Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

Một ngày hai lần được gặp Bác Hồ - Hai bài học cho mỗi cán bộ, đảng viên
16:36 | 25/05/2022

 Sáng ngày 19/05/1954, chúng tôi gồm 5 anh em đều là những chiến sĩ xuất sắc của các đơn vị đã từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ được vinh dự gặp Bác Hồ. Tôi nhớ rất rõ sáng hôm ấy, Bác mặc bộ quần áo kaki đã bạc màu cùng với các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đang đứng dưới tán lá cây cổ thụ xum xuê. Tôi mừng quá, vì lần đầu tiên trong đời được gặp Bác, tôi định chạy tắt đường lên để được ôm chầm lấy Bác, nhưng Người đã nhanh tay ra hiệu cho chúng tôi đi đúng đường và tươi cười nói:

- Không được! Không được! Các chú phải đi đúng đường chứ.

Chúng tôi quây quần bên Bác, sung sướng như những đứa con lâu ngày mới được gặp Cha, quên hết mọi lễ nghi và những điều đã được chuẩn bị từ mấy hôm trước. Thấy vậy, Bác nhắc:

- Nào! Các chú ngồi cả xuống đây, ngồi lại gần đây với Bác!

Sau khi nghe chúng tôi lần lượt báo cáo thành tích trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ, Bác rất vui và lại nhắc:

- Các chú phải cười lên chứ! Cười lên để còn quay phim, chụp ảnh mà..

Thấy chúng tôi còn ngượng ngập trước ống kính của đạo diễn điện ảnh Các - men, Bác nói vui:

- Chú nào cười trước, Bác sẽ lấy vợ trước cho!

Chúng tôi vẫn chưa dám cười to, Bác lại nói:

- Chú nào cười to, Bác cho lấy vợ đẹp!

Thế là tất cả chúng tôi cùng cười thật to, Bác cũng cười và nụ cười của Bác rạng rỡ như xóa hết những nỗi ưu tư trên vầng trán rộng mênh mông của Người, rồi Bác ôn tồn nói:

- Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác rất vui vì các chú đã giành thắng lợi ở Điện Biên Phủ. Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Bác khen ngợi toàn thể cán bộ, chiến sĩ ở mặt trận. Các chú đã lập công, nhưng chớ vì thắng lợi mà kiêu căng, tự mãn, chủ quan, khinh địch, phải luôn luôn sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng và Chính phủ giao cho.

Ngừng một lát, Bác nói tiếp:

- Trước chiến dịch, Bác và Chính phủ có hứa sẽ thưởng Huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” cho tất cả các chú đã tham gia chiến dịch. Bây giờ quân ta đã thắng, Bác thưởng mỗi chú một Huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” và một Huy hiệu của Bác, các chú có phấn khởi không?

 Chúng tôi đồng thanh trả lời:

 - Thưa Bác! Chúng cháu phấn khởi lắm ạ!

Bác đứng dậy lấy Huy hiệu, còn chúng tôi thì đứng nghiêm chờ đợi. Trong số các anh em được Bác thưởng Huy hiệu, có lẽ tôi là người đứng gần Bác nhất nên đã được Bác gắn Huy hiệu trước. Thoáng nhìn mái tóc bạc và hơi thở của Người tôi thấy Bác vô cùng gần gũi, tim tôi đập dồn dập khi bàn tay của Người gắn tấm Huy hiệu mang hình ảnh của Người lên ngực áo của mình. Tôi cứ đứng ngây ra, thấy vậy Bác nhắc:

- Chú Vinh chào đi chứ!

Tôi vội vàng làm theo lời Bác, các đồng chí đứng ở trong hàng cũng làm theo, nhưng động tác chào của tôi chậm nhất và có lẽ vụng về nhất. Lý do thật đơn giản vì sau hai năm nhập ngũ tôi đã được học chào khi nào đâu, chỉ nhìn các đồng chí cấp trên chào nhau rồi bắt chước.

Sau khi gắn xong Huy hiệu cho chúng tôi, Bác nói:

- Bác và các đồng chí Trung ương rất bận, các chú cũng còn phải làm việc, vì vậy cho Bác gửi lời hỏi thăm sức khỏe các cô, các chú thương binh, cán bộ, chiến sĩ ngoài mặt trận. Chú nào đạt được nhiều thành tích, Bác sẽ khen thưởng tiếp!

