Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

NGƯỜI ĐƯỢC BÁC HỒ KHEN "ĐÁNH DU KÍCH RẤT GIỎI"
15:29 | 20/05/2020

Trong gần 70 năm hoạt động cách mạng ở nhiều lĩnh vực khác nhau, từ anh Hạ Bá Cang, lớp đảng viên cộng sản đầu tiên đến lão đồng chí Hoàng Quốc Việt, một chiến sỹ cộng sản kiên cường và mẫu mực; một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; một nhà lãnh đạo có tính nguyên tắc cao nhưng giàu lòng nhân ái; người anh, người bạn thân thiết của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Nguyễn Ái Quốc trong trái tim tôi

Đồng chí Hoàng Quốc Việt (tên khai sinh là Hạ Bá Cang) sinh ngày 28/5/1905 tại xã Đáp Cầu, huyện Võ Giàng (nay là phường Đáp Cầu, thành phố Bắc Ninh).  Là con út của một gia đình nhà nho nghèo, đông con, mẹ mất sớm, cha già yếu, nhờ sự nuôi dưỡng, chăm sóc của các anh chị, đồng chí mới có điều kiện để học hết cao đẳng tiểu học rồi thi đỗ vào Trường Bách nghệ Hải Phòng. Sống giữa thành phố cảng, được tiếp xúc với thực tại xã hội đương thời, Hạ Bá Cang sớm hiểu được nỗi thống khổ của một dân tộc bị nô lệ và mang nặng mối căm thù bọn thực dân bán nước. Tiếng bom Phạm Hồng Thái ở Quảng Châu đã thôi thúc Hạ Bá Cang và bạn bè cùng chí hướng lao vào các phong trào yêu nước như đòi thả Phan Bội Châu, đòi để tang Phan Châu Trinh…

Năm 1925 bị đuổi học trở về quê được gặp Ngô Gia Tự, người thanh niên trường Bưởi cũng bị đuổi học vì cùng học sinh Hà Nội đấu tranh chống xử án cụ Phan Bội Châu.

Hai mươi ba tuổi (1928) gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Các tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, “Đường Kách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc và báo Thanh Niên do Người sáng lập là những ấn phẩm mà lớp thanh niên yêu nước những năm hai mươi của thế kỷ trước chuyền tay nhau đọc đến nhàu nát, rồi chép đi, chép lại đến thuộc lòng, đã nuôi dưỡng, bồi đắp lý tưởng cách mạng và lòng yêu nước, thương dân trong thanh niên, học sinh.

Trong cuốn hồi ký “Chặng đường nóng bỏng” đồng chí đã tâm sự: “Tôi được sống những ngày tuyệt đẹp của tuổi thanh xuân, đã tìm thấy lý tưởng, được tôi luyện trong những cuộc đấu tranh giai cấp sôi động, được chứng kiến và tham gia chuyển những chi bộ Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội thành những chi bộ Cộng sản đầu tiên, được góp phần mình chuẩn bị cho Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời”.

Hạ Bá Cang đã được Nguyễn Ái Quốc nhắc đến trong báo cáo đề ngày 19/2/1931 gửi Bộ Phương Đông của Quốc tế Cộng sản, Người dẫn câu nói của Hà Bá Cang (chính là Hạ Bá Cang) trước Hội đồng đề hình của thực dân Pháp xét xử 191 người tù cộng sản và Việt Nam Quốc dân Đảng ngày 27/1/1931 tại Kiến An: “Tôi không cần từ chối gì về hoạt động cách mạng của tôi vì đó là bổn phận của tôi phải góp sức cứu vớt 20 triệu đồng bào và đánh đổ giai cấp tư sản đế quốc”. Sau những năm tháng sống và chiến đấu trong các nhà tù của thực dân Pháp ở Hoả Lò (Hà Nội), và đảo Côn Lôn, nhờ phong trào đấu tranh quyết liệt của nhân dân ta đòi thả tù chính trị lại được sự ủng hộ của Mặt trận nhân dân Pháp, cuối năm 1936 đồng chí Hoàng Quốc Việt cùng một số đồng chí khác được trả lại tự do, trở về đất liền, tiếp tục lao vào cuộc đấu tranh, hoạt động trong Mặt trận dân chủ, tham gia Xứ uỷ Bắc Kỳ. 

