Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

NGÀY BÌNH YÊN TRÊN QUÊ HƯƠNG TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN VĂN CỪ
16:36 | 21/07/2022

Đầu tiết hạ chí - giữa hè, chúng tôi về Phù Khê thăm khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Nắng chói chang gay gắt, chỉ các loài hoa mùa hè là bung nở rực rỡ như thách thức nắng nóng. Bằng lăng tím và phượng hồng vừa tàn rụng, thay vào đó là sắc đỏ rải kín mặt đất mỗi sáng của lộc vừng, lộng lẫy trên cao là màu vàng của hoa hoàng yến. Càng nắng nóng, hoa càng nở nhiều và thắm sắc.

Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ được xây dựng trên khu đất rộng hơn 5.000m2, trước kia đất này là của gia đình đồng chí. Hiện thuộc khu phố Phù Khê Thượng, phường Phù Khê, thành phố Từ Sơn. Trong dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (9/7/1912 - 9/7/2012), Khu lưu niệm đã được trùng tu, xây dựng gồm các hạng mục chính: Tượng đài; Nhà trưng bày thân thế sự nghiệp cách mạng đồng chí Nguyễn Văn Cừ; Nhà lưu niệm gốc; Nhà khách; Hội trường… Trước mặt khu lưu niệm là hồ bán nguyệt và công viên cây xanh, tạo cảnh quan đẹp và thoáng mát. Những năm qua, Khu lưu niệm vẫn tiếp tục được tu bổ, mở rộng và bổ sung nhiều tài liệu, hiện vật quý.

  Ngay đường vào, chúng tôi thấy cảnh lao động khẩn trương của các đơn vị đang thi công cải tạo, chỉnh trang Khu lưu niệm. Phía trước hồ bán nguyệt, việc thi công cải tạo công viên Nguyễn Văn Cừ đã gần hoàn thiện, công nhân đang ốp lát phần nền lối đi. Trong khuôn viên Khu lưu niệm, các nữ công nhân Công ty Môi trường đô thị thành phố Từ Sơn trồng hoa cây cảnh và thảm cỏ trang trí. Khu vực nhà trưng bày cũng là cảnh tất bật của thợ mộc, thợ sơn…  Tất cả để kịp ngày đại lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, và sẵn sàng đón các đoàn khách về thăm viếng, tìm hiểu lịch sử.

Ông Nguyễn Văn Luyện, Phó Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh cho biết: Dự án chỉnh trang, sửa chữa Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư dự kiến hoàn tất vào 30/6. Đã mở rộng thêm mặt bằng hơn 300m2 để trồng cây xanh, tạo khuôn viên trong khu lưu niệm Cùng với đó là chỉnh trang, sơn sửa, chống thấm, cải tạo, thay thế một số hạng mục xuống cấp khác của nhà trưng bày. Ngoài ra, hàng cau vua hai bên tượng đài đồng chí Nguyễn Văn Cừ cũng được thay bằng cây tùng bách tán để phù hợp với không gian.

Tượng đài Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ ở vị trí trung tâm Khu lưu niệm. Tượng được làm bằng đồng nguyên chất, cao hơn 4m, nặng khoảng hơn 5 tấn. Tượng Tổng Bí thư dáng vẻ hiên ngang, bất khuất, trên tay cầm cuốn sách biểu tượng cho trí tuệ, cũng là tác phẩm “Tự chỉ trích” bất hủ. Phía sau Tượng đài là Nhà trưng bày với hàng trăm tài liệu, hiện vật quý giới thiệu toàn bộ thân thế sự nghiệp và quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí.

Đặc biệt nhất trong khu lưu niệm là ngôi nhà lưu niệm gốc, nơi ghi dấu đầy ắp kỷ niệm thời thơ ấu của đồng chí Nguyễn Văn Cừ. Ngôi nhà lá này là nơi chào đời, nuôi dưỡng và hình thành nhân cách của một trong những nhà lãnh đạo trẻ tuổi đầy tài năng của Đảng và Cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc. Ngôi nhà cũng là một trong những địa điểm qua lại hoạt động của các lãnh tụ phong trào nông dân Yên Thế và các yếu nhân của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục năm xưa.

