Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

NGÔI CHÙA VÀ NGƯỜI LIỆT SỸ
14:11 | 23/09/2022

Mẹ tôi gọi điện: Có giấy mời mẹ. Bà nội được phong bà mẹ Việt Nam anh hùng. Anh về, mai lên huyện, nhận thay mẹ.

Tôi thu xếp về ngay, mẹ con tôi mong đợi mấy chục năm rồi.

Nhà mẹ tôi - từ lâu đã chuyển ra mảnh đất cạnh ngã tư đường 28, gần chùa Thầm, nơi bố tôi mất năm xưa.

Tôi xếp đặt lại bàn thờ, lau chùi bộ ngũ sự, châm đèn, thắp hương, rồi lững thững ra chùa.

Chùa bị giặc Pháp phá nát ngay sau khi bố tôi hy sinh, sau được dân làng Đức Nhân gom góp xây dựng lại, vẫn nhỏ bé như xưa, vẫn dáng vẻ từ bi, chỉ con người là nhiều thăng trầm, biến cải. Chùa trở lên sầm uất. Tiếng chuông, tiếng mõ, khoan nhặt, âm vang như thức tỉnh lòng người. Mùi khói hương, mùi hoa thơm ngào ngạt.

Bố tôi yên phận trên Nghĩa trang Liệt sỹ, nhưng người đời truyền tụng: Hồn ông Đội trưởng Công an thiêng lắm, vẫn quanh đây... Hỏi Nhà sư, nhà sư bảo truyền thuyết là vậy. Có một người quí phái, trung nghĩa, vì dân, không may “Hùm thiêng sa hố” vẫn thân thiện với chùa”. Chỗ bố tôi nằm xuống, người làng Đức Nhân trồng lên một cây đề, nay đã to lắm, gốc rễ xù xì, thân cành u bướu y như người. Cành xanh, lá xoè rộng, xum xuê toả bóng. Gốc cây, một chiếc bàn thờ nhỏ xây gạch, một bình hương to, chân hương ắp đầy, chồng chất…

Sáng hôm sau, Chủ tịch xã gọi điện cho tôi: “Xã có xe đưa đón. Mời anh đi cùng chúng tôi”

Huyện làm lễ trao tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” xong, Chủ tịch xã Xuân Linh thân tình: “Mời các thân nhân… về trụ sở UBND xã, ta cùng chia sẻ niềm vinh dự này và ăn bữa cơm quê gặp mặt”.

Tiệc xong, Chủ tịch vui vẻ tiễn các gia đình, đến lượt tôi, ông thân tình: “Mời anh nán lại chơi, nói chuyện cho vui!”

“Vâng! Mấy khi…”

Chủ tịch chừng ngũ tuần, khuôn mặt giàu cảm xúc, tươi cười, chủ động: “Tôi nghe nói cụ nhà oanh liệt lắm, nhưng từ hồi chống Pháp tôi còn chưa đẻ... Anh có thể kể cho tôi nghe đôi điều”.

“Vâng! Cảm ơn anh! Bố tôi mất, đã ngoài hoa giáp, trường hợp khá bi hùng. Bố tôi là người con độc nhất của bà nội tôi. Nay bà được phong Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, song chắc chắn là điều bà chẳng bao giờ nghĩ tới. Và mẹ tôi - người cùng làng, hai ông bà được tiếng khen “Trai tài - gái sắc” cũng chẳng thể ngờ lại vĩnh biệt nhau sớm thế, mới ngoài hai mươi tuổi. Dạo ấy, vùng này địch kiểm soát gần hết. Sau này, tôi được nghe chú Dành, nguyên Xã đội phó hồi ấy kể lại: “Xã có một cái hầm bí mật ở chùa Thầm, anh Đông ở huyện về bảo: ở đấy có thể nhìn các ngả, bốn phía, dễ tạo bất ngờ, ta nằm đây được”. Nhưng có bọn chỉ điểm, nên từ sớm tinh mơ, bọn Tây, bốt Đậu đã vây bọc tứ phía, gọi đích danh: “Tên Đông. Mau ra hàng các quan, sẽ được sống” “Hỡi ông Đội trưởng Công an, ra hàng sẽ được trọng đãi!”