Đầu năm 1941, đồng chí Hoàng Quốc Việt cùng các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ... mấy tháng trời lặn lội, vượt qua một chặng đường từ Bắc Ninh lên Lạng Sơn, vòng qua đất Trung Quốc rồi về Cao Bằng để dự Hội nghị lần thứ 8, BCH Trung ương Đảng. Đây là một chuyến đi được coi là vất vả nhất trong đời. Sự nghiệt ngã của thiên nhiên làm cho sức khỏe của một số đồng chí giảm sút. Mặc dù gian nan, khó nhọc nhưng trong lòng mỗi người đều bùng cháy niềm hy vọng: “Sẽ được gặp Nguyễn Ái Quốc”. Niềm hy vọng ấy đã xua tan bao mệt mỏi, nhọc nhằn. Gió núi, mưa ngàn, thú dữ và những tên lính tuần phòng nơi biên ải cũng không cản được bước chân những chiến sĩ cách mạng. 

Đến Cao Bằng, các đồng chí Tỉnh uỷ ra đón cho biết: “Ông Ké đã biết tin, đang đợi các đồng chí”. Một đồng chí liên lạc dẫn đoàn lần theo đường rừng, men theo bờ suối vòng vèo, rồi đi trên con đường đất đỏ dẫn đến hang Cốc Bó. Một ông già mặc áo chàm, vai vắt khăn, cao cao gầy gầy, vầng trán rộng, đôi mắt sáng, chòm râu thưa đang đi lại. Anh Lý (bí danh của đồng chí Hoàng Văn Thụ) nói nhỏ với mọi người: “Đồng chí Nguyễn Ái Quốc đấy!”. Trong số anh em từ miền xuôi lên, chỉ có anh Lý là biết Nguyễn Ái Quốc, còn lại đều là lần đầu tiên được gặp Bác. Bác bắt tay anh em trong đoàn. Giây phút ban đầu gặp Bác, đồng chí Hoàng Quốc Việt hồi hộp vô cùng, lúng túng trong cách xưng hô, tự nhiện bật lên câu: “Chào đồng chí ạ!”. Bác cười. Sau này, trong những năm tháng sống và làm việc giữa núi rừng Việt Bắc, đôi khi gặp Bác, Người vẫn nhắc lại chuyện cũ: “Chú Việt lúc ấy chào mình bằng câu: Đồng chí ạ!”. Anh Lý giới thiệu từng đồng chí trong đoàn. Khi biết rõ họ tên đồng chí Hoàng Quốc Việt là Hạ Bá Cang, Bác nhớ ngay đến hồi đầu năm 1931, khi ấy Bác nhận được báo cáo từ trong nước gửi sang, nói về vụ xử án ở Kiến An, Bác cười: “Hồi ấy báo cáo gửi sang bản đánh máy không có dấu, cho nên tôi đọc đoán là Hà Bá Cang”, Bác nhấn mạnh hai chữ “Hà Bá”, mà lướt nhẹ chữ “Cang” làm cho mọi người cười ồ lên, phá tan không khí trang nghiêm, do dự ban đầu. Sau câu pha trò của Bác, ai nấy đều rất vui, phấn chấn tinh thần, quấn quýt bên Bác.

Trong những ngày ở gần Bác, ai cũng đều xúc động về cuộc sống giản dị và tấm lòng nhân ái của Bác Hồ. Bác thường mặc bộ quần áo chàm đã bạc, đội nón rộng vành, khăn mặt vắt vai, giống hệt người địa phương. Ban ngày đi bộ đến các hang, bản thăm hỏi nhân dân và tuyên truyền cách mạng bằng tiếng của đồng bào, có tối ngồi xung quanh nồi ngô bung, Bác kể chuyện cho dân bản hoặc đọc Truyện Kiều và Chinh phụ ngâm. Những lúc rỗi rãi, Bác tụ tập các em thiếu niên lại nói chuyện về lòng yêu nước, yêu bản, yêu nhà, hướng dẫn các em trồng cây, dạy các em “cái chữ”. Bác sống giản dị, đặc biệt là rất tiết kiệm, Bác thường dặn những người giúp việc Bác, việc ăn uống tuyệt đối không được thừa thãi. Bác ăn chung với anh em, ngày 2 bữa cơm đạm bạc, chủ yếu là rau, măng rừng, đôi khi có thịt thú rừng kho mặn, ăn dè.

Bài học sâu sắc đầu tiên mà Bác truyền lại là bài học về “tư cách người cách mạng”. Ai không có tư cách hoặc không đủ tư cách thì không thể làm cách mạng. Kẻ tuy mẫn tiệp nhưng ích kỷ, nhỏ nhen hoặc hào phóng nhưng đầu óc u tối đều không thể đứng trong hàng ngũ đội tiên phong. Tư cách người cách mạng gồm những phẩm chất và năng lực, lòng vị tha và tình bác ái.