Chị Nguyễn Thị Hạnh - cán bộ phòng Quản lý di tích thuộc Ban Quản lý di tích tỉnh, giới thiệu với chúng tôi: Năm 1976, Đảng và Nhà nước ta đã phục dựng lại ngôi nhà tranh 5 gian, dài 10m, rộng 4m được làm hoàn toàn bằng tre ngâm, phên vách, mái lợp lá cọ. Gian giữa nhà là ban thờ tổ tiên, thân phụ thân mẫu đồng chí Nguyễn Văn Cừ. Trên cùng là bức hoành phi đề 2 chữ “Trí Thành” do chính tay cụ Đồ Quán viết để lại, có nghĩa là: Con người phải có ý chí, có quyết tâm nhưng cũng cần phải có tri thức, có hiểu biết thì mới thành công được. Ở gian buồng bên trái là nơi đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã cất tiếng khóc chào đời vào ngày 9/7/1912. Gian buồng bên phải là nơi đặt cối xay, cối giã, nia sàng cùng các đồ dùng vật dụng khác như chạn bát, đôi quang thúng hàng xén của cụ Khuyến - thân mẫu đồng chí Nguyễn Văn Cừ. Ngôi nhà còn lưu giữ một số hiện vật sinh hoạt, sản xuất của gia đình như: Khung cửi, chõng tre, phản gỗ, thùng đựng thóc, quang gánh… Đặc biệt, có hai hiện vật gốc quý giá còn lưu giữ được là chiếc phản gỗ và chiếc hòm cáng là những kỷ vật gắn bó thân thiết tuổi thơ của đồng chí Nguyễn Văn Cừ. Ngôi nhà lá nằm kề khu vườn cây ăn quả, phía trước có rặng tre, hàng cau gợi không gian điển hình làng quê Bắc bộ êm đềm, giản dị, thân thiết.

Người hàng ngày trông coi, gắn bó với khu lưu niệm và ngôi nhà này là ông Nguyễn Tiến Đăng, nguyên cán bộ phòng bảo vệ chính trị, Công an tỉnh, ông là hậu duệ đời thứ 18 dòng họ Nguyễn (đồng chí Nguyễn Văn Cừ đời thứ 17). Ông Đăng kể: Từ  khi nghỉ hưu ông về tham gia công tác bảo vệ, hàng ngày quét dọn, nhổ cỏ, chăm sóc cây cối quanh nhà lưu niệm cũng thấy vui. Nhất là luôn được đón tiếp các đoàn khách của Trung ương, của các tỉnh về thăm viếng. Hàng tuần còn có học sinh trường THCS Nguyễn Văn Cừ cùng đến tham gia lao động; có cả một trường THPT mang tên Tổng Bí thư ở Gia Lâm (Hà Nội) kết nghĩa với khu lưu niệm từ hàng chục năm nay. Chứng kiến các thế hệ học sinh lần lượt trưởng thành, quê hương ngày một đổi mới tươi đẹp, thật sự là hạnh phúc.

Cảm giác hạnh phúc như ông Đăng chúng tôi cũng nhận thấy qua tâm sự của bà Nguyễn Thị Hải, 61 tuổi, công nhân công ty Môi trường đô thị thành phố Từ Sơn. Bà Hải đang trồng và chăm sóc hoa, cây cảnh ở khu vực công viên Nguyễn Văn Cừ. Bà Hải giãi bày: Làm công nhân ở công ty tuy thu nhập không cao, nhưng một người đã lớn tuổi mà vẫn có được việc làm phù hợp với sức khỏe, lại phục vụ cho chính quê hương thêm đẹp lên mỗi ngày là thấy vui, hài lòng với cuộc sống. Được như thế cũng là nhờ có Đảng, có Nhà nước, có công gây dựng của những tiền bối cách mạng như cụ Cừ đây.

Sự lan tỏa của niềm vui, tạo cảm hứng tích cực còn được thấy từ câu chuyện của các nữ cán bộ Ban Quản lý di tích tỉnh. Họ mới nhận nhiệm vụ về tăng cường làm việc tại Khu lưu niệm. Các chị kể: Bạn bè và người thân hỏi thăm, chia sẻ vì đang ở môi trường thành phố rất tiện nghi hiện đại, nay về vùng quê này có dễ bắt nhịp? Ôi, một không gian sống xinh đẹp như này là mơ ước của nhiều người thành phố! Công việc đang lúc bận rộn quá, hôm nào thư thả, chị em ăn diện đẹp đón khách thăm quan, nhà báo chụp giúp vài tấm hình, để chị em khoe lên mạng xã hội, chắc có nhiều người muốn về check-in.

Đúng là sẽ nhiều người muốn về đây, về để sống với cái không khí hào hùng của cuộc đấu tranh cách mạng dựng nước. Khu di tích lưu niệm đồng chí Nguyễn Văn Cừ đang dần trở thành một phức hợp di tích lịch sử - văn hóa, đáp ứng các nhu cầu về vật chất lẫn tinh thần phục vụ du khách, đoàn tham quan học tập. Khu di tích không chỉ là nơi minh chứng cho nơi nuôi dưỡng, bước đầu hình thành nhân cách, lòng yêu nước của một người chiến sĩ cộng sản kiên trung, hết mình vì phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc mà còn là điểm du lịch hấp dẫn, nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Trong cái chói chang gay gắt của nắng giữa hè, hàng tre và cau trước ngôi nhà lá đu đưa nhè nhẹ. Những trái bưởi, trái na ngoài vườn dần xanh bóng. Hoa hoàng yến ngoài khuôn viên vẫn lộng lẫy một màu vàng. Và nổi bật là bức tượng Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, chất liệu đồng chiếu phản quang từ ánh mặt trời, cuốn sách trên tay tượng cũng như được viền ánh sáng./. 

 
                                                                                                                                                                                                            BĂNG HUYỀN