Tình thế vô cùng hiểm nguy. Anh Đông bàn: “Nhất định phải sống mái với chúng nó! Nhưng ít nhất phải một người chạy thoát. Tôi sẽ cầm chân nó, cho cậu chạy”. Thấy tôi do dự, anh dứt khoát: “Tôi bắn súng ngắn thạo hơn cậu. Nó vào mình tung lựu đạn, rồi cậu chạy, tôi yểm trợ”. Đúng lúc chúng ùa vào: “Bắt lấy chúng nó” “Bắt sống”. Anh khẽ giục: “Ném”. Chúng tôi nhanh tay ném lựu đạn. Những tiếng nổ đanh, gọn. Anh bắn cầm cự, mấy phát, rồi hất tay bảo tôi: “Rút”. Anh ném nốt quả lựu đạn. Tôi vùng chạy. Bọn chúng thương vong, hoảng sợ, kêu cứu, chẳng còn sức đâu đuổi tôi nữa. Tôi quay nhìn lại. Tiếng bọn lính hò nhau: “Tên Việt Minh chết rồi”. Tôi nhìn bốn phía, không thấy anh ra ngả nào. Thì ra viên đạn cuối cùng anh tự kết liễu. Không chịu sa vào tay giặc.

*     *

*

Mẹ tôi kể: Nghe tiếng súng nổ dữ dội ngoài chùa Thầm, ruột gan như lửa đốt. Một lát, chú Dành hớt hải chạy về: “Anh Đông! Anh Đông nguy rồi”. Mẹ lao ra, gặp người chạy lại: “Chị Hạt. Anh Đông chết!” “Hả. Gì cơ.” “Anh Đông ở ngoài chùa Thầm”. Mắt mẹ sầm tối, lịm dần, không còn biết gì nữa.

Khi im tiếng súng, mẹ chạy ra, một loạt súng nổ chát chúa, mẹ ngã ngào. Nhưng chúng bắn chỉ thiên. Chúng nham hiểm gài bẫy, giả vờ im ắng, hòng bắt thêm người của ta. Có tiếng chửi: “Mẹ kiếp, vợ nó”.

Mẹ chẳng còn biết sợ là gì. Chết thì thôi. Đã nhìn thấy ông ấy, mẹ nhanh chóng chạy đến, lấy vạt áo lau những vệt máu đang dính trên mặt ông, vuốt mắt cho ông. Cố kìm nước mắt. Khóc có ích gì, thấy mình khóc, nó càng lên nước.

Mẹ đòi: “Tôi mang xác về chôn” thằng Tây mũi lõ, tay chân lông lá, trợn cái mắt mèo, xì xồ. Thằng thông ngôn nói: “Lệnh quan đồn: Cứ để tên Việt Minh nằm đấy”. Nó giơ ra khẩu súng lục của ông: “Đây. Dám chống lại người Pháp”. Liên tiếp trong hai ngày, kẻ thù canh giữ xác ông. Chúng vô cùng cay cú. Lựu đạn và súng ngắn của các ông đã làm chết và bị thương mấy thằng giặc. Chúng trả thù cái xác và đe dọa những ai chống lại chúng.

Cũng liền hai đêm, mẹ bên ông. Mẹ cứ lặng lẽ trơ gan, khi ngồi, khi nằm bên xác ông, mặc cho trời đêm đen như mực, sương đêm lạnh toát, thấm ướt cả tóc ông, đầu ông. Mẹ tiếc đã không mang cái vỏ chăn ra đắp cho ông. Nước mắt lại trào ra. Mẹ gọi khẽ: “Anh ơi”. Mẹ gọi rồi lại nghe, lại khóc thầm. Nếu bọn lính canh giữ, đang trong chùa Thầm nghe được, hoặc chúng giết thì mẹ đi cùng ông.”

Bọn giặc bắn súng cầm canh, chuột đồng xục xạo kiếm mồi, chạy qua cả xác ông và mẹ. Màn đêm bao phủ như là che chắn thi thể ông. Trời sắp sáng. Sương sẽ tan.

Sáng ra mẹ đảo về nhà, nói với bà vài câu, ôm đứa con bé một lát, ăn vội bát cơm rồi lại ra cùng ông. Bỏ một mình ông sao được. Em tôi mới một tuổi, bà con cho bú mớm. May nó ngoan, cho “ăn” no là ngủ.

Sang ngày thứ ba, dân làng kéo ra đông. Một cụ già đi đầu: “Yêu cầu cho chôn người đã chết”. “Người chết, không chôn, tục lệ nước nào vậy”. Thằng giặc phải lùi phải chịu. Nhưng từ đêm đó, chúng bắn pháo vào khu vực chùa Thầm, phá bằng tan ngôi chùa. Ban ngày bốt Đậu tuần tra, quanh quất nơi này, vì các ông đã đánh lại chúng. Dân làng cùng anh em, đồng chí mang ông về, mai táng.