Bác Hồ là lá cờ vĩ đại về đại đoàn kết. Đồng chí Hoàng Quốc Việt kể lại câu chuyện xúc động khi Hồ Chủ tịch đến dự và nói chuyện tại Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh - Liên Việt (tháng 3/1951), Bác nói: “Đại hội thống nhất Việt Minh - Liên Việt làm tôi vô cùng sung sướng. Lòng sung sướng ấy là chung của cả toàn dân, của cả đại hội, nhưng riêng cho tôi là sự sung sướng không thể tả. Một người đã cùng các vị tranh đấu trong bấy nhiêu năm cho khối đại đoàn kết toàn dân, hôm nay trông thấy rừng cây đại đoàn kết ấy đã nở hoa kết quả và gốc rễ nó đang ăn sâu lan rộng khắp toàn dân và nó có một tương lai “trường xuân bất lão”.

Trong khi nói chuyện với hơn 200 đại biểu dự đại hội, Bác bảo một đồng chí thanh niên đi lấy cho Bác mấy chiếc gậy. Mọi người chưa rõ Bác làm gì. Khi đồng chí thanh niên mang gậy đến, Bác cầm chiếc gậy đưa cho một cụ:

- Xin cụ bẻ cho.

Cụ già bẻ gãy chiếc gậy. Bác đưa số gậy còn lại cho đồng chí thanh niên:

- Chú bẻ cả bó đi.

Đồng chí thanh niên bẻ mãi mà không gãy. Bác lấy lại bó gậy, thân mật nói:

- Một chiếc gậy, sức yếu như cụ đây bẻ phăng. Một bó gậy, sức lực lưỡng như đồng chí này không bẻ nổi.

Bác nói xong, cả đại hội đều vô cùng xúc động, cảm nhận một bài học cụ thể, thiết thực và sâu sắc về đoàn kết. Mọi người đứng dậy vỗ tay hồi lâu và hô vang: “Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Đáp lại tình cảm của các đại biểu dự Đại hội, Bác cũng hô lớn: “Việt Nam đại đoàn kết muôn năm!”.

Chú Việt “đánh du kích” rất giỏi.

Hồi ở chiến khu Việt Bắc, cơ quan Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam gần nơi ở và nơi làm việc của Bác, chiều chiều Bác thường sang chơi. Một hôm đồng chí Hoàng Quốc Việt vừa đi công tác về thì Bác đến, cũng là lúc chị Bảy (vợ đồng chí Hoàng Quốc Việt) cũng về. Nhìn chị Bảy, Bác nói ngay: “Cô Bảy vừa ở Trung bộ ra đấy chứ?”. Chị Bảy nói nhỏ: “Thưa Bác, vâng ạ!”. Đồng chí Hoàng Quốc Việt đang băn khoăn, ngơ ngác, không rõ Bác biết chị Bảy vào công tác miền Trung từ bao giờ, Bác nói tiếp: “Hôm cô chú làm lễ cưới, tôi đang ở nước ngoài. Đến khi về, được nghe nói cô chú tổ chức vui lắm, mặc dù chỉ có ngô, khoai luộc và chè xanh”.

Trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, giữa thủ đô gió ngàn Việt Bắc, dù bận trăm công, ngàn việc, lo toan việc nước, Bác vẫn quan tâm đến cuộc sống và sinh hoạt thường ngày của những người cộng sự và giúp việc mình. Hai vợ chồng đồng chí Hoàng Quốc Việt vô cùng cảm động.

Cuối tháng 4 năm 1948, Bác chuyển chỗ ở đến khu vực Định Hóa (Thái Nguyên). Đây là nơi có nhiều thú dữ, nhất là hổ. Cục bảo vệ quy định, cán bộ không được ngủ lẻ tẻ một mình và hạn chế việc “đi lẻ” về gia đình. Một hôm, đồng chí Hoàng Quốc Việt nằm ngủ với một chiến sỹ cảnh vệ và một cán bộ quân y. Vì lâu ngày không được gặp vợ và gia đình, đang đêm khi hai anh ngủ say, đồng chí Hoàng Quốc Việt bí mật lẻn ra ngoài, đi thẳng về nhà. Một lát sau, các anh tỉnh giấc không thấy đồng chí Hoàng Quốc Việt, liền vùng đậy đi tìm. Tìm mãi không thấy, các anh lo lắng, đành phải đến báo cáo với Bác. Nghe xong, Bác nói: “Các chú xuống chỗ cô Bảy xem, nếu không có ở đấy thì hổ vồ rồi”. Mấy hôm sau gặp Bác, Bác nhìn đồng chí Hoàng Quốc Việt mỉm cười: “Chú Việt đánh du kích rất giỏi. Tôi phục chú đấy”. Đồng chí Hoàng Quốc Việt ấp úng, nói khẽ: “Thưa Bác...”. Khi thấy chị Bảy và chị Thuận (vợ đồng chí Lê Văn Lương) đều có mang, Bác nói: “Cô nào sinh con trước, Bác đặt tên cho”. Chị Bảy sinh trước, được Bác đặt tên cho cháu là Hạ Chí Nhân. Sự đôn hậu của Bác đã sưởi ấm lòng mọi người giữa cái rét ngọt ngào giữa núi rừng Việt Bắc!

