáng tác âm nhạc, thi biểu diễn nghệ thuật trong và ngoài nước đã về đền làm lễ đoạt giải cao. Ngành giáo dục các cấp nên tuyên truyền và tổ chức thăm quan du lịch dâng hương trước hương linh hai cụ là điều nên làm để khích lệ tinh thần hiếu học cho các thế hệ học sinh. /.

(1) Trích trong bài phú ghi trên văn bia cụ Lộ ở đền Lệ Chi Viên, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh!

(2) Trích trong truyền thuyết Rắn báo oán. Có sử dụng tài liệu “Giới thiệu di tích Lệ chi Viên”.

                                                                                                                                                                                                                                                       VŨ THẾ THƯỢC