*     *

*

Công an huyện cho người đưa tôi lên đơn vị C535, dẫu tôi mới mười hai tuổi.

Khi chú Dành bảo: vừa đi tạm lánh, vừa rèn luyện, tôi hơi chần chừ: “Cháu còn bà cháu, mẹ cháu, em cháu… bố cháu còn ngoài kia! Mẹ tôi nghiêm giọng: “Con phải nghe lời mẹ. Nó sẽ giết con!”. Tôi đành đi theo các chú. Vào bộ đội, từ cơ thể, đầu óc, phải lớn lên sao cho kịp với mong đợi của các anh. Các anh động viên, an ủi, thử thách, rèn luyện, vài ba lần, thấy tôi nhanh nhẹn, không nan từ nguy hiểm, khen: “Đúng là con nhà nòi”.

Chú Dành được cấp trên điều lên bổ sung cho bộ đội địa phương. Tôi may mắn vẫn được ở cùng đại đội 535 với chú. Chú mới lên làm Tiểu đội trưởng, vài tháng sau làm Trung đội trưởng. Chú cháu gặp nhau luôn. Chú ôm tôi bảo: “Thằng này lớn nhanh thật. Rồi có phen chú cháu mình đi giã cái bốt Đậu”; “Thế hả chú”? “Đúng rồi”. “Cháu chỉ mong được đi đánh chúng nó”.

Chú Dành đoán đúng. Cuối năm ấy ta đánh bốt Đậu. Trung đoàn 98 chủ lực cho một đại đội phối hợp. Chú Dành nói nhỏ với tôi: “Trên quyết: chủ lực làm chủ công. Mình dự bị và dẫn đường”.

Quả nhiên chỉ mất mười chín phút, ta đã giải quyết xong bốt Đậu. Hai trung đội địch đóng giữ đi teo. C535 được lệnh: “Lùng sục những tên chạy trốn”. Bắt gần hết bọn chạy trốn. Tên sếp Ấu - ác ôn không thoát. Gọi là sếp, vì hắn làm sếp bốt làng Đồng. Khi ta đánh bốt Đồng, Ấu chạy thoát vào bốt Đậu. Ấu chính là tên chỉ điểm cho bốt Đậu vây chùa Thầm.

Chú Dành tìm gặp nó: “Sếp Ấu - tên chó săn” chú phang thẳng cánh một báng súng vào đầu nó, tên Ấu ngã lăn ra. Chú bảo với tôi: “Tao nện nó, lúc vắng Ban chỉ huy. Mày thôi. Ban chỉ huy còn khai thác. Và còn chính sách tù binh nữa...”. Tôi đành chỉ biết im lặng.

Bởi nỗi đau quặn thắt, Bà nội khóc nhiều, hai mắt sưng vù, mờ dần. Bà thương người con duy nhất, khôi ngô, tuấn tú, chết còn bị phơi nắng, phơi mưa, thi thể bấy nát, máu bết đầy người. “Ới ông trời ơi! Con tôi đi làm điều phúc đức…”. Mẹ ôm lấy bà.” “Thôi mẹ đừng khóc nữa. Mẹ ơi. Con khổ lắm”. Hai mẹ con cùng khóc. Bà teo tóp dần, rồi mất.

Dẫu đau đớn, nhưng dần dần sự trống vắng xâm chiếm cõi lòng. Đêm, mẹ gặp bố. Ông vẫn cao to, lồng lộng, nhưng sao máu chảy đầy mặt…lấy khăn lau. Bố cầm tay…Mẹ rụt tay lại, giật mình… là mơ… mơ. Có đêm thấy mùi hương thoang thoảng quanh nhà, lại như có tiếng gọi, lắng nghe, tiếng gọi mất hút vào đêm. Thấm thoát ông đi xa đã bảy năm.

Một ngày tôi về. Hôm ấy trời mát dịu, mây xanh đủng đỉnh trôi, chim én bay quanh, không gian thanh bình, êm ả, như khêu gợi lòng người nghĩ suy, thầm kín. Mẹ như vui, như buồn, như có điều gì day dứt, sâu thẳm, muốn chia sẻ cùng các con. Bà gọi anh em tôi lại gần: “Mẹ… Mẹ… Bà sa nước mắt, không nói nên lời.

Em tôi khẽ bảo tôi: “Mẹ yêu chú Dành”. 

Là con gái, nó nhạy cảm. Còn tôi lại hơi bất ngờ. 