Đầu năm 1950, các cơ quan của Trung ương đều hưởng ứng phong trào thi đua “Tăng gia sản xuất, tự túc ăn mặc” do Bác phát động. Đồng chí Hoàng Quốc Việt thuộc loại “chân yếu”, nhưng cũng cố gắng tham gia cuốc đất trồng mấy luống rau, một vườn bí sai quả. Khi bí to, đồng chí hái mấy quả, nhờ thư ký mang sang biếu Bác. Bác nhận bí, rồi nhờ đồng chí thư ký chuyển cho đồng chí Hoàng Quốc Việt hai câu thơ: “Ăn quả nhớ người trồng cây. Cảm ơn chú Việt, bí này còn non”. Câu thơ của Bác mộc mạc nhưng tế nhị và sâu sắc.

Đọc hai câu thơ cho anh em trong cơ quan, ai cũng hiểu Bác nhắc nhở đừng vội hái quả non, mọi cái đều phải đạt tới “độ chín” mới có giá trị. Thật là chí tình, chí lý. Mỗi lời nói, mỗi việc làm của Bác đều là những bài học thiết thực và cụ thể đối với cán bộ, đảng viên.

Tấm lòng vị tha và nhân ái.

Trong gần 70 năm hoạt động cách mạng ở nhiều lĩnh vực khác nhau, đồng chí Hoàng Quốc Việt, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn sâu sát cuộc sống đời thường của dân, nhất là đời sống công nhân và nhân dân lao động, một con người có tính nguyên tắc cao nhưng giàu lòng nhân ái, độ lượng, khoan dung…

Ông Nguyễn Túc, nguyên Thư ký của đồng chí Hoàng Quốc Việt, kể: Trong những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, quốc lộ 5 là con đường huyết mạch nối cảng Hải Phòng với các địa phương trên miền Bắc nhưng đường rất hẹp, khó đi. Đoàn Giao thông vận tải số 10 làm nhiệm vụ giải tỏa hàng hóa ở cảng Hải Phòng thường xuyên có xe ô tô vận hành trên quốc lộ 5. Do nhiệm vụ quan trọng và cấp bách, Đoàn 10 được nhiều ưu đãi và ưu tiên, nên một số lái xe Đoàn 10 thường có thái độ công thần, không nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông, bị nhân dân kêu ca, phàn nàn và phản ảnh đến các cơ quan Trung ương. Khi nghe được dư luận bất bình của nhân dân, đồng chí Hoàng Quốc Việt với cương vị là Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, vừa là Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam, quyết định tổ chức đoàn cán bộ gồm đại diện một số cơ quan Trung ương đi kiểm tra tình hình giao thông vận tải trên quốc lộ 5. Xe của đoàn qua cầu Phú Lương (Hải Dương) thì bị tắc. Xe công an dẫn đường phải vất vả lắm mới dẹp được đường cho xe đoàn tiếp cận chiếc xe gây ùn tắc. Đến nơi mới biết đó là một xe ô tô của Đoàn 10, một “yêng hùng Đường 5”. Người lái xe tiếp tục nghênh ngang chặn đường, không cho xe đi sau vượt lên, xe chở đồng chí Hoàng Quốc Việt và xe của đoàn ùn lại gần chục cây số. Mãi gần đến Quán Toan (Hải Phòng), xe cảnh sát dẫn đoàn mới vượt lên, ra hiệu lệnh dừng chiếc xe của Đoàn 10. Khi xuống xe, người lái xe cầm theo một ống tuýp sắt tấn công người ra lệnh dừng xe. Không chấp nhận thói côn đồ, đồng chí Hoàng Quốc Việt chỉ đạo cảnh sát tạm giữ người lái xe, giao cho công an địa phương xử lý.

