Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

MUÔN VÀN TÌNH THÂN YÊU CỦA BÁC HỒ ĐỐI VỚI PHỤ NỮ VIỆT NAM
16:08 | 15/03/2022

 Phụ nữ Việt Nam đến nay vẫn chiếm hơn một nửa dân số cả nước, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm sóc với muôn vàn tình thân yêu của Người đối với phụ nữ Việt Nam. Đánh giá vị trí, vai trò của người phụ nữa đồng thời chỉ rõ mục tiêu xây dựng Chủ nghĩa xã hội (CNXH) thì phải thật sự giải phóng phụ nữ, Người viết: “Phụ nữ chiếm một nửa tổng số nhân dân. Để xây dựng CNXH thì phải thật sự giải phóng phụ nữ và tôn trọng quyền lợi của phụ nữ”(1).

Nước ta đang còn là một nước nông nghiệp chuyển mình để công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo đã giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Phụ nữ Việt Nam từ ngày có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo mới thật sự được bình đẳng, thật sự được giải phóng. Khi nói về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã nêu rõ chính sách nam nữ bình đẳng. Hiến pháp ta đã xác định chính sách đó. Trong mọi việc, Đảng và Chính phủ ta luôn luôn quan tâm giúp đỡ phụ nữ”(2).

Được Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm, giúp đỡ; vậy người phụ nữ phải làm gì và làm thế nào để xứng đáng với sự quan tâm và tin cậy đó? Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ân cần căn dặn, giao nhiệm vụ cho phụ nữ nước nhà: “Chị em phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị người làm chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà: phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm tròn nghĩa vụ mới của mình là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng CNXH”(3).

Truyền thống lịch sử của phụ nữ Việt Nam rất huy hoàng, tài năng và cống hiến của phụ nữ đã được khẳng định qua những chặng đường phát triển của lịch sử. Từ Hai Bà Trưng, Bà Triệu trước đây đến Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Chiên, Nguyễn Thị Định, Mẹ Suốt, Chị Út Tịch... sau này, đều là những tấm gương tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam. Đánh giá về công lao của phụ nữ đồng thời mong muốn phụ nữ có nhiều đóng góp cho cách mạng nước nhà, Bác viết: “Từ trước đến nay phụ nữ Việt Nam ta đã có nhiều đóng góp cho cách mạng, phụ nữ ta rất đáng kính, phụ nữ ta có rất nhiều tiến bộ. Nhưng Đảng, Chính phủ và Bác còn mong phụ nữ tiến bộ hơn nữa. Hiện nay, trong các ngành, số phụ nữ tham gia còn ít. Đảng và Chính phủ rất hoan nghênh, sẵn sàng cất nhắc và giao cho phụ nữ những chức trách quan trọng”(4).

Hiện nay, trong toàn Đảng số đảng viên nữ chiếm chưa đến 20%, cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ ở các cấp, các ngành chỉ khoảng trên dưới 10%. Có nhiều nguyên nhân nhưng một nguyên nhân rất quan trọng là do chịu ảnh hưởng tiêu cực của hệ tư tưởng phong kiến còn ẩn sâu trong mỗi con người bộc lộ không chỉ khi đề bạt nữ vào các chức vụ cao mà cả trong quá trình phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Giải phóng người đàn bà, đồng thời phải tiêu diệt tư tưởng phong kiến, tư tưởng tư sản trong người đàn ông”(5).

Để động viên, khích lệ đội ngũ cán bộ nữ và giao trách nhiệm cho các đoàn thể, cơ quan phụ nữ phải có trách nhiệm dìu dắt, giúp đỡ chị em phụ nữ, Người chỉ rõ: “Cán bộ phụ nữ cần cố gắng hơn nữa, đoàn thể phụ nữ, cơ quan phụ trách cần chú ý dìu dắt, giúp đỡ hơn nữa để nhiều chị em có thể thay cho nam giới trong công việc”(6).

Ngày nay, phụ nữ được bình đẳng, lại được học hành như nam giới, do vậy đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà. Vì vậy, mỗi phụ nữ càng phải nhận rõ vai trò, trách nhiệm của mình, kiên quyết khắc phục và cần loại bỏ hoàn toàn tâm lý tự ti, ỷ lại. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Mỗi một người và tất cả phụ nữ phải hăng hái nhận lấy trách nhiệm của người làm chủ đất nước, tức là phải ra sức thi đua tăng gia, sản xuất và thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, xây dựng CNXH. Muốn làm tròn nhiệm vụ vẻ vang đó, phụ nữ ta phải xóa bỏ cái tâm lý tự ty và ỷ lại, phải có ý chí tự cường, tự lập, phải nâng cao lên mãi trình độ chính trị, văn hóa, kỹ thuật”(7).

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người đàn ông phải luôn luôn biết coi trọng phụ nữ, phải thực hiện nam nữ bình đẳng, từ việc lớn đến việc nhỏ. Người luôn luôn phê bình những nam giới về tội đánh vợ và coi đó là một biểu hiện thô lỗ nhất của sự bất bình đẳng giữa nam và nữ.

Có thể nói rằng, trong mọi hoàn cảnh, mọi công việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cập đến lực lượng phụ nữ và vai trò to lớn của phụ nữ. Trong bất cứ thời kỳ nào, nhiệm vụ nào của dân tộc, lĩnh vực nào của đời sống xã hội, phụ nữ Việt Nam đều có sự cống hiến, hy sinh rất lớn lao. Vì những lẽ đó, Người đã tặng cho phụ nữ Việt Nam 8 chữ vàng “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa 53 năm nhưng muôn vàn tình thương yêu của Người dành cho phụ nữ Việt Nam vẫn luôn sống mãi trong mỗi chúng ta./.

 

* Chú thích

(1),(2),(3),(4),(7): Hồ Chí Minh Toàn tập - Tập 10.  NXB CTQG 1996 - Trang 86,225,294,295,296.

(5): Hồ Chí Minh Toàn tập - Tập 09 - Trang 524.

(6): Hồ Chí Minh Toàn tập - Tập 08 - Trang 172.

                                                                                                                                                                                          TRẦN VỌNG