Chú Dành - người bạn sinh tử của bố, sau hòa bình 1954 về phục viên, một bên chân khập khiễng. Rồi vợ chú không may bạo bệnh, qua đời, bỏ lại đứa con bé bỏng. Hai con người bất hạnh thương nhau. Nhưng mẹ tôi còn mẹ chồng già, con nhỏ, đang thờ cúng bố tôi, gánh nặng không ai thay thế. Em tôi có bận nghe được: “Thôi! Anh quên em đi” rồi mẹ khóc: “Em không nỡ. Em không thể!” Chú bối rối, rút khăn tay lau nước mắt cho mẹ, như cầu khẩn: “Thì anh. Anh sẽ dọn sang đây, cùng em!” Mẹ lắc đầu. Chú lại nói: “Anh thương em, không nỡ để em goá bụa suốt đời. Anh muốn trả ân, trả nghĩa anh Đông. Anh ấy mất đi, cho anh sống. Anh phải lo cho em và các con”. Mẹ lại mủi lòng, thương người nặng nghĩa, nặng tình, khao khát sẻ chia, nồng ấm. Còn chú Dành, ngoài tình nghĩa, còn điều chế ngự tâm hồn chú: Mẹ vẫn đẹp. Cái đẹp tự nhiên, không trang sức cầu kì. Cái đẹp của người phụ nữ vùng quê, từ xưa đã có câu:

Đi Sĩ Nhiếp nhìn Nho sinh thư thái

Về Xuân Linh ngắm con gái đẹp hiền

Nét đẹp - nhiều đau thương, vất vả, cũng không làm phai mờ, không ít kẻ ngắm nhìn ước vọng. Còn chú Dành - chú cũng đâu phải là thầy tu. Âu cũng là điều tự nhiên như nhiên của lẽ đời.

Em tôi mạnh dạn: “Con thương mẹ lắm. Nếu chú ấy thật lòng, lại cũng gần gặn, trong xóm làng. Mẹ bằng lòng đi”.

Tôi có lời “Mẹ không lo nghĩ nhiều. Ai chứ, chú ấy hẳn là người tốt. Con chỉ mong chú ấy sang cùng ở bên nhà mình”.

Mẹ tôi cười. Bà khẽ gật đầu, như bảo ý các con đã đúng.

Nước mắt mẹ lại rưng rưng “Các con thương mẹ. Mẹ cảm ơn các con”.

Bà đi bước nữa bởi tôi... tôi chỉ là con nuôi. Nếu tôi là con đẻ, hẳn sẽ không có chuyện này.

Ông bà đều là con của hai gia đình khá giả, lại hiếm con trai, nên xin con trai của người bạn thân về làm con nuôi.

Giống như bao người phụ nữ khác, mẹ tôi cũng bản năng thường tình. Đi bước nữa may ra được mụn con trai. Dẫu đứa con nuôi cũng là dòng dõi nhà Nho, danh giá, đang xứng đáng đứa con hiếu nghĩa. Nhưng lẽ đời, con trai, con gái, con nuôi mấy ai hòa đồng được, còn giống nòi, còn thiên hạ... 

 “Đi bước nữa” bà đã sinh cho chú Dành hai người con, nhưng lại toàn gái. Ông rắn rỏi: “Con nào chả là con”. Bà lại buồn thăm thẳm. Ước vọng không thành. Ước vọng từ lâu, khát khao, âm ỉ đến mức: Đi bước nữa. Đã không sinh được con trai lại gặp bất hạnh: Vết thương trong ông tái phát, không qua khỏi. Bà tan nát cõi lòng. Trời đổ mưa. Hạt mưa như quất vào lòng người. “Ới trời đất ơi! Sao thân tôi khổ đến nỗi này. Ới ông Dành ơi! Ông bỏ tôi ông ơi! h.ơ.i!

Ông mất vì vết thương tái phát, nên được phong liệt sỹ.

Lại liệt sỹ. Mẹ nuôi tôi thờ hai người chồng - hai liệt sỹ, thờ mẹ chồng - Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Ôi thân phận. Ôi cuộc đời...