Một tuần sau, vào một buổi sáng, ô tô đưa đồng chí Hoàng Quốc Việt vừa tới cổng cơ quan thì một cô gái tuổi ngoài 20, gày gò, ốm yếu, bụng đang mang bầu, tay bế đứa con chừng hơn một tuổi, chặn xe lại, khóc lóc, van xin. Đồng chí Hoàng Quốc Việt xuống xe, hỏi han thân tình, thì ra đây là vợ anh lái xe của Đoàn 10, đến xin tha tội cho chồng. Suốt mấy ngày liền, đồng chí Hoàng Quốc Việt đăm chiêu suy nghĩ, mất ngủ. Giận người lái xe, nhưng thương cháu nhỏ, thương người vợ đang mang bầu, ốm yếu, tiều tụy. Cuối cùng, Đồng chí Hoàng Quốc Việt nói với thư ký: “Anh xuống Hải Phòng gặp Giám đốc Công an nói lại ý tôi là tha cho cậu lái xe đó. Giam hơn một tuần như vậy cũng đủ để cậu ta thấm thía. Anh hãy gặp trực tiếp và nói cho cậu lái xe ấy biết: Lẽ ra còn bị giam lâu hơn, nhưng thương vợ con nheo nhóc, nên được tha trước thời hạn”.

Một chuyện khác, vào đầu xuân năm 1970, ở Tây Bắc bọn phản động kích động đồng bào Mông chạy sang Bắc Lào. Để chống lại âm mưu của địch, thực hiện an dân, Trung ương cử đồng chí Hoàng Quốc Việt - người có uy tín lớn trong đồng bào các dân tộc - lên cùng lãnh đạo các tỉnh và các già làng, trưởng bản gặp gỡ, giải thích cho dân rõ ý đồ thâm độc của kẻ thù để người dân không tin và không theo chúng. Theo tục lệ của người dân địa phương, đón lãnh đạo Trung ương lên thăm, già làng, trưởng bản quyết định mổ một con trâu để tế Giàng và mời khách quý thử món tiết canh trâu. Lo cho sức khỏe của thủ trưởng, bác sĩ riêng đề nghị đồng chí Hoàng Quốc Việt không nên ăn. Ông bảo: “Tôi cũng là dân, dân ăn được thì mình cũng ăn được, không ăn thì còn “dân vận” cái gì”. Tối hôm đó, đồng chí Hoàng Quốc Việt hội ý với các cán bộ cùng đi, căn dặn: “Để đạt được yêu cầu đi dân nhớ, ở dân thương, thời kỳ kháng chiến chống Pháp bọn mình thường thực hiện ba cùng là cùng ăn, cùng ở, cùng làm. Tình hình bây giờ có khác song các cậu phải rèn luyện, phấn đấu để dân ăn gì, uống gì thì mình ăn được thứ đó, dân sống sao, mình sống vậy”. Lời khuyên chân tình ấy đã trở thành bài học thực tế, nhắc nhở anh em cán bộ giúp việc rèn luyện  cho mình phong cách ứng xử với người dân địa phương, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, phải tôn trọng phong tục, tập quán của bà con, sống chan hòa, gần gũi với đồng bào.

Năm 1976, chị Hồng là Huyện ủy viên kiêm Bí thư Đảng ủy xã T. N thuộc tỉnh Hà Sơn Bình (cũ) bị chồng đánh, gây thương tích, đầu quấn băng đến tận nhà đồng chí Hoàng Quốc Việt, nhờ can thiệp, giúp đỡ. Hiểu rõ nguyên nhân bị chồng hành hạ và có ý định ruồng bỏ, đồng chí Hoàng Quốc Việt trực tiếp đưa chị xuống Bệnh viện Việt Đức nhờ giáo sư Tôn Thất Tùng chữa trị và xác định tỷ lệ thương tật. Ngay ngày hôm sau, đồng chí Hoàng Quốc Việt lên gặp Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBHC tỉnh, Giám đốc Công an và Viện trưởng Viện KSND Hà Sơn Bình yêu cầu giải quyết sớm việc người chồng đánh vợ, nhưng đồng thời không làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình họ sau này. Hai năm sau (1978), đôi vợ chồng ấy bế đứa con trai 6 tháng tuổi nhờ người thư ký đưa đến chào bác Việt và xin cho cháu được làm cháu nội của bác… Hai vợ chồng chị đã coi đồng chí Hoàng Quốc Việt là ân nhân của gia đình. Sau khi ông mất, vợ chồng đưa ảnh ông lên bàn thờ gia đình, thường xuyên hương khói./.

                                                                                                                                                                                                                                                 TÂN HUYỀN