Bác tạm biệt chúng tôi trong nỗi niềm bâng khuâng da diết. Chúng tôi về phòng nghỉ, riêng tôi lần đầu được gặp Bác, tôi cứ đinh ninh mãi lời dạy của Bác là: Chiến thắng nhưng không được chủ quan khinh dịch, đó cũng là bài học của mỗi người chiến sĩ.

Buổi chiều hôm ấy, trong lúc chúng tôi đang nghỉ thì một tin vui nữa lại đến: Bác mời anh em chúng tôi dự tiệc mừng chiến thắng và sinh nhật lần thứ 64 của Người.

Cả hội trường vang lên những tràng pháo tay không ngớt khi Bác Hồ xuất hiện. Bác giơ tay đáp lại và ra hiệu cho mọi người ngồi xuống. Sau khi mới khách nước ngoài cùng ngồi với Bác, đột nhiên Bác hỏi:

- Chú Vinh! Chú Vinh có ở đây không?

Nhìn khắp lượt hội trường, Bác lại hỏi:

- Chú Vinh bắt tướng Đờ - Cát có ở đây không?

Vì quá bất ngờ, tôi lúng túng, tim đập mạnh và chưa kịp đứng dậy thì đồng chí cán bộ phụ trách anh em chúng tôi vỗ vai tôi giục:

- Kìa Bác gọi! Chú Vinh thưa lên đi chứ!

Tôi run run đứng dậy và Bác lại gọi:

- Lên đây! Chú lên đây với Bác!

Tôi bước đến bên Bác mà trong lòng hồi hộp, Bác chỉ tay vào chiếc ghế bên phải nói:

- Chú ngồi đây ăn cơm với Bác!

Vậy là tôi được ngồi sát bên Bác, đối diện với các vị khách nước ngoài. Bác giới thiệu tôi với họ bằng tiếng nước ngoài, tuy không hiểu nhưng tôi thấy họ nhìn tôi với ánh mắt khâm phục.

Bữa cơm hôm ấy có thịt gà, cá nấu, cơm trắng cùng một số món ăn Châu Âu mà tôi không rõ. Ngồi bên Bác lúng túng không biết nên gắp thức ăn gì trước, thấy vậy Bác gắp ngay cho tôi một miếng thịt gà và giục:

 - Chú cứ ăn tự nhiên đi chứ!

Vừa ăn cơm, Bác vừa quay sang tôi hỏi chuyện:

- Gia đình chú được đông anh em không?

- Thưa Bác, gia đình cháu có 7 anh em ạ!

- Thế chú là thứ mấy?

- Dạ thưa Bác cháu là thứ 3 ạ!

Bác còn hỏi thăm cả bố mẹ và sự học hành của tôi. Biết tôi mới học hết lớp 3, Bác khuyên:

- Chú còn trẻ, có điều kiện, thời gian, nên cố gắng mà học, có học mới tiến bộ được!

Bác còn hỏi thăm rất kỹ hoàn cảnh của gia đình tôi, gắp thêm thức ăn cho tôi và nhắc tôi khi ăn cơm phải vét gọn, vét hết những hạt cơm còn dính lại trong bát, không được để cho cơm vãi, cơm rơi!

Tôi tự hiểu rằng: Bác nói vậy là có ý nhắc nhở tôi hãy biết trân trọng những giọt mồ hôi mà người nông dân đã đổ xuống để có được những hạt cơm trắng hôm nay. Đó cũng là bài học về sự tiết kiệm và lòng trân trọng, biết ơn đối với những thành quả lao động của người nông dân một nắng, hai sương.

Trong cuộc đời mình đã có lần vinh dự chỉ trong một ngày mà được hai lần gặp Bác Hồ, mỗi lần đều để lại trong tôi những bài học không bao giờ có thể quên được, những lời dạy của Bác như vẫn còn mới hôm qua./.

(Ghi theo lời kể của Chiến sĩ Hoàng Đăng Vinh, Người bắt sống tướng Đờ - Cát năm xưa).

 

                                                                                                                                                                                                               TRẦN VỌNG