*     *

*

Chủ tịch chăm chú nghe, luôn nhắc tôi “Anh nói tiếp đi”. Có lúc rút mùi xoa lau nước mắt. Anh xúc động thật sự. Anh bảo “Hiếm khi nghe câu chuyện, đau thương quá đỗi” anh rót nước đưa tôi: Nhưng ông hy sinh, thằng giặc phải trả giá đắt. Đời một con người lúc lâm nguy vẫn làm nên một trận đánh hay, kẻ thù phải trả giá. Trước nguy nan, ông vừa quả cảm, vừa mưu trí, tỏ rõ là những hành động anh hùng, đáng kính trọng. Song nỗi đau lại giành nhiều cho các mẹ (cho những người vợ). Lẽ đương nhiên là nỗi đau của cả non sông đất nước, nhưng sự chịu đựng, âm ỉ, nhức buốt, không ai bằng các mẹ. Và bà mẹ nuôi anh cũng lạ, đáng khâm phục: Liều thân canh xác chồng, chết thôi. Hỏi tiết nghĩa nào hơn. Tình vợ chồng sống thác bên nhau đến thằng giặc cũng phải kính nể.

“Vâng. Cũng may, trời cho mẹ tôi sức khoẻ”.

Chủ tịch nói: Ơn tổ tiên và Cụ Hồ nữa đấy. Anh xem: nhiều Mẹ Việt Nam Anh hùng, đau thương cùng cực, nhưng cực thọ. Mà có gì tẩm bổ! Nhiều vợ liệt sỹ cực nhọc trăm bề, đằng đẵng nỗi buồn lê thê, tê tái, vẫn khoẻ. Thế mới lạ. Xuân Linh đang chăm lo cho gần chục bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, hàng trăm Liệt sỹ, hàng trăm thương binh, mấy trăm người có công… Dù nhà nước có đãi ngộ, nhưng chưa bao giờ đủ, phải làm sao để con người ngày nay không bạc bẽo, không lãng quên con người ngày xưa - vì dân vì nước. Bạc bẽo và lãng quên là mang tội với người đã vì sự sống của muôn người, quên thân mình, mang tội với những người mẹ đã trao cho Tổ quốc những đứa con yêu. Từ ý nghĩ đến hành động, quê mình luôn tỏ rõ là nơi trân trọng đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” động viên được toàn dân tham gia “Đền ơn đáp nghĩa”, tỏ rõ là nơi quê biết xử sự khi giàu có vào tốp đầu của huyện”. Anh nói thêm: “Trong tương lai gần, huyện mình sẽ trở thành thị xã... và còn chung tay cùng toàn tỉnh tiến lên: Thành phố trực thuộc Trung ương nữa đấy...”.

“Vâng! Thế thì tuyệt vời”. 

Tôi thật sự cảm động trước một người lãnh đạo có tâm hồn trong sáng, hiểu biết sâu sắc lẽ đời, thấu hiểu những nỗi niềm xót xa, đau thương. Và khi vươn lên giầu sang, càng chăm lo, đền đáp công ơn của họ một cách xứng đáng.

Tôi đứng lên, thân tình bắt tay anh, cảm ơn và xin tạm biệt. Nhưng... anh  bảo: “Tôi đưa anh về”. Anh hồ hởi: Tôi muốn đến thăm cụ, người đã ba ngày, hai đêm lặng thầm giữ xác liệt sỹ, đối đầu với kẻ thù, người nêm chặt cuộc đời với hai liệt sỹ và Mẹ Việt Nam Anh hùng...”.

“Vâng! Cảm ơn anh. Anh tốt quá”.

Trên đường về, chúng tôi ngắm nhìn bốn phía, gần, xa đâu đâu cũng mướt mát xanh màu ngô lúa, đỏ tươi màu ngói của xóm làng, những khu nhà đồ sộ mái tôn, khung kính sừng sững các khu kinh tế, ao hồ mênh mông bao quanh - những lá phổi tự tạo, mặt nước lấp lánh như những tấm gương soi bóng người, xe qua lại rộn ràng, tấp nập… Và kia chùa Thầm nép mình bên “phố” Đức Nhân, nơi đọng dấu ấn đau thương nhất của mẹ nuôi tôi. Tiếng chuông, tiếng mõ âm vang sâu thẳm... Cây đề cạnh chùa xanh um, tỏa bóng như che chở nhân gian, như đang trò chuyện với người đã khuất... Như bảo qua đêm đen tất đến ngày rạng sáng, như khẳng định rằng trải đau thương để con cháu, chắt ngày nay được sống - một vùng quê phồn vinh, thịnh vượng, xanh, sạch, đẹp đang bừng sáng.

Mẹ nuôi tôi ra đón. Bà vô cùng cảm động khi Chủ tịch xã kính chào “Chúc cụ bách niên”. Tôi đặt tấm bằng đã lồng trong khung kính, viền vàng, chữ đỏ chói lọi: Bà mẹ Việt Nam Anh hùng lên bàn thờ, đưa bà lên làm lễ…

 
 
 
                                                                                                                                                                                                            HOÀNG TIẾN